Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Luật Im Lặng và Bàn Tay Sạch: Trái Đắng hay Quả Ngọt?

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật VI Thường Niên. Mc 1 , 40 - 45

Ai đã từng đọc sách hoặc xem bộ phim "The God Father" (Bố Già), hẳn biết đến luật nầy, thứ luật khủng khiếp đến mức cả giáo hội, các chính trị gia, giới mafia, giới nghệ sĩ... đều phải hãi sợ. Tiếng Việt gọi đó là "luật im lặng", nghĩa là bạn có thể biết điều gì đó. Nhưng biết là biết. Phải im lặng theo đúng luật bởi chỉ cần bạn nói ra, bạn sẽ không kịp hiểu tại sao hồn bạn lìa khỏi xác. Trong The God Father đã có khá nhiều nhân vật bỏ mình vì vi phạm luật Omerta. "Omert", xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Nam tính". Tuy nhiên, trong thực tế những người thực thi luật Omertà vì sợ nhiều hơn là vì can đảm. Đối với các thành viên của Cosa Nostra, luật Omertà nghĩa là sẽ không bao giờ tiết lộ cho cảnh sát hay chính phủ biết công việc của Mafia cũng như sự tồn tại của tổ chức này. Kẻ đầu tiên phản bội luật Omertà và bị trừng phạt là Joe Valachi. Năm 1963, Valachi đã lên tiếng khẳng định sự tồn tại của tổ chức Mafia trước toà án Quốc hội Mỹ. Trong thực tế, những vụ thanh trừng còn đẫm máu và khủng khiếp hơn nhiều và mở rộng cho cả những ai dám tố giác, đối đầu với mafia Ý. Bất kể ngừơi thuộc giới nào – quan toà, cảnh sát, báo chí, giáo sĩ, … đều có thể trở thành đích nhắm.

Mani pulite (Bàn Tay Sạch) là một cuộc điều tra pháp lý quy mô quốc gia ở nước Ý chống lại tham nhũng chính trị diễn ra vào thập niên 1990. Chiến dịch Bàn Tay Sạch nầy dẫn đến sự sụp đổ của Đệ Nhất Công Hoà, với kết quả là sự biến mất của nhiều đảng phái. Một số chính trị gia và nhà lãnh đạo kinh tế phải tự sát sau khi tội ác của họ bị phanh phui. Nhiều ngừơi dân căm ghét thái độ và hành động nhơ bẩn, dã man của bọn xã hội đen kéo dài đã quá nhiều năm, khiến đời sống bất an, làm người dân mang tiếng xấu và ảnh hưởng giáo dục các thế hệ tương lai, đã không sợ đe doạ, trả thù, để công khai hô hào vận động tiểu trừ tận căn những tên tội phạm xấu xa độc ác nầy, đồng thời lôi ra ánh sáng những chính trị gia bao che và tiếp tay cho chúng, bất kể ở vị trí nào trong bộ máy nhà nước. Đã có không ít quan chức chính phủ và dân thường bị ám sát, thủ tiêu một cách tàn ác, đê hèn, nhưng những cái chết thương tâm ấy chẳng những không làm dân chúng chùn bước, trái lại đã kích động lòng dũng cảm bắt chước những người ngã xuống để tấn công bọn tội phạm. Chiến dịch “Bàn tay Sạch” không chỉ khiến cho bọn tội phạm bị lùng sục bắt bớ khắp nơi, chịu cảnh trốn chui lủi hèn hạ, mà thắng lợi lớn nhất, chính là làm cho mọi nguời dân xưa nay co rúm sợ hãi, nay trở nên kiên cường, ý thức lương tâm và trách nhiệm. Nguồn gốc của “Bàn Tay Sạch” là chiến dịch Countryman, tên gọi của một chiến dịch bài trừ nạn tham nhũng, hối lộ, lạm quyền để làm trong sạch Lực lượng Cảnh sát Anh, được xem là chiến dịch “Bàn tay sạch” lớn nhất trong lịch sử thành lập lực lượng cảnh sát nước này, được triển khai trong vòng 6 năm (1978-1984).

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu chống lại “Luật Im Lặng” thâm căn cố đế trong não trạng người Do Thái: tất cả mọi tật bệnh đều là hậu quả của tội lỗi, trong đó bệnh phong với những biểu hiện bên ngoài khủng khiếp, đứng hàng đầu. Bệnh nhân phong cùi bị khai trừ khinh rẻ đến mức ai đụng chạm tới họ, đều bị ô uế. Động cơ mà Chúa Giêsu phá vỡ “luật im lặng” nầy và dùng “bàn tay sạch” - không chỉ đụng vào bệnh nhân phong cùi, mà còn chữa lành anh ta, - chính là “chạnh lòng thương”. Với người phong cùi hôm nay, những quy định cấm kỵ, những ánh mắt và lời xầm xì chỉ trỏ khinh khi từ đồng bào, không còn làm anh nao núng nữa khi anh quyết đến gặp Chúa Giêsu. Hai điều anh ta tin vững vàng: Chúa Giêsu có thể chữa lành anh và Người sẽ không từ chối. Còn lại về phần anh, là thoát được vỏ bọc mặc cảm của chính mình và hướng lời cầu xin tới Chúa Giêsu. Bàn Tay Sạch từ Chúa Giêsu đã chữa sạch thể xác và tâm hồn anh.

Biết bao điều bất thành văn trở thành “omertà” cho mỗi con người. Biết bao điều trái ngược với tinh thần Phúc Âm, đã vô hình chung trở thành “luật im lặng” đối với nhiều Kitô-hữu, đối với cả các Giáo Hội trên năm châu và nhất là ở trên quê hương chúng ta. Gần như tất cả đều phát xuất từ những mặc cảm, mà hầu như ai cũng biết - dù đa phần mơ hồ, do không hề được phân tích, suy tư khách quan trong ánh sáng đức tin – nhưng không mấy ai can đảm phá vỡ những cái “khóa”, chỉ vì sợ phải đối diện với những sự thật không mấy tốt đẹp, với những hành động làm người ta “nghèo” đi như Gia-kêu (Lc 19, 1 -10), phải đối diện với ánh mắt nghi ngại của đồng nghiệp, đồng đạo. Tóm lại: sợ nên…thánh! Khổ nỗi, muốn có được “bàn tay sạch” và lòng trắc ẩn, thì điều kiện tiên quyết lại là cần ý thức sự lở lói, cùi cụt của chính mình (không ai – ngoài Mẹ Maria - được loại trừ), cầu xin để được Chúa chữa lành qua Bí Tích Hoà Giải. Khi đã phá vỡ được “luật im lặng” do ma qủy và tội lỗi kiềm toả, “bàn tay sạch” trở thành lợi khí truyền giáo. Điều kiện sine qua non cho não trạng mới – suy nghĩ, phản ứng, hành xử mới nầy ( tên mới là “bàn tay sạch”): từ bỏ và nghèo khó!

Những liên hệ trong cuộc sống về mọi lãnh vực, càng chất chồng tháng năm tuổi tác, thì càng vừa đan xen vừa hoà quyện và gắn bó với chúng ta, đến mức trở nên những yếu tố cấu thành “cái tôi” riêng của mỗi người. Yếu tố nào cũng “thân thương” và ngoài trừ sự quyết tâm mãnh liệt, một sự “trở lại” như của Thánh Phaolô trên đường Damas, nghĩa là với ánh sáng chói chan ân sủng của Chúa Giêsu làm cho “mù” những “ánh sáng” tội lỗi, sai lầm cũ và được nhận ánh sáng mới, thì con người “như cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ trong trái vả cô đơn” (Năm năm rồi không gặp - Phạm Văn Bình) , không dễ gì bứt phá thoát khỏi những cảm giác an toàn, ấm êm giả tạo, để xây dựng Giáo Hội giữa trần thế, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bất kể thời nào, chỉ có những Kitô-hữu không gắn bó với “của cải” (tài sản, gia đình, danh vọng), những gì họ có quyền chính đáng được hưởng, thì mới có thể hiên ngang chịu tử vì đạo. “Bàn tay sạch” ở xã hội hay ở trong Giáo Hội cũng giống nhau: Mọi so đo, quyến luyến, cũng đồng nghĩa với hèn nhát, thua cuộc, tiếp tục giữ “omertà” để bảo vệ lợi ích và cuộc sống an nhàn cho bản thân, song là khác Tin Mừng và nhất là làm cho tinh thần đồng đạo, con chiên nên hèn nhát, bạc nhược, sai lạc và luôn viện đủ lý lẽ để ngụy biện. Lời Chúa vì thế cứ trên mây trên gió!

Giáo Hội Chúa Kitô, vì thế, không ngừng biến đổi. Chúa Thánh Linh là Đấng Canh Tân. Người luôn hướng dẫn để Giáo Hội đổi mới, không phải chạy đua hoặc chạy theo thế gian, xã hội, mà để dẫn đường chỉ lối, nên “Mẹ và Thầy” (Mater et Magistra) cho thế giới: Giáo Hội không chỉ dùng “tri thức” (giáo huấn về xã hội, về luân lý, về đức tin) để chỉ dạy cho thế gian, chống lại những cám dỗ, sai lầm tội lỗi của Xatan và những thế lực vô thần, xấu xa, mà còn đem hết tình thương để bảo bọc, che chở, bênh vực và cho từng đứa con cảm nhận được Tình Yêu vô biên của Chúa là “Abba - Bố ơi”, quyết tâm phá bỏ “sự im lặng” đồng loả với “ba thù “. Muốn thế, Giáo Hội phải tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc đến từ thế gian (tiền tài, danh vọng, tiện nghi, ích kỷ,…) và sống đúng Tám Mối Phúc Thật, à la letrre – theo nghĩa đen. Khi dạy Bát Phúc, Chúa Giêsu không hề dùng một danh từ, đại từ, động từ, phó từ nào nói hoặc cho phép sống “khơi khơi” theo “tinh thần”, mà là sống thực tế. Sống khó nghèo, hiền lành,sầu khổ, thương người, hòa bình, chịu bách hại,…chỉ bằng “tinh thần” mà thôi, thì chẳng khác gì “ăn hàm thụ”. Nếu cứ mãi “ăn hàm thụ” thì không khó tưởng tượng kết cục tất yếu. Hiến Chương Nước Trời bị cố tình giải thích méo mó, giảm thiểu đến mức Bát Phúc nên trái ngon ngay ở thế trần, ngọt ngào, hấp dẫn. Họ tự nhủ: Làm gì mà “nghiêm trọng” hoặc “nghiêm trọng hoá” như trong Tin Mừng Thánh Luca, khi kèm theo rất rõ ràng “các mối hoạ”, nếu làm sai “các mối phúc” (Lc 6, 20 – 26) như vậy! Adam và Evà chết cũng vì nhìn trái cấm theo cái nhìn theo đúng lời hướng dẫn của Xatan!

Trái với tinh thần tôi tớ, khó nghèo, yêu thương và phục vụ khiêm hạ như chính Chúa Kitô đã sống, đã làm gương và truyền dạy, Giáo Hội - hoàn vũ và cả địa phương - vẫn ôm ấp và mơ tưởng quá nhiều, quá nặng về những độc quyền, những dễ dãi và sự tôn kính. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn: Giáo Hội được thế gian tô vẽ cho quá nhiều lớp sơn loè loẹt, song cũng không ít nước sơn do chính Giáo Hội tự tô vẽ theo ý, với thời gian đã trở nên gần như “bất khả phân ly”, vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân. Phá vỡ được những lớp sơn nầy không khác một vụ Big Bang thứ hai, chỉ có sức mạnh Chúa Thánh Linh mới làm nên, song mọi Big Bang cũng vô ích, nếu chính Kitô-hữu không sẵn sàng cho những Big Bang nhỏ hơn ngay trong nội tâm mình. Khi Giáo Hội vẫn còn trong não trạng hai miền Nam Bắc; tinh thần liên kết và liên đới không bằng cả “thời” Đàng Trong – Đàng Ngoài; khi các giáo phận hoạt động và hành động như những “tiểu vương quốc”, không có được cả một cử chỉ đoàn kết nhỏ nhất, như là một vài hàng thư, một đôi lời bênh vực một giáo phẩm “đồng nghiệp” bị vu oan, phỉ báng, xuyên tạc, đe doạ; khi những chuyện xảy ra trên đất nước nầy, cho Giáo Hội, mà như là ngoài hành tinh, dưới ánh mắt vô cảm vô hồn vô tâm của đồng đạo mà miệng không ngừng rao giảng tinh thần tử vì đạo; khi giáo dân Việt-Nam vẫn bị coi là công dân Nước Trời hạng hai, thì vẫn nằm trong vòng cương toả của “Luật Im Lặng”. Kẻ được lợi nhất chính là Xatan. Giáo Hội Hoàn Vũ và các Giáo Hội địa phương cần đến những “bàn tay sạch” và cần hơn nữa những “Bàn Tay Sạch” dũng cảm, quyết liệt của hàng Giáo Phẩm và hàng Giáo Sĩ. Khi rượu mời không uống, thì phải uống rượu phạt! Xã hội tục hóa, sức mạnh của vô thần, bóng tối Xatan đang hiển hiện! “Bàn Tay Sạch” sẽ là quả ngon hay trái đắng, là tùy Giáo Hội thóat được khỏi trói buộc “im lặng”!

Khi nào thì hàng giáo dân thấy được Giáo Hội nên thánh thiện, tinh tuyền nhờ thóat khỏi ám ảnh, cám dỗ và kềm toả của tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực nơi hàng giáo phẩm và giáo sĩ?

Khi nào thì tín hữu Công Giáo Việt-Nam nghe thấy hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ, tu sĩ, mạnh mẽ tuyên bố: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (I Cor 11, 1 - Bài đọc Chúa Nhật VI TN Năm B)?

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.02.2009. 12:00