Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Có một người Na-da-rét khác đã tin

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

1. Từ Na-da-rét có gì hay đâu ?

Để diễn tả cái lề thói “chuộng mới nới cũ”, thích cái lạ, của mới, xem thường người quen, kẻ gần, tục ngữ Vệt Nam có câu: “Bụt nhà không thiêng” hay “Gần chùa kêu bụt bằng anh”.

Trong đời sống đức tin, tín ngưỡng cũng không thoát khỏi cái lề thói không hay nầy. Thật vậy, người tín hữu, đặc biệt, tín hữu Việt nam chúng ta trong bất cứ tôn giáo nào thường sưu tầm, chú tâm theo dõi hay kiếm tìm những hiện tượng lạ lùng, những biến cố thần kỳ, những phép lạ động trời…mà thường lãng quên, lãnh đạm đối với chính Đấng Toàn Năng đang hiện diện hay với các mầu nhiệm thánh thiêng cao cả được cử hành hằng ngày giữa đời thường cuộc sống.

Bằng chứng là cách đây mấy năm, chỉ với vài vết nhăn giống giọt nước mắt trên bức tượng đá cẩm thạch Nữ Vương Hòa Bình trước Nhà Thờ Đức Bà Sài đã lôi kéo hàng vạn con người với “lòng tin hiếu kỳ” đổ về để chiêm ngưỡng, cầu nguyện, tôn kính…Trong khi đó, ở phía sau lưng tượng đá Đức Mẹ đó, có Nhà Tạm với Thánh Thể Chúa Kitô hiện diện từng ngày, từng giờ thì vẫn cứ leo lét chiếc đèn chầu với một ít ông già bà già lặng lẽ cầu nguyện; cũng đằng sau bức tượng đó, có Thánh lễ Tạ ơn, là chính hy Tế của Đức Kitô tái diễn mỗi ngày trên bàn thờ nhân loại…nhưng chỉ có lèo tèo một số ít “khán thính giả” trung thành năm nầy qua tháng nọ…

Vì thế chúng ta cũng chẳng lấy làm lạ khi tại những nơi vào những ngày đại hội giới trẻ quốc tế, khi ĐGH hiện diện thì có hàng triệu người nô nức đón chào, tập họp để sau đó, cũng tại nơi nầy, có biết bao ngôi thánh đường trống không, hoang vắng, khi có chính Đức Kitô đang hiện diện đầy ắp quyền năng và thân thương, Người mà vị giáo hoàng kia, cho dù thánh thiện đến đâu, thông minh đến mấy, tài giỏi dường nào, cũng chỉ là kẻ đại diện thấp hèn, bất xứng.

Đừng nói đâu xa lạ, hôm đầu tháng sáu vừa qua, khi Đức Cha Vinh Sơn về đây để tạ ơn, có biết bao người ước ao được gặp ngài, được hôn chiếc nhẫn trên tay ngài, được đứng bên cạnh ngài để chụp chung với ngài một tấm hình và xem đó là một vinh dự, một hạnh phúc tuyệt vời…Nhưng biết đâu, cũng chính trong số những người đó, có người khi rước lễ lại bỏ ra ngoài hút thuốc ! Chẳng giống thái độ của những người na-da-rét đó sao khi chính Chúa Giêsu Thánh Thể tỏ mình ra thật gần gũi, thân thương, thì ai đó lại quay mặt, xem thường…Đức giáo hoàng và Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Thánh Thể và đức cha Vinh Sơn ai trọng hơn ai đây ?

Trong phần Phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta đọc thấy: để trách cứ thái độ đức tin nông cạn, thái độ kiêu căng hợm hĩnh của dân Ít-ra-en, sứ ngôn Ê-dê-ki-en trong BĐ 1 hôm nay đã phát biểu: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá…chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng”.

Nhưng cụ thể nhất là câu chuyện về cuộc “hồi hương về làng” của chính Chúa Giêsu do Mác-cô kể lại: Khi nghe Chúa giảng dạy trong hội đường quê hương vào ngày sabat, dân Na-da-rét đã “khinh mạng dể duôi: “Ông Ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xếp, Giu-đa và Si-mon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”…

Đó cũng chính là thái độ của Na-tha-ne-en, khi vừa nghe Philip giới thiệu: “Đấng mà sách luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giu-se, người Na-da-rét”, Na-tha-na-en đã bĩu môi: “Từ Na-da-rét có gì hay đâu !”. Vâng, “Con bác sãi chùa thì chỉ có “quét lá đa” chứ “làm vua” sao được !

2. “Còn những ai đón nhận Ngài…”:

Vì thái độ dễ duôi khinh thường, không mở lòng tin nhận Đấng Cứu Thế về với mình, nên dân Na-da-rét đành chịu thiệt, không nhận được phép lạ nào của Chúa Giêsu, như Tin mừng đã kể. Riêng, thánh Gioan đã khẳng định chân lý đó trong bài tựa ngôn Tin Mừng của ngài: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa” “ (Ga, 11-12).

Từ bài học ngày xưa đó, chúng ta rút ra những kết luận sống đạo hôm nay:

Muốn đến với Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Đức Kitô để nhận được hồng ân, để “ăn mày phép lạ”, thì phải bước theo lộ trình của Tin Mừng. Đó chính là những con đường mà Đức Kitô đã vạch lối chỉ đường:

- Hãy thực hành “Tám Mối phúc thật”: “Phúc cho ai khó nghèo, vì Nước trời là của họ…phúc cho ai trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa…”

- Hãy hoán cải và trở nên thơ bé: “Nếu không trở nên như em sẽ không được vào nước trời”.

- Hãy khiêm hạ như mẹ Maria: “Nầy tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”

- Hãy trung thành gắn bó với Lời Chúa như Phêrô và các tông đồ: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai. Thầy có những lời ban sự sống đời đời”.

- Hãy khao khát lắng nghe Lời Chúa cho dù phải bỏ lại tất cả để vào trong hoang mạc: “Ta thương đám dân nầy, vì họ bơ vơ tất tưởi như chiên không kẻ chăn”.

- Hãy quỳ xuống với những giọt nước mắt sám hối đổi đời: Người thu thuế, M.Mađalêna, Giakê, tên trộm…”Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi”.

- Hãy vững lòng trông cậy, tin tưởng tuyệt đối…”Tôi chỉ đụng vào gấu áo của Người thôi…Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…Lạy Ngài con tin…”.

Và hãy như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay ý thức thân phận hèn yếu của chính mình và phó thác cho sức mạnh và quyền năng yêu thương của Thiên Chúa:

“Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sĩ nhục hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”

Khởi đi từ những chỉ dẫn của lời Chúa đó, chúng ta có thể áp dụng thực hành sống đạo bằng những thái độ cụ thể như sau:

- Kể từ hôm nay, tôi sẽ đón nhận Chúa Giêsu trong mọi thánh lễ mỗi ngày, vì đó là nơi “hẹn hò” tuyệt diệu nhất Chúa dành cho Hội Thánh.

- Kể từ hôm nay, tôi sẽ gặp gỡ Chúa bằng sự trung thành đến với tòa giải tội để xin Chúa thứ tha và để bắt đầu một cuộc sống mới.

- Kể từ hôm nay, tôi sẽ trung thành đọc, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, nhất là gắng sức bước đi trên những nẻo đường ‘Tám mối phúc thật”.

- Kể từ hôm nay, tôi không còn quá chú trọng tới những mặc khải tư chỗ nầy, chỗ nọ, mà quyết trung thành thực thi các việc đạo đức bình dân cách nghiêm túc, sốt sắng như lần chuổi Mân Côi, viếng Thánh Thể, kinh nguyện sáng tối mỗi ngày.

- Kể từ hôm nay, tôi sẽ thường xuyên khám phá khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi những người thân quen đang hiện diện chung quanh, và phá bỏ những định kiến đã từng đóng khung những con người mà tôi gặp mỗi ngày.

Quả thật, “Có biết bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta, mà Ngài không làm được, vì không được làm…”, hay là vì chính chúng ta ra tay cản trở do thái độ kiêu căng, hay khép kín tâm hồn trước những “viếng thăm” ân cần của Chúa.

Tuy nhiên, nếu vì những người Na-da-ré cứng lòng mà Chúa Giêsu đã “không làm được phép lạ nào’, thì vì một “người Na-da-rét” khác đầy lòng tin, mà Chúa đã làm nên một “phép lạ vĩ đại trên mọi phép lạ”: Nhập Thể-làm người và cứu độ chúng ta.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng với “người Na-da-rét khác đó”, Đức Trinh nữ Maria, một lần nữa, hát lên lời ca khen cảm tạ “magnificat”, để như Mẹ, chúng ta luôn nhận ra muôn vàn hồng ân Chúa ban tặng trên suốt cả cuộc đời: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vi Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn…”. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.07.2009. 19:33