Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Để Dân Tộc Mãi Mãi Trường Tồn

§ Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Chúa Nhật 31TN B 2018

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay giới thiệu cho chúng ta quy luật sống để ta có thể sống trong niềm vui, bình an và cảm nghiệm được sự hiện diện phi thường của Chúa trong đời mình cũng như trong suốt dòng lịch sử dân tộc.

I. Bài học lịch sử dân tộc

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu bài học về lịch sử.

1.1. Dân tộc Do Thái,

Với kinh nghiệm lịch sử, dân tộc Do Thái đã thấy rằng mình cần phải tôn thờ Thiên Chúa là Đức Chúa độc nhất, và lời khuyến cáo của ông Môsê: "Anh em hãy tôn thờ Thiên Chúa của anh em trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người thì anh em sẽ được hạnh phúc, trở nên thật đông đảo trong miền đất tràn trề sữa và mật như Thiên Chúa đã phán với anh em" (x. Đnl 6,2-3).

Người Do Thái, sau khi ký kết giao ước với Thiên Chúa ở núi Sinai, đã được Thiên Chúa đưa vào đất hứa, nhưng nhiều thần tượng của dân tộc ngoại bang đã cuốn hút họ, nên họ đã bỏ Chúa, bỏ giới răn của Người. Dù đã trở thành một đế quốc hùng mạnh dưới thời vua David, Salomon, nhưng sau đó đất nước đã bị chia đôi, bị mất nước, bị bắt làm nô lệ ở Babylon. Sau khi đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ hoàn toàn vào năm 586 TCN, họ mới thấy rằng cần phải tôn thờ Thiên Chúa và tuân giữ giới răn của Người.

Trong niềm xác tín như vậy, họ đã được Chúa cho quy tụ lại, tái tạo đền thờ Giêrusalem vào năm 515 TCN. Nhưng họ vẫn không trung thành với giao ước, vẫn không nhận ra Chúa Giêsu là Đức Chúa duy nhất được Chúa Cha sai đến và phải yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Vào năm 70, thành Giêrusalem bị phá bình địa, dân Do thái mất nước. Đền thờ chỉ còn lại bức tường mà bao người Do Thái đến gục đầu vào đó để than khóc lịch sử dân tộc mình.

Mãi đến năm 1948, tức hơn 18 thế kỷ sau, nước Do Thái mới được tái lập, nhờ Ben Gurion, trên vùng đất nhỏ bé bây giờ. Nhưng suốt từ đó đến nay, dân tộc không được bình an, vẫn phải chiến tranh với các dân tộc khác như Palestin và cả khối Ả Rập lớn bao quanh họ. Họ vẫn chưa nhận ra Thiên Chúa thật sự là ai để yêu mến Người như Môsê đã loan báo.

1.2. Lịch sử dân tộc Việt Nam

Lịch sử dân Do Thái cũng gợi ý cho ta nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng ta ngồi đây, trong đất nước gọi là Việt Nam. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử dân tộc, sau khi vua Hùng dựng nước, lập nên nhà nước Âu Lạc, nước ta bị nhà Hán đô hộ từ năm 111 TCN cho đến năm 938. Khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, nước ta mới chính thức được độc lập, đặt tên là Đại Việt với thủ đô là Thăng Long. Qua 10 triều vua, trong đó có 4 triều lớn là Lý, Trần, Lê, Nguyễn, nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh với người Trung Quốc như Đức Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên-Mông vào thế kỷ XIII, vua Lê Lợi chống quân Minh vào thế kỷ XV; vua Quang Trung Nguyễn Huệ thắng quân Xiêm ở Xoài Mút, miền Nam vào năm 1785 và đại thắng quân Thanh năm 1789. Trải qua cuộc nội chiến giữa Lê – Mạc, Trịnh-Nguyễn, đất nước ta vẫn còn tồn tại sau 80 năm bị người Pháp đô hộ.

Chúng ta phải cảm tạ Chúa, bởi vì những người lãnh đạo đất nước thời đó vẫn tôn thờ Trời như vị Chúa cai quản tất cả, vẫn thôi thúc mọi người giữ đạo Trời để ăn ngay ở lành. Nhưng, đứng trước những nguy cơ của đất nước hiện nay, nếu chúng ta không lắng nghe lời khuyến cáo của Môsê, nhất là của Chúa Giêsu, dạy chúng ta làm sao để bảo vệ đất nước và chính mình, thì chúng ta không biết sẽ tồn tại đến bao giờ.

Chúng ta thấy suốt dọc biển Đông, từ Hải Phòng đến Mũi Cà Mau, nhiều miền đất của Việt Nam đã bị người Trung Quốc chiếm giữ bằng cách mua bán, xây cất các vùng đặc khu. Ngoài việc người Việt Nam chúng ta tham tiền bán nước, chắc chắn còn có sự cộng tác của những người trong chính quyền. Nhiều người lo sợ nên từ miền Bắc di cư vào miền Nam, người miền Nam và người có tiền lại tìm cách di cư bằng kinh tế sang Canada, sang Úc, sang Hoa Kỳ để nhỡ đất nước mình mất đi thì còn chỗ nương thân.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm gắn bó với Chúa là Thiên Chúa duy nhất, sống theo lời dạy của Chúa Giêsu, chắc chắn chúng ta sẽ bảo vệ được đất nước này.

2. Con đường sống của Chúa Giêsu

2.1. Đức Chúa duy nhất, nguồn của mọi hiện hữu

Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi”. Thật sự rất nhiều người trong nước chúng ta, từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam, được nhà trường dạy rằng con người tự nhiên mà có, do vật chất tiến hoá mà phát sinh, chẳng cần phải ai tạo dựng. Trong ý thức hệ vô thần, người ta không nhận biết và tôn thờ bất cứ một Đức Chúa nào.

Vì không nhận ra được đức chúa chân thật nên người ta đi tìm những đức chúa giả tạo. Đức chúa ấy tên là: khoa học: người ta dồn tất cả trí khôn để học hành vì nghĩ rằng khoa học có thể giải quyết được tất cả. Đức chúa ấy có tên là Thần Tài, và người ta dồn tất cả sức lực để buôn bán, kiếm tiền, cho có nhà cao, cửa rộng, xe đời mới vì “có tiền mua tiên cũng được”. Đức chúa ấy tên là tình yêu, nên người ta dồn tất cả tâm hồn để yêu chồng, yêu vợ, yêu con, yêu người tình.

Chúng ta được mời gọi nghe theo lời của Chúa Giêsu, nhận ra Thiên Chúa, Cha của Người, là nguồn của mọi hiện hữu, để chúng ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ta. Nhìn vào con người của mình, với mọi phân tích khoa học, chúng ta thấy mình chỉ là tổng hợp của những chất vô cơ và hữu cơ, không có bất cứ chỗ nào chứa đựng tình yêu, tư tưởng, sự sống cả. Vậy mà chúng ta đang sống, đang yêu, đang nghĩ, nên Chúa mới thật sự là nguồn của tất cả mọi hiện hữu nơi ta. Từng giây phút ta đón nhận tất cả những ân huệ của Chúa nên chúng ta phải trả cho Ngài tất cả. Chúng ta phải yêu Ngài bằng tất cả trí khôn, tâm hồn và sức lực của ta là lẽ đương nhiên. Càng yêu Ngài, ta càng đón nhận được những ân sủng.

2.2. Tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho người

- Chúng ta không phải thờ phượng Chúa trong niềm kính sợ như các tôn giáo khác và diễn tả thành những nghi lễ trang trọng, những lời kinh dài, dâng cúng nhiều tiền để xin lễ, xây dựng công trình thờ phượng hay làm từ thiện. Chúa Giêsu không đòi chúng ta như vậy. Người yêu cầu chúng ta thờ kính Chúa bằng tình yêu, yêu trọn vẹn bằng tất cả con người mình vì tất cả những gì ta có đều là của Ngài.

Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng dạy ta đừng yêu một cách chung chung, đừng nghĩ Thiên Chúa là một điều gì đó xa vời. Thiên Chúa rất gần chúng ta, ngay trong lòng ta, trong những người đang sống với ta, nên ta phải yêu người thân cận như chính mình vì Chúa đang ở trong ta cũng như đang ở trong họ. Chúng ta hãy yêu họ bằng tình yêu ta dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu khen ông kinh sư khi ông hiểu tình yêu rõ ràng như thế thì quý hơn mọi lễ toàn thiêu và lễ hy sinh.

Điểm cơ bản ta cần nhớ là Thiên Chúa cụ thể bây giờ là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người là Đấng “có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa.” (Dt 7,25). Người đã hoà nhập trọn vẹn trong mọi con người, nhất là những ai nghèo khổ, tật bệnh, lỗi lầm. Vì thế khi yêu thương những con người khốn khổ đó là chúng ta đưa tình yêu của mình đến mức trọn vẹn.

Lời kết

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại tình yêu để ta hiểu được rằng khi yêu Chúa và yêu người một cách trọn vẹn, chúng ta tìm được niềm vui, bình an, hạnh phúc, và mọi ân huệ cần thiết; đồng thời ta cũng bảo vệ được đất nước Việt Nam thân yêu mãi mãi trường tồn.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tags: Năm B CN32

Đọc nhiều nhất Bản in 07.11.2018 18:36