Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mục tử thật (PS4C)

§ Lm Anmai, DCCT

Chúa nhật 4 PS C
Cv 13, 14.43-52, Kh 7, 9.14b-17; Ga 10, 27-30

Khởi đầu cho một ngày mới, Hội Thánh mời gọi mỗi kitô hữu cách riêng là những người tận hiến cho Chúa - dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương ban cho thêm một ngày mới. Một trong những Thánh Vịnh kinh sáng thường niên được Hội Thánh chọn để dâng lời tạ ơn đó là Thánh Vịnh 99. Thánh Vịnh 99 diễn tả lòng biết ơn của vũ trụ, của con người với Thượng Đế vì chính Ngài đã tạo dựng nên con người, nên vũ trụ. Thánh Vịnh 99 hay đọc để dâng lời tạ ơn được chọn làm đáp ca trong Thánh Lễ Chúa Chiên Lành hôm nay:

Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.
Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.
Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.
Bởi vì Chúa nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

Thánh Vịnh 99 một lần nữa khẳng định rằng mỗi người đã được Thiên Chúa dựng nên và Thiên Chúa dẫn dắt như đoàn chiên của Người.

Hình ảnh đoàn chiên và chủ chiên thì xa lạ với những đất nước không có điều kiện chăn chiên. Với những nước mà nghề chăn chiên là chính như Do Thái thì hình ảnh của người chăn chiên và đoàn chiên hết sức là dễ thương. Người chăn chiên lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ những con chiên của mình cho dù gặp nguy khó, khốn cùng. Với Thiên Chúa, tự ngàn xưa trong Cựu Ước đã được các tác giả vẽ nên hình ảnh của người chăn chiên thật tuyệt vời. Thánh Vịnh 23 có lẽ là Thánh Vịnh hay nhất để diễn tả hình ảnh của người mục tử và đặc biệt lại là người mục tử nhân lành:

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Hình ảnh của người mục tử nhân lành ấy hôm nay được chính Chúa Giêsu xác nhận trong đoạn Tin mừng hết sức ngắn ngủi mà chúng ta vừa nghe. Chúa Giêsu đã khẳng định một cách hết sức rõ ràng rằng: Tôi là …

“Tôi là” là hai từ mà Chúa Giêsu đã sử dụng rất nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4, 26; 6, 23; 7, 29; 8, 58; 13,19; 14, 20; 17, 24; 18, 5; 18,6). Hai từ này gợi lên kiểu viết bốn chữ cái không phát âm được là "Tên mầu nhiệm" mà chính Thiên Chúa đã tự mạc khải cho Môsê trong sa mạc Sinai.

YHVH được chuyển dịch thành YaHVeH và đọc là “Adonai", "Đức Chúa”.

Hơn nữa, qua nhiều câu trích dẫn như dưới đây, thánh Gioan đã sử dụng tới 30 lần hai từ trên "Tôi là. ." trong Tin mừng của Ngài. “Tôi là” kèm theo một phẩm tính:

- "Tôi là Bánh hằng sống" (Ga 6,35-42,48-51).
- “Tôi là ánh sáng thế gian" (Ga 8.12-9,5).
- "Tôi là Sự sống lại và là sự Sống" (Ga 11.,25).
- "Tôi là Cây nho thật" (Ga 15,l-5).
- "Tôi là Cửa cho chiên ra vào" (Ga 10,7-9).
- “Tôi là Mục tử nhân lành" (Ga 10,11-14).

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, những kiểu nói trên muốn diễn tả hữu thể thần linh của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã viết: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm" (Ga l,14).

Chúa Giêsu nói Chúa Giêsu chính là mục tử nhân lành. Ở đây, Chúa Giêsu không chỉ sử dụng một hình ảnh đẹp dân gian và đồng quê, nhưng trước hết đó là một kiểu nói Thánh Kinh vô cùng phong phú.

Các vua chúa khắp vùng Đông Phương cổ thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai Cập: "Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc" (Tv 78,52) Đavit, một trong những nhà lãnh, đạo chính trị đầu tiên của ít-ra-en, là một cậu chăn chiên tại Bêlem (1 S 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đấng Mêsia, Đavit mới, cũng được loan báo như một “Mục tử”: "Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavit, tôi tớ của Ta" (Ed 34,23).

Những ai nghe Chúa Giêsu cũng như chính Người, đều hiểu rõ những trích dẫn Thánh Kinh trên, đặc biệt là chương 34 nổi tiếng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, diễn tả khá dài những mục tử xấu ác (các vua thời đó) không quan tâm chăm sóc đoàn chiên của họ. .. trước khi quả quyết rằng, Thiên Chúa Giavê phán thế này: Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom chúng... Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng tán loạn... Ta sẽ chăn nuôi chúng nơi bãi cỏ tốt... Chính Ta sẽ chăn nuôi chiên của Ta, sấm của Đức Chúa Giavê. Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. . . " (Ed 34,1-31).

Với Chúa Giêsu, không phải là một mục tử thường như bao mục tử khác nhưng Chúa Giêsu ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.

Các chiên của Chúa Giêsu, Người nói chúng đã được Chúa Cha, Thiên Chúa trao phó cho Người. Nhưng chúng vẫn luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định vai trò và vị trí cũng như trách nhiệm về đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó, đã uỷ thác cho Ngài.

Khi không còn ở thế gian, Chúa Giêsu đã chọn, đã gọi các môn đệ thân tín để trao lại sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Sứ mạng ấy hôm nay Thánh Phaolô và Banaba đã mạnh dạn công bố trong đoạn sách Công vụ tông đồ mà chúng ta vừa nghe. Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.". Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Phaolô, Banaba, tông đồ đoàn và các vị mục tử nhân lành từ thế hệ này sang thế hệ khác đã sống đúng, sống trọn vẹn vai trò mục tử mà Chúa trao phó.

Thật sự ra mà nói, để hoàn thành sứ mạng mục tử chân chính như lòng Chúa muốn không phải là chuyện đơn giản vì lẽ như Thánh Phaolô và Banaba nói là anh em đã khước từ lời ấy. Chính Lời Chúa mang ơn cứu độ, mang ánh sáng cho muôn dân nhưng vì lý do nào đó có những mục tử đã khước từ lời và tự coi mình không xứng đáng để hưởng sự sống đời đời.

Thời nào cũng vậy, thời nào cũng có những mục tử nhân lành và cũng có những mục tử ác độc. Mục tử nhân lành dám thí mạng vì đoàn chiên còn mục tử ác bỏ trốn khi người ta đến bắt chiên và tệ ơn nữa là bán chiên với cái giá rẻ mạt.

Mừng lễ Chúa Chiên Lành hôm nay, mỗi người chúng ta hãy ngước lên nhìn hình ảnh của vị mục tử nhân lành đích thực là chính Chúa Giêsu để rồi chúng ta lắng đọng tâm hồn, lắng đọng cõi lòng để lắng nghe lời của mục tử Giêsu. Khi nghe và giữ lời của mục tử Giêsu chắc chắn chúng ta sẽ được đưa đến đồng cỏ xanh tươi và có suối mát trong ngần như mục tử Giêsu đã hứa.

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.04.2010. 19:04