Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dụ Ngôn Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa

§ Lm PX Vũ Phan Long, ofm

(Luca 15,3-7 – Lễ Thánh Tâm - C)

1.- Ngữ cảnh

Đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nằm trong chương 15 với ba dụ ngôn.

Ba dụ ngôn của chương 15 (con chiên bị lạc mất [cc. 4-7], đồng bạc bị đánh mất [cc. 8-10], người con hư mất [cc. 11-32]) đã được gọi là “trái tim của Tin Mừng III” (Romaroson), vì được kết cấu rất nghệ thuật để nêu bật được đề tài duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa và lòng thương xót đối với những kẻ tội lỗi qua lời Đức Giêsu kêu gọi hoán cải.

Xét theo một quan điểm nào đó, cả ba dụ ngôn đều nói về việc tìm được cái đã mất, trong đó nhân vật chính là người mục tử, người phụ nữ và người cha.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Câu dẫn nhập (15,3);
2) Dụ ngôn Con chiên bị lạc mất và được tìm thấy (15,4-7)

3.- Vài điểm chú giải

- Người nào trong các ông có một trăm con chiên (4): Đây là một mục tử vô danh, được dùng như biểu tượng của Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót (xem Cựu Ước: Tv 23,1-3; Ed 34,11-16).

- hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (7): Nếu chín mươi chín người này là các kinh sư và người Pharisêu, thì câu kết này có giọng mỉa mai. Nhưng rất có thể đây chỉ là cách tác giả Luca phóng đại niềm vui của Thiên Chúa khi có một người tội lỗi hối cải.  

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Câu dẫn nhập (3)

Để hiểu Dụ ngôn này hơn, nên đọc toàn đoạn dẫn nhập, từ câu 1 đến câu 3. Đức Giêsu đã đến để cứu tất cả mọi người; những người thu thuế và tội lỗi phải đến với Người bởi vì họ không gặp được ở nơi nào khác lời đưa lại niềm hy vọng và sự tiếp đón ân cần nhưng-không. Cách xử sự này khiến người Pharisêu và các kinh sư phải lẩm bẩm trách móc. Họ trách Đức Giêsu hai điểm: đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với họ. Những người thu thuế và tội lỗi không được thuộc về cộng đoàn, vì Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi tránh họ; do đó, Ít-ra-en cũng phải làm như thế. Vậy mà Đức Giêsu lại đón tiếp họ! Đã thế, Người lại còn ăn uống với họ, tức là làm một việc đáng trách hơn nữa, vì ăn uống với ai là kết giao, chia sẻ tình bạn, tình liên đới với người ấy.

Dẫn nhập này đưa lại cho [các] dụ ngôn một đặc tính là biện hộ, là bào chữa cho cách xử sự của Đức Giêsu đối với người tội lỗi. Qua cách xử sự này, Đức Giêsu cho thấy là sự hoán cải không là điều kiện tiên quyết người ta phải có để được Thiên Chúa đón tiếp; trái lại Thiên Chúa đã thực hiện “sự hoán cải” trước, để người ta có thể lại đi vào quan hệ an bình với Ngài.

* Dụ ngôn Con chiên bị lạc mất và được tìm thấy (4-7)

Người mục tử, cũng như người phụ nữ và người cha, là những nhân vật không có tên, bởi vì cả ba được đề ra như một biểu tượng của Thiên Chúa yêu thương.

Mỗi một con chiên có giá trị riêng của nó. Nó là duy nhất. Không phải vì còn chín mươi chín con kia, mà con chiên bị lạc không đáng kể. Khi con chiên đi lạc, bất kể do lỗi của nó hay không, người mục tử sẽ kiên nhẫn đi tìm nó cho đến khi tìm thấy nó. Vì nếu nó mất, không phải chỉ là một có mỗi một con từ một đàn một trăm con, và như thế không đáng kể! Mất nó là mất một giá trị không con chiên nào khác thay thế được.

+ Kết luận

Toàn chương 15 giống như một bài ca chan hòa niềm vui được tấu lên để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm lại được điều mà họ đã mất.

Bài dụ ngôn Con chiên bị lạc mất và được tìm thấy, cũng như bài Đồng bạc bị mất và được tìm thấy có hai kết luận tốt đẹp đều nhằm đưa tới chúng ta một câu hỏi: Chúng ta có hết lòng chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa mà đón người tội lỗi hối cải vào Nước Thiên Chúa không? Trong thực tế, chúng ta vẫn được Thiên Chúa vui lòng đón tiếp. Thế thì, như Dụ ngôn thứ ba gợi ý, chúng ta cũng hãy sẵn lòng đón lấy người anh em trở về.    

5.- Gợi ý suy niệm

1. Mỗi con người đều có giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã tạo nên từng con người với tất cả những phong phú làm nên nhân vị con người ấy. Ngài hỗ trợ cho con người ấy phát triển đến mức tối đa, để cuộc đời người ấy thành một tuyệt tác cho Ngài và cho loài người. Khi chúng ta phục vụ anh chị em, chúng ta phục vụ từng con người có giá trị độc đáo duy nhất, hay là chúng ta chỉ coi như là những con số, những “con chiên” không tên tuổi, theo nhau lầm lũi trước mặt chúng ta?

2. Thiên Chúa thương tất cả mọi người và muốn cho mọi người đều được cứu độ. Nhưng “tất cả” không có nghĩa là một khối người tương đối đông, mà là “từng người”. “Tất cả” là “từng người” trong thế giới, không bỏ sót một ai. Thiên Chúa chiếu cố đến từng con người y như chỉ có một mình người ấy trên đời.

3. Ta không thể phục vụ Thiên Chúa như Ngài muốn nếu không yêu mến Ngài và thông chia tình yêu của Ngài cho anh chị em mình, cho dù họ thế nào. Làm sao có thể tự nhận là môn đệ của Đức Giêsu, khi khinh bỉ quay mặt tránh người anh em đang ở trong tình trạng bần khốn nhất, do tội lỗi gây nên?

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.06.2010. 08:18