Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lòng quảng đại bao dung vô biên của Thiên Chúa

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XVI Mùa thường Niên A
(Mt 13,24-30)

Sau khi nghe xong bài Tin Mừng hôm nay, trước hết chúng ta có thể nêu lên đây một câu hỏi: Chúng ta có thể rút tỉa ra được bài học nào qua dụ ngôn "Cỏ lùng vực" này?

Dĩ nhiên, là những người tín hữu Công Giáo, chúng ta không được phép tin vào thuyết Nhị Nguyên (Dualisme). Nhưng quả là một huyền nhiệm khó hiểu, là khi trên đường tiến về cứu cánh của mình, thế giới này phải đối mặt với hai thực tại, phải đối mặt với hai quyền lực đối nghịch nhau: Sự thiện và sự ác. Tuy nhiên, dụ ngôn này có một tương quan mật thiết với hành động cá nhân của con người; nói cách khác, sự thiện và sự ác không phải là những thực tại tự lập. Sự thiện và sự ác là hậu quả của những hành động của con người: Hoặc họ đã làm do ý thức tự do của mình, hoặc do sự tự do bị hiểu sai lạc. Vâng, do sự tự do của mình, con người có thể làm một hành động tốt hay một hành động xấu. Ðiều đó cũng cho chúng ta quả quyết được rằng trong đời này không bao giờ có sự tốt hay sự xấu, nhưng chỉ có người tốt hay kẻ xấu, người lành hay kẻ dữ, việc tốt hay việc xấu. Chính ma quỉ là biểu tượng của sự xấu.

Với dụ ngôn "Người gieo giống" trong bài Tin Mừng của chúa nhật vừa qua và dụ ngôn "Cỏ lùng vực" hôm nay, thánh sử Mát-thêu muốn nêu lên cho chúng ta một vấn đề chủ yếu: Bổn phận của con người đối với sự cứu rỗi của mình. Ðúng vậy, dụ ngôn "Người gieo giống" nhắc nhủ chúng ta, nhất thiết phải trở nên "đất tốt" và luôn sẵn sàng đón nhận "hạt giống" của lời Chúa; và dụ ngôn "Cỏ lùng vực" mà chúng ta vừa nghe xong, lại kêu gọi chúng ta, nhất thiết phải đứng về phía những cây lúa mì tốt đang luôn luôn phải tranh đấu với những cây cỏ lùng vực.

"Hãy cứ để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt"

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nói được rằng thửa đất được nói đến ở đây là Giáo Hội, và trên thửa đất đó Thiên Chúa đã gieo và sẽ tiếp tục gieo những hạt lúa của chân lý, của sự tin tưởng, của công bình, của bác ái, của tình yêu đích thực. Và Người đã giao phó cho Giáo Hội sứ mệnh tổng quát trên tất cả mọi người. Nhưng đàng khác, những kẻ thù, tức những thế lực đối kháng chống lại Giáo Hội: Sa-tan, sự tự cao tự đại, sự ích kỷ, tính kiêu căng, v.v… cũng đồng thời tìm mọi cách gieo vào lòng Giáo Hội: sự lầm lạc, sự tranh dành cãi cọ thiếu tinh thần Kitô giáo, sự nghi ngờ, sự chia rẽ, v.v...! Là thành viên, là con cái của Giáo Hội, nhiều khi chúng ta cũng đã tỏ ra thiếu nhẫn nhục và bao dung: chúng ta xin Chúa khử trừ những kẻ thù của Giáo Hội, tương tự như thái độ của hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an xưa (x. Lc 9,52-56).

Nhưng qua miệng tiên tri Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã khẳng định: "Hỡi nhà Ít-ra-en, thật Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy, các ngươi hãy hối cải ăn năn để được sống." (Ed 18,32). Hôm nay, qua dụ ngôn "Cỏ lùng vực", Ðức Giêsu đã cho chúng ta thấy rõ được lòng nhân hậu bao dung vô biên của Thiên Chúa: "Hãy cứ để cho cả hai (cỏ lùng và lúa mì) cùng lớn lên cho đến mùa gặt" (Mt 13,30). Vâng, Thiên Chúa không hề muốn để ai phải hư mất. Người hằng kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội ăn năn trở lại, để tha thứ cho họ và để ban cho cự sống đời đời.

Nói tóm lại, chắc chắn rằng qua dụ ngôn "Cỏ lùng vực", chúng ta đã hiểu rõ được điều này: Con đường duy nhất của Tin Mừng Ðức Giêsu Na-da-rét là con đường của tình yêu đích thực, của lòng kiên nhẫn nhịn nhục, của lòng bao dung độ lượng, của sự công bằng và tinh thần bất bạo động. Vì thế, Người hằng kêu mời chúng ta: "Các con hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường. Như thế tâm hồn các con sẽ được an bình, vì ách của Thầy thì êm ái và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng" (Mt 11,29-30)

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.07.2008. 13:05