Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chó Sủa, Đoàn Người Ngựa Vẫn Đi Qua(*)

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh (Năm C): Mt 2, 1 - 12

Ngôn Ngữ!

Người ta hay nói vui rằng ở Âu Mỹ, thứ tự của đàn ông trong bảng tổng sắp thua đàn bà con nít đã đành, mà còn kém cả…chó mèo! Ở nhiều nước Á Đông, “chó” (đồ chó, cẩu hoàng đế, chơi chó chó liếm mặt,..) là một từ ngữ chỉ sự khinh bỉ, nhục mạ, nhưng ở phương Tây, chó là vật cưng. Nhưng đẹp hay xấu, chó chỉ là chó khi biết sủa, và phải sủa đúng lúc đúng việc. Dân gian Việt-Nam có câu : chó đâu chó sủa lỗ không; chẳng thằng ăn trộm, cũng ông ăn mày. Hình ảnh “con chó nhà Đức Chúa Trời” còn được chỉ một cách ‘đáng yêu’ về các linh mục : «Chúng con đi tu làm Linh mục tức là làm con chó nhà Ðức Chúa Trời, để ngày đêm tỉnh thức canh giữ nhà cho Chúa là Hội Thánh. Vậy, chúng con không được phép làm những con chó câm, nhưng là những con chó biết sủa và sủa cho thật to, để kẻ trộm không dám đào ngạch khoét vách được nhà của Chúa. Nhưng trước khi sủa, chúng con phải tập sủa để sủa cho đúng. Thời gian ở chủng viện là thời gian người ta tập cho chúng con biết sủa đó. Chúng con đừng quên rằng con chó chỉ đáng quý khi nó biết sủa và sủa đúng. Loại chó câm hay loại chó sủa bậy bạ thì vô giá trị!» (Trích lời một cha quản xứ, Vietcatholic 04.05.2007). Thân mẫu Thánh Đa-Minh khi mang thai Ngài, mơ thấy Bà mang thai một con chó ngậm bó đuốc, sứ mệnh của thánh Đa Minh và của anh em Dòng Thuyết Giáo sau nầy (như trên). ”Chó” còn là hình ảnh các giáo dân tốt lành mộ đạo!

... Lì Lợm!

Copenhagen 2009. Chó vẫn sủa; đoàn lữ hành vẫn đi qua. 193 quốc gia, hàng trăm nguyên thủ trên thế giới tụ họp lại để…nhìn nhau, nạnh kẹ nhau về tỷ lệ cắt giảm khí thải, mà một Nghị Định Thư Kyoto được 159 quốc gia ký năm 1997 đã chẳng đem đến đâu, khi mà để có hiệu lực thực sự, nó phải được 55 nước chịu trách nhiệm về 55% phát thải khí nhà kính đồng ý thoả hiệp. Mặc cho vấn đề biến đổi khí hậu đã ở mức báo động đỏ, với những con số dự báo về mực nước dâng, về bão lụt, về đói khát gây bàng hoàng cho mọi người, không ai trong số mấy chục ngàn người có mặt ở Copenhagen lại không hiểu rõ, nhưng người ta vẫn ngó nhìn nhau, nhìn cam kết do nước nầy, nước nọ đưa ra, để vừa phản đối, vừa tính toán con số của riêng mình, phù hợp với lợi ích kinh tế của nước mình. Lợi ích kinh tế có sức mạnh phân hoá hơn cả Tháp Babel. Năm lá phiếu veto (quyền phủ quyết) được năm cường quốc sáng lập Liên Hiệp Quốc khư khư giữ chặt, nhưng chưa bao giờ có đồng thuận trong suốt 65 năm qua: hể Hoa Kỳ nói trắng, thì Nga thấy có “bổn phận” nói đen; Pháp nói ‘có’ thì Trung Quốc cứ nhắm mắt mà nói “không”. Nạn diệt chủng, khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ em; ma túy, mại dâm, rửa tiền, đàn áp tôn giáo,…vì thế mà cứ nhởn nhơ hoành hành vô tội vạ. Chống lại cái ác thì chia rẻ như vậy, nhưng lại hết sức ủng hộ và đi theo những tội ác như nạo phá thai, an tử, ly dị, kết hợp đồng tính.

Người ta còn rùng mình kinh hãi khi nghĩ đến vụ diệt chủng dã man nhất trong lịch sử nhân loại ở Rwanda xảy ra năm 1994 : Chỉ trong vòng 100 ngày, hơn 800.000 người bộ tộc Tutsi bị cộng đồng quốc tế phủi tay bỏ rơi, đã bị người bộ tộc Hutu tàn sát. Người Bỉ - nước xâm chiếm Rwanda năm 1916 và cố tình chia để trị, làm cho hai bộ tộc vốn cùng ngôn ngữ,chung truyền thgống, quay lại thù hận tàn sát nhau - đã được hưởng rất nhiều từ tài nguyên khoáng sản khai thác từ Rwanda. Liên Hiệp Quốc rút lui cả về trách nhiệm lẫn lương tâm. Hể có bạo lực, khủng bố ở đâu, thì vẫn một câu duy nhất : cương quyết phản đối và lên án! Trái đất vẫn quay. Nhân vật đại tá Oliver (do Nick Nolte đóng trong bộ phim Hotel Rwanda) được xây dựng dựa trên tiểu sử tướng Roméo Dallaire (người Canada), tổng chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Rwanda. Nhờ sự can thiệp của Roméo Dallaire, dù không được cấp trên đồng ý. mà hơn 20.000 người Tutsi đã thoát chết. Sau khi trở về nước, ông bị trầm uất do chứng kiến quá nhiều cảnh rùng rợn ở đất nước châu Phi nhỏ bé.

Hình ảnh đáng suy nghĩ nhất trong tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 là sự hiện diện của hầu hết nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Ít ai muốn làm ‘buồn lòng’ vị chủ nhà hay thù dai và vô đạo đức nầy, mà một hợp đồng nhỏ thôi cũng mang về hàng tỷ đô la. Cũng vì thế mà những nước đã bị chủ nhà nầy thôn tính, những người đấu tranh cho các dân tộc, cho các quyền con người, đều bị hy sinh và chẳng ai ‘dám’ bỏ mối lợi, làm mích lòng chủ nhà, để bênh vực cho những dân tộc, quốc gia, tổ chức và cá nhân nầy. Chó bị cục xương làm cho câm! Ngày 28.12 vừa qua, 4.506 người H’mông, bị Hoa Kỳ bỏ rơi sau 1975 như chanh hết nước, nay bị Thái Lan trục xuất về lại Lào, nơi chưa biết số phận ra sao đang chờ đợi họ. Không ai dại gì dây dưa vào chuyện chẳng mang lại lợi lộc gì, mà còn có hại cho họ. Chó sủa, - những lời thán oán nghẹn ngào -, trái đất vẫn quay!

Trong cuộc chờ mong Đấng Cứu Tinh đến giải thoát, hiểu biết từ chương, hời hợt về Kinh Thánh đã không giúp ích gì cho các thượng tế và kinh sư Do Thái. Thói quen học ‘vẹt’ và vụ hình thức nầy lan tràn khắp cả nước (x. Mt 2, 4). Ngày nay người ta gọi đó là bệnh thành tích. Vì thế mặc cho lời tiên tri rành rành, mặc cho sự hiện diện của các đạo sĩ (mà họ ganh tị gọi là ‘dân ngoại’), họ vẫn không có bất cứ động thái, phản ứng nào, ngoài việc đọc vanh vách những câu Kinh Thánh, mà chính Hêrôđê hiểu là nghiêm túc, đáng quan ngại. Cười người chớ khá cười lâu : nếu chúng ta, Kitô hữu, tin vào Kinh Thánh và sống Tin Mừng, thì cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đoàn đã không như hiện nay và Giáo Hội đã không trở thành cái bia cho bao công kích không phải vô căn cứ. Không có lửa, làm sao có khói: Khói mịt mù làm cay xè mắt và làm tan nát con tim của các Kitô hữu trung trinh, từ Đức Thánh Cha cho đến giáo dân, sau những tội ác lạm dụng tình dục, ấu dục nhơ bẩn của một số không nhỏ trong hàng linh mục, tu sĩ; những vết nhơ chẳng sông nào gột sạch, làm hại Giáo Hội vô kể! Chó suả, những bài học cảnh tỉnh vô cùng nhục nhã, đau đớn ở Boston, ở Los Angeles, thoạt nghe đã làm con tim giáo dân như bị muối xát vào, lại vẫn không mảy may lay động nhiều giáo sĩ u mê đắm chìm vào các tội ác. “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (Kiều, Nguyễn Du)

... Kiên Trung.

Trong các Vị giáo hoàng gần đây nhất, Đức giáo hoàng Piô XII đã luôn là một cái đích phê phán cho một số đông người Do Thái “ăn cháo đá bát”, vô ơn trước những hy sinh vô cùng to lớn của Đức giáo tông thời chiến nầy, cả với tư cách đứng đầu Giáo Hội Công giáo,- thế lực tinh thần duy nhất trên thế giới mà Hitler sợ hãi – lẫn tư cách cá nhân. Chó cứ sủa dai và sủa bậy như chó điên, bao người trong và ngoài Hội Thánh đều cho rằng vấn đề xét án phong thánh cho Vị giáo hoàng nầy rồi sẽ bế tắc, thì đùng một cái, thứ bảy ngày 19.12, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI đã công nhận “nhân đức anh hùng” của hai Giáo Hoàng tiền nhiệm và nâng hai vị lên hàng “Đấng Đáng Kính”, trong đó có Đức Piô XII. Những tiếng ‘sủa’ theo cảm tính, đầy thành kiến, vị kỷ, không hề làm sứt mẻ chút nào sự thánh thiện của hai Vị giáo hoàng và không làm lay chuyển ý chí và trách nhiệm công bố nhân đức anh hùng của các Ngài, vô cùng cần thiết trong thời vốn đại đòi hỏi Kitô hữu vượt mọi định kiến, mọi sợ hãi, mọi toan tính cá nhân, bất chấp đe doạ, đàn áp, nguy hiểm tính mạng, để bênh vực Giáo Lý, Giáo Hội, công bằng và cứu giúp anh em.

Việc làm của “Ba Vua” hôm nay , vượt qua những đàm tiếu, vượt qua mọi bất trắc trong hành trình gần như vô định, để đáp lại tiếng thôi thúc trong lòng, thoạt nhìn tưởng như là một việc “cầu âu”. Điều chắc chắn là tuyệt đối không hề có suy nghĩ,tính toán hoặc hành vi vụ lời nào. Ngày nay không thiếu gì nhà khoa học chỉa kính thiên văn lên trời, thu thập những dữ liệu từ các vệ tinh, chỉ để muốn chứng minh nơi nầy có nước, nơi kia có khí, nghiã là có sự sống, qua đó phản bác và thách thức Kinh Thánh và Giáo Lý Công giáo, loay hoay với suy luận ngớ ngẫn “gà đẻ trứng hay trứng nở ra gà”. Phi hành gia Gagarine của Liên Bang Xô Viết bay vào qũy đạo vài ba trăm cây số trên trái đất (khoảng cách gần như số không so với vũ trụ), đã láo liên ngó ngang ngó dọc, rồi thẳng thừng tuyên bố “không nhìn thấy Thiên Chúa”, và như thế là “không có Thiên Chúa”. Mấy tháng sau, phi hành gia Mỹ Shepard cũng thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Hoa Kỳ : qũy đạo cao hơn, thời gian bay dài hơn! Khi ngắm nhìn vũ trụ, cúi nhìn trái đất, ông đã sững sờ ngất ngây trước vẻ đẹp của vũ trụ và mở miệng đọc ngay câu kinh Tin Kính. Cái nhìn vô thần và hữu thần khác nhau trời vực. Kẻ tin hiểu ngay rằng: ngoài Chúa ra, không ai có thể làm nên những kỳ công nầy (x. Tv 8). Khẳng định ngược lại, là phơi bày sự ngu si thiển cận của mình. Song những kẻ vô thần thích bị coi là đần độn, hơn là phải công nhận chân lý tự nhiên, vì như vậy sẽ buộc họ thừa nhận vô số chân lý khác, mà chân lý lớn nhất là Thiên Chúa hiện hữu. Chân lý là cái để khám phá, suy gẫm và noi theo, không bao giờ là cái để con người - vô thần - tùy tiện chế tạo, tung hứng, thay đổi. Khám phá chân lý Chúa và trung thành theo chân lý ấy, là linh đạo Kitô giáo.

Sự thánh thiện trong linh đạo Kitô giáo không phải là sự hứng khởi, bột phát tâm tình đạo đức bác ái, mà chính là lòng kiên trung, vượt qua mọi thử thách, mệt mỏi, cám dỗ, thất vọng và cả nghi ngờ, để vẫn trung thành với tiếng gọi, ơn gọi của Chúa. Sự thánh thiện của Mẹ Têrêxa Calcutta chính là một đời dò dẫm trong đêm đen đức tin, nhưng chưa bao giờ suy giảm tình yêu với Chúa qua việc phục vụ, yêu thương người nghèo đói, bệnh tật. Sự thánh thiện của người nữ tu 100 tuổi Emmanuel làm người ta ngạc nhiên thán phục (kể cả bị ‘sốc”) khi Soeur thú nhận ở vào tuổi nầy, Soeur vẫn liên tục bị cám dỗ về tình dục. Phương thế giúp Soeur vượt thắng, chính là thể hiện tình yêu Chúa qua việc cùng chia sẻ thân phận những người nhặt rác và trẻ em đường phố ở Ai Cập. Và mới đây, Giáo Hội tôn vinh hiển thánh Thánh Đamianô, vị tông đồ người cùi, sống và chết vì bệnh cùi, cùng với anh chị em bệnh nhân phong cùi. Cái chung nhất nơi họ là trung kiên làm chứng cho Chúa Kitô.

Lời Nguyện

John Thorton là con người duy nhất làm nẩy sinh trong Buck, - nhân vật trong cuốn “Tiếng Gọi nơi hoang dã” của Jack London -, một điều đặc biệt chưa hề có : tình thương yêu thật sự đối với một con người. Khi Thorton chết một cách vô cùng thương tâm, trong con chó không thấy còn tình cảm gì níu kéo nó lại với con người. Nó bị nòi giống của nó cuốn hút đi theo “tiếng gọi nơi hoang dã” và cuối cùng trở thành một con sói hoang. Kitô hữu được giao sứ mệnh thể hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Vì sự vô cảm,vô tâm,vô tình và vô đạo đức của chúng ta, đã khiến những anh em đã tìm thấy hơi ấm tình thương nơi Chúa và với Chúa, lại quay về con đường “hoang dã” cũ. Hơn hai ngàn năm từ khi ba đạo sĩ gặp được Chúa Hài Nhi và tôn em bé vô danh Giêsu làm vua của họ, chúng ta vẫn như những người đi trên mây, mơ màng, dùng dằng nửa đi nửa ở. Mang danh Kitô, nhưng hành động thì chẳng khác gì các thượng tế, kinh sư Do Thái và Hêrôđê.

Lạy Chúa, hãy cho con mạnh dạn cất cao tiếng sủa cho xã hội và vì Giáo Hội, kể cả khi cần hy sinh danh lợi, tính mạng. Hãy cho con biết lắng nghe và phân biệt tiếng sủa lời mời gọi của Chúa, của Giáo Hội với tiếng sủa của dục vọng, của cám dỗ, của ba thù. Hãy giúp con nên con chó Nhà Chúa, có ích và trung thành.


Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 30:

Mãi mãi Thánh Vịnh nầy vô cùng qúy giá, vì nó đã cung cấp cho Chúa Giêsu, khi hấp hối trên thập giá vì chúng ta, những lời nói cuối cùng thốt ra trên trần gian với Chúa Cha (x. Lc 23,46). Ước gì những lời như vậy có thể được phô ra và diễn tả những tình cảm cuối cùng của tâm hồn chúng ta với cuộc đời nầy! Ước gì, thay vì những lời không quan trọng nói lên những cơn co giật cuối cùng một cuộc sống đấu tranh chống sự chết và tiếng vọng cuối cùng của một đau khổ không nhẫn nhịn được nữa; giả như thay vì điều đó, những lời khác, những lời của lời cầu nguyện nầy trở thành thói quen, có thể mở cho tâm hồn chúng ta con đường để chúa Giêsu đi qua!

Tất cả tùy thuộc vào chúng ta!

Nếu tâm hồn thấy cần cầu nguyện, nếu nó không chỉ bằng lòng sống, mà là sống hướng về Thiên Chúa, mở ra với Người trong Chúa Kitô ( Rm 6, 11), thì Thánh Vịnh nầy sẽ đưa ra cho tâm hồn những hình ảnh đúng đắn, những lời giản dị và mạnh mẽ, những lời nói lên sự sầu não và những lời nói lên lòng tin cậy; những lời bày tỏ sự lầm than và như chiếc bình bị vứt bỏ xếp xó; sự đe doạ của lưới giăng bẫy; hoăc là sự an toàn khi gần bên Thiên Chúa “Đá Tảng”, “Đồn Lũy”, “Thành Trì”,…Với Chúa Kitô, hiệp với tất cả những người đang đau khổ, được Chúa ban cho ơn cứu độ của Người, hãy nói và hãy nói lại những gì Chúa Giêsu đã nói :”Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”.

(*) (Ngạn ngữ Pháp: les chiens aboient, le caravane passe)

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.01.2010. 13:55