Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa Nhật II Thường Niên B (2009)

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Nhờ các chỉ dẫn của Lời Chúa sấp được công bố, chúng ta có thể nhận ra sứ điệp cốt yếu của Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay đó chính là: Hãy mở lòng ra trước tiếng gọi của Chúa và dấn thân đi gặp gỡ Ngài. Đó là thái độ của cậu bé Samuel đáp lại tiếng Chúa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đó là thái độ của các tông đồ khi đáp lại lời mời gọi của Chúa “Hãy đến mà xem”, họ đã đến xem chỗ của Chúa Giêsu và ở lại với Ngài.

Cuộc sống đức tin đúng nghĩa và trưởng thành của mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải được đan dệt bằng một chuổi những tâm tình, hành vi và thái độ ngoan ngùy với Lời Chúa và trung thành đến gặp gỡ Chúa. Cuộc sống ấy sẽ là chiếc cầu nối tuyệt vời nhất để Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu rỗi đến được với nhièu người.

Hôm nay, cũng là thời điểm khai mạc Tuần Cầu Nguyện cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Chúng ta hiệp lời cầu nguyện với toàn thể Dân Chúa khắp năm châu, xin Chua ban sự hiệp nhất cho mọi Kitô hữu và làm cho những nỗ lực đại kết của Hội Thánh được tăng triển tốt đẹp.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa:

lambofgod.jpg

1. Đức Kitô luôn cần được “tiếp thị”

Còn hai ngày nữa, (20/01) Tổng thống đắc cử Barack Obama sẽ chính thức nhậm chức Tổng Thống thứ 44 của Hiệp Chủng quốc Hoa kỳ. Nhiều nhà bình luận về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 năm vừa qua đã cho rằng: Một yếu tố quan trọng giúp cho Obama đắc cử đó là chiến dịch vận động tranh cử rất tốt, khoa học và vận dụng được các phương truyền thông hiện đại. Nói cách khác, nếu tự mình, với tư cách là một anh da màu mà tuổi đời và kinh nghiệm chính trị còn quá non trẻ, Obama chưa chắc đã thuyết phục được dân Mỹ chấp nhận ông làm Tổng thống của họ, cho dầu ông có trỗ hết tài hùng biện. Sở dĩ dân Mỹ biết nhiều về ông, rồi từ biết, đi tới yêu mến và bị thuyết phục hoàn toàn để chọn ông mà không một ai khác, phải chăng là nhờ một chiến dịch khôn ngoan, tinh vi và hiệu quả tiếp thị con người ông với dân chúng, giới thiệu ông một cách đầy thuyết phục và đi tới chiến thắng.

Từ chuyện Obama, chúng ta hãy liên tưởng tới nhân vật Giêsu Kitô, Vị Cứu Chúa của chúng ta. Cách đây 2000 năm, kể từ sau biến cố thảm sầu vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ, quả thật, nếu không có một “chiến dịch tiếp thị” khôn ngoan và can đảm, một chương trình giới thiệu đầy xác tín và nhiệt tình của các môn sinh, thì e rằng thế giới chẳng mấy người biết được một Đức Giêsu Thiên Chúa làm người và là Đấng Cứu độ chúng sinh.

Chúng ta không phủ nhận quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn là yếu tố cốt lõi và quyết định. Tuy nhiên, “sự giới thiệu”, lời loan báo, cuộc sống chứng nhân của các Kitô hữu về Chúa Kitô không phải là không quan trọng. Chính vì thế, ngày từ buổi bình minh Kitô giáo, Đức Kitô đã ra lệnh cho các môn sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15), “Chính anh em là những chứng nhân về những điều nầy” (Lc 24,48). Thánh Phaolô, một nhà truyền giáo vĩ đại đã thấm thía chân lý nầy nên đã nói: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? “ (Rm 10,14)

Sự kiện đầu tiên và cuối cùng mà trích đoạn Tin Mừng Gioan vừa được công bố hôm nay nhấn mạnh chính là “lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả”: Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36), và cuộc “dẫn dụ” của Anrê, bào huynh của Phêrô: Trước hết, ông gặp em mình là là ông Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1,40-42)

Với lòng xác tín mãnh liệt, với kiến thức sâu sắc và chín chắn, với con tim chân thật đầy trách nhiệm…, lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả đã tức khắc mang lại hiệu quả: Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Riêng Anrê, chắc chắn đã rất vui mừng vì người em Si-mon đã được chọn cách đặc biệt: Đức Giêsu nhìn ông Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (Tức là Phê-rô) (Ga 1,42). Sau đó khoảng 3 năm, người chài lưới trên biển hồ Galilê, tức Tông đồ Cả Phêrô, tới phiên mình, cũng có một bài giới thiệu khá dài về Đức Giêsu và đã mang về một thành công vang dội: Vậy những ai đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cv 2,41).

Và những gì đã diễn ra sau đó: cả đế quốc Rôma, cả vùng Địa Trung Hải, rồi làn dần sang Châu Phi, châu Âu, lan rộng sang châu Mỹ, đi tới những đại lục mênh mông của Á Châu, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài đã không còn xa lạ. Cho đến hôm nay, đã có một phần ba nhân loại nhận biết, yêu mến và tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ.

Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng đó. Phải chăng đó chính là “cuộc truyền giáo” của cả Hội Thánh, là công cuộc giới thiệu Đức Kitô của muôn thế hệ Kitô hữu, là một chiến dịch “tiếp thị Tin Mừng” xuyên suốt và không ngừng nghỉ suốt 2000 nay của toàn thể Dân Chúa.

Tuy nhiên, cuộc thành công nào cũng có cái giá của nó. Năm 2004, chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là 693 triệu USD. Trong khi tạp chí Fortune dự kiến toàn bộ chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008 sẽ là 3 tỷ USD. Riêng, ông Obama, để được ngồi vào Nhà Trắng đã phải chi phí cho cuộc vận động tranh cử ít nhất cũng trên 100 triệu USD.

Trong khi đó, để có 1 phần 3 nhân loại được nhận biết Đức Kitô, Dân Chúa đã “chi phí” không biết bao nhiêu máu xương và nước mắt, hy sinh và nguyện cầu, sự thánh thiện và ân sủng, việc lành phúc đức và các phương tiện truyền thông, kinh Mân Côi và thánh lễ…

Riêng tại giáo xứ Tuy Hòa chúng ta, để giới thiệu Chúa Giêsu cho anh em lương dân trong mỗi dịp Giáng Sinh vừa qua mà cũng mất đứt hơn 40 triệu đồng.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, việc giới thiệu Chúa Kitô, việc loan báo Tin Mừng phải luôn chiếm ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt sống đạo hôm nay và ngày mai. Đáng tiêc, ngày hôm nay, có nhiều người trong chúng ta quá coi trọng và đầu tư cho những công cuộc “tiếp thị sản phẩm trần tục” mà quá lãnh đạm và thò ơ với sứ mệnh chứng nhân, truyền giáo.

Hội Thánh sẽ ra sao, nếu Dân chúa không còn tìm thấy những con người như Gioan Tẩy Giả, như Anrê, như Phêrô, như F.X, như Anrê Phú Yên ?

Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn không ngừng mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Nhưng chính chúng ta phải là những trung gian, những nhà tiếp thị, những chiếc cầu nối để nhiều anh chị em lương dân đến với Đức Kitô và lãnh nhận hồng ân cứu rỗi.

2. Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng

Và điều cần cho Giáo Hội hôm nay là Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng.

Nếu Đức Kitô, sau khi mời hai môn đệ của Gioan “Hãy đến mà xem” chỗ ở của Người, thì sau đó, đã hoàn toàn thuyết phục các ông yêu mến và gắn bó với Người cho tới chết. Ở đây, trong giáo xứ chúng ta, mỗi năm có khoảng 50 chục anh chị em dự tòng gia nhập đạo. Họ đã đến và đã xem chỗ của Chúa, chỗ của Hội Thánh. Không biết, trong số đó, còn được mấy người trung thành với Chúa Giêsu, với hồng ân của nhiệm tích rửa tội ? Chắc chắn cộng đoàn chúng ta phải chịu trách nhiệm một phần về sự suy thoái niềm tin của một số người trong họ; vì chính cộng đoàn chúng ta chưa thể hiện đủ vai trò “giới thiệu Chúa”, vai trò chứng tá niềm tin, vai trò diển tả gương mặt và cuộc đời của Chúa Giêsu qua hành vi sống đạo của mình.

Phải chăng cũng vì lý do đó, mà mỗi năm Hội Thánh dành riêng một tuần lễ để cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Bởi chưng, chính sự hiệp nhất của Giáo Hội sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất về mầu nhiệm yêu thương và cứu rỗi mà Giáo Hội loan báo. Sở dĩ cộng đoàn Kitô hữu ban đầu đã sớm chiếm được trái tim của lương dân và đem họ trở lại Kitô giáo chính nhờ sự hiệp nhất bác ái như hương thơm lan tỏa nơi mọi cộng đoàn tín hữu, như sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).

3. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy:

Sau hết, điều cần thiết sau cùng mà Lời Chúa nhắn gởi cho chúng ta hôm nay đó chính là: Để giới thiệu Chúa cho có hiệu quả, và biến cộng đoàn thành nơi thuyết phục của niềm tin, mỗi người Kitô hữu phải có con tim tỉnh thức và thinh lặng để lắng nghe như Samuel thuở nào: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (BĐ 1), phải có cõi lòng quảng đại và khiêm nhu để đáp trả như Mẹ Maria: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”, và phải có đôi chân can đảm, mạnh mẽ để đi đến và gặp gỡ Lời Chúa, như các tông đồ ngày xưa: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”. (Ga 1,39)

Nếu mối người Kitô hữu chúng ta đều như Thánh Gioan Tông Đồ, biến cuộc hạnh ngộ giữa mình và Đức Kitô luôn mới mẻ, tinh khôi, sống động, đến đổi gần 70 năm sau mà vẫn còn nhớ như in: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,39), thì chắc hẵn gương mặt của Đức Kitô sẽ rực sáng giữa lòng Giáo Hội để những ai “đã đến mà xem” sẽ không phải ra về thất vọng, và đức tin sẽ mãi là một “chuyện tình của thời trăng mật”, của một thuở ban đầu,

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Nghìn năm hỗ dễ mấy ai quên”

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.01.2009. 18:27