Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bàn tiệc Nước Trời đang mở cửa

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

CHÚA NHẬT XXVIII TN A

Dẫn nhập đầu lễ:

Nếu đức tin là một cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu và mỗi người Kitô hữu là một khách hành hương, thì Chúa Nhật hôm nay, Lời Chúa đang dẫn dắt chúng ta hướng về “điểm đến” của cuộc hành trình đức tin đó, về bến đỗ cuối cùng của cuộc hành hương đó, hướng về viễn tượng “trời mới đất mới” của ngày cứu độ, một viễn tượng “cánh chung- tận thế” đầy hoan vui hy vọng mà dụ ngôn “Tiệc cưới của hoàng tử” được công bố trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay như một lời ấn chứng, như một khắc họa sinh động và rõ nét.

Để có thể tham dự “Bàn tiệc Thánh Thể” hôm nay với đầy đủ “y trang hôn lễ” hầu nắm chắc chiếc ”thiệp mời” tiến vào “Bàn Tiệc Nước Trời”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Giảng Lời Chúa:

Có nhiều người đã tự hởi: Nhờ sức mạnh ma quái nào để Kitô giáo có thể chinh phục hàng tỷ con tim nhân loại ? Có phải là một Giêsu với hình hài “Ecce Homo thân tàn ma dại” bị chính quyền Rôma kết án ?; có phải là “đồi trọc Canvê với thập giá và sọ người”, có phải là một “nấm mồ trống hoang lạnh với tiêu tan và bụi đất…”; hay là “Bài thuyết giảng trên núi” mà nội dung quanh quẩn chỉ là những “mối phúc lạ đời chẳng giống ai”: khó nghèo, khóc lóc, bị bách hại, hiền lành, khát khao công chính… Nếu quả thật nội dung của tín điều Kitô giáo chỉ tập chú vào những “phạm trù tiêu cực, buồn héo hắt và ảm đạm thê lương như thế, thì quả thật, niềm tin ấy, giáo lý ấy, Kinh thánh và Hội thánh ấy, các nhà triết gia, thần học gia và giảng thuyết, và cả Đấng sáng lập, ông Giêsu-Kitô người Na-da-rét…đã bị lịch sử chôn vùi từ lâu, đã bị văn minh và văn hóa nhân loại đào thải vĩnh viễn khỏi sân chơi thế giới !

Không có một sức mạnh ma quái nào cả mà là một Tin Mừng cũng là một niềm hy vọng. Tin mừng đó chính là: đằng sau một Giêsu với hình hài “Ecce Homo thân tàn ma dại” là một Đấng Phục Sinh vinh quang chiến thắng; đằng sau “đồi trọc Canvê với thập giá và sọ người” là sự sống vĩnh hằng và ơn cứu độ trào dâng; đằng sau “Bài thuyết giảng trên núi” với những “mối phúc lạ đời chẳng giống ai”: khó nghèo, khóc lóc, bị bách hại, hiền lành, khát khao công chính… là những con đường dẫn về cõi phúc đích thực; đằng sau những khóc lóc sầu thương của phận người ê chề, thảm nảo là “Bửa tiệc Nước Trời chất ngất hoan vui của hạnh phúc vĩnh hằng”…

Chân lý đó ở đây-giờ nầy phải chăng được biểu tỏ nơi lời công bố của sứ ngôn I-sa-ia trong Bài đọc 1: “Ngày ấy, trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế…Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần…sẽ lau khô dòng lệ…xóa sạch nổi ô nhục…” (BĐ 1)., hay được ngụ ý cách thâm thúy và cụ thể hơn, trong chính dụ ngôn Tin Mừng “Tiệc cưới của hoàng tử” mà chúng ta vừa nghe công bố.

Chúng thử cùng nhau dừng lai để hiểu thêm nội dung chân lý cao sâu nầy.

1. Thân phận con người: Buồn hay Vui ?

Trước khi con người nhận chân được một niềm “hy vọng rạng ngời ở cuối đường lịch sử”, thì trên thân phận của kiếp nhân sinh đã rợp bóng một “nổi buồn muôn thuở”.

Quả thật, Sau tội nguyên tổ, mọi sự đã chỉ còn là bất hạnh: Cain giết em, tháp Babel dở dang sụp đổ vì ngôn ngữ bất đồng, lụt Đại hồng thủy san bằng, xóa sạch, Sôđôma đồi trụy bị bảo lửa thiêu rụi tan tành….; và lịch sử của Dân được chọn đã được viêt tiếp hết trang nầy qua trang nọ: thay vì nhạc hát hoan ca của độc lập, hùng cường là dòng lệ tuôn tràn với tiếng khóc nỉ non, tiếng oán than tê tái của nổi buồn tha hương nô lệ phải “treo đàn trên cây dương liễu”, thay vì áo cưới rỡ ràng cua hòa bình, hạnh phúc là những chiếc “khăn liệm bạt màu tang chế” của chết chóc phân ly…

Quả thật, giữa chợ đời nhân loại nếu có chăng những bữa tiệc, là kiểu “bữa tiệc “Vượt Qua” trong lo âu vội vã lên đường để trốn chạy kiếp đọa đầy nô lệ buổi “Xuất hành”, hay “bữa tiệc của Hêrôđê thấm đẩm oán thù ác độc với cái đầu của Gioan trên đĩa”; hay thời sự hơn nữa: bữa tiệc của Mao-Trạch Đông đãi Tổng thống Mỹ Nixon mà mùi vị nặc nồng những mưu toan chính trị và mặc cả quyền lợi…

Nhưng Thiên Chúa lại kiên định trong đường lối và kế hoạch yêu thương. Ở giữa lòng thế giới băng hoại và tăm tối, ở trong một thế giới bát nháo điêu linh và đầy tràn tội lỗi, Ngài vẫn gieo những hạt mầm của niềm tin và hy vọng. Niềm tin về một “Đất Hứa với sửa và mật tuôn tràn”, niềm tin về một “Giêrusalem tưng bừng hoan hỷ”, niềm tin về một “địa đàng với suối mát đồng xanh để hàng hàng lớp lớp đàn chiên tha hồ ăn no và nằm nghỉ”, niềm hy vọng về một thế giới thái bình thịnh trị đến độ “cung kiếm chiến tranh đã biến thành liềm hái hòa bình, sói cọp hung hăng nên hiền lành chơi chung với chiên dê thỏ sóc”, và cuộc sống trần gian, đâu đâu cũng trở thành “Bữa tiệc”, một hình ảnh, một ẩn dụ rất thường được Kinh Thánh Cựu cũng như Tân ước sử dụng để diễn tả “niềm hy vọng cánh chung” nầy: “Ngày ấy, trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa …” (BĐ 1).

2. Bàn tiệc của Nước Trời đang mở cửa

Và “Bàn Tiệc nước Trời” của muôn đời khao khát ước mong đã trở thành hiện thực, đã chính thức “khai trương”, đã bắt đầu mở cửa.

Không phải là “cuộc khai trương với biến cố Xuất Hành có một không hai thời Môsê đưa dân về Đất Hứa”; cũng không là “cuộc khai trương với biến cố hồi hương vĩ đại sau kiếp nạn lưu đầy thời vua Cyrus” để sau đó Đền thờ lại sụp đổ, Đất Nước lại qua phân và dân Chúa lại phải điêu linh sống kiếp nô lệ”.

Nước Trồi đã mở cửa cách long trọng nhưng giản đơn vào một buổi sáng trên bờ sông Giođan khi “Con Thiên Chúa” chen chúc giữa đám dân đen để trầm mình chịu phép rửa trong khi “trời mở ra, có tiếng Chúa Cha phán dạy: “Đây là Con Ta yêu dấu…”;

Nước Trồi đã mở cửa trên một đồi núi xứ Palestina khi “Tin Mừng Tám mối Phúc Thật” được long trọng công bố như “bản hiến chương Nước Trời” mà hạnh phúc đích thật sẽ dành cho những kẻ “khó nghèo”;

Nước Trồi đã mở cửa nơi tiệc cưới xứ Cana khi mấy trăm lít nước lã đã hóa thành rượu ngon để nổi nhục bẽ bàng vì “hết rượu” được cất đi nhường chỗ cho niềm vui hôn lễ đươc ắp đầy miên viễn;

Nước Trồi đã mở cửa vào một ngày nhạt nắng giữa hoang mạc Giuđê khi hơn nửa vạn người hoan vui chia nhau những tấm bánh thơm và con cá béo vừa được Thầy nhân lên cách lạ lùng và chia đều trong thân thương huynh đệ;

Và phải chăng, “Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là “bữa tiệc của người thu thuế Matthêô” đã long trọng mời Thầy và bè bạn trong phường thu thuế đánh chén một bữa no say để chính thức “giả từ cuộc sống bon chen vì tiền” mà dấn thân ra đi làm tông đồ cho yêu thương và hy vọng;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc của ông trưởng ty thuế vụ Gia-kê, đã ân cần trọng thị tiếp đãi Thầy để nhân đó tuyên bố “sẽ phân chia nửa tài sản cho kẻ nghèo và đền gấp bốn cho những người bị bóc lột”;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc mà cô Maiđệliên đã đem hết những giọt nước mắt chân tình sám hối tưới đẫm lên chân Thầy để quay đầu làm lại cuộc sống mới;

“Bàn tiệc Nước Trời” đó cũng chính là bữa tiệc mà cô Maria Bêtania sắn sàng “đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Thầy” khiến cho những đầu óc bủn xỉn tham lam như Giuđa Ít-ca-ri-ốt phải một phen tiếc nuối.

Và “bàn tiệc Nước Trời” đã liên tục có những ngày “mở cửa khai trương như thế”, nhất là kể từ khi có “Bàn Tiệc Vượt Qua Ngày Thứ Năm” của Thầy ngồi với nhóm môn sinh để quyết định “thực hiện “Giao Ước mới” bằng máu đào hy tế; và sau đó, là những “bữa tiệc phục sinh” khi thì ở giữa căn phòng ấm cúng, khi thì nơi quán trọ, có lúc mới sáng tinh mơ trên bờ hồ Tibêriát…mà trọng tâm của hoan lạc ắp đầy chính là sự hiện diện của một “Đấng Phục Sinh” đã đánh bại tử thần, với tràn ngập sức mạnh Thánh Thần sẵn sàng ban tặng, mở cánh cửa của Mùa xuân hy vọng vĩnh hằng để dẫn nhân loại bước vào “Bàn Tiệc cánh chung muôn đời hạnh phúc”.

Khi hiểu được huyền nhiệm về “bàn tiệc Nước Trời” như thế, thì chúng ta chợt nhận ra rằng: hình như đã bao lần chúng ta đã từng là một trong những kẻ “quay lưng khước từ “lời mời tham dự tiệc cưới của hoàng tử”. Khước từ có khi vì không nhận chân được giá trị tối ưu của bàn tiệc Nước Trời, có khi vì quá nặng nề với những “bữa tiệc đời” theo một quán tính biếng lười và đam mê xác thịt; cũng có khi vì một thứ nảo trạng ”biệt phái kiêu căng”, đặt những nhu cầu nhân loại của riêng mình (nghề nghiệp, học hành, tình yêu, địa vị, an toàn bản thân…) lên trên những đòi hỏi dấn thân của Tin Mừng. Chính Đức Kitô đã thấy trước hiện trạng nầy biểu tỏ ngay nơi thái độ của những người Do Thái mang danh “Biệt Phái, Ký Lục”. Cho nên một đàng Ngài đã mạnh mẽ lên án “đám dân giả hình kiêu ngạo” và một đàng quyết định mở một một “Bàn Tiệc mới” để gọi mời hết thảy muôn dân, nhất là những kẻ vốn bị “khước từ hay chưa bao giờ có được “tấm thiệp mời” tham dự những bữa tiệc đời sang trọng phủ phê” ở những nơi cao sang quyền quý.

Và như thế, Giáo Hội hôm nay đang là dấu chỉ và cơ hội “tham dự bàn Tiệc Nước Trời” cho mọi người trong đó có chúng ta; Giáo Hội đang “hiện thực hóa cuộc khai trương Nước Trời của Đấng Phu Quân Kitô” để dẫn dắt nhân loại tiến về một ngày mai chung cuộc của “Tiệc Cưới Con Chiên” huy hoàng rạng rỡ.

Thế nhưng, cho dù “trên tay đã có tấm thiệp mời” thì xin bạn đừng chủ quan coi thường trang phục lễ cưới. Dĩ nhiên thời trang hôn lễ trong cách nhìn của “Nhà tạo mẫu Đức Kitô” lại là những giá trị tinh thần mà chủ yếu đó chính là thực thi hai điều răn căn bản “Mến Chúa-Yêu người”, là can đảm dấn thân trên nẽo đường Bát Phúc: khó nghèo, trong sạch hiên lành, giọt nước mắt của sám hối ăn năn, trái tim yêu thương luôn rộng mở…, là đơn sơ trong sáng khi “hóa nên như trẻ nhỏ”, là từ bỏ hy sinh sẵn sàng bán tất cả để tìm được viên ngọc quý….

Chính với những “trang sức tuyệt vời nầy”, chúng ta chắc chắn sẽ được đồng bàn và “cụng ly” với chính Hoàng Tử” nơi Bàn Tiệc Tạ Ơn hôm nay, khi được chính Ngài thân thương mời đón: “hãy cầm lấy mà ăn…hãy nâng lên mà uống”, để rồi sẽ được chính Ngài dẫn chúng ta vào dự tiệc trường sinh trong Vương Quốc của Cha như Ngài từng đoan quyết: “Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết…”. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.10.2008. 21:38