Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những Bà Con Họ Hàng Của Chúng Ta! (*)

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật XIX TN (Năm B): Ga 6, 41–51

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 02.08.2009 đăng bài viết của Hà Thanh: “SHISHA – ‘phê’ là hút”. Đó là một thứ thuốc được hút và phà khói như thuốc lào của người Việt, nhưng qua hệ thống lọc cầu kỳ, thường thấy trong phim ảnh các nước Ấn Độ, Ả Rập, cho nên nhiều người thuận miệng gọi đó là ‘thuốc lào Trung Đông’. Chưa ai biết thành phần của loại thuốc hút đủ màu, đủ mùi nầy là gì và tác động gây nghiện nó ra sao, nhưng với đầu óc sùng ngoại, giới trẻ Hà Nội đã mau chóng du nhập và mê mẫn với loại hút hít mới và gây ‘phê’ nầy. Cha ông ta có một hình ảnh ví von rất chính xác: bắt chước như…khỉ! Vì quả thật, hôm nay chúng ta muốn dành thời giờ để nhìn lại hai loại họ hàng ‘gần gũi’ của chúng ta: một loại ‘họ hàng’ xét về mặt sinh vật học, người ta gọi là tinh tinh (chimpanzee); loại thứ hai là những ‘họ hàng’ xét về mặt thiêng liêng, mà mọi sự trong ngoài đều y hệt Kitô hữu, nhưng như cách diễn tả của người Miền Tây: nói vậy mà không phải vậy. Ít ra thì có thể đưa ra kết luận thứ nhất: cả hai đều có tài bắt chước!

Phần kết của bộ sách nỗi tiếng “Tây Du Ký” của Ngô-Thừa-Ân đáng để suy nghĩ: sau khi vượt qua 81 nạn kiếp trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không cũng được thành ‘Phật’, nhưng hình hài thì vẫn là của một chú khỉ. Đây mới là căn cơ của tiến hoá: hình hài đẹp đẽ của Đường Tăng hay hình dáng xấu xí quái dị của Trư Bát Giới, Xa-Tăng và Tôn Ngộ Không chẳng quan trọng nữa. Sự giác ngộ làm con người thay đổi nội tâm, chứ không phải (và không cần) thay đổi bề ngoài. ‘Ép’ cho khỉ thành người: đó chỉ là âm mưu vô thần!

So ra thì Kitô-hữu vẫn là những người dễ chịu nhất, ai nói gì cũng mặc, ai lăng nhục thế nào cũng làm ngơ, vì nếu nói ‘con người từ khỉ mà ra’ với người Do Thái, người nói ít nhất cũng bị mắng nhiếc, xua đuổi; còn nói những lời nầy với người Hồi giáo, trên đất Hồi giáo, thì khó mà nhìn thấy lại người nói còn nguyên vẹn, an toàn. Ngày 29.07.2009, chỉ một lời hàm ý về vũ trụ giống cái nhìn của Teilhard de Chardin, mà nhiều người đã đặt câu hỏi phải chăng Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI mở cánh cửa cho vị linh mục Dòng Tên là nhà khảo cổ kiêm sinh vật học nỗi danh? Cha Marc Leclerc, - mà chúng ta mượn tựa đề và xem xét những nhận định của ngài trong bài phỏng vấn “men and their cousins” (con người và những họ hàng)- khẳng định: “chúng ta khác với tinh tinh. Chúng có họ hàng với chúng ta, có khả năng cùng chung tổ tiên, nhưng không phải là tổ tiên chúng ta”. Vị linh mục Dòng Tên nầy hết sức vất vả để giải thích về thời điểm xuất hiện linh hồn con người, để có được những kết luận, mà ngài biết mười mươi rằng không phải ai cũng tán thành.

Khỉ thì vẫn là khỉ. Chứng minh tinh tinh không phải là tổ tông loài người, thì nào khó gì. Báo chí Việt-Nam tuần nầy đưa tin về một người cha, đã hy sinh để các bác sĩ lóc da mình đắp cho cô con gái tuổi mười tám bị bỏng nặng (Tuổi Trẻ 02.08.2009, trg 18). Người ta hiến máu, hiến giác mạc, hiến các nội tạng (kể cả các chi) để cứu sống đồng loại. Thử hỏi những người ‘họ hàng’ tinh tinh và mọi loài linh trưởng lớn bé, giúp gì được cho con người? Không có bất cứ bộ phận trong ngoài nào nơi loài linh trưởng có thể sử dụng cho con người. Khi cần kíp, người ta phải nhờ vả đến một loài không có một tương quan, tương đồng hoặc liên hệ gì với loài người: heo! Xét về mặt sinh vật học, so với khỉ, thì chú heo có thể ví như “người Samaritanô nhân hậu” đối với con người. Ai còn nhận tinh tinh là ‘họ hàng’ chứ? Cần gì phải những cuốn sách như “Le Seuil Infranchissable” (cái ngưỡng cửa không thể vượt qua) của Teilhard de Chardin hay “Le Singe Nu”(con khỉ trần truồng) của Desmond Morris, để chứng minh con người có thể cùng tổ tông với khỉ, nhưng phải có sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa để có linh hồn, vốn là cái ngưỡng không thể tự sức vượt qua, tự nhiên mà có. Rất may cho linh mục Marc Leclerc khi ngài kết luận: “Kinh Thánh không dạy ta thiên đàng vận hành thế nào, nhưng dạy ta làm sao để vào được thiên đàng” (Marc Leclerc, Men and Their Cousins).

Desmond Morris trong cuốn Le Singe Nu (con khỉ trần truồng) nói rằng trên thế giới có 93 loài khỉ, trong đó có một loài không lông lá như 92 loài kia. Ông đặt vấn đề vì sao có những biến đổi ‘gien’ để loài ‘trần truồng’ấy thành con người, trong khi 92 loài với vô số cá thể đông đảo còn lại kia, cùng những môi trường sống, cùng những sinh hoạt hoàn toàn giống nhau, lại không hề mảy may biến đổi qua hàng triệu năm và vẫn sẽ như thế hàng triệu năm tới? ‘Họ hàng’ không thể chỉ khác về diện mạo. ‘Họ hàng’ không thể chỉ là gần xa theo phả hệ. Người ta nói: “Hai người Công giáo ở hai châu lục vẫn gần nhau hơn hai anh em ruột không có đạo”. Đó là vì mối liên kết họ hàng đích thực qua và trong Lời - Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Ta (Ga 6,45) - và Bánh - Ai ăn bánh này, [chính là Thịt Ta] sẽ được sống muôn đời (Ga 6,50). Lời và Thịt Máu Chúa Kitô làm cho tất cả những ai đón nhận được nhất loạt biến đổi ‘gien - thần linh’, trở nên giống Chúa và vì thế đống nhất với nhau và có ‘họ hàng máu mủ’ với nhau. Và chúng ta lại nghe ‘lập lại’ lời của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?" (Ga 6,42). Diện mạo, lý lịch không có bất cứ thay đổi nào. Còn lại là sống thế nào để trả lời thoả đáng thắc mắc của người đời: ‘từ trời xuống’ (Ga 6,42).

Cuộc đời mỗi Kitô-hữu là để trả lời không chỉ với Chúa, mà với mọi người và cả với chính bản thân, câu thắc mắc ấy. Không thể thoái thác nhiệm vụ nầy, vì đơn thuần câu trả lời thoả đáng của chúng ta cũng chính là cuộc sống đức tin và sự cứu độ của mỗi Kitô hữu: sống đức tin Kitô giáo chính là làm chứng nhân cho Chúa và truyền rao Tin Mừng. Thiếu một trong hai thành phần ấy, Kitô-hữu không được chấp nhận, không thể giúpvực dậy và thánh hoá (tạo mối liên kết ‘họ hàng’) con người, xã hội đang chìm ngập trong tha hoá, đánh mất ý thức ‘người với người’ qua những hành động bạo lực và phi nhân tính, đánh mất nhân phẩm bằng việc làm nô lệ cho dục vọng đê hèn. Những chống đối, phỉ báng, gây hấn,bách hại đối với các Kitô-hữu cũng là những hình thức đòi hỏi câu trả lời từ các Kitô- hữu: ‘từ trời xuống”. Câu trả lời đầy đau thương, nước mắt và máu – như đang xảy ra khắp nơi,cả ngay chính trên quê hương Việt-Nam – đang chờ đợi chúng ta. Đấu tranh vì Công Lý và Hoà Bình, đấu tranh vì nhân quyền và nhân phẩm, nhưng phải giữ tinh thần ‘từ trời xuống”, để khi tàn cuộc, chúng ta không mất đi anh em nào, trái lại có thêm nhiều ‘họ hàng’ trong Tình Thương và Chân Lý. Họ không phải là khỉ và không phải do khỉ mà ra (dù một số đinh ninh như thế). Họ đang mê muội và mù loà vì lợi ích vật chất hơn là do ý thức hệ vô thần. Họ đang bị Satan lợi dụng và biến họ thành ‘họ hàng’ với y. Bổn phận chúng ta là phải đưa họ về trong ‘linh tộc - Nước Trời’, bằng chính tư tưởng - lời nói - việc làm của chúng ta.

Bao lâu chưa trả lời đầy đủ câu hỏi mà người Do Thái đặt ra về Chúa Giêsu và về Kitô hữu: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?" (Ga 6,42), là chúng ta chưa ‘là’ môn đệ Chúa. Bao lâu chúng ta vẫn tự xưng là môn đệ Chúa, con cái của Cha trên trời, được nuôi sống bằng Lời từ trời và bằng lương thực bởi trời, và quê chúng ta ở trên trời, nhưng tất cả cuộc sống của chúng ta chứng minh điều ngược lại, thì chúng ta đang ‘bắt quàng làm họ’ với ma qủy, với thế gian, và có nguy cơ đánh mất căn tính Kitô hữu của chúng ta.

Nói cách khác, thắc mắc của người Do Thái phải là động lực tích cực, đích nhắm, để mỗi Kitô hữu sống, điều chỉnh và đưa ra được câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất. Chúa Giêsu đã sống và đã trả lời trọn vẹn vấn nạn ấy, bằng vâng phục và tự hạ qua Thập tự giá. Chúng ta chỉ có việc làm theo Chúa.

HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU - THÁNH VỊNH 09:

Điều đáng xấu hổ muôn thuở của một thế giới, nơi mà sức mạnh dường như làm quyền làm thế, nơi mà quyền lực con người dường như chẳng kiêng dè ngán ngại một nền công lý cao hơn. Chuyện của những tín hữu là chuyện một niềm tin mãi mãi bị đánh bại, thua trận, nhưng rồi bỗng nhiên trỗi dậy nhờ bàn tay Thiên Chúa. Đó là chuyện những người hèn mọn và những người nghèo khổ bị đè nén áp bức không chút thương hại, nhưng được Chúa can thiệp nâng dậy, trong khi Người tiêu diệt bọn lý hình. Câu chuyện nầy cứ tái diễn mãi. Các thế lực vô thần xấu xa, như ma qủy trong Phúc Âm, lại tấn công (Mt 12,45). Chúa dường như ẩn mặt,không đáp lại lời bọn người phạm thượng nầy (Mc 14,61). Kẻ tin vào Chúa chỉ có đức tin kiên vững, cho đến ngày đức tin sinh hoa trái và kẻ thù sụp đổ. Lịch sử vẫn theo con đường nầy: Nó được làm ra để đào tạo những kẻ tin và thử thách họ. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều nầy (I Pet 4,12). Chính hy vọng chuẩn bị cho vinh quang (Rm 5,2–5). Mọi quốc gia - mọi thế lực - cũng chỉ là do tay người phàm mà thôi!

(*) Men and their cousins, Marc Leclerc, S.J, Zenit 17.02.2009

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.08.2009. 00:54