Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Yêsu, Vị Thầy dấn thân phục vụ

§ Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

(Thứ Năm Tuần Thánh)

Lễ nghi mà chúng ta tham dự chiều nay nhắc nhớ đến 3 sự kiện :

- một là cuộc Vượt qua của người Do thái

- hai là tình thương và sự dấn thân của Ya vê trong việc giải phóng Dân Chọn khỏi Ai Cập

- ba là bữa Tiệc Ly của Đức Yê su

+ Đối với người Do thái, hằng năm lễ Vượt qua là lễ trọng nhất và đáng mừng kính nhất. Lễ ấy nhắc lại biến cố vĩ đại : họ được cứu thoát khỏi cảnh áp bức kìm kẹp do bạo chúa Phara ông, được tự do, được tồn tại. Không có biến cố đó thì trong lịch sử nhân loại không còn tên dân tộc Do thái, không còn sách vở nào nói đến Israel. Bài đọc  I hôm nay kể lại tỉ mỉ về cái đêm lịch sử và cách chọn chiên, mổ chiên, về cách ăn vội vã và trong tư thế sẵn sàng lên đường, đặc biệt về cách lấy máu chiên bôi lên cửa nhà mình, làm dấu hiệu cho thiên thần của Ya vê biết trong nhà có người Do thái và vượt qua, không giết chết con đầu lòng như ở những nhà không có vết máu.

Mỗi năm, dù ở bất cứ đâu, người Do thái cũng mừng nhớ lại sự kiện lịch sử ấy một cách trang trọng và đầy xúc động.

+ Nhưng người ta không thể mừng biến cố vượt qua năm xưa ấy mà không nhớ đến tình thương nồng nàn và sự dấn thân triệt để của Ya vê  đối với Dân Riêng của Người. Thật vậy, tuy mọi việc diễn tiến như chỉ dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê, nhưng thật ra, chính Ya vê, Đấng vô hình, mới là vị điều khiển tất cả. Người có mặt ở hậu trường. Có thể nói, Người dồn dốc toàn cả con người mình vào biến cố. Con tim Người sôi sục lòng xót thương đối với Israel trong cảnh khốn đốn và sôi sục quyết tâm giải phóng. Nói theo kiểu loài người chúng ta, tuy Người có mặt ở khắp mọi nơi, tuy Người yêu thương và ôm ấp muôn loài, tuy Người quan tâm săn sóc từng tạo vật – từ các thiên thần cho đến một sự vật hay một sinh vật nhỏ hèn nhất trong vũ hoàn – nhưng hôm Người ra tay cứu thoát Israel ấy, Người gác tất cả mọi sự qua một bên, Người túc trực mọi giây mọi phút ở Ai cập, theo dõi sát nút từng diễn biến một và mọi lúc tích cực chỉ đạo, cũng như quyết liệt can thiệp khi cần thiết.

+ Sự kiện thứ ba mà nghi lễ chiều nay tưởng niệm, đó là bữa Tiệc ly của Đức Yêsu giữa nhóm môn đệ của Ngài. Lẽ ra bữa Tiệc ly này mang nặng  một bầu khí thảm sầu, vì Đức Yêsu biết mình sắp phải xa cách các môn đệ, và các môn đệ hoang mang âu lo tột độ, lờ mờ suy đoán nhiều chuyện rất đau buồn sắp xảy đến cho Thầy và chính mình. Thế nhưng bất ngờ trong bữa chia tay Thầy với trò ấy, lại có hai hành vi lạ lùng : một là Đức Yêsu lấy nước, thắt lưng, cúi xuống trước các môn đệ, kẻ tốt cũng như kẻ xấu, và rửa chân cho từng người. Rồi Ngài biến bánh thành Mình Ngài, biến rượu thành Máu Ngài, vừa lập bí tích Thánh thể, vừa thực hiện trước việc Ngài đổ máu chịu chết hôm sau để cứu độ nhân loại.

Nhờ sự soi sáng và sự suy niệm, Hội thánh chúng ta hiểu ra rằng hai sự kiện – cuộc Vượt qua ngày xưa của người Do thái và bữa Tiệc ly của Đức Yêsu – có liên hệ mật thiết với nhau  : cuộc Vượt qua ngày xưa báo trước Bữa Tiệc ly của Đức Yêsu, và những hành vi của Đức Yêsu nối tiếp chính những hành vi của Ya vê trong Cựu ước. Ngày xưa Ya vê nồng nàn yêu thương, thì bây giờ Đức Yêsu cũng nồng nàn yêu thương.. Ngày xưa Ya vê dấn thân để tiến hành, để phục vụ cuộc giải phóng Israel khỏi Ai cập, thì bây giờ Đức Yêsu cũng phục vụ công cuộc cứu chuộc cả loài người.

+ Trong năm mà Hội dồng Giám mục Việt Nam nhấn mạnh đến sự giáo dục, đến nhiệm vụ và vai trò giáo huấn, chúng ta lại gặp trong lễ nghi chiều nay khuôn mặt thật đáng mến của Đức Yêsu trong tư cách là Vị Thầy. Ta có thể nói rằng qua những hành vi của Ngài trong Bữa Tiệc ly, Ngài thật là “Vị Thầy đầy tinh thần dấn thân và phục vụ”, nối tiếp chính tinh thần của Ya vê, Cha Ngài.

Thế nhưng nơi Ngài, những từ “dấn thân và phục vụ” có nghĩa vượt xa nghĩa thông thường, cũng như được thể hiện ở mức độ con người chúng ta không sao ngờ tới.

Bởi vì khi nói đến dấn thân và phục vụ, người ta thường chỉ nghĩ đến một mức quí thương nào đó, một mức liên kết, một mức giúp đỡ nào đó, trong khi sự dấn thân và phục vụ của Đức Yêsu

- không phải chỉ là để ý đến tình cảnh đau khổ của con người

- không phải chỉ là xoa dịu phần nào, giúp đáp phần nào

- cũng không phải chỉ đứng ở bên ngoài mà quan tâm, mà thông cảm

- nhưng Đức Yêsu dành hết tình thương và sự chú ý cho cảnh ngộ của ta, Đức Yêsu liên kết keo sơn với ta cho đến mức nên một, không phân lìa nữa, cho đến mức thành thịt thành máu trong ta

- Ngài phục vụ ta đến mức trở thành tôi tớ của ta và đề cao ta thành ông chủ của Ngài. Ngài phục vụ ta đến mức làm cho mình trở thành bánh, để cho chúng ta có thể ăn Ngài, nuốt Ngài, nghiền nát Ngài. Tóm lại, dấn thân đến mức mất thân vì con người, phục vụ đến mức không còn nghĩ gì đến bản thân, thậm chí tiêu hủy cái tôi của mình, để cho con người là tất cả cho Ngài.

Đó là khuôn mặt mà Vị Thầy Yê su tỏ lộ ra cho ta qua Bữa Tiệc ly. Khuôn mặt ấy dễ khiến ta kinh ngạc biết bao, mà cũng dễ làm ta trìu mến biết bao.

Chính vì thế, khi chiêm ngắm Ngài,chúng ta cũng nhớ đến hàng giáo sĩ, những người được Ngài kén chọn để tiếp nối Ngài, để chúng ta vừa biết ơn những sự phục vụ các ngài dành cho chúng ta, vừa cầu xin cho các ngài cũng có được cõi lòng, thái độ, hành vi như của Thầy Yê su.

Chúng ta cũng xin cho giáo xứ chúng ta bớt đi những lối sống ích kỷ, những cư xử tính toán hơn thiệt, những lòng tốt mà cân đo đong đếm…trái lại, có thêm tinh thần bác ái, có thêm nhiều hành vi yêu thương, có thêm nhiều cõi lòng quảng đại và thông cảm : chính đó là yếu tố hàng đầu chứng tỏ chúng ta là môn đệ Thầy Yê su và cũng là yếu tố thu hút được nhiều người ngoại sống chung quanh chúng ta trở về cùng Chúa. Bởi vì, như Chúa nói : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy : là chúng con thương yêu nhau.”

Và giờ đây, khi chứng kiến nghi thức chủ tế rửa chân cho 12 thành viên trong cộng đoàn, chúng ta cầu xin cho hết mọi người chúng ta được có tinh thần khiêm nhường, quên mình, biết nghĩ đến việc chung, biết cống hiến thời giờ khả năng để phục vụ tha nhân, để cho lời Đức Yêsu trăn trối “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” thực sự được chúng ta thể hiện ra trong khi sống chung bên nhau, cũng như trong mọi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày với mọi người.

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.03.2008. 08:32