Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 12 Thường Niên
(Lc 1,57-66.80)

Kính thưa quí vị,

Theo lịch năm nay, lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24.6) trùng vào ngày Chúa Nhật XII, Giáo hội kính thánh nhân đúng ngày nên chúng ta phải gián đoạn sự liên tục các Chúa Nhật để suy niệm về ngày lễ. Sự gián đoạn này chứng tỏ thánh Gioan Tẩy Giả giữ vai trò quan trọng thế nào trong cuộc sống của Đức Kitô? Khi trùng hợp thì thường lễ các thánh được dịch lên trước hoặc sau Chúa Nhật. Lễ thánh Gioan Tẩy Giả không dịch. Ngoài ra, thói quen phụng vụ chỉ mừng ngày sinh nhật trên trời (ngày qua đời) của các vị thánh, hoặc biến cố quan trọng nào đó của cuộc đời họ, ít khi mừng sinh nhật trần thế trừ ba vị: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Gioan. Vậy, có điều chi quan trọng cho lịch sử cứu độ? Xin thưa, vì Đức Mẹ và thánh Gioan là hai gương mặt then chốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Giêsu.

Lý do cuối cùng là vì Thiên Chúa đã làm những việc lạ lùng trong đời sống của các đấng, chính họ và chúng ta là những kẻ được thụ hưởng. Thánh Gioan là tiên tri sau hết trong chương trình ban ơn của Thiên Chúa cho nhân loại qua Cựu Ước. Ong đã chu toàn sứ mệnh thúc đẩy nhân loại vào kỷ nguyên mới. Việc kính lễ ông cho chúng ta cơ hội tưởng nhớ tất cả các ngôn sứ lớn nhỏ Cựu Ước. Họ là dấu chỉ Thiên Chúa săn sóc tuyển dân nói riêng, nhân loại nói chung. Thật là cơ hội đặc biệt để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa. Mừng sinh nhật Gioan, không phải chỉ để ca tụng một đấng thánh mà chúng ta phải noi gương, nhưng chủ yếu là mừng Thiên Chúa đã lựa chọn và yêu mến chúng ta. Ngài ban khả năng để chúng ta trung thành đáp trả ơn gọi của Ngài, như gương thánh Gioan. Được như vậy tương lai nhân loại sẽ hoàn toàn đổi khác, không còn hận thù, ghen ghét như hiện trạng.

Kinh Thánh luôn nhấn mạnh chính Thiên Chúa chọn lựa và kêu gọi các ngôn sứ thi hành công việc cho Ngài. Không ai được phép tự nhận ơn gọi và trách nhiệm ấy. Các bài đọc điều chứng minh như thế, trường hợp của Isaia: “hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi”. Và trường hợp của Gioan Tẩy Giả, chính miệng cha ông, tức tư tế Giacaria nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên”. Chẳng còn chi rõ ràng hơn nữa. Vậy mà thiên hạ vẫn nghênh ngang nhận lấy danh hiệu và vai trò cao trọng này cho mình. Thánh Phaolô nhiều lần kêu họ là các ngôn sứ giả, chỉ nói những lời nịnh bợ quyền chức, hoặc ngọt ngào mị dân. Cho nên, suy niệm về ơn gọi của Gioan hôm nay khiến chúng ta phải cảnh giác về bản thân và trách nhiệm “ngôn sứ” trước mặt Thiên Chúa. Liệu chúng ta thực sự công bố Lời Thiên Chúa bằng lời nói và hành vi của mình? Hay tinh thần của thế gian, ma quỉ? Liệu chúng ta có a dua chạy theo những mốt rao giảng trần tục, quảng cáo bán hàng hay phô trương cái “tôi” tài giỏi cho thiên hạ ngưỡng mộ? Bởi lẽ, qua Bí tích Rửa tội và ơn Thánh Linh, Thiên Chúa đã chọn riêng chúng ta giữ vai trò đặc biệt: làm ngôn sứ cho Ngài trong môi trường gia đình, xã hội, Giáo hội, thế giới. Thiên Chúa đã thực hiện những gì thời Isaia, Gioan thì cũng làm như vậy trong thời đại chúng ta, dùng chúng ta làm ánh sáng cho muôn dân: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất”. Đó là ơn gọi chung của mọi tín hữu hôm nay.

Để hiểu rõ vấn đề này, xin lược qua bối cảnh của bài đọc một, được trích từ bài ca thứ hai trong bốn bài ca về Người Tôi Trung của Giavê. Người ta gọi phần này là Đệ nhị Isaia (chương 40-55). Đoạn trích hôm nay, Thiên Chúa nói với tuyển dân trong cơn lưu đày Babylon (tk VI TCN). Tác giả tuyên sấm không phải với một cá nhân mà với một dân tộc để khích lệ Israel nghĩ về mình như tôi tớ của Thiên Chúa. Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã chọn dân này, lúc còn là nô lệ trong đất Aicập và suốt thời kỳ nó lang thang trong sa mạc ở chân núi Sinai. Lúc ấy, Thiên Chúa đã ký kết với họ một Giao ước. Ngài là Thiên Chúa của họ và họ là dân riêng của Ngài. Đúng là một ân huệ tuyệt vời cho dân tộc Do Thái. Nhưng lúc này họ lại thấy mình làm nô lệ cho đế quốc Babylon. Lý do là họ đã không tuân giữ Giao ước. Họ tôn thờ ngẫu tượng của các dân tộc chung quanh. Do đó, Thiên Chúa phạt họ phải đi làm nô lệ cho ngoại bang.

Tuy nhiên, khi Đệ nhị Isaia tuyên sấm với thế hệ mới trên đất khách, ông cam đoan Thiên Chúa không bỏ rơi tuyển dân. Mặc dù hiện thời không có điều kiện để phục vụ Thiên Chúa chân thật. Tình trạng của họ tệ hại thảm thương, chẳng có hy vọng khi quay nhìn tứ phía. Nhưng Thiên Chúa của dân tộc không phải là vị thần tầm thường nhỏ bé như các thần linh ngoại giáo, mà là vĩ đại trên toàn cõi vũ trụ, không vị thần nào sánh bằng. Đấng đã dựng nên họ, thiết lập quốc gia họ từ con số không, thì nay Ngài lại thực hiện công việc đó lần nữa. Vậy thì tuyển dân không nên tuyệt vọng, cứ trông cậy vào Đức Chúa. Ngài đã giải phóng họ khỏi Aicập, thì Ngài sẽ ban cho họ ân huệ ấy lần thứ hai trong đế quốc Babylon. Họ sẽ được thả về bằng cuộc xuất hành vẻ vang. Bài đọc hôm nay có một cuộc đối thoại tinh tế giữa Thiên Chúa và tuyển dân. Tuyển dân nhìn vào thân phận của mình nói: “Này tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” (kiếp nô lệ là như vậy). Nhưng Thiên Chúa hứa một chân trời mới: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp và dẫn đưa các người Israel sống sót trở về thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất”. Sứ mệnh của Israel quả là vĩ đại! Đó cũng là sứ mệnh của Hội thánh, của mỗi chúng ta! Người tôi tớ tỉnh ngộ: “Sự thật, phần thưởng cho tôi ở nơi Đức Chúa, sự đền bù của tôi là Thiên Chúa”. Ông nhận ra quá khứ đã qua đi, kiếp nô lệ không còn nữa. Vì: “lúc này Thiên Chúa lại lên tiếng… Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”. Chúng ta có thể phải đau khổ, khóc than trong quá khứ và chẳng hy vọng lối thoát ở hiện tại. Nhưng Thiên Chúa rất tích cực hoạt động trong trường hợp này. Bài đọc cho biết rõ như vậy. Các động từ đều chỉ về hành động của Thiên Chúa: “Người là Đấng nhào nặn ra tôi… Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng”. Dân tộc Israel là kẻ lãnh nhận hiệu quả của công việc Thiên Chúa thực hiện: Người sẽ biến tôi thành mũi nhọn, cất tôi trong ống tên của Người”. Nghĩa là Thiên Chúa tưới gội muôn ân huệ trên tuyển dân ngày xưa, và chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm nhân chứng trung thành của Ngài cho thế giới và chúng ta đã làm ngơ hay đáp trả miễn cưỡng nửa vời. Giống như dân Israel, chúng ta đã vong thân cách này cách khác, làm nô lệ cho tình dục, thói quen xấu vì mù quáng, điếc lác cố hữu. Chúng ta sống bằng nửa cuộc đời chân thật, còn nửa kia sống ảo qua TV, Radio, giải trí phàm tục. Ngoài ra còn những cám dỗ của tham lam tiền tài, danh vọng, bạo lực, áp bức, bất công.

Lúc đầu người tôi tớ chống cự hay ngập ngừng, lấy cớ kiệt lực trước tiếng Chúa kêu mời. Ai biết được những hậu quả của lời đáp trả? Trong cả hai Giao ước, các ngôn sứ đã không bước đi tốt đẹp trong nhiệm vụ của mình. Và chúng ta cũng vậy. Được gọi làm “ánh sáng” muôn dân, vậy thì bổn phận của mình nằm ở đâu? Chúng ta làm nhân chứng thế nào cho Chúa Giêsu trên địa cầu này? Tôi thiết nghĩ những câu hỏi này là chính đáng. Nhưng có lẽ còn câu hỏi quan trọng hơn: làm thế nào ơn gọi của Thiên Chúa có hiệu quả trong cuộc sống mỗi người? Nó có thể thay đổi đời sống ra sao? Trước Thánh Thể hôm nay, chúng ta cũng nghe thấy tiếng Chúa gọi như Ngài đã mời gọi dân Do Thái tan tác thuở xưa. Nhưng từ ngữ “giờ đây” là then chốt cho chúng ta, tương tự như Isaia ngày trước: “Giờ đây, Đức Chúa lại lên tiếng”. Đức Chúa lại gọi và chọn chúng ta. Giờ đây, Thiên Chúa tạo dựng một dân mới. Giờ đây, Thiên Chúa thiết lập Hội thánh và mỗi người tín hữu thành nhân chứng của Ngài để làm ánh sáng cho muôn dân, soi sáng cho họ về đời sống thánh thiện. Giờ đây, Ngài biến đổi chúng ta nên đầy tớ trung tín. Do sức lực riêng mình? Thưa không, Thánh đường này không phải là nhà tập luyện thể thao để mọi người người đến đó trau giồi thân thể ngỏ hầu có sức khoẻ phụng thờ Chúa. Chúng ta qui tụ về đây để nhớ lại rằng Thiên Chúa đã gọi và chọn mình như Isaia, Gioan Tẩy Giả, các ngôn sứ và chính tuyển dân Israel. Ngài gọi và chọn chúng ta qua Bí tích Rửa tội để loan báo hết khả năng đời sống rằng Thiên Chúa là ai? Đấng đã chú ý đến một dân tộc tan nát, xây dựng họ thành một dân mới từ số không và sai họ ra đi rao giảng cho thế gian tội lỗi. Đúng như khi Ngài kêu gọi Do Thái làm bề tôi trung thành của Chúa, thì Ngài cũng thiết lập chúng ta trung tín trong Đức tin vào Chúa Kitô. Bánh Thánh và Lời Chúa kiện cường chúng ta hôm nay để chu toàn sứ mạng ấy.

Một tờ báo hàng ngày địa phương (tờ Raleigh’s News and Observer) số tháng 6, mùng 5, 2007 có một bài về hiện tượng ngày nay cha mẹ trẻ chọn tên cho con của họ. Nhiều cha mẹ nổi tiếng giàu có đặt tên cho con thật kỳ quặc. Có lẽ họ chịu ảnh hưởng của trào lưu xã hội nên nghĩ ra những cái tên chẳng giống ai: thằng Táo, con Moxie chống tội phạm, con Kael, thằng Hận, con Thù, Mít, Ớt… Tuy nhiên, phần đông vẫn đặt tên theo cổ truyền: Emily, Linda, Emma, John,… nghe quen thuộc và thân thương. Cháu gái tôi sắp sanh đứa con đầu lòng, cả nhà xúm lại đề nghị nhiều tên khác nhau. Nhưng quyền lựa chọn và quyết định vẫn thuộc về vợ chồng nó. Chúng nó là cha mẹ, chúng nó có bổn phận. Đây cũng là tục lệ Do Thái thời Chúa Giêsu. Hai ông bà Dacaria và Isave có quyền đặt tên cho con. Cứ như trình thuật Phúc Am hôm nay, khi con trẻ đủ tám ngày thì chịu phép cắt bì và nhận tên để thuộc về tuyển dân. Họ hàng láng giềng xúm lại đề nghị tên. Người ta đồng ý lấy tên cha là Dacaria đặt cho em. Vì đó là tục lệ phổ thông. Nhưng ông bà Dacaria vẫn có quyền quyết định và ông Dacaria đã đặt tên là Gioan như lời Thiên sứ truyền. Vậy tên con trẻ không do ý muốn loài người, nhưng do Thiên Chúa. Gioan có nghĩa là ân huệ của Đức Chúa Trời. Đúng là xứng đáng, vì Gioan quả là ân điển được Thiên Chúa ban cho nhân loại. Còn “Isaia” ám chỉ: “từ lòng mẹ tôi” Chúa đã đã gọi tôi để làm tôi tớ trung thành cho Người. Các tiên tri này đã hoàn thành sứ vụ đúng như tên gọi của mình. Còn tên “tín hữu” mà mỗi người nhận được ở Bí tích Rửa tội thì sao? Gioan đã là tiên tri và tiền hô cho Chúa bằng cuộc đời của mình, chúng ta thì sao? Chúng ta ca tụng ông để làm gì? Nhưng ở biến cố này rõ ràng Thiên Chúa đưa ra quyết định và nó đã được hoàn thành tốt đẹp. Thiên Chúa sẽ dùng Đức Giêsu mà công bố cho nhân loại: Năm hồng ân của Thiên Chúa (Lc 4,19)

Giống như các tiên tri trước ông, Gioan đã được Chúa dành riêng ra để thi hành công tác cho Ngài. Vì Ngài luôn quan tâm đến nhân loại. Mọi tên đều có ý nghĩa: Alberto = cao sang, đáng khâm phục; Jason= thầy thuốc, chữa lành; Giuse= chia sẻ, cho thêm; Maria= kẻ được ước ao; Dorothy= quà Thiên Chúa tặng; Sophia= sự khôn ngoan. Nhưng cao trọng nhất vẫn là tên “tín hữu”, chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới lạnh lùng, thù nghịch. Cho nên chúng ta cần nhiều Thần Khí để chu toàn. Thánh Thể sẽ cung cấp dồi dào Thần Khí đó, miễn là chúng ta sốt sắng đón nhận. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.06.2007. 17:48