Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cám Ơn Satan!

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay (Năm C). Luc 4, 1-13

Khoa học dù tiến bộ đến đâu, dù đã dày công nghiên cứu thế nào, vẫn khó lòng tránh khỏi những sai sót ngoài ý muốn : cách nay bảy năm, tàu vũ trụ Columbia đã bị nổ tung trên đường về ngày 01.02.2003, làm thiệt mạng bảy nhà du hành vũ trụ, trong nỗi bàng hoàng xúc động của cả thế giới và nước Mỹ. Nhưng nhờ đó, mà những chuyến bay về sau có thêm độ tin cậy cao hơn và thêm nhiều phát minh mới, để bảo đảm an toàn cho cả các nhà du hành vũ trụ và những phi thuyền tốn kém tiền tỷ. “Ai chiến thắng không hề chiến bại?  Ai nên khôn không khốn một lần” (Dậy Mà đi, Nguyễn-Xuân-Tân). Miễn là không dừng lại ở thất bại và hơn nữa, rút kinh nghiệm để tiến lên, vững vàng hơn trong những thử thách mới, mà đời người không ai thoát được.

Bộ phim truyền hình “Huyền Thoại Lý Tiểu Long” gợi lại cuộc đời và sự nghiệp của vị võ sư tài danh trẻ tuổi người gốc Hoa nầy, một mẫu người “anh hùng tạo thời thế”, nhưng yếu tố thúc đẩy ý chí tiến thủ của Lý Tiểu Long lại khá tình cờ : anh trốn việc truy sát của một băng đảng ở Hồng Kông. Trong truyện dân gian Việt – Nam, “chính” luôn thắng  “tà” và những điều xấu mà kẻ ác muốn làm cho người tốt, đều bị hoá giải và kết thúc bằng “kiết tường”, mặc dù những người lành nầy phải trải qua không ít sóng gió, nạn tưởng chừng có thể vùi dập cuộc đời, không cho họ cơ hội đứng dậy nữa. Nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” nghe cũng “huyền thoại” không kém Lý Tiểu Long và còn có bề “siêu nhân” hơn. Điểm chung nơi họ : niềm tin chiến thắng! Không có thử thách, không có những con người can trường, anh hùng. Không có cám dỗ, không có những Kitô hữu kiên trung, sắt đá. Và có thể gọi được là một chân lý : không bị cám dỗ, không phải là người Công giáo. Mẹ Têrêxa calcutta khóc thầm suốt đời, vì cám dỗ vây kín Mẹ, nặng nề nhất là Mẹ luôn nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Những giọt nước mắt nuốt vào được Mẹ biến thành hành động hy sinh, bác ái, đã làm cho mẹ nên thánh. Một nữ tu từ trần khi chỉ còn non một tháng nữa là tròn một trăm tuổi, đã làm cho ai nấy đều kinh ngạc, khi trong nhật ký, Soeur tự thú rằng ở cái tuổi ấy, Soeur vẫn liên lĩ bị cám dỗ về tình dục. Soeur Emmanuelle đã nhận chìm cám dỗ dục vọng trong cuộc sống nghèo đói với những người lượm ve chai ở thủ đô Ai Cập. Và đó là sự thánh thiện của Soeur. Và không lạ gì một đại thánh và đại khất cái (ăn mày) như Phanxicô Atxidi, đã phải cầu nguyện, đánh tội, lăn lóc trong tuyết lạnh để xua đuổi cám dỗ xác thịt, cuối cùng phải nhảy vào bụi gai nhọn, thân xác rách nát tả tơi, mới cất tiếng tạ ơn Chúa vì đã cho chiến thắng ma qủy. Một lời cám ơn Satan cũng chẳng phải là quá đáng!

Trong bài “Exultet” (Mừng Vui Lên) hát lên đêm vọng Phục Sinh, phụng vụ Giáo Hội đã chẳng gọi tội nguyên tổ là “tội hồng phúc” đó thôi! Satan không có công trạng gì, nhưng mỗi lần sa ngã và mỗi lần chỗi dậy được, phải công bằng mà nói, chúng ta càng thấm thía tình yêu thương và lòng từ nhân của Thiên Chúa, càng hiểu hơn sự mong manh yếu đuối của chúng ta, để thêm cậy tin nơi Chúa.

Vì thế, điều thứ nhất đáng cám ơn Satan, là nhờ những cám dỗ của nó, chúng ta thấy được tình yêu bao la Chúa dành cho nhân loại và mỗi người trong chúng ta. Satan làm đủ cách để ta “chiến bại”, để ta “khốn đốn”, nhưng với Tin, Cậy, Mến, chúng ta vượt qua được những cám dỗ do y bày binh bố trận, thì những cái đó lại thành “những cám dỗ hồng phúc”. Từ “thank” trong tiếng Anh khá chính xác cho suy nghĩ nầy : không phải là “grateful” (biết ơn) với Satan, mà là “thank” và “thank to” (nhờ) : chân lý và giả dối không phải là hai mặt của một chiếc mề đay; ánh sáng không phải là mặt phải của bóng tối, nhưng chân lý được tôn vinh, nỗi trội giữa gian dối; ánh sáng càng tăng giá trị khi bóng tối thêm dày đặc. Công đức của người lành càng trọng hậu, khi họ vượt qua được những cám dỗ, thử thách của cuộc sống, để kiên trung làm chứng nhân cho Chúa và ngày càng nếm cảm được tình yêu cao vời của Chúa.

Lý do thứ hai để cám ơn Satan, là nhờ những lần bị cám dỗ và vượt thắng, chúng ta biết Chúa vô cùng quyền năng và chúng ta cũng thừa hưởng ‘gien’ quyền năng ấy! Satan, một loài thụ tạo thấp hèn, xấu xa, tất nhiên không bao giờ là đối thủ của Đấng Tạo Hoá, nhưng nó cũng chẳng xứng là đối thủ của chúng ta, con cái Chúa, nếu chúng ta ý thức và biết ‘vận dụng’ tất cả nguồn lực ân sủng và sức mạnh của chúng ta. Sở dĩ con người sa ngã, là do bốn điều: ỷ vào sức mình; coi thường ma qủy; quên đi sự hiện diện của nó và không chạy đến với Chúa. Nếu hằng ngày hằng giờ chúng ta luôn nhớ ma qủy “sicut leo” (như sư tử) hằng gầm thét lượn quanh tìm mồi cắn xé (I Pet 5,8), nếu chúng ta được nâng đỡ, hỗ trợ, củng cố bằng ơn sủng các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Thống Hối, bằng cầu nguyện và chuỗi hạt Mai Khôi, thì chúng ta có gì để sợ Satan. Chúng ta sẽ hạ “knock out” nó dễ dàng! Satan và những cám dỗ của y, lúc ấy chỉ như những bao cát để chúng ta tập dượt và lập công đức. Thực tế chúng ta đã không làm đúng, làm đủ những điều ấy, do vậy, chúng ta vẫn bị Satan ám ảnh và sợ hãi nó quá mức cần thiết. Tri kỷ, tri nhân, bách chiến bách thắng: biết rõ mình, biết những điểm yếu, những xu hướng ngã theo đam mê, để cậy tin vào Chúa và chạy đến nương bóng Người, thì chiến thắng Satan là điều hiển nhiên. Chỉ tiếc là chúng ta nghe nhắc nhở nhiều, nhưng vẫn không chịu tỉnh thức, vẫn phạm vào những điều cấm kỵ trong cuộc chiến chống “ba thù” : không thua mới là lạ!

Những ngày nầy, như giáo dân Ái Nhĩ Lan đã nói với Đức hồng y giáo chủ Seán Brady: “chúng tôi vô cùng choáng váng và lấy làm xấu hổ nhục nhã. Làm sao có thể xảy ra cớ sự ấy?” trong Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan và trong một thời gian dài như thế? Làm sao những linh mục và tu sĩ có thể phạm những tội ác ghê tởm, lạm dụng tình dục đồi bại với trẻ em và vị thành niên, với sự bao che của các giám mục và bề trên? Làm thế nào mà những điều nhuốc nhơ ấy vẫn chưa chấm dứt, mà còn xảy ra trên khắp thế giới (chắc chắn Giáo Hội Việt Nam không phải ngoại lệ)? Giáo Hội đang chảy máu tim vì những gai nhọn do “ngoại xâm” thì ít, mà do chính con cái thì nhiều. Nó làm suy giảm niềm tin của các Kitô hữu vào Hội Thánh. Nó làm suy giảm sức mạnh và sức chiến đấu của Giáo Hội. Nó làm cho công sức bao vị thánh và người lành, bao mồ hôi máu của các thừa sai, đem đổ sông đổ biển. Những giám mục, linh mục kiêu căng khích bác chống đối Vị Cha Chung, đi theo con đường Satan đã đi và vạch sẵn cho họ. Những linh mục, tu sĩ ngày đêm vẫn mơ tưởng hạnh phúc hôn nhân và gia đình, không chút ý thức những suy tư, thề bồi trong thời gian đào tạo và nhận lãnh thánh chức hoặc khấn trọng.

Trong vụ Toà Khâm Sứ, rồi kế tiếp vụ Thái Hà, sau đó đến vụ Đồng Chiêm (và nhiều vụ việc khác), Satan đã lộ bộ mặt thật và tưởng rằng có thể gây chia rẽ và khiến cho mọi thành phần dân Chúa bị dồn nén, bức xúc đến mức vùng lên, dùng bạo lực đáp lại bạo lực :”Hãy cứ làm tới,ngán gì chứ “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên thần giữ gìn bạn” (Lc 4,10). Satan thất vọng biết bao, khi nhìn thấy những ngọn nến canh thức cầu nguyện bất bạo động, hoà bình và lấy đức báo oán, cầu nguyện cho những kẻ bách hại Giáo Hội. Nhưng điều làm ta ray rứt là, vì sao Giáo Hội Việt Nam bao năm vẫn (như người) ngủ mê, tự bằng lòng với những nhà thờ còn kín chỗ, hài lòng với sự kính cẩn “cha – con” đối với hàng giáo phẩm và giáo sĩ, hoặc bận tâm về những chuyện “rất ngoài Giáo Hội và giáo lý”, trong khi tình trạng giáo dân vẫn chẳng trưởng thành bao nhiêu trong đức tin, trong giáo lý, trong Kinh Thánh? Hai mươi năm Miền Bắc sống dưới chế độ cộng sản vô thần, chỉ nội việc tự vệ và bảo toàn truyền thống, cũng đã hết sức vất vả; trong khi Miền Nam có dư thời giờ để đào tạo con chiên biết “sống chung với lũ”, không phải trong tư thế tránh né, đối kháng, mà là thích ứng và truyền giáo, thì không hề thấy bất cứ nỗ lực nào, trong khi bất cứ người trưởng thành nào cũng biết ngay từ thập niên 1960 rằng cộng sản sẽ thắng? Ba mươi lăm năm nữa trôi qua kể từ 1975, vẫn chẳng có nỗ lực nghiêm túc,bền vững nào. Bằng chứng thấy rõ qua các biến cố và sự kiện xảy ra mấy năm vừa rồi : chỉ một đòn nhỏ, tất cả như đàn gà tan tác, không ai làm chủ và không ai muốn đứng ra làm chủ, chí ít bằng lời nói. Một Giáo Hội “trầm lắng” trước một Tên Qủy Quyệt luôn lùng sục, phá hoại, gây hấn: không tả tơi tan tác mới là lạ!

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ muốn nhắc cho chúng ta rằng : Satan có thật. Satan không chừa một ai. Cái khác giữa thái độ của Thiên Chúa và thái độ của Satan đối với con người, đó là Satan coi con người như đồ vật, muốn con người làm nô lệ cho y, cho những cám dỗ dục tình đồi bại, muốn con người phải trầm luân và hư mất đời đời; trong khi Thiên Chúa muốn đem con người nên con cái, được yêu thương và được sống hạnh phúc trọn đời. Ta sa chước cám dỗ, vì ta không tin hoặc quên sự hiện diện của Satan. Ta sa ngã vì “bỏ hình bắt bóng”, không còn biết ai là người yêu thương mình thật và ai là người dùng bả vinh hoa, xác thịt làm mồi, để nhữ chúng ta lọt vào cái bẫy giương sẵn. CẦU NGUYỆN – ĂN CHAY – CHIA SẺ, nhất là trong Mùa Chay Thánh, là những gì cần thiết để mở to con mắt linh hồn, đóng cương yên thân xác để nó không trở nên bất kham. Một yếu tố không kém quan trọng, ấy là cám dỗ đến với mỗi người, nhưng chống trả và chiến thắng lại có sự đóng góp không nhỏ của gia đình, của cộng đoàn và của toàn Giáo Hội. Một lần nữa, trong ý thức và ý nghĩa ấy, vững vàng niềm tin - cậy -mến vào Ơn Thánh Linh, cám ơn cám dỗ, cám ơn Satan!

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 37:

Trong Phúc Âm, có nơi nào nói đến người tội lỗi chạy đến cầu xin ơn tha thứ mà vô ích không? Có nơi nào mà tội lỗi tràn ngập của một con người, làm cho Chúa chán nản hết còn muốn tỏ lòng nhân từ của Người chăng? Người phụ nữ tội nghiệp đã phạm tội rất nhiều, chạy đến qùy dưới chân Chúa Kitô ngay trong bữa tiệc những người Biệt Phái và đương đầu với sự bị làm nhục ê chề cay đắng của những con người nầy, những kẻ chẳng hơn gì Bà trước đó. Chúa Giêsu không ngại nói ra tình trạng của Bà, nhưng là để đề cao tình yêu lớn lao hơn của Bà. Nơi trần thế nầy, biết bao linh hồn không biết có một Thiên Chúa chỉ chực chờ họ tỏ lòng tin tưởng nơi Người, để ban bình an cho họ! Biết bao linh hồn không biết rằng sẽ tốt lành và được giải thoát dường nào, khi thưa với Thiên Chúa những gì họ đang chịu đưng, vì đã xúc phạm đến Người và rằng nước mắt họ tuôn rơi, chính là dấu hiệu họ được tha thứ. Xướng lên Thánh Vịnh nầy với hết tâm hồn, trong Chúa Kitô, nhân danh những ai chưa biết, đó là chuẩn bị ơn cứu độ cho họ và bảo đảm ơn cứu rỗi cho chính mình.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.02.2010. 22:35