Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người đã yêu thương họ đến cùng

§ Lm PM Tu & Giuse Trương Đình Hiền

Thứ Năm Tuần Thánh: Người đã yêu thương họ đến cùng

Dẫn nhập đầu lễ : Kính thưa...

Chiều hôm nay, Thứ năm Tuần Thánh, Khai mạc Tam Nhật Vượt Qua, một thời gian đặc biệt và cao cả nhất trong Nam Phụng vụ, cộng đoàn chúng ta họp nhau trong một bầu khí thân thương và trìu mến. Bởi vì, với Thánh lễ Chiều hôm nay, chúng ta sống lại Bữa Tiệc Vượt Qua cách nay gần 2000 năm, giữa Chúa Giê-su và các môn sinh của Người. Quả thật, với cử hành chiều hôm nay, những gì Đức Ki-tô đã làm sẽ lần lượt được hiện thực: một lần nữa Ngài hiện diện qua Lời yêu thương của Ngài tâm sự với chúng ta; Ngài hiện diện như một người phục vụ yêu thương và khiêm tốn khi cúi xuống rửa chân cho loài người chúng ta và khi nhắn gởi chúng ta giới luật yêu thương; Ngài hiện diện qua Hình Bánh-Rượu sẽ trở nên Máu Thịt nuôi dưỡng chúng ta, và liên kết chúng ta nên một thân thể với Ngài khi thiết lập BTTT; Ngài hiện diện như người linh mục đời đời được tiếp tục nơi các thừa tác viên thánh chức khi ngài thiết lập bí tích truyền chức thánh.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, xứng đáng làm lại lời trăn trối ngày nào của Đức Ki-tô: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Giảng Lời Chúa

Buổi chiều hôm nay chúng ta hội họp nhau đây để cử hành Giờ của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu sống những giờ phút cuối cùng của Người ở trần gian nầy. Người sẽ làm cho chúng ta những việc mà từ ngày sinh ra Người đã để dành cho đến hôm nay. Đây là những việc thâm thúy và quan trọng nhất trong cuộc đời trần gian của Người, mà theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập tự trong bài thơ “Đáp Lễ”, đó chính là “giờ Đức Kitô đập bể bình dầu thơm cuộc đời Ngài để ướp thơm cho toàn thế giới:

Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.

Người đến trần gian để mang tình yêu của Chúa Cha đến cho loài người. Suốt đời, Chúa Giêsu đã tỏ nhiều thái độ, làm nhiều hành vi nói nhiều lời an ủi để bày tỏ tình thương của Người. Nhưng việc làm của chiều hôm nay như đóng ấn trên toàn bộ công việc của Người, là tột đỉnh của tình yêu thương của Người. Người tỏ ra hết tình hết nghĩa với loài người: "Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian nầy, Người đã yêu thương họ cho đến cùng.” Chính vì hành vi "yêu thương cho đến cùng" nầy đã làm cho Thánh lễ hôm nay mang một sắc thái đặc biệt, Thánh lễ mẹ của mọi thánh lễ.

Qua những chỉ dẫn của Phụng vụ, nhất là các bài đọc Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra “hành vi yêu thương cho đến cùng” của Đức Kitô sẽ gồm 3 việc nầy: -Rửa chân cho các môn đệ và ban Điều răn mới.-Thiết lập BTTT -Trao ban tác vụ Linh mục.

Rửa chân:

Mặc dù Tin Mừng theo thánh Gioan mang sắc thái nổi bật là một Tin Mừng về Thánh Thể, nhưng vẫn không đưa ra một trình thuật minh nhiên nào về việc thành lập Bi Tích Thánh Thể. Nhiều học giả Kinh Thánh xem trình thuật về việc rửa chân trong bối cảnh của Bửa Tiệc Ly là một trình thuật tuyệt vời về Thánh Thể. Đó là chìa khoá không thể thiếu để nhận thức sâu xa cả về Thánh Thể lẫn thiên chức linh mục.

Đang chủ sự bàn tiệc, Đức Giêsu đã làm cho môn đệ sửng sốt: Người đứng lên,cởi áo ngoài ra, thắt lưng lại, bưng chậu nước, rửa chân cho họ. Một việc kỳ dị, lạ lùng, khó hiểu. Người tự do, hàng con cái trong nhà, không bao giờ làm như vậy. Chỉ có người nô lệ - mà là nô lệ ngoại quốc-khi chủ truyền bảo làm,thì mới làm việc ấy. Nay Đức Giêsu là Thầy, là Chúa các môn đệ, đích thân làm việc nầy: “quì xuống, rửa chân”.

Gioan, người môn đệ được Chúa yêu mến và người bạn trung thành của Phê-rô, đã cho thấy rõ rằng Phê-rô phải khó khăn biết bao để cho phép mình đi vào trong trung tâm của mầu nhiệm Đức Kitô nơi hành vi rửa chân nầy: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?”. Dĩ nhiên, nghi lễ này chẳng có ý nghĩa gì đối với bất cứ ai không thể đón nhận nó như luật nền tảng của đời sống Kitô hữu và nhất là của sứ vụ tông đồ nơi người linh mục: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được đồng bàn với Thầy” (Ga 13,7-8). Phê-rô chỉ đầu hàng khi nhận được “tối hậu thư” đó, cho dù lúc đó có thể ông chưa nhận ra tầm mức đầy đủ ý nghĩa của lời Thầy Chí Thánh đối với mình, nhưng sau đó vài chục năm, khi bị đóng đinh ngược đầu trên đồi Vatican chắc chắn ông sẽ cảm nhận tất cả những lời Thầy đã nói hôm nay.

Chúng ta biết Chúa yêu thương loài người. Chúa muốn nhắc loài người lên đồng phận, chia xẻ sự sống và hạnh phúc đời đời với Chúa. Để hiện thực điều nầy, Ngài đã tự hạ và hạ mình xuống phận tôi đòi-nô lệ:

- “Ngài thắt lưng”: Một anh vi của người tôi tớ. Đấng cao cả siêu việt giờ đây đang quì dưới chân các môn đệ.

- “Đức Giêsu chổi dậy, cởi áo ra”. Hành vi diễn tả một sự lột xác, xóa bỏ thân mình, để trở nên người tôi tớ, khom lưng làm công việc của một người nô lệ ngoại quốc – bởi vì một nô lệ Do Thái cũng không buột rửa chân cho chủ mình.

Như vậy, hành vi rửa chân là biểu tượng của việc Ngài sắp hư vô bản thân mình trên Thập Giá. Hình ảnh Đức Giêsu bưng chậu nước, quì dưới chân các môn đệ là hình ảnh một Thiên Chúa cao sang nhưng “không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa….song đã hũy mình ra không tức là lĩnh lấy phận tôi đòi.. ” (Phi.2,5-7).

Linh mục thi sĩ Trăng Thập tự đã vẽ lại chân dung “tự hạ, khó nghèo đó qua những lời thơ:

Kẻ trôi sông lạc chợ,
Kẻ sinh ra cuối phố đầu đường,
Ngày không nhà, đêm ngủ dưới sương,
Suốt đời chẳng một đồng xu dính túi,
Đến trần gian và ra đi trần trụi.
(Bài thơ “Đáp Lễ”)

Chưa hết.Tình yêu của Chúa còn muốn chấp nhận cả những cái ít giá trị, nếu không muốn nói là xấu xa, hèn hạ nơi con người, mà biểu tượng là đôi chân đi đất. Chúa đến, Chúa rửa, Chúa lau. Điều đó nói lên rằng không những Chúa yêu mặt, yêu thân con người, mà Chúa còn yêu cả đôi chân của họ. Chúa yêu con người ngay trong cảnh khốn cùng của con người. “Ngài yêu thương họ đến cùng ” để họ-con người-được ngồi ngang hàng với Chúa, và được nghe lời âu yếm của Chúa: “Các con gọi Ta là Thầy là Chúa-thật đúng như vậy ”.Nhưng từ nay các con là bạn hữu của Thầy. Thầy san sẻ cho các con hết những gì Thầy có. Thánh Phaolô đã viết: “Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có, nhờ sự nghèo khó của Ngài ” (2Cor.8,9). Tình yêu nào mà chẳng mang đặc tính khó nghèo, khiêm hạ, và lệ thuộc.

Sau cùng, có một ghĩa cử yêu thương thâm thúy khác trong “dấu chỉ Rửa Chân” mà chúng ta không thể bỏ qua: Đức Giêsu đã không khai trừ Giuđa khỏi hồng ân của tình yêu phục vụ. Đành rằng Giuđa là một người dơ bẩn: “Không phải tất cả các con đều sạch cả đâu ”. Có thể việc rửa chân không mang lại lợi ích nào cho cá nhân Giuđa. Nhưng dù vậy, việc nhắc đến Giuđa trong việc rửa chân của Chúa Giêsu, làm nổi bậc lên một ý nghĩa sâu xa, đó là Đức Chúa Giêsu hạ mình ngay cả trước kẻ phản bội Ngài. Cử chỉ đó cho thấy Đức Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng. Ngài yêu cả kẻ phản bội Ngài, kẻ đã chà đạp trên tình yêu –nghĩa sư phụ-tình bạn bè.Ngài không xua đuổi, Ngài không loại trừ. Ngài đã yêu thương họ cho đến cùng. Đến cùng của bản thân Chúa, không còn có thể làm gì hơn được nữa. Đến cùng của các môn đệ. Dù các ông có phản bội, Người vẫn yêu thương. Dù các ông có chối bỏ Người, Người vẫn yêu thương. Dù các ông có bỏ rơi Người, Người vẫn cứ yêu thương.

Thánh Thể:

Chắc chắn chúng ta không thể suy niệm nhiều về mầu nhiệm Thánh Thể. Chính Hội Thánh cũng biết như thế, nên khuyên ta dành thời giờ chầu sau Thánh lễ hôm nay, để suy niệm thêm về ơn Thánh Thể mà Chúa thông ban cho chúng ta. Cũng thế, sau các tuần lễ Phục Sinh, Hội Thánh sẽ cử hành Lễ Thánh Thể một cách long trọng đặc biệt để bù đắp cho sự thiếu sót nếu có trong thánh lễ tiệc Ly chiều hôm nay.

Qua câu kết trong bài đọc II “mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”, Phụng vụ chiều nay muốn cho chúng ta nhìn vào mầu nhiệm Thánh Thể như lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Hôm nay Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua thật sự khi chấp nhận từ bỏ đời nầy, từ bỏ mạng sống, từ bỏ thân thể hửu hình để vượt qua mọi biên giới trần gian mà vế cùng Chúa Cha. Bàn Tiệc Thánh Thể đượm màu Tiệc Ly. Ngài uống chén rựơu nho lần cuối cùng ở đời nầy để về trời trước, chờ đợi môn đệ mình đến sau. Chúa Giêsu biết rõ con đường Thánh Giá đang chờ đợi Người. Người cầm chén rượu, nhưng đã biến nó thành chén Máu người. Nên cuộc Vượt qua-Lễ Thánh Thể là một cuộc đau thương, một lễ Tử hình: “Máu đổ ra vì anh em”. “Nầy là Mình Thầy, bị nộp vì anh em ”. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mai đây với cây Thập Giá đã hiện diện đầy đủ trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay. Chính hôm nay, Người chấp nhận ra đi chịu chết. Án tử hình của Người vào ngày mai chỉ diễn ra bên ngoài những gì đã xãy ra trong tâm hồn vào chiều hôm nay Thứ Năm. Thánh Thể vì vậy không chỉ là Bàn Tiệc Ly, nhưng đã là Lễ Tế trên Thánh Giá. Khi tuyên bố: “Đây là Chén của Giao Ước Mới – Giao Ước vinh cữu” Chúa Giêsu đã cho chúng ta nhìn thấy hệ quả của Thánh Thể: là đổi mới tất cả chúng ta trong một tương quan mới với Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành một tạo vật mới trong lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đó là tột đỉnh của lòng yêu thương Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Người cúi xuống rửa chân cho họ, đưa họ vào mầu nhiệm Thánh Thể hy sinh của Người: đặt họ trong tương quan thắm thiết mới giữa Thiên Chúa và loài Người.

Ôi, thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !
Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?
Ta sẽ trao chén máu tươi hồng
Và sự sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời
. (Bài thơ “Đáp Lễ”)

Trao ban tác vụ Linh mục

- Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đếnThầy: Với những lời nầy Chúa Giêsu trao ban thừa tác vụ linh mục.

Cha thánh Gioan Maria Vianey đã nói: “Thánh Bênađô quả quyết rằng mọi sự đều được ban cho chúng ta qua Đức Maria”. Ta cũng có thể nói rằng mọi sự đều được ban cho ta qua linh mục: vâng, mọi hạnh phúc, mọi ân sủng, mọi hồng ân thiên quốc. Nếu không có bí tích truyền chức thánh, chúng ta sẽ không có Chúa (Giêsu trong BTTT). Ai đã đặt Người ở đó, trong nhà Tạm ? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn các con bước vào cuộc sống ? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng nó (linhhồn) để nó có sức thực hiện cuộc lữ hành ? Linh mục. Ai đã chuẩn bị cho nó ra trước mặt Chúa khi rửa sạch nó lần cuối cùng trong Máu Chúa Kitô ? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nều linh hồn ấy chết (trong tội trọng), ai sẽ phục sinh nó ? Ai sẽ trả lại cho nó sự yên hàn và bình an ? Vẫn là linh mục. Các con không thể nhớ lại chỉ một ơn nào của Thiên Chúa mà các con không gặp thấy bên cạnh đó hình ảnh của linh mục”.

Chiều hôm nay, anh chị em hãy cầu nguyện cho các linh mục trong Hội Thánh, cho ĐTC, cho các Giám Mục, để trở thành những mục tử theo như lòng Chúa mong muốn.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được từ bỏ con người cũ mà “nghi thức Rửa Chân” như là một lời mời gọi tha thiết, để tiến sang việc kết hợp mật thiết mới với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta quyết tâm sống cuộc đời mới: yêu thương anh chị em trong phục vụ khiêm cung. Sống tự hạ và chết đi: từ đây trở thành qui luật của chúng ta:

- Đây là điều răn mới của Thầt: là các con hãy yêu thương nhau.

- Như Thầy đã rửa chân cho các con,các con cũng hãy rửa chân cho nhau.

- Các con hãy nhận lấy mà ăn vì nấy là Mình Thầy.

- Các con hãy nhận lấy mà uống. Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Vĩnh cữu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.

Nội dung trên cũng chính là ý nghĩa để suy niệm và cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ Tư của Mầu Nhiệm Mân Côi “Năm Sự Sáng”: Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể: Ta hãy xin cho đặng siêng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Người.Amen

Lm PM Tu & Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2009. 11:20