Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lắng nghe và đáp lại lời Đức Giêsu mục tử

§ Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
Cv 13: 43-52; Tv. 100; Kh 7: 9, 14-17; Ga: 10: 27-30

Bài Tin mừng hôm nay là một trong những mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo tôn giáo. Đoạn Tin Mừng trước, Người tự nhận mình là Mục Tử Tốt (10,11-14). Người nói Người có thể hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Nhiều người nghe Đức Giêsu nói thế đã cho rằng Người bị “quỷ ám và điên khùng rồi” (Ga 10,20). Nhưng những người khác lại bảo “người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy ! Chẳng lẽ quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?” (10,21).

Đôi khi người ta nói rằng “nếu tôi sống vào thời Đức Giêsu, xem và nghe thấy Người nói thì lòng tin của tôi đã vững mạnh hơn bây giờ nhiều.” Nhưng lòng tin có vẻ như không phải là thái độ đáp trả tự động đối với những người đã thấy và đã nghe Đức Giêsu giảng. Thực ra, đối với nhiều người nghe Đức Giêsu, thì lời và hành động của Người lại gây lên sự chống đối.

Trong bối cảnh của nhiều cuộc xung đột khác, Đức Giêsu mạnh mẽ và can đảm nhận mình là Mục Tử Tốt. Nhưng những kẻ chống đối không nhận ra nơi Người sự mạc khải của Thiên Chúa. Tuy nhiên, một số đã nhận ra, và bài Tin Mừng hôm nay đã cho thấy rõ họ đã tin như thế nào – Thiên Chúa đã chọn họ và dẫn họ đến với Đức Giêsu (“Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi…”). Đây là một sứ điệp mạnh mẽ về hành động của ân sủng. Chính Thiên Chúa chọn chúng ta chứ chúng ta đã không chọn Ngài. Nhưng những ai được chọn thì có trách nhiệm, như chiên của người Mục Tử, lắng nghe và đáp lại những gì chúng ta nghe được nơi Người.

Bài Tin Mừng hôm nay trích từ chương 10, nói đến những việc xảy ra vào dịp lễ cung hiến Đền thờ, vào mùa đông. Đây là thời điểm khá gần với đại lễ của người Do Thái, cơ hội cho những người có lòng tin ăn mừng biến cố Macabê chiến thắng quân Syri vào khoảng năm 160 trước Chúa Giáng sinh. Dân Syri đã xúc phạm Đền Thờ nên Macabê đã nổi dậy giành lại và thánh hiến Đền Thờ. Vì thế, đại lễ này khơi dậy lòng yêu nước cũng như niềm hy vọng sẽ một lần nữa được tự do; lần này là thoát khỏi bàn tay cai trị hà khắc của người Rôma. Vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ thì tinh thần của dân lại được khơi dậy một niềm hy vọng về Đấng Mêssia mà Thiên Chúa hứa gởi đến cho dân.

Trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta có thể thấy nhiều lần đề cập đến chiên và mục tử. Chiên có giá trị kinh tế ở xứ Palestin, vì thế cả dân ở thôn quê lẫn thành thị đều có thể nuôi chiên, ít là như một nghề phụ. Mục đồng thường sống khá khổ cực và thường xuyên phải đi xa nhà để chăn dẫn đàn chiên. Họ cũng phải đối mặt với khó khăn nguy hiểm do thú dữ và cả những tên trộm. Mục đồng phải giữ đàn chiên ở chung với nhau, vì chúng thường dễ đi lạc, và còn phải dẫn chúng đến nguồn nước cho chúng uống và đến đồng cỏ cho chúng ăn.

Vì thế chúng ta thấy được tầm quan trọng của sứ điệp Đức Giêsu đã nói cho thính giả của Người trước đó, khi Người nói mình là Mục Tử Tốt. Trong bối cảnh Lễ Cung Hiến Đền Thờ, Đức Giêsu vẽ lên hình ảnh của người mục tử để mô tả Người như Đấng có thể dẫn dắt, bảo vệ và nuôi dưỡng dân của Người – những con chiên biết lắng nghe và đi theo tiếng gọi của Người. Trong Cựu Ước, Đức Chúa được mô tả như là Mục Tử (xc. Êdêkien 34 và Thánh vịnh 23) có thể chăm sóc đàn chiên, vì mục tử được chọn đã sa ngã trầm trọng. Vì thế, khi tự xưng mình là Mục Tử Tốt thì Đức Giêsu cũng đã tự xác nhận căn tính Thiên Chúa của Người, khi Người nói: “Tôi và Chúa Cha là một.”

Những ai đón nhận Đức Giêsu và lời của Người thì cũng nhận được những gì Thiên Chúa ban qua Người (“Tôi sẽ ban cho chúng sự sống đời đời và muôn đời chúng sẽ không phải diệt vong.”). Những kẻ chống đối Đức Giêsu hiểu rất rõ những gì Người muốn nói, vì trong đoạn tiếp theo, sau bài Tin Mừng hôm nay, có nói rằng: “Họ lấy đá để ném Đức Giêsu.” (câu 31)

Đức Giêsu khiến dân chúng ngạc nhiên, Người không phải là đấng Mêssia như họ mong muốn. Người đã không tập hợp quân đội để lật đổ quân La Mã. Người cũng đã chẳng sống theo kiểu một người công chính mà những người chống lại Người đòi hỏi nơi một người được Thiên Chúa sai đến. Vậy thì điều gì chứng minh được những lời Người đã nói: “Tôi và Chúa Cha là một”? Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã không thực hiện dấu lạ chỉ để thuyết phục những kẻ thách thức uy quyền của Người. Dân chúng phải đặt niềm tin tưởng nơi Người và đón nhận sứ điệp của Người. Điều này thật khó thực hiện đối với những người đương thời của Người, những người mong chờ một đấng Mêssia kiểu khác.

Tin là một chủ đề quan trọng trong Tin Mừng Gioan, và đó không phải những gì người ta có thể bị lôi kéo bởi những chứng cứ hùng hồn hay dấu lạ vĩ đại. Đó là món quà Thiên Chúa phú bẩm trong chúng ta để có thể khơi lên một thái độ tin tưởng vào Đức Giêsu và khiến chúng ta rập khuôn cuộc đời mình theo những lời dạy của Người – dù lúc thuận lợi hay không thuận lợi. Chiên của Đức Giêsu thì nghe tiếng Người và đi theo Người dẫu chúng ta có phải bước đi trong “thung lũng âm u” (Tv23,4).

Vấn đề thời gian không thể khiến niềm tin vào Đức Giêsu dễ dàng hơn chút nào. Niềm tin của chúng ta chịu thử thách khi mọi thứ trở nên tồi tệ - trong cuộc sống riêng của chúng ta, trên thế giới, nhất là trong Hội thánh của chúng ta ngày nay. Như những người đương thời với Đức Giêsu, chúng ta cũng cần một dấu để tin. Đôi khi chúng ta không nhận được bất kỳ dấu chỉ nào, không một lời đáp trả cho những điều khấn xin, không một lối thoát nào khỏi một tình cảnh khó khăn. Nhưng chúng ta luôn được đòi hỏi phải tin tưởng vào lời Đức Giêsu – để chúng ta được an toàn trong “tay Chúa Cha”.

Vì vẫn còn là mùa Phục sinh nên chúng ta vẫn mong sứ điệp Tin Mừng của những Chúa Nhật này có cảm giác vui tươi. Thế mà suốt mùa Phục sinh này Đức Giêsu lại nói với chúng ta giữa những mâu thuẫn và chống đối. Chúng ta sẽ nhìn lại những biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu, và trong ánh sáng của niềm tin phục sinh của chúng ta, chúng ta đang thể hiện ý nghĩa lời của Người trong cuộc sống của chúng ta – cuộc sống mà vẫn còn đầy những mâu thuẫn và chống đối. Hôm nay, chúng ta nghe Người mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Người, Mục Tử, ngay cả khi người khác hay những biến cố của cuộc sống đe dọa đức tin của chúng ta.

Có thể xem như bài Tin Mừng hôm nay đã được chọn trong mùa phục sinh này vì có nói đến sự sống đời đời. Đức Kitô Phục sinh ban cho chúng ta sự sống của Người (“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”). Thời Đức Giêsu, không phải tất cả mọi người Do Thái đều tin vào sự sống đời sau. Nhóm Sađốc không tin, còn nhóm Pharisêu, những người tin vào sự bất tử của linh hồn, thì lại tin (Cv 23,6-9).

Nhưng trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu không chỉ ban sự sống đời đời cho một số người nào đó trong tương lai, nhưng cho những ai, như Người nói, “ai nghe lời Tôi” (5,24) – và sự sống ấy có ngay lúc này. Như Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria ở giếng nước rằng thứ nước Người ban sẽ mang đến sự sống đời đời (4,14). Người cũng nói: ai ăn bánh sự sống của Người cũng sẽ “có sự sống đời đời” (6,40.47). Sự sống Đức Giêsu ban thì đang hoạt động trong những người tin. Đó là sự sống mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta (12,50). Vì thế, Đức Giêsu ban cho chúng ta thật “dồi dào” (10,10).

Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi khám phá sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội để tái sinh và dưỡng nuôi sự sống ấy trong chúng ta. Khi chúng ta tiếp tục lắng nghe Đức Giêsu và lời của Người, cũng như đón nhận Người trong Bí tích Thánh Thể, thì sự sống của Người lớn mạnh trong chúng ta. Cuộc sống của chúng ta trong “thế gian” (trong Tin Mừng Gioan “thế gian” là một phần thế giới chống lại đức Kitô) có thể làm chúng ta kiệt lực. Chúng ta không chống nổi những chọn lựa đe dọa đến sự sống của Đức Kitô trong chúng ta, nhưng Đức Giêsu ban cho những ai đón nhận lời của Người một sự sống mà thế gian không thể hủy diệt. Hỏi rằng ai hay sức mạnh nào có thể ban cho chúng ta sự sống như thế? Chúng ta đã chẳng đặt cược đời mình vào những lời hứa hão huyền và những thứ nhất thời để chỉ có thể khám phá ra rằng, tất cả sự sống chúng ta có được từ những thứ đó chỉ là quá tạm bợ đó sao?

Như Đức Giêsu đã hứa và chính việc cử hành Thánh Thể này nhắc nhớ chúng ta, chúng ta hiện đang chia sẻ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con – Chúng ta có sự sống đời đời.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.04.2010. 15:00