Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cám Ơn Các Thánh Tông Đồ Đã Cứng Lòng Tin!

§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Mỗi khi nghĩ tới niềm hạnh phúc được có đức tin công giáo, tôi cảm tạ Chúa và thầm cám ơn cha mẹ tôi, ông bà tổ tiên tôi, các cha xứ và những giáo lý viên đã khởi sự giáo dục tôi trong đức tin ; tôi cám ơn Giáo Hội Việt Nam, cám ơn các thánh tử đạo và biết bao chứng nhân đức tin khác đã anh dũng hy sinh mạng sống để cho hạt giống Tin Mừng trổ sinh hoa trái dồi dào trên mảnh đất quê hương ; và ngược xa hơn nữa, tôi cám ơn các nhà thừa sai nước ngoài đã đem đạo Chúa đến cho dân tộc tôi. Nhưng cuộc hành trình tìm về nguồn cội đức tin của tôi không dừng lại ở đó. Tôi phải tiếp tục đi lùi lại, lùi lại mãi ngược dòng lịch sử hai mươi thế kỷ cho đến lúc gặp cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, rồi gặp chính các thánh Tông Đồ là những người đã gầy tạo nên cộng đoàn đó. Đức tin của tôi hôm nay và đức tin của các Tông Đồ xưa cũng là một đức tin, hơn nữa đức tin của tôi dựa trên lời rao giảng và sự làm chứng của các ngài.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta học biết vô số những điều mà bản thân ta không tự tìm ra hoặc trực tiếp kinh nghiệm, nhưng nhờ dựa trên lời của kẻ khác. Dĩ nhiên, nếu gặp những điều quan trọng, nhất là những điều có liên quan tới mình hay bà con mình, thì chúng ta tỏ ra thận trọng, tự hỏi những người thuật lại kia có đáng tin cậy hay không ? họ có thành thạo trong vấn đề họ nói đó hay không ? họ trực tiếp chứng kiến hay chỉ nghe lại ? họ có lợi lộc gì trong chuyện này không ? Nghĩa là không phải nghe gì ta cũng đều tin và tin như nhau cả.

Với tôi, vấn đề đức tin (tôn giáo) là vấn đề hệ trọng số một vì liên quan tới ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời tôi. Mà đức tin của tôi là đức tin “tông truyền”, nghĩa là do các thánh Tông Đồ truyền lại, vậy các ngài có đáng tin không? Câu hỏi rất quan trọng vì đức tin không phải là một cảm nghĩ hay một cảm xúc mà dựa trên sự kiện lịch sử nền tảng là Đức Giêsu đã sống, chịu chết và phục sinh.

Phụng vụ lễ Phục Sinh và tuần bát nhật Phục Sinh tràn ngập trong ánh sáng, hoa hương và tiếng đàn tiếng ca chiến thắng làm nức lòng người tín hữu. Nhưng đáng ngạc nhiên là các bài đọc Lời Chúa trong thời gian này lại mang hai âm điệu trái nghịch nhau : trong lúc các bài đọc I trích trong sách Công vụ Tông Đồ tường thuật lại hoạt động của các Tông Đồ hân hoan và mạnh dạn làm chứng cho Đức Kitô phục sinh, thì các bài Tin Mừng lại cho ta thấy các ngài trong tâm trạng buồn sầu, sợ sệt và vẫn nghi ngờ về sự phục sinh của Thầy mình.

Ta thử lấy phụng vụ ngày thứ Bảy trong tuần Bát Nhật làm ví dụ.

* Bài đọc sách CVTĐ : “Bấy giờ các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu ; đồng thời họ lại thấy kẻ đã được [hai ông] chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào…Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: ‘Nghe lời các ông hay nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem ! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra’ (4,13-14.18-19).

* Qua bài Tin Mừng Mác-cô: “… Sau cùng, Đức Giêsu tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển tráchcác ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông : ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ (16,14-15).

Rõ ràng phụng vụ trình bày trong cùng một lúc hai tâm trạng tương phản của các môn đệ vào hai giai đoạn khác nhau, -trước và sau khi Chúa Giêsu thăng thiên. Thời gian từ khi Chúa phục sinh đến lúc Người lên trời là thời gian các Tông Đồ chuyển một cách khó khăn từ thái độ không tin đến tin, từ sợ hãi đến khẳng khái bất khuất, từ thất vọng đến hy vọng tràn trề. Thời gian này, chính Đức Kitô phục sinh củng cố niềm tin của các ngài bằng những lần hiện ra và chuẩn các ngài cho sứ mạng nặng nề sắp tới, như tác giả sách Công vụ Tông Đồ cho biết trong Lời Tựa của cuốn sách : “Trước ngày ấy [ngày lên trời], Đức Giêsu đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv, 12-3). Đây là một đoạn tổng hợp có ý nghĩa.

Đối với tôi, không bằng chứng nào về sự Phục Sinh của Chúa Kitô có sức thuyết phục hơn sự thay đổi lạ lùng, triệt để nơi các thánh Tông Đồ trước và sau khi Chúa Giêsu lên trời. Niềm tin Phục Sinh đã biến đổi các ngài thành những con người hoàn toàn mới. Một khi đã tin vì đã nhiều lần được mắt thấy tai nghe chính “ Đức Giêsu, Đấng đã bị giết nhưng nay vẫn sống”, các ngài không còn biết gì hơn là làm chứng cho Người. Dù bị ngăm đe, bị cấm đoán, dù bị điệu ra trước toà, bị tra tấn hay bị giam cầm, các ngài vẫn khẳng khái làm nhiệm vụ của mình là “Chứng Nhân ưu tuyển” của Chúa Phục Sinh. Có ai dám làm chứng cho một điều gì đến độ sẵn lòng chết vì nó? Nhưng với các Tông đồ, sự Phục Sinh của Chúa Kitô đã trở thành máu thịt của mình, thành lẽ sống của mình và hơn nữa các ngài còn coi đó là điều liên quan đến hạnh phúc của mọi người ; xác tín đó khiến các ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi gian truân thử thách và cả cái chết để cho người khác cũng biết và đón nhận. Về sau, hầu hết 12 Tông Đồ (chưa kể Tông đồ Phaolô) đều đổ máu ra vì Chúa.

Lời rao giảng và sự làm chứng của các thánh Tông Đồ là hoàn toàn đáng tin đối với tôi. Tôi biết ơn các ngài vì các ngài đã tin. Tôi cũng biết ơn các ngài không kém vì các ngài đã từng cứng lòng tin. Sự cứng lòng tin này làm cho lòng tin về sau của các ngài trở thành đáng tin hơn đối với tôi.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2010. 08:23