Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Làm theo Lời Chúa trong mọi việc: để đón Chúa quang lâm

§ Lm Jude Siciliano, OP

CN I Mùa Vọng (C), 29-11-2008
Gr 33:14-16, 19b; Tv 25; 1 Tx 3: 12-4:2;
Lc 21: 25-28, 34-36

Mỗi khi chúng ta không trả lời được một câu hỏi nào thì chúng ta thường nói “Chỉ có Chúa mới biết!”. Như câu hỏi “đội banh nào sẽ thắng?” hay “chừng nào anh John mới bỏ hút thuốc?”.

Bây giờ vào mùa Vọng, chúng ta có biết bao câu hỏi về đủ thứ chuyện. Như: “Bao giờ công bình sẽ đến trên mặt đất này?” hay “bao giờ chiến tranh mới chấm dứt, và bao giờ người ta mới tử chối vủ khí chiến tranh để làm dụng cụ nông nghiệp?” hoặc “bao giờ Chúa Kitô mới trở lại trần gian này để mở rộng Nước Trời?”. Rồi chúng ta sẽ trả lời “chỉ có Chúa mới biết!”. Chúng ta không có những câu trả lời cho các câu hỏi này. Nhưng, Thiên Chúa biết Người sẽ làm gì để sự dữ không còn xuất hiện. Thế giới tránh khỏi tính bạo lực độc ác.

Phúc âm hứa là Chúa Giêsu sẽ trở lại. Có người đã tìm cách dùng toán học, hay các phương tiện khác để tiên đoán ngày Chúa Giêsu sẽ trở lại. Những người đó chắc đọc phúc âm ngày hôm nay, và họ nghĩ đến những hiện tượng xảy ra như: động đất, sóng thần, dịch cúm, mặt trời mặt trăng có nhật thực và nguyệt thực v.v… rồi chắc họ tiên đoán ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian này. Họ sai lầm, vì chúng ta vẫn còn chờ đợi. Sách Kinh Thánh tả ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian không bởi tiên đoán dựa vào toán học. Trái lại, sự trở lại của Chúa Giêsu tả trong Kinh Thánh là để cho chúng ta niềm hy vọng, và chúng ta phải làm gì trong lúc chờ đợi ngày đó.

Giáo hội tiên khởi của thánh Luca sống những ngày bắt bớ đau khổ trong đức tin, và các tín hữu mong mỏi ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian này. Nhưng họ thất vọng. Nếu Chúa Giêsu trở lại, có lẽ các tín hữu thời đó sẽ nói với những người khác là “đấy các bạn thấy không, chúng tôi đã nói với các bạn rồi mà”. Và họ sẽ không có vẻ sống đức tin một cách ngây ngô nữa. Họ phải kiên trì trong đức tin vượt qua bao nhiêu thử thách, như bắt đạo, chế dễu, và ngay cả những khi họ bị mất niềm tin.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn còn chờ đợi. Đức tin của chúng ta có vẻ ngây ngô đối với một thế giới thiếu đức tin? Còn đối với các đồng nghiệp, bạn bè láng giềng, và gia đình chúng ta thì sao? Nếu Chúa Giêsu không trở lại sớm thì chúng ta làm sao làm chứng đức tin chúng ta đối với kẻ khác? Ngay khi Chúa Giêsu chưa trở lại trần gian để chấm dứt mọi sự, thì chúng ta còn có một dấu chỉ minh chứng là Chúa Giêsu đang ở với Giáo Hội Ngài. Đó là mỗi khi các đồ đệ Ngài thực hiện những hành vi đặc biệt như: tha thứ cho kẻ khác, dâng hiến đời họ để săn sóc người nghèo khổ và tật nguyền, thách đố quyền uy trong thế gian để xây dựng hòa bình, chia sẻ của cải mình với kẻ khác, xây dựng một gia đình trong những điều kiện khó khăn, lên tiếng kêu gọi giới chức cầm quyền thực hiện luật pháp công bằng, hay đấu tranh để thành lập quỷ bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo v.v….

Chúng ta có thể sống theo những điều Chúa Giêsu dạy trong bài phúc âm hôm nay: “Anh em hãy đứng thẳng, ngẩng đầu lêu… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” cho đến ngày Chúa Giêsu trở lại. Và đó là dấu hiệu sự hiện hữu của Ngài trong thế giới này qua thành quả của các đệ tử của Ngài. Và như lời Chúa Giêsu đã dạy, chúng ta hãy tỉnh thức trong cách sống đức tin sao cho giống với lời rao giảng đức tin trong nhà thờ ngay hôm nay.

Sự chờ đợi đó có làm cho chúng ta chán nản, hay cảm thấy bị bỏ rơi không? Đâu là những dấu chỉ làm rõ về sự trở lại của Chúa Giêsu? Chúng ta hãy mở mắt đức tin để nhìn chung quanh chúng ta như: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, bà Dorothy Day lập phong trào bênh vực giới lao động ở Nữu Ước, Đức Tổng Romero bênh vực người nghèo ở Trung Mỹ, các nữ tu Maryknoll bị giết ở Nam Mỹ v.v… (thêm vào đấy đời sống Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Cha Lý, Đức Tổng Kiệt v.v…). Đó là đời sống của vài Kitô Hữu, như những dấu chỉ đã mô tả trong phúc âm về sự trở lại của Chúa Giêsu. “Và rồi sau đó, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.

Hằng ngày các Kitô Hữu sống chứng nhân trong yên lặng mà vẫn đầy “vinh quang”, về sự hiện hữu của Chúa Giêsu trong Giáo Hội. Chúng ta sống ơn gọi làm đệ tử, mong sao lối sống của chúng ta chứng tỏ Nước Trời đang ở giữa chúng ta. Nếu tất cả chúng ta sống trung thành với đức tin, và với ơn gọi làm đệ tử Chúa Giêsu trong đời sống hàng ngày thì nó sẽ trở nên một sức mạnh làm thay đổi thế giới này. Và sự trở lại của Chúa Giêsu sớm hơn chăng? “Chỉ có Chúa mới biết!” Nhưng, điều đó chứng minh Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta.

Chúa Giêsu đã nói “…các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”. Ngay cả những vật trong vũ trụ mà chúng ta nghỉ là vững chắc, cũng bị lay chuyển. Như những điều chúng ta biết chắc là ngày rồi đến đêm, rồi lại ngày trở lại v.v… sự luân chuyển chắc chắn ấy cũng sẽ bị lay chuyển. Những người gặp những kinh nghiệm khủng khiếp trong đời họ thường cho biết là họ cảm thấy lộn xộn như: không ngủ ban đêm được, cứ cảm thấy lo lắng tận trong xương tủy họ nên họ lẫn lộn ngày và đêm. Thánh Luca cho chúng ta biết là sự lộn xộn lay chuyển ấy sẽ đến trong toàn vũ trụ “người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”. Nhất là một địa cầu làm “muôn dân sẽ lo lắng hoang mang…”. Vũ trụ sẽ không còn có thứ tự nữa, và sự lo lắng hoang mang sẽ bao trùm tất cả chúng ta và làm chúng ta không trông thấy “Con Người đến” và đang ở giữa chúng ta.

Thế giới có thể bị sụp đổ như Chúa Giêsu đã nói, nhưng có lẽ không vì những tai họa, nhưng vì sự điên rồ của loài người như: càng ngày càng có nhiều nước tìm vũ khí hạt nhân để thách đố nhau, sự thách đố của những kẻ khủng bố; tầng ozon ngày càng bị mỏng đi; nước sông hồ ngày càng ô nhiễm, và cá biển bị chết bớt đi v.v… Chúng ta có thể biết trước chương trình Thiên Chúa dự trù cho ngày cùng tận, mặc dù chúng ta tìm mọi cách để phân tích những bài văn cùng tận trong Kinh Thánh. Nhưng mỗi cá nhân chúng ta, mỗi đoàn thể chúng ta có thể giúp chặn đứng sự hủy diệt xã hội loài người. Chúng ta có thể cùng nhau chung sức với tất cả những người có thiện tâm bảo vệ sự sống của muôn loài vật trên địa cầu này.

Những gì phúc âm báo trước rõ ràng là, cá nhân hay vũ trụ rồi sẽ đến ngày cùng tận. Chúng ta hãy tỉnh thức “đứng thẳng, ngẩng đầu lên trước Con Người”. Chúng ta phải bền vững trong đức tin và luôn hướng về Chúa Kitô. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa nắm mọi quyền uy trong vũ trụ, không phải chỉ ngày cùng tận mà thôi, nhưng Ngài nắm quyền uy trong từng ngày chúng ta sống cho đến ngày “Con Người trở lại”. Và đến ngày đó lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa sẽ được chứng tỏ. Trong khi chờ đợi, chúng ta không bị sự dữ đánh bại, hoặc các điềm lạ trong vũ trụ làm lay chuyển chúng ta như ngôn sứ Giêrêmia đã bảo. Có lẽ vì thế thánh Luca không nói nhiều đến phần tiêu cực, nhưng nói nhiều đến sự ving quang của ngày Chúa Kitô trở lại.

Hôm nay Thánh Luca giúp chúng ta hướng về tương lai khi lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện và Chúa Giêsu sẽ trở lại. Nhưng chúng ta không nên sống trong tương lai, mặc dù các ngày trước lễ Chúa Giáng Sinh là những ngày làm chúng ta phải bận rộn vì sửa soạn mừng lễ. Trái lại, chúng ta phải hy vọng về tương lai, mỗi ngày chúng ta hãy hành động hướng về sự trở lại của Chúa Giêsu trong mọi việc, mọi thử thách trong cuộc sống của chúng ta.

Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.11.2009. 11:22