Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dấu Lạ Cana

§ Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Chúa Nhật Thường Niên 2 Năm C

Dấu lạ Cana, dấu lạ đầu tiên (Ga 2,11) Đức Giêsu thực hiện trong Ga, loan báo sự thay thế giao ước cũ vốn được đặt nền trên Luật Môsê, bằng giao ước mới đặt nền trên tình yêu đích thực (1,14-17) mà rượu mới do Đức Giêsu ban tặng chính là biểu tượng.

Câu chuyện dấu lạ Cana là một câu chuyện có tính phác hoạ chương trình. Những gì câu chuyện này muốn nói sẽ chỉ được thực hiện trọn vẹn trong cảnh Đức Giêsu hoàn tất công trình của Người trên thập giá.

Đám cưới được coi là biểu tượng của giao ước trong đó Thiên Chúa là Hôn Phu của dân (x. Hs 2,16-25; Is 1,21-23; 49,14-26; Gr 2; Ed 16…). Ý tưởng về một giao ước mới thời đại Mêsia, xuất hiện trước hết từ sự thất bại của giao ước cũ (x. Gr 31,33-34; 33,14-22; Ed 36,22-32). Đám cưới tại Cana, trong đó ta không thấy tác giả Tin Mừng nói gì về cô dâu và chú rể, là hình ảnh của giao ước cũ không còn tình yêu nữa. Đức Giêsu, vị Hôn Phu mới, hiện diện trong đám cưới này và loan báo sự thay thế của một giao ước mới sẽ xảy đến vào “giờ” của Người (2,4).

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (cc.1-2). Thân mẫu Đức Giêsu được tác giả giới thiệu trong câu chuyện không phải bằng tên riêng của Bà, mà là qua mối tương quan của Bà với Đức Giêsu. Trong tất cả Tin Mừng Ga, tác giả sẽ không gọi tên riêng của Bà bao giờ. Thân mẫu thuộc về đám cưới, tức là thuộc về giao ước cũ. Đức Giêsu và các môn đệ không thuộc về đám cưới, họ là những khách được mời. Vậy Đấng Mêsia đi vào trong đám cưới xưa cũ, đi vào trong dân đang sống với giao ước cũ, trong tư cách một vị khách được mời.

“Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi” (c.3). Rượu là yếu tố không thể thiếu được trong đám cưới thời ấy. Nó là biểu trưng cho tình yêu giữa chú rể và cô dâu. Trong đám cưới vốn là biểu tượng của giao ước cũ này, mối tương quan tình yêu giữa Dân và Thiên Chúa không còn nữa. Chính ở hoàn cảnh bi đát đó, có sự can thiệp của thân mẫu Đức Giêsu. Nhưng Bà chỉ nói cho Người biết tình hình hết rượu thôi.

Thân mẫu Đức Giêsu là một nhân vật đặc biệt trong câu chuyện. Bà vừa là người của đám cưới vừa là người rất thân cận với Đức Giêsu, vị khách được mời tham dự. Bà không được gọi bằng tên riêng. Đức Giêsu không thưa với Bà là mẹ, Bà cũng chẳng gọi Đức Giêsu là con. Đức Giêsu có một mối tương quan về nguồn gốc với Bà, nhưng không lệ thuộc Bà. Trong câu chuyện đám cưới/giao ước này, Bà thuộc về giao ước cũ, nhưng lại nhận biết Đấng Mêsia và đặt niềm hy vọng tin tưởng nơi Người. Bà chính là hình ảnh của những người Israel luôn trung thành với Thiên Chúa và luôn hy vọng vào những lời Thiên Chúa hứa.

Vậy sự can thiệp đầu tiên của thân mẫu Đức Giêsu là việc trình bày hoàn cảnh đáng buồn của giao ước cũ: “Họ hết rượu rồi”. Mặc dù thuộc về đám cưới, nhưng thân mẫu Đức Giêsu vẫn giữ khoảng cách với giao ước cũ này khi nói “họ hết rượu” thay vì nói “chúng tôi hết rượu”. Bà biết rất rõ rằng Thiên Chúa của giao ước là Tình Yêu và Thành Tín (Xh 34,6), và rằng tình yêu của Người không bao giờ vơi cạn (x. Gr 31,3). Bà trình bày với Đức Giêsu về tình trạng bi thảm của hoàn cảnh với hy vọng Người sẽ thực hiện một điều gì đó. Điều đó là gì, Bà không biết, nhưng Bà biết rất rõ sự thiếu thốn của Israel.

“Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (c.4). Câu trả lời của Đức Giêsu có ngầm ý cho thân mẫu biết về sự cần thiết phải cắt đứt với giao ước cũ. Đức Giêsu nói cho thân mẫu hay rằng giao ước cũ đã thất bại rồi, Người sẽ không khôi phục giao ước ấy, nhưng sẽ thiết lập một giao ước mới. Công trình của Người sẽ không đặt cơ sở trên những thiết chế cũ, mà sẽ là một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Đàng khác, Người cũng khẳng định rằng thực tại mới ấy được nối kết với một thời điểm trong tương lai, với “giờ của Người” (7,30; 8,20; 12,23.27; 17,1), tức là giờ vượt qua của Người. Nói cách khác, Israel đích thực nhận thấy tính cách bi thảm của hoàn cảnh mình đang sống và trình bày hoàn cảnh đó với Đức Mêsia. Đức Mêsia sẽ khai mở một thời đại mới của tình yêu và hoan lạc, nhưng thời điểm và cách thức mà Đức Mêsia sẽ thực hiện chưa được tỏ lộ. Đức Giêsu khẳng định rằng Người độc lập với tình trạng của giao ước cũ và rằng giao ước mới sẽ được thiết lập vào giờ của Người.

“Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (c.5). Do lời của Đức Giêsu, thân mẫu/Israel đích thực hiểu rằng giao ước cũ đã thất bại và rằng Đấng Mêsia sắp thực hiện giao ước mới. Vì thế, thân mẫu dặn các gia nhân, tức là những người cộng tác với Đấng Mêsia (x. 12,26), phải trung thành phục vụ giao ước mới đó.

Đến đây, câu chuyện bị ngắt quãng với việc trình bày về sự hiện diện của những cái chum dành vào việc thanh tẩy: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” (c.6). Tác giả mô tả khá kỹ: ông nói rõ số lượng (6 cái, chứ không phải 7), chất liệu (bằng đá), sức chứa (80 hoặc 120 lít mỗi chum), cho ta cảm tưởng về những thực tại nặng nề, bất động (được đặt ở đó). Chức năng của mấy cái chum này là “dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái”. Đáng chú ý là tác giả không nói rằng các chum này có nước bên trong. Thực ra, các chum này sẽ phải được đổ đầy theo lệnh của Đức Giêsu. Vậy đó là những cái chum rỗng. Sự thanh tẩy mà Luật đòi hỏi chỉ là cái bề ngoài, không hữu hiệu, không thực chất, không còn là phương thế đích thực để thiết lập mối liên hệ với Thiên Chúa. Hệ thống tôn giáo mà những người Do Thái đang thực hành không còn nội dung thực nữa: nó chỉ còn cái vỏ trống rỗng bề ngoài. Chính Luật đã gây ra tình cảnh bi đát đương thời, trong đó thay vì rượu tình yêu lại là những cái chum trống rỗng, nặng nề và bất động.

“Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng” (c.7). Ra lệnh đổ nước đầy các chum, Đức Giêsu có ý nói rằng Người sắp thực hiện cuộc thanh tẩy đích thực. Tuy nhiên, cuộc thanh tẩy này sẽ không tuỳ thuộc chút nào vào Luật, vì những cái chum này sẽ không bao giờ chứa đựng rượu mới mà Người sắp ban tặng: nước biến thành rượu ở bên ngoài chum, sau khi đã được múc đem đi. Đức Giêsu bảo đổ nước đầy các chum chỉ để cho thấy những gì mà giao ước cũ là hình ảnh thì bây giờ sắp được trở thành hiện thực, nhưng độc lập với Luật cũ. Luật không thể thanh tẩy, nhưng Đức Giêsu sẽ thực hiện điều đó, không phải bằng nước rửa bên ngoài, mà là bằng rượu mới thấm vào bên trong lòng người.

“Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông” (c.8). Ông quản tiệc có trách nhiệm tổ chức tiệc và xử lý những vấn đề nảy sinh, thế nhưng ông không biết gì về tình trạng thiếu rượu. Ông là hình ảnh của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đương thời, chẳng bận tâm gì đến tình cảnh thực của dân. “Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (cc.9-10). Nước lã đã hoá thành rượu ngon khi được múc ra khỏi chum, chứ không phải khi còn ở trong chum. Rượu ngon ấy được đem đến cho người quản tiệc, tức là cho hàng lãnh đạo hệ thống tôn giáo Do Thái, nhưng họ không biết rượu từ đâu ra. Đức Giêsu không dùng bạo lực chống đối hàng ngũ lãnh đạo; trái lại, Người ban cho họ cơ hội nhận biết rằng tình trạng của giao ước cũ là bi đát và cần thiết phải đón nhận ơn huệ mới thời Mêsia.

Nhưng người quản tiệc “gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Trong lời khiển trách của người quản tiệc, có hai điều quan trọng: ông khẳng định sự ngon hơn hẳn của rượu mới và ông tỏ ra kinh ngạc vì rượu mới này ngon hơn rượu cũ. Người quản tiệc nhận ra rằng thời đại mới đã khác hẳn thời kỳ trước đây (đến bây giờ), nhưng ông không chấp nhận sự thay đổi. Đối với ông, cái cũ phải tốt hơn; ông không có khả năng hiểu được tại sao cái tốt hơn lại có thể đến sau. Ông là hình ảnh của hàng lãnh đạo tôn giáo Do Thái không nhận thấy cần phải thay đổi tình cảnh theo hướng tốt hơn và thực chất hơn. Ông công nhận rượu mới ngon hơn, nhưng chẳng bận tâm giải thích, vì đối với ông, cái gì xảy đến sau không phải là cái quyết định, mọi sự đều phải là cái tiếp nối quá khứ. Ông không hiểu rằng rượu mới này thuộc về một trật tự khác hẳn. Ông không nhận ra sự hiện diện của Đấng Mêsia.

Như thế, có thể nói, ông quản tiệc là hình ảnh đối nghịch với hình ảnh thân mẫu Đức Giêsu. Thân mẫu Đức Giêsu là tượng trưng cho Israel nhận biết Đấng Mêsia; ông quản tiệc là tượng trưng cho những người Do Thái không chú ý đến Đức Giêsu, không cảm thấy cần Người và không nhận biết thực tại mới mẻ của ơn huệ Mêsia mà Người thực hiện. Thân mẫu/Israel đích thực nhận ra tình trạng bi đát của thiết chế cũ và khao khát thay đội. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái lại kinh ngạc vì có cái gì đó thay đổi. Họ nhất quyết coi cái thiết chế không còn sức sống mà họ lãnh đạo ấy là thực tại không cần thay đổi. Bề ngoài họ vẫn giữ giao ước nhưng bên trong thì trống rỗng, như sáu cái chum nặng nề được đặt giữa tiệc cưới kia.

Sáu cái chum được đặt giữa tiệc cưới chính là hình ảnh của Luật. Mấy cái chum đó là yếu tố chia tách hai khối người và hai cách hành xử. Thân mẫu, người được xác định căn tính qua mối liên hệ nguồn gốc với Đức Giêsu, là hình ảnh của những người mở ra cho tương lai và những lời hứa của Thiên Chúa. Ông quản tiệc, người tổ chức bữa tiệc và xử lý các vấn đề của bữa tiệc, tức là người được xác định căn tính qua mối liên hệ của ông với bữa tiệc đang diễn ra, lại là hình ảnh của một thế lực hiện tại khép kín trong quá khứ và không mở ra với tương lai. Đức Giêsu hoạt động trong khung cảnh cụ thể đó: một bên là những người Israel đang mong đợi Người và bên kia là khối những người lãnh đạo lo bảo vệ hệ thống cai trị dân. Nhóm thứ nhất sẽ nhận biết Người là Đấng Mêsia, còn nhóm thứ hai sẽ tìm cách thủ tiêu Người. Bên cạnh hai nhóm ấy là những “gia nhân”, những kẻ cộng tác với Người và làm theo mọi lệnh truyền của Người.

Cuối sách Tin Mừng, trên thập giá, vào giờ của Người, Đức Giêsu sẽ thiết lập giao ước mới bằng máu của Người và sẽ tỏ rõ vinh quang tròn đầy của Người. Đó sẽ là lần thứ hai và cũng là lần sau cùng Đức Giêsu ngỏ lời với thân mẫu Người trong Tin Mừng Ga. Tại đó, Israel đích thực sẽ hoàn toàn đi vào cộng đoàn giao ước mới, cộng đoàn được tràn đầy Thần Khí của Đức Giêsu: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! " Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19,26-30).

Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.01.2010. 15:09