Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài chú giải Thánh Thư CN XXVIII TN A: Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài chú giải Thánh Thư CN XXVIII TN A (Pl 4, 12-14. 19-20)

Trong tình trạng kinh tế xuống dốc như hiện nay, chắc chắn nhiều người trong chúng ta đang bồn chồn lo lắng không biết phải lo liệu sao cho tương lai. Tiền bạc, của cải, vật chất không có gì là vững chắc cả. Chỉ cần một toan tính sai lầm của con người là cả một nền kinh tế vĩ đại bị xụp đổ qua đêm. Nếu chúng ta đặt niềm tin vào vật chất thì chúng ta sẽ mất hết hy vọng trong hoàn cảnh này.

Hôm nay Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể giúp cho chúng ta có sức mạnh để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Ngài thì không có gì có thể lung lạc được chúng ta. Và Thánh Nhân đưa chính hoàn cảnh của ngài ra để làm gương cho chúng ta.

Câu 12 - Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn.

Trong đời Tông Đồ, Thánh Phaolô đã nhiều lần “lên voi xuống chó” như ngài đã trình bày trong các Thư của ngài. Tuy nhiên đối với ngài, lúc lên voi cũng không làm cho ngài tự mãn, mà khi xuống cho cũng không làm ngài nản lòng. Lúc nào ngài cũng bằng lòng với hoàn cảnh của mình.

Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta xin cho lương thực hằng ngày, và trong sách Châm Ngôn Thiên Chúa cũng dạy chúng ta cầu nguyện với Ngài như sau:

“Xin đừng để con túng nghèo,

cũng đừng cho con giàu có;

chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,

"kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói:

"ĐỨC CHÚA là ai vậy?"

hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,

làm ô danh Thiên Chúa của con.

Châm Ngôn (30:8-9).

Trong câu này, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải biết bằng lòng với hoàn cảnh của mình như ngài đã bằng lòng với hoàn cảnh của ngài. Đừng quá lo lắng về của cải. Trong Tin Mừng Chúa cũng cảnh cáo chúng ta về các nguy hiểm của vật chất. Giàu sang, sung túc dễ làm cho người ta xa lìa Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng hành động như những người khách được mời đi dự tiệc cưới trong bài Tin Mừng. Thay vì đến hưởng sự sung túc do Thiên Chúa dọn sẵn cho mình thì chúng ta từ chối lời mời của Chúa vì còn bận những chuyện riêng tư, nhất là bận kiếm tiền.

Riêng đối với các linh mục, Công Đồng Vaticanô II nói rằng các linh mục “không được coi chức vụ của Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình. Bởi vậy các Linh Mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại. Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn và tận tụy hơn với chức vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có. Cũng thế, chính các Tông Ðồ đã làm gương chứng minh rằng: đã lãnh nhận ơn cách nhưng không thì cũng phải ban phát cách nhưng không, và các ngài đã biết sống khi được sung túc cũng như khi phải túng thiếu (Pl 4:12). Việc xử dụng tài sản như thế theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được tán thưởng trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống này các Linh Mục có thể thực hiện một cách đáng khen ngợi tinh thần nghèo khó đã được Chúa Kitô khuyến khích.” (Presbyterorum Ordinis, 17).

Cho nên bằng lòng với hoàn cảnh của mình chính là điều kiện để được hạnh phúc thật, bởi vì hạnh phúc không thể đo được bằng tiền của mà bởi niềm vui trong lòng mỗi người. Tiền của chỉ tạo nên ảo ảnh hạnh phúc mà thôi. Người không có tiền mà lúc nào cũng lo lắng tìm cách kiếm tiền là người bất hạnh nhất trên đời vì họ đang tìm chiếc bánh vẽ.

Câu 13 - Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.

Nếu Thánh Phaolô cảm nghiệm được sự thiếu thốn và dư dật, ngài cũng trải qua nhiều thành công và thất bại, nhiều khó khăn và đau khổ. Trong mọi trường hợp, Thánh Nhân không cậy trông vào những gì ngài sở hữu, nhưng cậy trông vào khả năng hoạt động của ngài. Khả năng ấy không do chính sức ngài mà do Đấng ban sức mạnh cho ngài, là Đức Kitô, Đấng đã phán rằng: “Không có Thầy các con không làm được việc gì” (Ga 15:5). Sức mạnh của Đức Kitô chính là Chúa Thánh Thần và ân sủng của Thiên Chúa, mà chúng ta nhận được qua cầu nguyện và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể.

Câu 14 - Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi.

Như ở nhiều câu khác, trong câu này Thánh Phaolô bày tỏ lòng biết ơn đối với dân Philippphê vì họ đã giúp đỡ và lo lắng cho ngài. Mặc dầu ngài thường tự lực cánh sinh bằng nghề làm lều, nhưng các tín hữu Philippê đã nhiều lần gửi tiền bạc và nhân lực đến giúp ngài. Ngài đã luôn sẵn sàng đón nhận và tỏ lòng biết ơn.

Giúp đỡ các mục tử cả về vật chất lẫn tinh thần là nhiệm vụ của giáo dân. Lãnh nhận sự giúp đỡ này với lòng khiêm nhường và biết ơn là nhiệm vụ của mục tử. Mục tử nào hống hách và đòi hỏi thì không phải mục tử chân chính.

Ngày nay Chúa cũng gửi người đến giúp các tông đồ của Ngài bằng nhiều cách. Ngài đang sai nhiều chuyên viên về nhiều vấn đề quản trị, tài chánh và ngay cả Giáo Lý đến để giúp đỡ các mục tử, nhưng phần lớn chỉ những người biết “vâng, dạ” là được các đấng dùng, còn những người thẳng thắn thường bị tẩy chay hay bị hoàn toàn gạt ra ngoài.

Ngoài ra, cũng có nhiều giáo dân tuy không có kinh nghiệm hay kiến thức, nhưng vì nhu cầu được đưa ra đảm trách một vài chức vụ quan trọng, cũng thường không bao giờ hỏi ý kiến những người kinh nghiệm hơn mình, mà chỉ biết hùng hục làm việc một mình. Không những thế, họ còn cảm thấy nhục nhã khi người khác có lòng muốn giúp họ.

Biết khả năng và giới hạn của mình, biết tìm sự giúp đỡ của những người có kiến thức hay kinh nghiệm hơn mình là đức khiêm nhường thật sự. Và nhờ đức khiêm nhường này, chúng ta không những chẳng mất mát gì mà còn nhận lại được không biết bao nhiêu mà kể.

Câu 19 - Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô.

Tất cả chúng ta chỉ là quản lý của Thiên Chúa. Mọi của cải, tài năng, sức khoẻ và cả thì giờ của chúng ta đều do Chúa ban. Chính Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta. Càng ngoan ngoãn để Chúa làm việc trong mình thì chúng ta càng được Ngài ban cho dư dật. Hãy để Thiên Chúa dùng chúng ta theo Thánh Ý của Ngài. Chỉ có một điều chúng ta cần chiếm hữu là Chính Đức Kitô. Đức Kitô mới là sự giàu sang thật sự. Người là kho tàng vô giá. Người chính là Nước Thiên Chúa. Nói đúng hơn là thay vì chiếm hữu Đức Kitô, thì chúng ta hãy để cho Người chiếm hữu chúng ta. Để cho Người dùng chúng ta mà thông ban phúc lành cho mọi người chung quanh chúng ta.

Câu 20 - Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Tại sao Thiên Chúa cần vinh danh và vinh danh là gì?

Thực sự Thiên Chúa không cần vinh danh mà cũng chẳng chúng ta chúc tụng. Trước mặt Thiên Chúa chúng ta chẳng khác gì những con vi khuẩn li ti. Nếu các vi khuẩn ấy chúc tụng chúng ta thì chúng ta cũng chẳng thấy mình được thêm vinh dự chút nào. Tuy nhiên vinh danh Thiên Chúa là để cho Ngài chia sẻ hạnh phúc và sự sung mãn của Ngài với chúng ta. Thiên Chúa càng được vinh danh nghĩa là càng nhiều người được hạnh phúc thật. Như thế vinh danh Thiên Chúa vì ích lợi cho loài người chứ không phải vì ích lợi cho Thiên Chúa.

Ngoài ra chúc tụng Thiên Chúa là một cách chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với Ngài, là nhiệm vụ của chúng ta. Nhiều khi chúng ta làm việc bác ái hay phục vụ vì mục đích khác chứ không phải vì vinh danh Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thánh Phaolô nhắc nhở: “Vì có ai thấy gì khác nơi anh em không? Có gì anh em có mà anh em đã không nhận lãnh? Nhưng nếu anh em đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự hào như là đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4:7).

Kết Luận

Muốn hạnh phúc chúng ta phải biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và phó thác cho Ngài. Nếu chúng ta biết tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta khả nănh để thắng vượt mọi khó khăn. Muốn hạnh phúc thật, chúng ta đừng tham lam nhưng bằng lòng với hoàn cảnh của mình, và ý thức rằng mọi sự tốt lành đều do Chúa ban. Hãy luôn nhớ đến những hồng ân của Thiên Chúa mà không ngừng cảm tạ Ngài trong Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết làm việc bằng hết khả năng Chúa ban, và biết hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa. Amen.

Câu hỏi để thảo luận

1. Tôi cảm thấy thế nào khi nghe nói về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay? Nó có ảnh hưởng gì đến đời sống tôi không?

2. Nếu ngày mai tôi bị mất việc làm, phản ứng của tôi sẽ ra sao?

3. Có khi nào tôi thấy mình bất lực trong việc phục vụ, việc dạy dỗ con cái hay học sinh của tôi không? Trong trường hợp đó tôi đã làm gì? Tôi phải làm gì?

4. Tôi có khi nào nhìn nhận giới hạn của mình và khiêm nhường tìm sự giúp đỡ của những người có khả năng hay kinh nghiệm hơn tôi không? Kể ra một trường hợp cụ thể.

5. Tôi nhớ ơn người khác nhiều hay nhớ đến những điều bất lợi người khác làm cho tôi?

6. Điều gì thật sự là động lực thúc đẩy tôi làm việc chung? Tại sao? Sau khi đọc bài Thánh Thư này, tôi còn thấy động lực ấy chính đáng hay không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.10.2008. 18:21