Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chứng nhân tử đạo Việt Nam

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam trải qua các thời đại là dòng máu của các thánh tử đạo. Suốt ba thế kỷ, từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XIX tương đương như ba thế kỷ đầu của Giáo Hội Roma, Giáo Hội Việt Nam đã cung hiến cho Thiên Chúa hơn một trăm nghìn vị tử đạo trong số đó có 117 vị được nâng lên hàng hiển thánh và trong số 117 vị thánh tử đạo có 96 vị là người Việt Nam. Một trang sử hào hùng được viết bằng máu của các thánh tử đạo đó chính là những hạt giống, những hạt lúa mì rơi xuống đất chết đi và trổ sinh bông hạt.

Tại hang Toại Đạo ở Roma, ba thế kỷ đầu của Giáo Hội Roma, đã có tới khoảng 500.000 những hộc mộ của người Kitô hữu được chôn cất ở dưới hầm mộ. Con số của Giáo Hội Việt Nam, hơn một trăm nghìn, đó cũng là những con số để nói lên một Giáo Hội đã thoát lên từ trong đau thương và dệt nên từ những hy sinh, một Giáo hội hiến tế do các chứng nhân tử đạo được gieo trồng bằng máu. Đó là một phản ảnh mà như sách Khải Huyền thánh Gioan đã mô tả: “Họ là những người đã xung vào đoàn chiến thắng, họ từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo mình và tảy sạch áo trong máu của Con Chiên” (Kh 7,14 ). Như vậy, máu đào tử đạo là nối tiếp máu hy sinh của Chiên Thiên Chúa, thánh thiện, tinh tuyền trên Thập Giá. Đức Giêsu Kitô đã đổ máu từ trái tim mình chảy ra. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Tiền Tụng của Hội Thánh: “Ngài đã để cho nước và máu chảy ra từ cạnh sườn, từ đó phát sinh Hội Thánh”. Cũng như Adam buổi đầu, Thiên Chúa đã khiến ông ngủ và lấy xương sườn của ông để tạo dựng Eva. Từ trên Thập Giá, cái chết của Đức Kitô – Adam mới, Thiên Chúa cũng đã lấy máu và nước từ cạnh sườn Ngài bị đâm thâu để phát sinh Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô. Vì vậy, máu đào của các thánh tử đạo chính là sự tạo dựng mới, một thế hệ mới: những thế hệ chứng nhân của Đức tin.

Máu là sự sống. Đức Giêsu đã ký kết một giao ước mới trong máu là trong sự sống của chính Ngài: “Các con hãy cầm lấy mà uống, này là máu Thầy, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Lc 22, 20). Lời mà Chúa truyền: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” không chỉ là một lời truyền mà các tông đồ được lãnh nhận một tác vụ thánh, tiếp tục hy tế của Chúa trên trần gian mà các ông cũng thực hiện đến cả nghĩa đen, các ông cũng đổ máu ra để ký kết vào giao ước mới và rồi đến hàng lớp, hàng lớp các anh hùng tử đạo từ Roma tới Việt Nam. Máu của các anh hùng tử đạo, của các thánh tử đạo là những lời ký kết vào sự sống đời đời, là ký vào máu giao ước mới của Đức Kitô. Cho nên, Tertuliano đã nói rất chính xác: “Máu kẻ có đạo là hạt giống sinh ra kẻ có đạo”. Từ một nhóm ban đầu tín hữu Việt Nam chỉ 5.000 người, vậy mà càng bách hại, càng giết các chứng nhân thì nguyên con số hơn 100.000 vị tử đạo đủ nói lên từ con số ban đầu 5.000 tín hữu đã lên tới hơn 100.000 tín hữu. Và khi cơn bách hại ngưng lại thì con số tín hữu của Giáo Hội Việt Nam đã lên tới 500 nghìn, tức là 1 sinh ra 100, đó là những hạt giống mà Đức Giêsu đã tiên báo: hạt 30, hạt 60, hạt 100. Giáo Hội Việt Nam đã có những hạt giống sinh ra tới 100, từ những con số khiêm tốn ban đầu cho tới khi ngưng cuộc bách hại. Từ 5.000 hạt giống ban đầu đã sinh ra 500.000 những hạt giống khác.

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Việt Nam long trọng mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng ta cử hành với lòng biết ơn. Lòng biết ơn vì Thiên Chúa đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam những ơn phù trợ, ơn mạnh sức để các ngài chiến thắng thế gian, chiến thắng sự chết và các ngài được hưởng lãnh triều thiên vinh quang. Chúng ta cũng cử hành với lòng biết ơn ông cha chúng ta đã để lại cho chúng ta những trang sử viết bằng máu đào để làm nên một thế hệ con Hồng cháu Lạc mà hôm nay Giáo Hội Việt Nam được thừa hưởng. Nhưng, như thế thôi thì chưa đủ. Đó mới chỉ là những kỷ niệm, đó mới chỉ là những nghi lễ. Giáo Hội Việt Nam đang đồng hành, đang hiệp thông cùng với Giáo Hội hoàn vũ trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy, sự sống của Giáo Hội Việt Nam cách đây bốn thế kỷ phải là những sự sống tiếp nối hôm nay:

- Chúng ta không kỷ niệm một điều gì đã qua;

- Chúng ta không tán dương một điều gì coi là đã chết;

- Chúng ta đang làm sống lại một sự sống hiệp thông mà với sự sống ấy chính chúng ta cũng đang tiếp tục bước đi;

- Chúng ta là Người Kitô hữu Việt Nam, hôm nay được mời gọi sống những gì mà cha ông chúng ta đã sống;

- Chúng ta làm chứng những gì mà cha ông chúng ta đã trở thành chứng nhân;

- Chúng ta ký kết những gì mà cha ông chúng ta đã ký kết trong máu của giao ước mới.

Đức tin là một ân huệ từ trời. Ân huệ ấy ban cho người Kitô hữu trong ngày chịu phép rửa tội. Cha ông chúng ta là những người đã trân trọng gìn giữ đức tin đó, nuôi dưỡng đức tin đó, phát triển, lớn lên và lấy máu đào để làm cho đức tin đó được trụ vững.

Sabre, nhà côn trùng học người Pháp nói: “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa ẩn sau màn tối bí ẩn của vũ trụ. Càng nhìn thì tôi lại càng thấy. Người ta có thể lột da tôi, nhưng người ta không thể bóc lột được lòng tin của tôi. Đối với Thiên Chúa không phải là tôi tin mà tôi thấy Người có, có thật !”. Một đức tin vững chắc, lột da cũng không thể hết. Batolomeo, vị thánh tông đồ đã bị lột da, nhưng đức tin đã ngấm vào máu. Máu các thánh tử đạo lại tiếp tục đổ ra thấm vào lòng đất, trổ sinh hoa trái là các vị tử đạo. Máu đổ ra, đức tin tiếp tục ngấm vào xương. Giáo Hội gìn giữ được xương của các thánh, đó là những mảnh xương thấm đầy đức tin. Chúng ta có thể nói như thế này: Tự máu, tự xương của các ngài chưa cần Chúa phải cho làm phép lạ từ xương đó, từ máu đó, chỉ cần chúng ta nhìn thấy máu ấy của các vị tử đạo, xương ấy của các vị tử đạo là chúng ta đã cảm động rồi. Đó là những chứng tích, những di thánh để lại. Những người con đã làm chứng, bị bóc lột da ngấm vào máu, máu đổ ra ngấm vào xương. Đức tin mạnh mẽ như vậy không thể nào phá được! Chúa Giêsu tuyên bố: “Đến hỏa ngục mở ra cũng không thể làm gì được Hội thánh của Thầy”. Một đức tin kiên trung và ngấm sâu như vậy thì thế gian không thể làm gì được. Đừng lo! Nhưng cái lo nhất là cái tự mình làm mất.

Cổ học tinh hoa kể chuyện: “Có một nhà hiền triết kia ngồi bàn và nói cho mọi người biết rằng, tất cả mọi câu hỏi đặt ra, ông ta đều có thể giải thích được hết. Một viên quan võ đi qua, khó chịu nói tên này ngạo mạn. Ông ta nắm trong tay một con chim, rồi đến trước nhà hiền triết kia hỏi: Trong tay tôi có một con chim, ông hãy trả lời cho tôi biết con chim này là con chim sống hay con chim chết. Nhà hiền triết suy nghĩ rất nhanh, đây là một câu hỏi khó, nếu bảo chim chết thì ông ta thả con chim ra; nếu bảo chim sống thì ông ta bóp cho con chim chết. Rất khó trả lời. Nhà hiền triết khôn ngoan, lập tức lên tiếng đáp. Con chim đó sống hay chết là tùy ở trong tay ngươi” (MVLC). Đúng là sống hay chết là tùy vào người đang cầm giữ. Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, Thiên Chúa đã trao ban đức tin cho chúng ta, nhưng sống hay chết là do mình. Nhiều người Kitô hữu Việt Nam hôm nay đánh mất đức tin là tự mình đánh mất. Còn nếu chúng ta trân trọng gìn giữ đức tin thì cho dù gông cùm, xiềng xích, cho dù sự chết cũng không làm gì nổi được các ngài.

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.
Chính Chúa đã đổ máu đào hiến tế trên Thập giá
để cho chúng con được khai sinh một kỷ nguyên mới:

KỶ NGUYÊN CỨU ĐỘ.

Từ đó, máu đào của các thánh tử đạo đã viết lên lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam của chúng con rạng rỡ
cũng nhờ chính những dòng máu của các thánh tử đạo.
Xin đừng để thế hệ chúng con đánh mất dòng máu của các thánh tử đạo;
Xin đừng để chúng con đi vào ngõ cụt của thế gian;
Xin đừng để chúng con dùng tự do
mà Chúa đang ban cho ở cuộc sống đời này
bóp chết đức tin là ân huệ từ trời Chúa ban.
Không! Ngàn lần không!
Nhưng xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
phù hộ chúng con sống xứng đáng là con Hồng cháu Lạc
và sống xứng đáng ân huệ từ trời, ân huệ lớn lao:
một đức tin chiến thắng thế gian, chiến thắng sự chết
để chúng con đạt tới sự sống đời đời. Ngay bây giờ
chúng con tin, và chúng con cùng tuyên xưng đức tin. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.11.2009. 11:51