Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ðiều mà người Do-thái cho là ô nhục và người Hy-lạp cho là điên rồ!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật Lễ Lá/B (1Cr 1,23)

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh, Tuần Thương Khó, để tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Kitô. Theo ngôn ngữ ngày nay có lẽ người ta phải nói: Ðó là tuần lễ của những xì-căng-đan, của những tai tiếng và ô nhục. Bởi lẽ, khi một Ðấng Mê-si-a, một Ðấng Thiên Sai xuất hiện và công bố «Tin Mừng» về một cuộc sống được cứu rỗi và hạnh phúc cho con người, thì đã bị chính những vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị của quê hương Người kết án tử và đóng đinh vào thập giá như một tên tử tội.

palm-sunday.jpg

Niềm hy vọng của những người Do-thái xưa kia đã đặt hết vào Ðức Giêsu và vào sứ điệp của Người to lớn và sâu xa như thế nào, đã được biểu lộ một cách rõ ràng qua cuộc đón tiếp long trọng và tưng bừng khi Người tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Hàng ngàn người đã đồng thanh tung hô Ðức Giêsu: «Hoan hô con vua Ða-vít, Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến». Thế nhưng chỉ không lâu sau đó vài ba ngày, họ lại giơ lên những nắm tay đả đảo: «Hãy đóng đinh nó vào thập giá và hãy thả tự do cho Baraba!» Toàn diện những sự kiện đó có nghĩa gì? Thánh Phaolô xưa kia đã viết là thánh giá Ðức Kitô trước mắt người Do-thái là một điều ô nhục không thể chấp nhận được và trước mắt người Hy-lạp là một điều điên rồ. Nhưng đối với thánh Phaolô và những «người Kitô hữu đã được kén chọn» thì thánh giá Ðức Kitô là dấu chỉ sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Sự cử hành Chúa Nhật Lễ Lá được đánh dấu bằng hai nghi thức Phụng Vụ đặc biệt: Ðó là việc rước lá và việc công bố bài Phúc Âm tường thuật cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Kitô. Thật ra ngày hôm nay phải là một ngày đại tang, vì là ngày Con Thiên Chúa bị bắt, bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá. Ðó là những tội ác độc dữ nhất mà loài người đã phạm: xúc phạm nặng nề đến chính Thiên Chúa! Mỗi khi nghe đọc lại câu chuyện Thương Khó của Chúa, chúng ta phải câm nín trước sự xấu hổ và ăn năn hối hận.

Tuy nhiên, hôm nay Giáo Hội không muốn để chúng ta sầu khổ thống thiết, nhưng kêu mời chúng ta cùng cất tiếng tung hô: Hoan hô con vua Ða-vít, hoan hô Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến! (x. Lc 19,38). Xưa kia, Ðức Giêsu đã vào thành Giê-ru-sa-lem để đương đầu với một cuộc chiến sống còn. Và cuộc chiến đó đã dẫn Người ngay trong tuần này đến cái chết thảm thương trên thập giá. Mặc dù cho phải chết nhục nhã đau thương, Ðức Giêsu đã kết thúc cuộc chiến trong sự thắng trận vinh quang. Cuộc chiến đau thương của Người là một sự chiến thắng, một sự chiến thắng cho chúng ta. Cuộc chiến thắng đó của Ðức Giêsu huy hoàng và vinh quang như thế nào, đều đã được biểu dương trong sự phục sinh khải hoàn của Người. Ðức Giêsu đã bẻ gãy xiềng xích sự chết và đã mở rộng ra cho chúng ta tất cả mọi cánh cửa dẫn tới cuộc sống với Thiên Chúa, và nhờ đó, dẫn tới niềm hoan lạc, sự tự do và sự sống hạnh phúc bất diệt.

Ngày nay Giáo Hội lại tiếp tục sống cái định mệnh của Ðức Giêsu. Bởi vì Ðức Giêsu sống trong Giáo Hội. Sự hiện diện của Người trong Giáo Hội làm cho Giáo Hội thực sự là Giáo Hội. Vâng, Giáo Hội là mình mầu nhiệm của Người. Cả ngày nay nữa, trong các thành viên của Giáo Hội Người, trong các Kitô hữu, Ðức Giêsu vẫn còn tiếp tục chịu bắt bớ, bị hành hạ, bị nhạo báng, bị bêu xấu và bị giam cầm. Nếu Giáo Hội trong thời đại chúng ta ngày nay bị ghét bỏ, bị nhạo báng chê cười, v.v… thì điều đó không chỉ có liên quan đến một mình Giáo Hội mà thôi, nhưng còn có liên quan đến toàn thể Kitô Giáo trong mọi thời đại và có liên quan đến chính Ðức Kitô. Tuy nhiên, trước những thách đố đó của thế gian chúng ta không cần phải sợ hãi, kinh khiếp hay thất vọng. Ðức Giêsu Kitô đã chiến thắng trên thập giá, cũng sẽ chiến thắng trong Giáo Hội Người.

Nói tóm lại, hôm nay trong Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta cử hành cuộc tiến vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng của Ðức Giêsu để bước vào cuộc chiến đau thương và để kết thúc cuộc chiến đó trong sự phục sinh khải hoàn vinh thắng. Nhưng khi cử hành cuộc tiến vào Giê-ru-sa-lem của Ðức Giêsu, chúng ta cũng ý thức được rằng con đường của Người cũng là con đường của Giáo Hội và là con đường của chúng ta. Chúng ta cử hành cuộc rước lá một cách công khai, điều đó muốn nói cho thế gian biết rằng chúng ta cương quyết bước theo Ðức Kitô, không phàn nàn và không lẩm bẩm kêu trách, nhưng ca hát trong niềm vui tươi hớn hở. Mặc dầu chúng ta biết rõ rằng con đường bước theo Ðức Giêsu sẽ là con đường thánh giá, con đường đầy gian nan đau khổ, nhưng chúng ta vẫn vui mừng ca hát. Bởi vì Ðức Giêsu cùng đồng hành với chúng ta và đưa dẫn chúng ta đạt tới chiến thắng vinh quang, một sự chiến thắng vinh quang mà Người đã dành sẵn cho ta qua cái chết và sự phục sinh của Người.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.04.2009. 13:26