Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mừng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô - Phaolô

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Chúa Nhật này (29/6/2008) Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh Phêrô - Phaolô, hai rường cột của Hội Thánh từ buổi sơ khai. Đây quả là dịp thuận lợi cho chúng ta suy niệm về sự khác biệt giữa đường lối và sự khôn ngoan của Thiên Chúa với khôn ngoan của loài người.

StPeter-StPaul-flag.jpg

Thật vậy, xét theo khôn ngoan của loài người, thì hai Thánh Phêrô và Phaolô không thể được trao phó cho những trọng trách lớn lao như vậy trong Hội Thánh sơ khai. Lý do ai cũng biết là Thánh Phêrô đã từng chối Chúa công khai ba lần trong đêm Người bị bắt (x. Mt 26: 69-75). Bản thân Phêrô cũng không có gì xuất sắc: ông chỉ là một ngư phủ miền Biển hồ Galilê. Nghĩa là người ít học và không có tài năng gì xuất chúng. Nhưng sau khi vấp ngã, Phêrô đã ăn năn thống hối sâu xa và đã trở thành Tông Đồ rất nhiệt thành, can đảm rao giảng tên Chúa Kitô và giáo lý của Người cho dân Do Thái, bất chấp sự ngăn cấm, đánh đập, trừng phạt của nhóm Thượng tế Do Thái, Họ đã cấm Phêrô và các Tông Đồ không được nói đến tên Giêsu cho ai nghe nữa, nhưng Phêrô đã can đảm trả lời họ như sau: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5: 29). Và ngài tiếp tục hăng say rao giảng tên và Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô cho đến khi bị xử tử treo ngược trên thập giá theo nguyện vọng của ngài.

Về phần Phaolô, ngài từng là người hăng say bách hại những Kitô hữu đầu tiên. Nhưng Chúa đã đánh ngã ông trên đường đi Damacus một ngày kia và đã biến đổi cuộc đời ông hoàn toàn: từ một người căm thù thập giá Chúa Kitô, ngài đã trở thành một Tông Đồ quá nhiệt thành đi rao giảng không biết mệt mỏi Tin Mừng cứu độ của Chúa cho dân ngoại và đã chinh phục được biết bao linh hồn cho Chúa. Ngài say mê Chúa Kitô đến nỗi đã thốt ra lời vàng ngọc như sau: “Những gì xưa kia tôi coi là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác để được Đức Kitô, và được kết hợp với Người.” ( Pl 3:7-9)

Gương can đảm và lòng nhiệt thành của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ quả là tấm gương sáng và khuôn mẫu cho Giáo Hội nói chung và cho toàn thể tín hữu chúng ta nói riêng trong sứ mệnh tiếp tục rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh thế giới ngày nay.

Giáo Hội phải can đảm hơn nữa để làm chứng cho Chúa Kitô trước bao thách đố của mọi tà thuyết duy vật, ngụy thuyết tương đối (relativism) và khuynh hướng tục hoá (secularism) đang đe dọa nặng nề những giá trị luân lý, đạo đức phổ quát, nhất là niềm tin Kitô giáo. Thêm vào đó, “văn hoá sự chết” với cuồng vọng chối bỏ Thiên Chúa để đưa vật chất và khoái lạc vô luân lên ngôi Thượng đế đang ngày một bành trướng khắp nơi trên thế giới để hạ bệ con người xuống hàng thú vật.

Đó là thực trạng đáng sợ về mặt tinh thần cho những ai còn chút niềm tin vào một Thiên Chúa cực tốt cực lành, công minh và nhân hậu.

Trước thực trạng này, Giáo Hội và những ai còn lương tri, còn niềm tin cần noi gương can đảm của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô để bênh vực cho chân lý, công bình và luân lý dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình cho những thế lực thù nghịch với Đức Kitô là Đường, là sự Thật và là sự Sống (Ga 14: 6)

Vậy, là tín hữu Chúa Kitô, liệu chúng ta có dám can đảm sống đức tin của mình trước mọi thách đố, đe dọa của thế giới ngày nay để có thể nói được như Thánh Phaolô là “tôi coi mọi sự ở đời là rơm rác là thua thiệt trước mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương tôi đến thí mạng mình cho tôi được sống hay không?”

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.06.2008. 02:35