Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa Cũng Là Mẹ Hội Thánh

§ Lm Đinh Quang Thịnh

Lễ Mẹ Thiên Chúa (Năm ABC)
Ds 6,22-27 ; Gl 4,4-7 ; Lc 2,16-21

BÀI ĐỌC I: Ds 6,22-27

22 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: 23 "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này:24 "Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)! 25 Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! 26 Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! 27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng."

ĐÁP CA: Tv 66

Đ. Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc cho chúng con. (c 2a)

2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, 3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

6 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. 8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!

BÀI ĐỌC II: Gl 4,4-7

4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi ! "7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG: Dt 1,1-2

Hall-Hall: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Hall.

TIN MỪNG: Lc 2,16-21

16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA CŨNG LÀ MẸ HỘI THÁNH

Cuối tuần Bát nhật lễ Chúa Giáng Sinh, Phụng vụ (trước Vat. II) trong lịch sử như đã lúng túng lựa chọn ý nghĩa lễ Cắt Bì và lễ Đặt Tên.

Nhưng sau Công Đồng Vat.II, lễ Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Phao-lô VI đặt vào ngày 1 tháng 1, và gọi là ngày Thế Giới Hòa Bình. Để lãnh hội hết ý nghĩa lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta hãy tìm hiểu trong lịch sử Phụng Vụ từ ý nghĩa lễ Cắt Bì hay lễ Đặt Tên nay trở thành lễ Mẹ Thiên Chúa.

I. LỄ CHÚA GIÊ-SU CẮT BÌ HAY ĐẶT TÊN.

1- Ý nghĩa ngày thứ 8: Các ý nghĩa về trong Phụng Vụ lễ Cắt Bì hay lễ Đặt Tên được cử hành vào ngày thứ 8, con số 8 biểu tượng cho cuộc tái tạo vũ trụ, cách riêng đối với loài người mà Con Thiên Chúa thực hiện:

2- Ý nghĩa lễ Cắt Bì: Trước Công Đồng Vat.II, lễ này được đặt vào cuối tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh, căn cứ vào lịch Phụng vụ của Cựu Ước: Để thuộc về dòng giống Do-thái, tất cả những con trai đầu lòng sau khi sinh được 8 ngày, phải cử hành lễ Cắt Bì và Đặt Tên cho con trẻ (x Lv 12,1-5).

Sở dĩ phải cắt bì để trở thành dân Do-thái, vì theo phong hóa của thời ấy, và nhất là người Do-thái hiểu lời chúc phúc cho tổ phụ Ab-ra-ham được sinh con đàn cháu đống (x St 22,17),thì việc cắt da quy đầu nơi dương vật của nam giới bằng con dao đá, cũng để tạo cho đứa trẻ khi trưởng thành đến tuổi lập gia đình có điều kiện thuận lợi trong việc sinh sản con cái.

Con đầu lòng”: Ở đây không được hiểu là còn nhiều người em khác, nhưng chỉ có ý nhắm đến biến cố Chúa đã sai Thiên thần giết tất cả các con đầu lòng của thú vật cũng như của dân Ai-cập, không trừ con vua. Lúc đó đế quốc Ai-cập mới buông tha cho dân Do-thái được tự do lên đường tiến về miền đất Chúa hứa để lập quốc và thờ phượng Thiên Chúa (x Xh 13,11t)

Nhưng đối với Đức Giê-su, thì nghi lễ này trở thành dấu chỉ Ngài sẽ bị cắt nát cuộc đời trên thập tự để Ngài làm trọn lễ hiến dâng mình cho Chúa Cha, mà Mẹ Ngài đã khai mào từ lúc cắt bì cho Ngài theo Lề luật Cựu Ước, để rồi chính lúc Ngài bị giết, Ngài cũng sẽ sinh con đầu lòng là Hội Thánh qua Bí tích Thánh Tẩy. Đó là những người được Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi và thần chết, hơn dân Israel cũ đã được Chúa cứu khỏi kiếp nô lệ Ai-Cập.

3- Ý nghĩa lễ Đặt Tên: Tên Giê-su được chính thiên thần chỉ định cho ông Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đặt theo ý Thiên Chúa (x Lc 1,31 ; Mt 1,21). Ai có quyền đặt tên, thì người được nhận tên thuộc quyền sở hữu của người đặt tên, nghĩa là Con của Đức Ma-ri-a là Con Thiên Chúa. Vì tên Giê-su có nghĩa là Thiên Chúa Cứu Độ, danh Giê-su diễn tả Ngài là A-đam mới sinh Hội Thánh là E-và mới. Xưa ông A-đam đặt tên cho mọi sinh vật, mà không sinh vật vừa ý ông để làm mẫu cho Chúa tạo dựng vợ ông, thì từ cạnh sườn ông, Thiên Chúa đã cho bà E-và được sinh ra (x St 2, 18-22). Vì ông là chồng của E-và, nên khi bà E-và chủ mưu lỗi Luật Chúa, ông phải mang trách nhiệm, nên sự chết truyền đến ông và con cháu ; thì Chúa Giê-su là A-đam mới vô tội, sinh ra Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng vẫn còn phạm tội ! Dù thế, sự sống của A-đam mới vẫn truyền sang cho Hội Thánh, vì A-đam mới mạnh hơn E-và xưa (x St 3).

II. LỄ MẸ THIÊN CHÚA.

Nguồn gốc Phụng vụ có lễ này là để chống lạc giáo do Giám mục Nestorio chủ trương: Đức Ma-ri-a chỉ là Mẹ thân xác Đức Giê-su mà thôi. Công Đồng Ê-phê-sô ngày 22.06.431 đã tuyên bố: Đức Ma-ri-a là Mẹ thật của Thiên Chúa (cả thần tính lẫn nhân tính) vì Mầu nhiệm Ngôi hiệp. Thần tính và nhân tính trở thành một ngôi vị, cũng như linh hồn và thân xác con người trở thành một ngôi vị. Nếu bảo bà A là mẹ của B, thì phải hiểu bà A là mẹ cả hồn lẫn xác của B, mặc dầu nếu không bởi Thiên Chúa, thì A cũng chẳng thể sinh ra B.

Để tỏ lòng kính mến Mẹ Thiên Chúa, lịch sử Phụng vụ đã trải qua những thay đổi của ngày lễ:

Đức cố Giáo hoàng Gio-an 23 đã lấy ngày lễ kính Đức Mẹ Thiên Chúa 11-10-1962 để khai mạc Công Đồng Vat. II, và đã thành công rực rỡ như một lễ Hiện Xuống mới ; như một cuộc sáng tạo mới. Bởi đó, sau khi Đức Phao-lô VI đã đặt Lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1, thì ngài nói: “Nhằm tôn kính việc Đức Mẹ góp phần vào Mầu nhiệm cứu độ và tôn kính địa vị đặc biệt, khiến cho Mẹ rất thánh đáng tiếp nhận nguồn sống cho Hội Thánh.” (Phao-lô VI Marialis Cultus số 5)

Vậy ta phải sống những điểm giáo lý của ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa mà Hội Thánh muốn dạy ta:

1/ Đặt lễ kính Đức Ma-ri-a vào cuối tuần Bát nhật Giáng Sinh để ca tụng Mẹ trong chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa, đồng thời đề cao nhân đức của Mẹ: “Giữ kỹ Lời Chúa trong lòng và suy đi nghĩ lại” (x Lc 2,19.51: Tin Mừng) rồi đem ra thực hành (x Lc 8,21). Cụ thể, Mẹ đã làm trọn ý nghĩa của Phụng vụ “Cắt Bì” và “Đặt Tên”: “Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ” là thể hiện gía trị Tv 118 như đã nói ở trên.

Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa nên cũng là Mẹ thật của mỗi Ki-tô hữu, là Mẹ của Hội Thánh. Nghĩa là các Ki-tô hữu trở nên con đầu lòng của Thiên Chúa trong Giê-su Con của Mẹ, thì cuộc đời người Ki-tô hữu cũng phải thuộc về Thiên Chúa để tiếp tay với Chúa Giê-su cứu độ đồng loại.

2/ Sự trùng hợp ngày thứ 8 (cuối tuần Bát nhật) với ngày 1 tháng 1, ngày đầu niên lịch, ngày này được gọi là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, với những ý nghĩa đã được diễn tả trong ngày lễ Cắt Bì và Đặt Tên, thật xứng với ý nghĩa ngày Thế Giới Hòa Bình, mà Đức Phao-lô VI đã đặt cho nhờ “Hoa Qủa Lòng Bà”, vừa nuôi sống Is-ra-en mới, vừa đạp nát đầu con rắn, địch thù của nhân loại, đem lại nền hòa bình đích thực và vững chắc cho thế giới. Và giáo lý Công giáo còn muốn khẳng định rằng: Loài người chỉ có bình an đích thực, khi cả loài người được trở thành con Thiên Chúa, con Mẹ Maria, nhờ được tái sinh bởi Chúa Giê-su (x Cv 2,38). Vì “Thiên Chúa chỉ chúc phúc cho dân Ngài dưới quyền bảo trợ của danh Chúa” (x Ds 6,22-27: Bài đọc I).

3/ Mỗi người Ki-tô hữu phải trở nên “Mẹ của Thiên Chúa”, một danh hiệu diễn tả ân lộc lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người! Bởi vì con người được bằng Thiên Chúa đã là khó hiểu, thế mà còn được trở nên “Mẹ Thiên Chúa”, nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời (x Lc 8,21 ; 11,28), thì qủa là một mầu nhiệm vượt qúa trí hiểu loài người !

Vậy muốn được Chúa gọi ta là “Mẹ” của Ngài, ta phải sống đạo như Mẹ Maria:

- Lắng nghe Lời Chúa trong lòng tin yêu, suy gẫm và đem ra thực hành (x Lc 2,19.51 ; Lc 8,21).

- Đoán ý của người khác để phục vụ (x Lc 1,39t ; Ga 2,3).

- Loan báo Tin Mừng cho muôn dân, quy họ về làm con Thiên Chúa, làm con Mẹ Maria là lễ vật được Chúa ưa chuộng (x Rm 15,16).

4/ >Đặt lễ này vào đầu niên lịch, cũng nhằm thánh hóa thời gian Chúa ban cho mỗi người. Thời gian chỉ có ý nghĩa khi nó được dùng vào việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x Mt 6,33), mong muốn đón nhận Lời bằng cả trái tim và đem ra thực hành. Hình ảnh ông Gio-an ngả đầu vào ngực Đức Giê-su trong bữa Tiệc Ly để nghe được tiếng Chúa trong con tim của Ngài, đó cũng là hình ảnh người Ki-tô hữu nghe Lời Chúa trong Phụng Vụ (x Ga 13,25), đặc biệt khi Đức Giê-su chấm dứt cuộc đời trên dương thế, Ngài đã trao Đức Ma-ri-a cho Tông Đồ Gio-an. Ta biết con người khôn hơn các sinh vật khác là còn nhờ yếu tố từ khi sinh ra để lúc đủ khả năng vào đời, họ được ở với người mẹ lâu nhất ! Nhờ đó, ông Gio-an không phải chết đổ máu như các Tông Đồ khác, lại còn được sống thọ hơn. Cũng nhờ thế mà Tin Mừng của ông viết rất sâu sắc, nghĩa là ông hiểu Chúa hơn Tin Mừng Nhất Lãm. Đó cũng là lý do mà Đức Giê-su nói với ông Phê-rô về ông Gioan: “Gỉa như Thầy muốn nó ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh (Phê-rô)”. Lời này đồn đại trong các môn đệ là ông Gio-an không phải chết! (x Ga 21,22-23)

5/ Mỗi khi ta được rước lễ là rước Đức Giê-su Phục Sinh, còn là đón nhận lấy xương thịt của Đức Ma-ri-a đã được thần hóa. Con Thiên Chúa nếu không nhận lấy xương thịt của Đức Mẹ, và xương thịt của Đức Mẹ không trở thành xương thịt của Đức Giê-su, thì các Đấng không đem ơn cứu độ cho ai theo ý Cha trên trời ; Cũng thế, nếu xương thịt của ta không trở nên một xương thịt với Chúa Giê-su, cũng là xương thịt của Mẹ Maria, thì dù ta có sống tốt cỡ nào ta cũng không được ơn cứu độ, và chẳng giúp ai được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy ai được sinh ra bởi Chúa Giê-su, thì cùng được sinh ra bởi bà Maria, mới được ơn giải phóng thoát án phạt của Lề Luật (x Gl 4,4-7: Bài đọc II). Đó “là dân được Chúa Trời dủ thương và chúc phúc” (Tv 67/66,2a: Đáp ca).

Truyện kể:

Cậu Ka-rôn Oát-ty-la (Karol Wojtyla) lên 7 tuổi, đứng bên giường mẹ đang hấp hối, cậu khóc nức nở! Người mẹ nắm tay con ôn tồn nói: “Con đừng khóc, mẹ này chỉ là vú nuôi con, khi Chúa rước vú này về với Chúa, thì người Mẹ thật của con là Đức Ma-ri-a xuất hiện, sẽ đích thân chăm sóc con.”

Từ ngày ấy, cậu Ka-rôn Oát-ty-la tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, tưởng đó cũng là lý do quan trọng mà ngày 18-10-1978 Chúa đã chọn ngài lên ngôi Giáo hoàng (Gio-an Phao-lô II), đem lại nhiều lợi ích cho Hội Thánh và cả xã hội trong mọi lãnh vực.

THUỘC LÒNG.

Đức Ma-ri-a nói 6 lần, mà Tin Mừng có ghi lại:
- 5 lần Mẹ nói với Chúa, nói về Chúa (x Lc 1,34 ; 1,38 ; 1, 40t ; 2,48 và Ga 2,3).
- Chỉ có một lần Mẹ nói với loài người: “Chúa bảo gì, còn cứ làm theo !” (Ga 2,5)

Lm Đinh Quang Thịnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.01.2010. 10:48