Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy Tạ Ơn Trong Mọi Hoàn Cảnh

§ Phêrô Vũ văn Quí

CN III-MV-B - Ga 1,6-8.19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
Để mọi người nhờ ông mà tin
” (Ga 1, 6-7)

Từ lời giới thiệu về Gioan Tẩy Giả rất ngắn trên trong Bài Tựa Tin Mừng Gioan, tôi nhớ lại lời khẳng định của thánh Marcô trong Tin Mừng CN II Mùa Vọng, khi ngài quả quyết rằng: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.” (Mc 1, 5)

Cũng theo Marcô, chính nhờ đời sống chứng nhân bằng sự từ bỏ hãm mình ngay từ vật chất bên ngoài, như “mặc áo lông lạc đà, thắt bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1, 6) cho đến kiên tâm lắng nghe Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia, rồi hăng say ra đi rao giảng mà ông đã làm cho nhiều người sám hối và đón nhận phép rửa bằng nước.

Còn hôm nay, thánh sử Gioan dẫn chứng về đời sống chứng nhân của Gioan Tẩy Giả dưới hình thức từ bỏ quan trọng khác, khi ngài kể lại cuộc đối thoại hàm ý rất thú vị giữa Gioan Tiền Hô với một số tư tế và mấy thầy Lêvi. Vì có nhiều người đến nhận phép rửa tại sông Gioađan, nên những chức sắc trên đã tưởng rằng Gioan Tẩy Giả là Đấng Kitô hoặc là Êlia hay ít ra cũng phải là một ngôn sứ nào đó. Trước những câu hỏi của họ, thánh Gioan Tiền Hô đã thẳng thắn nói không với họ. Ngài không màng vinh quang danh vọng mà ngài đáng được hưởng, nhưng ngài đã tự hạ cho rằng mình chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa: Hảy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. (Ga 1, 23)

Với cảm nghiệm của tôi, ngài nhận mình chỉ là người chuyên cần lắng nghe tiếng Chúa thầm thì trong cõi lòng, trong cô tịch, trong lắng đọng, trong nguyện cầu và rồi nhờ đó, ngài đã nhận ra những bất tòan, những thiếu sót, những lầm lỗi của mình và kiên trì sửa đổi hầu sống theo tiếng Chúa mời gọi. Đây là sức mạnh quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa đã nâng đỡ và biến đổi ngài vâng theo ý Chúa. Vì thế mà thánh sử đã dùng cụm từ “Có một người được Thiên Chúa sai đến”. Vẫn với sức mạnh “được sai đến” đó, ngài đã mạnh dạn bước đi để rao giảng, rồi làm phép rửa trong nước cho những ai sẵn sàng đón nhận ơn sám hối trong tâm hồn, vì ngài đã được ơn nói tiên tri như ngài đã minh định: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng lám phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 33).

Nhờ cuộc trở về nội tâm sâu sắc và huyền nhiệm đó, cũng như nhờ chuyên tâm cầu nguyện, “vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu súôt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã xác tín (Rm 8, 26-27), mà Gioan Tẩy Giả đã nói khi Đức Giêsu đến gần ngài rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. (Ga 1, 29)

Quả thật, thánh Gioan Tẩy Giả đã tự xóa mình đi để đi sâu vào trong chiêm niệm cầu nguyện Lời Chúa và rồi, “được Thiên Chúa sai đến” mà ngài đã tòan tâm toàn ý hướng về Đấng Thiên Sai, tức Đức Kitô, như sau đó ngài đã khẳng định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban... và Đức Kitô phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 27. 30)

Khi nhìn lại mẫu gương từ bỏ để hướng về Chúa Giêsu của thánh Gioan Tiền Hô, tôi cảm thấy mình quá bất toàn, quá xấu xa. Suốt mấy tuần qua, tôi luôn bị giằng co, có khi chán nản vì tật bệnh, vì mất niềm tin vào tình yêu Chúa như Ngài đã không chiều theo ý nguyện xin của mình. Sự buông xuôi đã có lúc làm tôi choáng váng muốn đi tìm những thú vui xác thịt; như muốn tìm đến rượu để giải khuây nỗi buồn muôn thuở trong con người yếu hèn của mình hoặc như muốn tìm những lãng quên trong phim ảnh để giết chết những giờ khắc buồn khổ thất vọng.

Tuy nhiên, khi đọc được bài đọc 2 trong Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng, tôi nhận được sức mạnh của Lời Chúa khi thánh Phaolô khuyên dậy:

Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hòan cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa múôn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 16-22)

Và từ đó, tôi cố khép mình vào trong lời nguyện, tiếp tục xin ơn soi sáng, lắng đọng tâm hồn để rồi tôi cảm nhận được bình an của Chúa và ghi lại những cảm nghiệm của mình.

Xin mượn lời cầu nguyện của thánh Phaolô để dâng lên Thiên Chúa với tâm tình sám hối chân thành:

Lạy Cha yêu thương,

Ngài là nguồn mạch bình an của chúng con, xin thánh hóa toàn diện con người của chúng con, để thần trí, tâm hồn và thân xác chúng con được gìn giữ vẹn tòan, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con quang lâm, hầu chúng con xứng đáng lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong Mùa Vọng, cũng là mùa được hân hoan trong Bình An của Ngài. Amen.

Chúa Nhật III MV B, 14/12/2008

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.12.2008. 10:35