Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hạn định Thiên Chúa đã đặt ra cho cuộc sống chúng ta

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên/A (Mt 25,14-30)

Rất có thể nhiều người trong chúng ta cảm thấy bất bình khi nghe câu chuyện được thánh sử Mát-thêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay: Phải chăng người đầy tớ thứ ba trong câu chuyện đã làm điều gì bất công? Phải chăng anh ta không phải là người quản lý trung thành? Phải chăng anh ta đã không trả lại cho ông chủ tất cả những gì anh ta đã lãnh nhận, chứ không làm sứt mẻ hay mất mát? Vậy, tại sao anh ta đã phải nghe lời kết tội: "Mi là đứa đầy tớ xấu và lười biếng!"

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn lại ba người đầy tớ với tư cách của họ. Ông chủ giao phó toàn bộ gia tài cho họ. Ông giao cho họ tất cả những gì ông ta có. Nghĩa là ông chủ tin tưởng hoàn toàn vào họ.

Vì thế, có lẽ trước hết chúng ta có khuynh hướng muốn bênh vực cho người đầy tớ thứ ba này: Anh ta đã không làm gì thất tín với tiền của ông chủ, cũng không phung phí xa hoa số tiền đã được giao phó, chẳng hạn như trường hợp đứa con hoang đường ( x. Lc 15,11-32). Ðể tránh nguy hiểm có thể bị tiêu hao mất mát, anh ta đã đào lỗ chôn số tiền ông chủ giao cho.

Thế nhưng, chính thái độ đó đã tố cáo tội của anh: Ông chủ đã đặt hết tin tưởng vào anh và giao phó tiền bạc cho anh; nhưng anh ta đã đáp trả lại sự tin tưởng to lớn đó bằng thái độ sợ hãi và nghi kỵ. Ông chủ đã tạo cho anh một vận may hiếm có, nhưng anh ta không có can đảm tin tưởng vào chủ mình để nắm bắt lấy vận may đó. Ông chủ đã tỏ ra hết lòng quảng đại với anh, nhưng anh đã chẳng những nghi ngờ sự quảng đại đó của ông chủ mà còn nặng lời phê bình chỉ trích ông nữa: "Tôi biết ông là người hà khắc, ông gặt chỗ ông không gieo, ông thu nơi ông không vãi…!" Nói cách khác, người đầy tớ đã phê phán ông chủ theo chuẩn độ của con tim bé nhỏ hẹp hòi của mình, và qua đó chứng tỏ anh ta không đủ khả năng để đáp trả lại cách quảng đại sự độ lượng của ông chủ. Bởi vậy, để cho chắc chắn một trăm phần trăm, anh ta đã khoanh tay ngồi chờ, chứ không động đậy chân tay, hầu không sợ bị mất mát gì cả. Nhưng chính do thái độ đó, anh ta đã đánh mất tất cả: "Các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến", tức đưa cho người đầy tớ can đảm đã biết đáp trả lòng tin tưởng của ông chủ nhiều nhất, tức đưa cho người "đã không để cho các ơn huệ của Thiên Chúa ban trở thành vô ích" (2Cr 6,1).

Sự phán quyết như trên muốn nói cho chúng ta điều gì?

Với chúng ta trong tư cách là những người Kitô hữu cá nhân, điều đó nói rằng: Người trung tín phải là người can đảm bước theo sát chân Ðức Giêsu. Sự lo lắng sợ hãi và sự thiếu can đảm là những thái độ đi ngược lại với các nhân đức Kitô giáo.

Với chúng ta trong tư cách là Giáo Hội của Ðức Kitô, điều đó nói rằng: Chỉ lo lắng bảo vệ và gìn giữ những gia sản ơn thánh được giao phó, là chưa đủ. Chúng ta không được phép che đậy và trói buộc Tin Mừng Ðức Giêsu, Sứ điệp sống động, những yến bạc của Ðức tin đã được giao phó, trong những hòm thủy tinh đóng kín. Chúng ta phải can đảm dấn thân đầu tư số vốn của Sứ điệp Kitô giáo để sinh lợi lộc cho Giáo Hội. Chúng ta phải gieo vãi những hạt giống của Thiên Chúa vào trong những thửa đất tốt để mang lại hoa trái. Nếu không, khi Ðức Chúa trở lại, Người sẽ tra hỏi chúng ta: Những yến bạc mà Ta đã giao phó cho các ngươi, nay đã lời lãi thế nào rồi? Tại sao các ngươi lại thiếu tin tưởng vào Ta và vào chính mình, mặc dù Ta từng căn dặn khi sai các ngươi ra đi: "Các con hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian rồi"? (Ga 16,33).

Thật vậy, chắc chắn chúng ta đã cảm nhận được rằng câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay không có ý muốn đề cập đến một ông chủ và những người đầy tớ trong một thời tiền sử khắc nghiệt nào đó, nhưng là đề cập đến chính chúng ta, đề cập tới những biện pháp mà Thiên Chúa áp đặt vào cuộc sống của chúng ta, đề cập đến những mong muốn mà Người luôn chờ đợi nơi cuộc sống kitô hữu của chúng ta. Thiên Chúa cần có những cộng tác viên biết đón nhận sự tin tưởng đã được ban cho họ. Thiên Chúa cần những đối tác biết lấy ý muốn và kế hoạch của Người làm của mình và can đảm tìm cách hiện thực chúng trong cuộc sống. Ðó chính là những người mà Thiên Chúa sẽ mời gọi tham dự vào hạnh phúc sung mãn của Người trong ngày sau hết: "Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chủ ngươi!" Amen.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.11.2008. 23:44