Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cho tới ngày tiếng “Hallêluia” òa vỡ…

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Thứ Tư Lễ Tro

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Mùa Xuân đã qua và Mùa Chay lại về. Cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa lại có một bắt đầu mới để sắp xếp cuộc sống với Chúa, với chính mình và với tha nhân sao cho ngăn nắp hơn, ổn định hơn, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn. Trong cuộc hành trình 40 ngày chay tịnh mang dấu ấn khắc khổ và hy sinh của cuộc trường hành 40 năm sa mạc cuûa daân Ít-ra-en, mang ý nghĩa phấn đấu và chiến thắng của 40 ngày tĩnh tâm để lên đường của Chúa Giêsu, cộng đoàn chúng ta sốt sắng và đầy hân hoan bước vào Mùa Chay Thánh. Nghi thức xức tro trên trên trán chút nữa đây sẽ là hành vi sám hối để giúp chúng ta xứng đáng cử hành thánh lễ nầy và đưa chúng ta tiến bước trên cuộc hành trình Mùa Chay đang trở về.

Giảng Lời Chúa:

Anh chị em, hình ảnh nghĩa trang hay quang cảnh đau buồn của một đám tang, chắc chắn sẽ gợi cho ta cái tàn lạnh buồn tênh khi kết thúc một kiếp người. Nhất là khi ai đó có dip chứng kiến cảnh hỏa thiêu xác người thành tro bụi, sẽ cảm nhận rõ nét hơn cái mong manh bọt bèo của kiếp phận con người như nhạc sĩ quá cố tài hoa Trịnh Công Sơn, đã từng cảm nhận:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài...
“Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!

Còn nhạc sĩ Lê Dinh lại thấy mọi sự trên đời chỉ là phù hoa ảo ảnh sau khi con người đi vào cửa tử.

Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao...

Trong niềm tin của người kitô hữu chúng ta, “tro bụi” lại là là một mặc khải của Thiên Chúa để loài người nhận ra thân phận đích thực của mình và biết đường biết hướng mà biến cuộc đời “tro bụi” trở thành hạnh phúc vĩnh hằng. Vì thế, điệp khúc của ngày Phụng vụ hôm nay chính là Lời của Chúa:

“Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro...”

Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng nói lên một cõi lòng buồn đau tan nát, một cõi lòng thống hối ăn năn vì tội lỗi. Trong lịch sử Israel, những lúc nước mất nhà tan, những lúc Thiên Chúa đánh phạt Dân Ngài bằng tai ương hoạn nạn, người ta rủ nhau rắc tro lên đầu, mặc đồ vải thô, mặt mũi sầu buồn ủ rũ, dâng lên những lời kinh ảo não để cầu xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót thứ tha.

Trong Cựu Ước, khi dân Do Thái muốn xin Chúa thứ tha thì họ ngồi trên đống tro và xức tro lên đầu. Khi Giô-na báo cho dân thành Ni-ni-vê rằng Thiên Chúa sẽ hủy diệt thành phố của họ nếu họ không hoán cải, vị vua đã hành động như sau:

“Ông rời khỏi ngai vàng, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro.” (Giô-na 3,6). Và cả thành phố đều làm như thế. Về phần Gióp, ông gặp mọi điều bất hạnh: mất hết của cải, con cái chết đi, thân ông bệnh hoạn. Ông nghĩ rằng Chúa trừng phạt ông vì ông không đủ tốt lành, vì thế ‘ông ngồi trên đống tro’ (G 2,8).

Thưa Anh Chị Em,

Hôm nay cũng thế, Mẹ Giáo Hội rắc tro lên đầu con cái mình để mời gọi chúng ta mở đầu một mùa ăn năn thống hối. Một lời kinh tôi thú nhận, một cử chỉ đấm ngực ăn năn mà thôi không đủ, cần cả một mùa ăn năn thống hối, thống hối tội lỗi bản thân, tội lỗi của Dân Chúa và tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Từ cử chỉ ăn năn ấy, xuất phát nghi thức xức tro trong truyền thống Giáo Hội (và luôn luôn được cử hành vào ngày thứ tư gọi là Thứ Tư Lễ Tro), khởi sự cho mùa thống hối dài 40 ngày: Mùa Chay.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cắt nghĩa một cách sâu sắc ý nghĩa nầy trong bài giảng Lễ Tro năm 2003:

Khi ghi dấu tro trên trán tín hữu, người chủ tế lặp lại câu: “Hỡi người, hãy nhớ rằng mình là tro bụi, và sẽ trở về với bụi tro”. Trở về với bụi tro, ấy là vận mệnh của mọi người và mọi vật. Tuy nhiên, con người không chỉ là thân xác, mà còn là thần khí. Nếu xác thịt buộc phải trở về với cát bụi, thì thần khí mãi mãi là bất diệt. Ngoài ra, tín hữu biết rằng Chúa Kitô đã sống lại, và qua đó, xác thân Ngài đã chiến thắng tử thần. Chính Ngài cũng bước đi trong hy vọng theo viễn ảnh đó.

Như thế, nhận tro trên trán có nghĩa là tự nhận mình là loài thọ tạo, được dựng nên từ bùn đất và sẽ trở về bùn đất (x. St 3,19); điều này cũng có nghĩa là tự cáo mình là tội nhân, cần được Chúa thứ tha để có thể sống theo Tin Mừng (x. Mc 1,15); cuối cùng, điều ấy có nghĩa là khơi dậy niềm hy vọng vào một cuộc gặp gỡ viên mãn với Chúa Kitô trong vinh quang và trong bình an của Nước Trời.

Và như thế, cho dù được mời gọi dấn thân vào một “mùa hy sinh khắ khổ”, chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng rằng: Tro bụi cuộc đời vẫn ươm mầm hy vọng vinh quang. Hay cụ thể hơn, khi ý thức thân phận bụi tro của chính mình, chúng ta sẽ sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời không bám rễ nơi trần gian hữu hạn nầy, nhưng vươn tới niềm hy vọng phục sinh trong quê trời hằng sống. Câu chuyện thật sau đây sẽ là một minh họa cho ý nghĩa nầy:

Thưa Anh Chị Em, trong lịch sử của Dòng Tên có câu chuyện về vị Tổng Quyền thứ ba: Cha Phaxicô Borgia. Ngài vốn là con trai của một công tước Tây ban Nha. Vì mồ côi mẹ sớm nreen được ông cậu là Tổng Giám Mục thành Saragosse nuôi dưỡng cho đến năm 18 tuổi thì được tiến cử vào hoàng cung của vua Charles Quint, làm cận vệ số một của hoàng hậu Isabelle. Ngài đã lấy vợ và được 5 mặt con. Tuy nhiên, có một biến cố đã đổi thay hoàn toàn cuộc sống của Ngài.

Hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời, đã từ giã cõi đời trong tuổi đương xuân. Phanxicô có trách nhiệm đưa thi hài bà đến an táng tại lăng tẩm hoàng cung. Đến nơi, theo thủ tục an ninh nghiêm ngặt lúc bấy giờ, phải mở nắp quan tài để giao nhận đúng là thi hài của hoàng hậu Isabell. Lúc ấy, Phanxicô đã rùng mình kinh tởm trước một thân xác đang thối sình, giòi bọ rúc rĩa….Chính cảnh tượng ấy đã khiến Phanxicô quyết định: “Từ đây mọi danh vọng của trần thế và mọi lạc thú của nó chẳng còn dính dáng gì đến Phanxicô nầy nữa !” Sau đó Phanxcô rút lui khỏi triều đinh sống đời bác ái và cầu nguyện với cương vị của một công tước gương mẫu đạo đức… Cho đến khi người bạn đường qua đời, ông xin gia nhập dòng Tên, và 17 năm sau, trở thành vị Tổng quyền thứ ba của Dòng sau Thánh Ignatio….

Anh chị em thân mến, với lễ Tro hôm nay, Phụng vụ nhắc chúng ta rằng: “cuộc hành trình của kiếp sống con người tại thế rồi sẽ trở về tro bụi”. Tuy nhiên, cũng chính hôm nay, niềm tin lại nhắc chúng ta rằng “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.

Chính vì thế, trong cuộc hành trình 40 ngày chay tịnh nầy, ước gì chúng ta cũng biết để cho Lửa Thánh Thần thiêu rụi con người cũ thành tro bụi, rồi mạch nước Thánh Thần lại dùng chính tro tàn ấy mà dưỡng nuôi cho ta trở nên con người mới, đó là con người mà giáo huấn của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay vừa nhắn gởi chúng ta:

- Hãy làm việc bác ái trong khiêm hạ và kín đáo, không phô trương.
- Hãy cầu nguyện trong thái độ chân tình với Thiên Chúa như cuộc tâm sự của cha con.
- Hãy ăn chay trong thái độ vui tươi, bình an như là một cử hành của tình yêu và ân sủng.

Và như thế, “40 ngày chay tịnh” sẽ là cuộc “xuất hành” đông vui của toàn thể anh chị em trong gia đình con cái Chúa; cuộc xuất hành vượt qua những thác ghềnh tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, những hoang mạc của khô khan nguội lạnh, những “biển đỏ” của đam mê dục vọng…để dõi theo dấu bước của Chúa Giêsu. Những bước chân thánh thiện, quyền năng và đầy tình yêu của Ngài sẽ đưa chúng ta vượt qua “Đồi Sọ của khổ nạn đau thương” để đi tới “Bình Minh rạng rỡ của Ngày Thứ Nhất trong tuần”, ngày mà tiếng “Hallêluia” sẽ òa vỡ trong tim mọi người để mừng vui ngày “Chúa đã phục sinh”.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.02.2009. 13:54