Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chiều Sâu Thập Giá

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Thập giá Đức Giêsu Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái và điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1,23). Tức là một nghịch lý của cuộc đời, cho đến bây giờ vẫn thế và còn cho đến tận thế. Lúc nào Thập giá cũng là một thách đố rất lớn đối với mọi thời đại. Thập giá cũng là một chướng ngại rất lớn đến với từng con người. Đức Giêsu đã khẳng định ngay từ đầu rằng, Ngài là một viên đá – một viên đá làm cớ vấp phạm đối với những ai không nhận ra Ngài, không nhận ra chương trình cứu độ của Ngài.

Khi chỉ nhìn nhận những thực tại bên ngoài mà thôi, Thập giá là một hình phạt nặng nề của những người Roma dành cho những người tử tội. Đức Giêsu đã nhận cho mình hình phạt này. Đó không phải là một sự tôn vinh, bởi vì, Thập giá là biểu hiện của sự chết. Thập giá chỉ được tôn vinh sau khi Đức Giêsu Kitô hoàn tất chương trình cứu độ. Ngay khi Ngài ở trên Thập giá, chính Ngài cũng đã bị lời sỉ nhục của những kẻ qua đường chế nhạo, thậm chí Ngài còn bị những lời sỉ nhục của những kẻ cùng đóng đinh với Ngài trên Thập giá. Như vậy, Thập giá vẫn là một sỉ nhục, một cực hình dành cho những ai bị kết án. Đức Giêsu cũng là người bị kết án, Ngài bị kết án do tòa án của nhân loại, mà Philato tuyên án. Ngài là người bị kết án do chính những người con cái trong nhà: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!”. Thập giá mãi mãi vẫn là một bản án, một bản án đóng trên đầu Đức Giêsu Kitô: “Đức Giêsu Nadaret, Vua dân Do Thái”. Như vậy, Thập giá không có gì đáng để tôn vinh: Thập giá là đau khổ; là kết án; là sự chết.

Vậy tại sao chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô như vậy?

Vâng! Đúng là chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô vì Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc nhân loại. Đó là ý nghĩa mà chúng ta đang đi sâu vào tìm hiểu. Nếu Thập giá chỉ là một bản án tử hình, chỉ là một huyền thoại, một sự kết án thì mãi mãi Thập giá là một sự hổ ngươi cho tất cả những người Kitô hữu. Nhưng nếu Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc thế gian thì đây chính là triết lý của sự khôn ngoan; triết lý của sự sống. Như vậy, trong nghịch lý hàm chứa một chân lý; ở trong bản kết án ấy lại chính là một sự xóa án. Tất cả diễn ra nơi Thập giá Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nhìn thấy sự sống và sự chết ở cùng trên Thập giá Đức Giêsu Kitô, Ngài đã nói những lời cuối cùng, Ngài phó linh hồn cho Đức Chúa Cha. Sự sống của Đức Giêsu Kitô trên Thập giá và sự chết của Đức Giêsu Kitô cũng trên Thập giá. Sự sống và sự chết gặp nhau trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng sự sống và sự chết của Đức Giêsu trên Thập giá cũng chính là sự sống và sự chết của chúng ta. Bởi lẽ từ cạnh sườn bị đâm thâu, máu và nước chảy ra, từ đó phát sinh ra Bí tích của Hội Thánh như trong Kinh Tiền Tụng chúng ta đọc.

Vậy từ Thập giá Đức Giêsu Kitô, máu và nước chảy ra: nước tượng trưng cho Bí tích Rửa Tội. Nhờ đó mà chúng ta được đi từ cõi chết đến cõi sống. Và máu, tượng trưng cho các Bí tích, những Bí tích của tình yêu thương, để tha tội, để thêm sức, để thánh hóa những tâm hồn. Chúng ta hình dung một Đức Giêsu Kitô hiến mạng sống của mình để hướng tới cái chết. Và từ cái chết ấy, mà chúng ta bắt đầu nhận được trở lại sự sống của Thiên Chúa, sự sống thật của con người theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi tạo dựng con người.

Cái sống và cái chết không chỉ đấu tranh trong con người Đức Giêsu Kitô mà trong toàn thể Hội Thánh, là nhiệm thể của Đức Kitô. Nếu Đức Giêsu Kitô không chết trên Thập giá thì không có sự hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Đức Giê su Kitô không chấp nhận cái chết trên Thập giá thì bản án của nhân loại mãi mãi vẫn còn. Vì vậy trong bản án được treo trên đầu Đức Giêsu Kitô đã nói rõ vương quyền của dân Thiên Chúa: Tiên tri, Tư tế, Vương giả. Chúng ta, những người Kitô hữu cũng mang trong mình một danh Kitô, mà danh ấy là Vua Do Thái. Như vậy, trong bản án mà Đức Giêsu phải chịu bao hàm cả chức vụ Tư tế, Tiên tri, Vương đế của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nếu không có Thập giá thì những danh hiệu ấy không có ý nghĩa gì. Cho nên, người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đứng trước Thập giá Đức Giê su Kitô là đối diện với một mầu nhiệm, một mầu nhiệm hàm chứa nghịch lý, chân lý đan xen nhau. Không phải ai cũng nhận ra chân lý của Thập giá. Vì thế, thánh Phaolo đã diễn tả những cách thức mà mỗi một thời đại, mỗi một dân tộc tượng trưng cho một ý thức hệ, một quan điểm khác nhau, rằng: Thập giá Đức Giêsu Kitô là cớ vấp phạm cho người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại; hoặc là sự khôn ngoan cho những người được tuyển chọn, vì đó chính là những gì mà con người được sàng lọc, được trắc nghiệm đi sâu vào tâm hồn mình để nhận ra Thập giá.

Người đời đã biết áp dụng nguyên tắc Thập giá theo triết lý “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, rằng “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Đó là triết lý của Thập giá áp dụng trong cuộc sống, vì ai cũng sợ đau khổ, ai cũng sợ sự chết. Nhưng “Lửa thử vàng, gian nan thử đức” và “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nghĩa là những người có ở trong tình trạng đau khổ (đoạn trường = đứt ruột) mới hiểu được,và trong đau khổ ấy người ta mới tìm được giá trị của Thập giá. Cho nên ngay ở trường đời, cũng có giá trị thập giá và người ta đã tìm ra triết lý khôn ngoan của nó. Các thánh mô tả Thập giá là sự khôn ngoan. Bởi vì Thập giá Đức Giêsu hiện nguyên hình là sự chết, vì khi không qua đau khổ và sự chết con người sẽ không đạt tới đích thật sự sống của mình.

Vì vậy, chúng ta nói về Thập giá, suy tôn Thánh giá là chúng ta đang nói tới tình yêu thương và chân lý mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi qua sự chết để vào cõi sống; để nhìn qua những đau khổ, sự chết của Đức Giêsu Kitô nhận ra chương trình cứu độ. Vì vậy, đối với những người được tuyển chọn, Thập giá là ơn cứu độ, còn mãi mãi vẫn là cớ vấp phạm và sự điên rồ đối với những kẻ không tin hay với người quá khích.

Hôm nay và mãi mãi cho đến tận thế, Thập giá dạy chúng ta những bài học khôn ngoan để chúng ta nhận ra chân giá trị của cuộc đời. Thập giá mãi mãi vẫn là trường dạy chúng ta sự khiêm tốn, sự khôn ngoan và cho chúng ta hiểu tình yêu – một tình yêu đích thật.

Những người Kitô hữu hôm nay, đeo Thánh giá trên cổ, lần tràng hạt trên tay có Thánh giá và đặt Thánh giá trên nóc đỉnh cao của tháp Nhà thờ; Thánh giá ngày xưa còn dùng làm dấu hiệu của những người theo Đạo hay không theo Đạo, sống hay là chết: bước qua Thập giá là bỏ Đạo, là sự sống trước con mắt thế gian, còn không bước qua Thập giá là chết trước con mắt thế gian. Nhưng đó lại là các Thánh Tử Đạo!

Thập giá như là một đường ngang, đường xích đạo phân đôi địa cầu của chúng ta; đường dọc như là trục giữ cho trái đất giữ của chúng ta định vị trong vũ trụ. Đường dọc, đường ngang ấy đã tạo nên Thập giá. Đường dọc đi tới tận Thiên Chúa để Ngài tuôn đổ ơn lành xuống cho trái đất của chúng ta, không bị sai lạc vị trí của mình. Đường ngang ôm chặt lấy trục để cho chúng ta hiểu biết là: trong Thập giá, chúng ta có tình huynh đệ, tình yêu thương và chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Kitô.

Bởi vậy Thập giá hôm nay vẫn phân đôi lịch sử, vẫn phân đôi giữa cái sống và cái chết, vẫn phân đôi giữa trời và đất nhưng cũng chính là Thập giá nối trời và đất, chính là Thập giá đã làm cho chúng ta đọc lại lịch sử Cựu Ước có ý nghĩa trong Tân Ước. Và cuối cùng Thập giá chỉ cho chúng ta ý nghĩa của đau khổ, của sự chết để đạt tới sự sống đời này. Phải chăng chúng ta hãy cùng mến yêu Thập giá, hãy đứng trước Thập giá để suy niệm. Và ước gì những dòng suy niệm đơn sơ của cá nhân tôi cũng là tâm tình của mỗi chúng ta trong ngày suy tôn Thập giá hôm nay:

“Ôi! Thập giá, Chúa làm con xúc động
Tim bồi hồi thêm mở rộng tình yêu
Mấy ai hiểu được ý nghĩa cao siêu
Đời đau khổ lại đượm nhiều hạnh phúc.
Con tìm Chúa, cõi lòng con thao thức,
Đời khổ đau hầu kiệt sức ngã thua.
Con biết đâu từ cõi chết năm xưa
Trên Thánh giá, Chúa vẫn đưa tay đón.
Đời trần ai biết bao lần đau đớn,
Những hiểu lầm, oan uổng, những khinh chê.
Con biết đâu trên Thánh giá ê chề,
Chúa vẫn đó gọi con về với Chúa.
Những giây phút máu tim con tràn ứa
Một mình con hầu chết giữa cô đơn.
Ôi! Can-vê Chúa đang khát tình thương
Con chợt hiểu Chúa chung đường Thánh giá.
Ôi Chúa ơi, Chúa ơi kỳ diệu quá,
Tìm Thiên đàng từ khổ giá đau thương,
Tìm niềm vui từ tê tái sầu vương,
Giờ con hiểu: chết tình thương là sống!
Con không thể giữa trần gian khổ thống
Thấy Thiên đàng đầy xúc động yêu đương,
Nhưng bắt đầu từ khổ giá đau thương
Con lại thấy phúc Thiên đường hiển hiện.
Đây Thánh giá dìm đau thương tan biến,
Đây vinh quang, cờ thẳng tiến Nước trời,
Nơi treo cao Đấng cứu độ loài người
Con quỳ gối đến muôn đời cảm tạ.
Con nguyện hứa dõi bóng cờ Thánh giá
“Trái tim con xin cắm cả hai tay” (ĐHV 445)
Trên vai con trung thành vác mỗi ngày,
Con theo Chúa từng giây ĐỜI THÁNH GIÁ.”

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.09.2008. 08:44