Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đường Tình Chúa Dẫn Con Đi

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

(TV 04 : Vậy thì hạnh phúc ở đâu?)
Tin Mừng Chúa Nhật XIV TN (Năm B) : Mc 6,1-6

Ngày Trở Về

Không ai biết được Phạm Duy nghĩ gì khi ông nhạc sĩ tài hoa ngoài 90 tuổi nầy, sau năm 1975 bị liệt vào hàng ‘nhạc sĩ phản động’, trở về Việt-Nam sau một thời gian dài lưu lạc ở ngoại quốc. Kẻ nói thế nầy, người cho là thế khác. Không ít người chào mừng sự trở về của ông như hình ảnh hoả giải dân tộc, đề cao sự bao dung của nhà nước cộng sản, song cũng không thiếu những người cho rằng ông không còn chút liêm sĩ nào. Thói chuộng ngoại của một bộ phận không nhỏ, cộng với tính vô tư của người dân Việt-Nam khiến cho con đường trở về của ông chẳng những không gặp chông gai, trái lại còn vô cùng thuận lợi cả về tiếng tăm lẫn tiền bạc. Hai đêm nhạc mang tên “Ngày trở về” và “Con đường tình ta đi” tại Sàigòn và Hà Nội cuối tháng ba vừa qua nói lên điều đó.

Báo chí Hàn Quốc chiều 23.05 cho hay, cái chết của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã xác định được nguyên nhân là do tự tử chứ không phải tai nạn. Ông đắc cử Tổng thống Hàn Quốc nhờ cương lĩnh chống tham nhũng và cầm quyền từ năm 2003 đến năm 2008, để rồi sau khi rời chính trường, ông lại bị điều tra tham nhũng và cái chết của ông theo là vì “cuộc sống thật khó khăn”. Lá thư tuyệt mệnh ông để lại còn nói rõ là ông rất xấu hổ với những vấn đề liên quan tới cáo buộc tham nhũng. Nhưng một điều mà người dân Hàn quốc nào cũng biết : vị cựu tổng thống nầy, khi rời chính trường, liền trở về làm nông, hoà đồng với mọi người nơi ông sinh ra và lớn lên nghèo khó. Ông được mọi người yêu mến. Điều đó thể hiện ở sự tiếc thương, đưa tiễn sau khi ông từ trần. Việc quốc gia đại sự, người nông dân không quan tâm. Họ chỉ thấy một “Ro Moo-hyun làm tới chức tổng thống”, mà vẫn giữ cốt cách nông dân, xuề xoà, gần gũi, hoà đồng với họ. Họ thương ông.

Có “Ngày trở về” tức là đã có ngày ra đi, nhưng không phải cuộc ra đi bình thường, mà xuất phát từ một nghịch cảnh hoặc một quyết tâm đổi đời với lời thề chỉ nhìn lại quê hương khi đã công thành danh toại .”Ngày trở về” như thế, nếu không còn người thân để cùng chia sẻ hãnh diện, thì bản thân cũng có thể thấy nở mặt nở mày, lối xóm họ hàng nể nang, kẻ thù xưa phải e dè sợ hãi hoặc không còn dám khinh khi. Nếu xét “ngày trở về” theo những tiêu chí ấy, thì ‘ngày trở về” của Chúa Giêsu được thuật lại hôm nay quả là thất bại ê chề. Cách làm của Chúa chứng tỏ không điều nghiên kỹ càng, không có cái mà ngày nay người ta gọi là “PR”, không có dáng dấp và cử chỉ của người nỗi tiếng trở về. Suốt đời Người rồi sẽ đeo đẳng câu dằn vặt : Hắn làm lắm sự ở khắp nơi, sao không làm như thế ở chính quê mình? Cho mẹ già? Cho anh em bà con xóm giềng được hưởng một chút? (x.Mc 6,5) “Hắn cứu được người khác, sao không tự cứu mình” (Mt 27,42) “Ngày trở về” không dành cho người thất bại : họ hãy vĩnh viễn rời xa quê hương, sống chết chẳng ai thèm quan tâm. Chúa Giêsu đã buồn sầu và âm thầm ra đi lại, lang thang rao giảng và làm phép lạ khắp mọi làng mạc, thành thị Israel và kết thúc chẳng khác nào chết bờ chết bụi, gần như bị quên lãng trên Đồi Golgotha, hẳn chẳng còn nơi nào thê lương hơn Calvariô.

Làng Nazaret 09 giờ 15, ngày 14 tháng 5 năm 2009: Đức Thánh Cha, Đấng kế vị Tông Đồ Cả Phêrô, Đấng Đại Diện cho Chúa Kitô trên trần gian, người mà Dân Do Thái đã vì ghen tị, cố chấp mà hò hét đả đảo và xua đuổi, nay đến thăm viếng con cháu họ, giữa tiếng reo hò mừng rỡ của đoàn người đông đảo khoảng 45.000, trong đó có cả đại diện cao nhất quốc gia và đại diện thành phố Nazaret đến chào đón và tham dự Thánh Lễ do Đấng Đại Diện Chúa Kitô dâng, trong một bầu khí hoà bình ngay giữa nơi sục sôi xung đột, trong ánh chiều tà và những hơi gió mát nhè nhẹ thổi. Không nói ra, nhưng Đức Thánh Cha, các giáo phẩm, linh mục [có thể ngay cả nhiều giới chức chính phủ và người dân], không thể không liên tưởng đến bài Tin Mừng hôm nay. “Ngày trở về” huy hoàng, rạng rỡ, được kính trọng và lắng nghe. Phép lạ mà Đấng Đại Diện của Chúa thay cho Người làm hôm nay, đó là hoà giải và hoà bình : 60 năm xung đột, chiến tranh triền miên,không chấp nhận nhau, muốn loại bỏ nhau và không một thế lực, một cường quốc hay một nhóm nước mạnh nào có thể đem con cháu của Sara và Agar ngồi lại với nhau, thì nay ngay sau cuộc hành hương của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô tới Thánh Địa, cây hoà giải và hoà bình đã sum suê hoa lá và đang kết trái, mặc cho nhiều người vẫn cố tình gán công trạng ấy cho mình, cho ông nầy, cho nước kia. Lịch sử chiến tranh,lưu đày của dân Do Thái nói chung và của người dân Nazaret nói riêng có thể nói cùng bắt đầu với việc Người dân Nazaret đã lăng mạ xua đuổi “Giêsu người Nazaret”, thì hai ngàn năm sau, “Giêsu người Nazaret” ấy đã sai Đấng Đại Diện của Người (mà người ta xưng tụng là “Giáo Hoàng của Hoà Bình”) đến đem hoà giải và hoà bình. Đây mới thực là “Ngày trở về”!

Giáo Hội ở giữa trần gian, không xa lạ gì với trần gian, cùng đồng nhất đến cả hình thức và những tổ chức hữu hình. Thế gian chấp nhận một Giáo Hội như thế. Nhưng nếu Giáo Hội mở lời giảng dạy, cảnh báo, sửa chữa những hành vi, những hoạt động của họ, cản trở những kế hoạch tài chính, kinh tế mà họ chỉ đạt được qua âm mưu, lừa đảo, loại bỏ nhau, dùng sức mạnh chính trị và vũ lực để dụ dỗ hoặc ép buộc nghe theo, thì họ gay gắt phản đối và coi Giáo Hội như kẻ thù. Thế gian nầy đang bị sức mạnh Satan kềm kẹp. Kẻ thù duy nhất của Satan là Giáo Hội. Bên cạnh đó, những tổ chức, cá nhân gieo vào thế giới nền văn hoá sự chết, tìm cách huỷ diệt gia đình và hôn nhân, tìm cách xâm hại sự sống bằng những tuyên truyền, chính sách và những chiến dịch ủng hộ cà vận động nạo phá thai, ngừa tránh thai, an tử, đồng tính, nghiên cứu tế bào gốc phôi, nhân bản vô tình, v..v… Những chính phủ vô thần và những thế lực xấu xa sẵn sàng tung ra đủ cách đề triệt hạ uy tín của Giáo Hội : lợi dụng đa số phe đảng để hợp pháp hoá những luật lệ chống lại sự sống và xuyên tạc bôi nhọ Giáo Hội.

Những vết thương hằn sâu không chỉ đến từ Satan và các thế lực vô thần xấu xa, mà còn không đếm xuể những đòn chí mạng do chính con cái kiêu căng, bất tuân, nghe theo ma quỷ để quay lại hành hạ Mẹ Giáo Hội, có khi làm một cách đắc thắng và hả hê, khi bắt bí Đức Thánh Cha . Không đau lòng sao được khi thấy những người thông thái như Hans Kung đem Đức Gioan-Phaolô II ra hài 10 tội, vì đã ‘dám’ cấm ông giảng dạy thần học; tín hữu Công giáo phải vô cùng xót xa khi nhìn những người quyền cao chức trọng trong Giáo Hội như giám mục Lugo, phản lại những lời thề, phản bội nhiệm vụ để làm chính trị. Việc ông dan díu với nhiều phụ nữ khi còn làm giám mục không còn khiến ai ngỡ ngàng. Không đau lòng sao được khi hàng ngàn linh mục phạm tôi lạm dụng tình dục, để lại trên mặt và trong lòng Giáo Hội vết nhơ biết đến khi nào mới gột rửa hết. Và đáng giận biết bao đối với các phần tử trong Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã cầu xin và đã được tha, nay lại trở mặt chai lì và phạm thêm tội lỗi nặng nề hơn. Những linh mục ở Áo, ở Châu Phi ‘hãnh diện’ vì phạm cả ba lời thề! Những giám mục, linh mục sợ gian khó, mất quyền lợi, mà vâng theo hội yêu nước nầy nọ, như thể mặc cảm vì mình không yêu tổ quốc khi trung thành với Giáo Hoàng. Satan hẳn vui sướng nhảy mừng khi những những thứ lý thuyết nghe mát tai được giới thiệu rầm rộ để đầu độc đức tin của các tín hữu vốn tin tưởng nơi họ. Những tiếng đả đảo, xua đuổi Giáo Hội, những âm mưu làm mất uy tín và hạ bệ Đức Thánh Cha vang dậy khắp nơi : ở đâu cũng thấy Satan kích động chỉ huy. Bên cạnh đó, một thái độ rất đáng sợ,cũng hủy diệt không kém : sự thờ ơ, “mặc kệ nó”, đã có người có trách nhiệm lo, chỉ làm đủ và đúng bổn phận, quan liêu, thụ hưởng, khô khan.

Nhưng Giáo Hội vẫn đứng vững. Giáo Hội không ở thế thủ. Vang mãi khắp nơi khẩu lệnh của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II : AU LARGE! RA KHƠI ! Giáo Hội không ngừng sai các chiến sĩ Phúc Âm đến khắp mọi nơi, - nhất là các linh mục - để “dạy dỗ, tha thứ, an ủi, tế lễ và kết hợp mối tình yêu mến ràng buộc lòng Chúa với loài người” (kinh cầu cho linh mục). Đã và sẽ có những hy sinh,những lớp người ngã xuống, nhưng hàng ngũ được tăng cường củng cố ngay, trong niềm tin chiến thắng, để luôn làm chứng cho Chúa Kitô và để nói với thế gian, rằng : Chúa yêu trần gian vô ngần và lòng nhân hậu khoan dung của Người vô biên. Tất cả để đón chờ “Ngày Trở Về” trong vinh quang của Chúa.

Cuộc chiến như thế có thể không cần những chỉ huy - những linh mục thánh thiện, sống KHÓ NGHÈO - KHIẾT TỊNH – VÂNG PHỤC - được sao?

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 04

Biết bao lần Chúa Giêsu đã nhắc đến “gương mù gương xấu”. Những “sự phù hoa hảo huyền” của thế gian tìm cách bóp nghẹt “hạt giống sự sống” (Lc 8,14), trong khi ‘lời dối gian” có vẻ như trả hậu hĩnh cho những kẻ dùng nó. Kẻ không muốn những ảo ảnh phù vân và chối từ những lợi lộc có được từ dối trá, có cảm tưởng mình là nạn nhân của bọn người táng tận lương tâm và mơ hồ sợ mình bị bịp. Nhưng chẳng ai bị bịp khi chối từ những điều vô ích. Không ai bị bịp khi trung thành với chân lý. Cám dỗ luôn có đó. Cầu nguyện sẽ chiến thắng chúng và bấy giờ người ta biết được an bình của Chúa. Đó chính là nguồn hạnh phúc của chúng ta. Thiên hạ muôn đời dò dẫm đi tìm hạnh phúc,mà không tìm thấy;còn chúng ta,chính Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy hạnh phúc qua ánh sáng Tôn Nhan Người: hạnh phúc không bao giờ lừa dối, dịu ngọt hơn cả mùa gặt và mùa hái nho. TV 04 là lời cầu nguyện được ưa chuộng cho Giờ Kinh Tối, thời giờ mà giấc ngủ êm đềm là hình bóng tâm hồn trung tín phó thác hoàn toàn nơi Chúa.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2009. 23:57