Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hỡi Satan, Hãy Tránh Xa Ta

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm A

Đau khổ không phải là một sự dữ tuyệt đối. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này, Thánh Phêrô tạo ra cho Chúa Giêsu một dịp để dạy chúng ta rằng đau khổ thật ra có thể là một điều tốt. Nó có thể được Thiên Chúa dùng để đem lại điều tốt hơn. Cho nên đừng tránh nó bằng mọi giá.

Đoạn (Tin Mừng) này đi theo lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống của Thánh Phêrô. Chúa Giêsu đã khen Thánh Phêrô, ban cho ngài một tên mới, xác nhận rằng lời tuyên xưng đức tin của ngài đến từ Chúa Cha. Người đã ban cho ngài quyền tối thượng trên Hội Thánh mới của Người. Bây giờ chúng ta thấy Chúa Giêsu mắng ngài, “Satan, hãy xa Ta.” Thật là điều tương phản. Lời của Chúa Giêsu thật gay gắt. Rõ ràng là Người có một bài học quan trọng để dạy ngày hôm ấy.

Thánh Phêrô rất yêu mến Chúa Giêsu. Ngài không muốn Chúa phải đau khổ. Phản ứng của Thánh Phêrô đối với lời mà Chúa Giêsu tiên báo về sự đau khổ Người sẽ chịu là điều hợp lý trong nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên Thánh Phêrô không hoàn toàn hiểu Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Thánh Phêrô vẵn cần điều mà Thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi tín hữu Rôma: được biến đổi bằng sự canh tân tâm trí để ngài có thể phán đoán đâu là Thánh Ý Thiên Chúa, điều nào là tốt, đẹp lòng Thiên Chúa và hoàn hảo. Ngài không hiểu rằng Chúa Giêsu phải chịu đau khổ. Sứ vụ của Chúa Giêsu là làm theo Thánh Ý Chúa Cha, trở nên tội nhân vì chúng ta và hiến đời Người trên Thập Giá để cứu chuộc thế gian. Đó là việc làm yêu thương cao cả nhất mà thế gian chưa bao giờ biếy đến.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng phải vui lòng chịu đau khổ. Chúng ta không đi tìm nó; chúng ta không phải là những người khổ dâm. Tuy nhiên, chúng ta phải vui lòng lãnh nhận đau khổ khi Thiên Chúa gửi đến như một phương tiện để ban cho chúng ta điều tốt đẹp hơn. Như chúng ta chịu đau đớn khi tập luyện thân thể vì sức khỏe thể lý hay tâm thần, thì chúng ta cũng chịu đau khi tập luyện linh hồn vì sức khẻo tâm thần và tinh thần. Khi chúng ta trả lời “không” cho những thèm muốn tội lỗi của mình, chúng ta xây dựng nhân đức và tránh những bệnh tật thiêng liêng. Khi chúng ta chiến đấu chống lại lười biếng hay mệt nhọc để cầu nguyện, chúng ta nuôi dưỡng mối liên hệ với Thiên Chúa và thờ phương Ngài đúng cách. Khi chúng ta hy sinh mua sắm để dành tiền cho người nghèo, là chúng ta chịu khổ vì Nước Trời.

Nhưng Chúa Giêsu ở đây để giúp chúng ta. Người mời chúng ta kết hợp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Người trên Thánh Giá. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta thực tại tuyệt mỹ này của đức tin khi ngài nói: “Tôi nài xin anh em.. . hãy hiến dâng thân xác anh em như của lễ sống động, thánh thiện và đáng đẹp lòng Thiên Chúa, việc thờ phượng sống động của anh em.”

Chúng ta được mời gọi để dâng lễ hy sinh như thế cách sâu xa trong Thánh Lễ trong phần dâng lễ. Thánh Lễ nhắc lại và tái trình bày hy lễ của Đức Kitô dâng lên Chúa Cha qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Hy lễ của Đức Kitô trở thành hy lễ của chúng ta hai cách: thứ nhất, khi chúng ta ý thức chọn lựa công nhận điều Đức Kitô đã làm và dâng lên Chúa Cha một hy lễ chúc tụng; và thứ đến là khi chúng ta chọn kết hợp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Đức Kitô trên Thánh Giá và dâng lên Chúa Cha như một việc yêu thương.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin biến đổi con bằng cách canh tân tâm trí con để con biết điều gì là Thánh Ý Cha, điều gì là tốt đẹp, đẹp lòng Cha và hoàn hảo. Xin giúp con một phần nào đó hiểu được vẻ đẹp tuyệt vời của mó quà mạng sống mà Đức Kitô dâng lên Cha trên Thánh Giá. Xin cho con ân sủng để dâng hiến cách ý thức và yêu thương đau khổ của con lên Cha trong Thánh Lễ để con có thể phụng thờ Cha trong tinh thần và chân lý.

Viết theo bài của Lm Jack Peterson trong Arlington Catholic Herald

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.08.2008. 16:51