Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc gặp gỡ của niềm tin sẽ làm nên phép lạ

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Sau một loạt trình thuật về các sinh hoạt cụ thể của Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai: kêu gọi các môn đồ (CN II,III), giảng dạy trong các hội đường Do thái cùng với uy quyền khu trừ thần ô uế (CN IV), tất bật rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi (CN V), phục hồi cuộc sống cho những người phong hủi (CN VI). Và hôm nay, CN VII, qua dấu chỉ chữa lành tê liệt thân xác: “đứng dậy vác chõng mà đi”, Ngài đã thi hành quyền năng tha tội của Thiên Chúa tình yêu: “Tội con được tha rồi”.

Như thế, chúng ta có thể nhận ra trọng tâm của sứ điệp phụng vụ hôm nay đó là thôi thúc chúng ta hãy kiên vững đức tin vào Chúa Kitô bằng cuộc sống thường xuyên gặp gỡ Ngài qua các cử hành bí tích để nhờ đó nhận được ơn chữa lành mọi hội chứng tê liệt tâm hồn, trở nên một con người mới sống động, hân hoan tiếp bước Ngài ra đi loan Tin Mừng Cứu độ.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa

Nếu ở Na-da-rét Chúa Giêsu bị rẽ khinh, xua đuổi, thì hôm nay, ở Ca-pha-na-um có đô hội người tuôn đến với Ngài. Và vì thế, khi ở Na-da-rét Ngài không làm được phép lạ nào, thì ở đây, phép lạ đã xảy ra. Mà không phải chỉ là phép lạ thể xác “đứng dậy vác chõng mà đi”, mà còn có phép lạ linh hồn “tội lỗi con đã được tha”.

Chính vì thế, bài học đầu tiên chúng ta tìm thấy trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay chính là:

1. Cuộc gặp gỡ của niềm tin sẽ làm nên phép lạ.

Đi qua trên những nẻo đường lịch sử cứu độ, đặc biệt, những nẻo đường của Tân ước, chúng ta đều gặp thấy những lần phép lạ xảy ra theo sau những cuộc gặp gỡ của niềm tin. Từ cuộc gặp gỡ của niềm tin tinh tuyền mãnh liệt giữa thần sứ Gáp-ri-el và cô thôn nữ Maria đã xảy ra phép lạ cả thể: Ngôi Lời đã nhập thể làm người. Rồi đến cuộc gặp gỡ giữa 2 bà mẹ thánh thiện, đơn sơ nhưng đầy lòng tin và yêu mến đã cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ và tức khắc được thánh hóa. Và 30 năm sau đó, có bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với những con người đón nhận Ngài trong tin yêu hy vọng là có bấy nhiêu phép lạ kèm theo: Cuộc gặp gỡ tại tiệc cưới Cana đã đem về dấu lạ đầu tiên trong chặng đường công khai rao giảng: 600 lít nước lã hóa thành rượu ngon; nhờ gặp gỡ Ngài mà những kẻ bị thần ô uế ám đã được giải thoát, những người phung cùi, câm đui, què điếc đã được chữa lành …cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người mù từ lúc mới sinh, đã mở bừng đôi mắt thịt của u mê lầm lạc tối tăm để đôi mắt tâm linh trực giác được ánh nhìn của chân lý và niềm tin; bà mẹ góa thành Naim trên đường đưa tiễn con về huyệt mộ buồn đau, nhờ gặp Ngài mà thấy con sống lại trong vòng tay hạnh phúc; cũng thế, nếu gia đình Matta, Maria ở Bêtania ngày ấy không gặp Chúa trở về, thì chắc chắn người em trai yêu dấu La-gia-rô đã chết thối trong niềm tiếc thương buồn đau da diết của những thân còn lại…

Và không chỉ có “phép lạ thể chất”. Chính nhờ cuộc gặp gỡ với Ngài mà bao nhiêu “phép lạ tâm hồn” đã xảy ra: gặp Ngài: Lêvi thu thuế, đã bật gốc giã từ quá khứ tội lỗi phồn hoa để nên tông đồ dấn thân phục vụ; cuộc gặp gỡ Ngài bên bờ giếng Giacóp ở Samari đã giúp cô thanh nữ phóng đảng tim được “nguồn nước sống đích thực”; cuộc gặp gỡ trong nước mắt sám hối chân tình của cô gái điếm Maria Mađalêna đã làm nên một phụ nữ mang Tin Mừng Phục Sinh đến cho thế giới; cuộc gặp gỡ tin yêu trong những phút giây cuối đời đã mở ra cho người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu một chân trời hy vọng: “Hôm nay con sẽ ở trên thiên đường với Ta”…

2. Ai sẽ giúp làm nên cuộc gặp gỡ: Thiên Chúa, anh em, chính mình.

Quả thật, nếu Chúa không “đi bước trước” chắc chắn con người sẽ không tự nhắc nổi mình lên để đích thân đến gặp gỡ Ngài. Kể từ biến cố “Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta”, khoảng cách đất- trời đã thôi cách biệt, tương quan Chúa-Người đã nối lại “nghĩa cũ tình xưa’ vốn đã bị tội lỗi làm cho ngàn trùng xa cách.

Thiên Chúa yêu thế gian nên đã đích thân đến “đi tìm từng con chiên lạc”, và cho dù con người có quên mất lối về trong phóng đảng trụy lạc bùn nhơ, thì Người cha Thiên Chúa vẫn cứ hoài mong ngóng đợi. Nếu ngày xửa ngày xưa trong thời cựu ước, Thiên Chúa đã “mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”… để “xóa bỏ các tội phản nghịch của dân và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ” (BĐ 1). Thì đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã chen vai sát cánh cùng anh em mình lội xuống dòng sông Giođan của khổ đau thập giá để khi chỗi dậy, đứng lên, đã “kéo tất cả lên với Ngài trong cuộc sống phục sinh vinh hiển”.

Tuy nhiên, cũng có những lúc, những nơi, như biến cố người bất toại được chữa lành trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chính những anh em bạn hữu lại là những cánh tay đắc lực để đưa anh em đến được với Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu người đã buông mình thất vọng trong những cái chết cay đắng ê chề, hay trong những cuộc sống buồn đau tăm tối, vì không tìm thấy một bàn tay nâng đỡ đưa ra để nắm lấy, một ánh mắt nhìn để cảm thông.

Chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa nêu trên khi đọc những dòng nhật ký cuối cùng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi lại vào ngày 20.6.70 trước khi chết:

“Không, mình không tho dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc nầy đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, hãy nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”.

Và chúng ta đã biết, người thiếu nữ tài hoa, một bác sĩ bộ đội đầy trách nhiệm và nhân bản đạo dức, đã bị bắn chết trong nổi cô độc và thất vọng lênh láng ấy.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng chờ Thiên Chúa “ra tay” chơi một đòn sấm sét như kiểu Phaolô ngã ngựa trên đường Đa-mát thì mới hy vọng đổi đời; hay cứ ỷ nại vào sự chăm sóc nhiệt tình của anh em “cột dây thòng xuống trước mặt Chúa Giêsu” thì mới mong đứng dậy…mà phải cố gắng bằng tất cả những nỗ lực của bản thân. Người con hoang đã quyết chí “tự mình chỗi dậy đi về nhà cha”, Maria Mađalêna tự mình đến khóc dưới chân Chúa, Maria Bêtania tự mình đập bể bình dầu thơm cam tùng để xức chân Chúa, Giakê tự mình trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa và tự mình dọn cổ đón Ngài. Tục ngữ xưa có câu “tận nhân lực tất tri thiên mệnh” phải chăng là muốn diển tả nội dung đó.

3. Những cuộc gặp gỡ và phép lạ cần thiết cho hôm nay

Cho dù một thế giới đã được cứu độ, một thế giới đã được gieo ánh sáng Tin Mừng, một thế giới đã được ngọn gió của Thánh Thần tràn ngập…nhưng vẫn là một thế giới trên đường hoàn thiện và đang mang trong mình những vết thương đau, những bệnh hoạn tật nguyền của thân phận con cháu Ađam. Vì thế, thế giới mãi mãi không ngừng cần những phép lạ để chữa lành và những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa để lãnh nhận hồng ân.

Chính vì thế, trên thế giới, trong đất nước Việt nam, có biết bao nhiêu trung tâm hành hương, kính viếng mà có bao giờ ế ẩm vắng lặng đâu. Và cũng chính ở tại những nơi đó, có biết bao phép lạ đã xảy ra cho những kẻ đến đó mang theo niềm tin và hy vọng. Nói cách khác, khi nào con người còn mang trong thân xác những yếu đau của bệnh hoạn tật nguyền, còn mang trong linh hồn những con vi khuẩn của tội lỗi, của những “hội chứng bất toại tâm hồn”, thì vẫn còn cần Thánh lễ, Tòa Giải tội, tràng chuổi Mân Côi…Vẫn còn cần những lồi giảng khuyên của các linh mục, những sự thăm viếng ủi an của các hội viên Legio Mariae, những hy sinh cầu nguyện thầm lặng của những tu sĩ giam mình trong bốn bức tường đan viện. Hơn lúc nào hết, khi các gia đình đang phải đối mặt với ban thách đố của trào lưu tục hóa và hưởng thụ, của nền văn minh sự chết, thì những đứa con cần những người cha, người mẹ đạo đức; học sinh cần những thầy cô gương mẫu tốt lành; đất nước cần những nhà lãnh đạo cần kiệm liêm chính; Giáo Hội cần những mục tử tài đức thánh thiện…Tất cả đó sẽ là những con cá nhỏ, tấm bánh đơn được đặt vào bàn tay quyền năng của Đấng Phục Sinh để từ đó Ngài làm nên phép lạ, phép lạ xoa dịu những vết thương đau, phép lạ cho người nghèo niềm tin và hy vọng, phép lạ trả lại công bằng, tự do cho những bất công áp bức, phép lạ phục hồi những nhân phẩm bị xúc phạm, chà đạp, phép lạ mang đến cuộc sống làm người và làm con Thiên Chúa đúng nghĩa, phép lạ phục hồi phẩm giá hôn nhân-gia đình; phép lạ có nhiều thanh niên nam nữ sống anh hùng, quảng đại, can đảm nói không với tội lỗi dục vọng và sẵn sàng nói có với dấn thân phục vụ tha nhân; phép lạ các quốc gia, các cồng đồng sắc tộc, các nền văn hóa bao dung, sẻ chia và hòa hợp trong ngôn ngữ của yêu thương…Và hôm nay, trong thánh lễ nầy, chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người thực sự gặp gỡ Đức Kitô trong đưc tin để được Ngài biến đổi, chữa lành như hôm nao người bất toại đã nhận được lời quyền năng: “Tội lỗi con đã được tha…hãy đứng lên vác chõng mà về”.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.02.2009. 06:14