Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ân sủng Thiên Chúa sẽ hoán cải chúng ta

§ Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN C
Isaia 62: 1-5; Thánh vịnh 96; 1 Corintô 12: 4-11; Gioan 2: 1-11

Bên cạnh niềm vui sướng, đâu là thái độ của quý vị đối với câu chuyện Cana – câu chuyện Chúa Giêsu hóa nước ra rượu quá dồi dào cho gia đình nông thôn đang bối rối? Sau niềm vui, chẳng lẽ quý vị không thấy băn khoăn rằng “đâu là điều quan trọng?”

Trong Tin mừng của thánh Gioan, đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu – không chính xác là một hành động lạ kỳ trên sân khấu thế giới. Hầu như không phải là một phép lạ đầu tiên nổi đình đám. Thay vì vậy, Đức Giêsu biến nước thành rượu trong một tiệc cưới ở thôn quê, khi họ hết một yếu tố quan trọng để tiếp tục buổi tiệc. Tôi thắc mắc không biết những tiệc cưới đó có cụng ly chúc mừng như chúng ta thường làm không? Nếu có, họ đã nâng ly chưa? Nếu không, làm thế nào họ có thể nâng ly nước lã mà chúc mừng được? Họ đã không thể nâng ly chúc mừng sự việc tốt đẹp đang diễn ra giữa họ và cũng chẳng thể nâng ly với Thiên Chúa. Nên chúng ta có thể nói “Thật là chán!”

Nhưng điều gì là quan trọng? Đây không phải là một đám cưới rất quan trọng. Thậm chí chúng ta còn chẳng biết tên của đôi tân hôn, không biết tên của thân sinh của họ, hay họ hàng, bạn bè của họ. Lịch sử chẳng bị ảnh hưởng gì vì một gia đình nông thôn vô danh bị hết rượu trong tiệc cưới. Những sự kiện lớn hơn mới làm nên những trang sử. Dĩ nhiên, trừ khi điều gì đó đã xảy ra trong câu chuyện này; trừ khi Thiên Chúa đã làm điều gì đó có ý nghĩa cho con người mà thế giới có thể coi đó là điều không quan trọng.

Một anh bạn của tôi mới đi nghỉ ở Anh quốc về, và kể cho tôi ấn tượng đầu tiên khi anh ấy đáp máy bay ở Luân Đôn. “Anh biết không, họ lái xe sai hướng đường!” Tôi đáp “có thể hướng bên trái không đúng với chúng ta nhưng đúng với họ.” Anh ấy tiếp “họ sơn những dấu chỉ đường tại ngã tư, ‘Nhìn bên phải.’ Nếu anh đã quen với hệ thống giao thông của chúng ta và nhìn về bên trái, thấy không có xe hơi nào chạy đến và thả chân thắng, anh có thể bị nguyên chiếc xe tải phía bên phải cán chết. Dấu hiệu có thể mang nghĩa là sự khác biệt giữa sống và bị giết chết.” Anh bạn tôi đã đưa ra một sự chuyển tiếp thật dễ thương quay trở lại với câu chuyện Cana. Dấu chỉ có thể trao ban sự sống, bảo vệ sự sống và thăng tiến cuộc sống.

Quý vị có để ý thấy thánh Gioan không hề gọi việc Đức Giêsu hoá nước thành rượu là một “phép lạ” không? Thay vào đó, ngài đặt tên cho hành vi này là “dấu đầu tiên [của Đức Giêsu] tại Cana miền Galilê.” “Dấu” đầu tiên này mang tính mặc khải. Nó chỉ cho chúng ta biết Đức Giêsu và Thiên Chúa, Đấng đã sai Người đến. Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết về ý muốn và tấm lòng của thiên Chúa; ý định của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những gì Người mạc khải cho chúng ta lý do để ăn mừng. Rượu, chứ không phải nước lã, được cung cấp như thức uống của bữa tiệc cho cộng đồng bị xem là vô nghĩa đối với thế giới – nhưng quý giá đối với Thiên Chúa của Đức Giêsu.

Chúng ta đã quen những câu chuyện Tin mừng hết tuần này sang tuần khác, và chúng ta đã biết một thực tế Tin mừng căn bản: Những điều vô nghĩa lại có ý nghĩa trong cái nhìn của Thiên Chúa. Họ có lý do để ăn mừng, để nâng ly rượu Cana và uống mừng Thiên Chúa của họ: Thiên Chúa của những gì không quan trọng, bị coi thường, bị chèn ép và lao công vất vả. Phép lạ này diễn ra tại Galilê giữa những người mà tôn giáo thức thời của Giêrusalem xem là bán dân ngoại. Galilê ở xa Giêrusalem, nhiều con đường thông thương đi ngang qua khu vực này và vì thế có nhiều cuộc hôn nhân khác tôn giáo với Dân ngoại. Tôn giáo của thành phố lớn cũng buộc tội người Galilê về việc làm suy giảm Dothái giáo. Hãy nhớ lại câu nói mà Na-tha-na-en nói với Philip khi ngài nói “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng mà sách luật Môisê đã nói tới…” Na-tha-na-en hỏi Philip: “Từ Na-za-ret làm sao có cái gì hay được.” Na-za-ret thuộc miền Galilê và Na-tha-na-en nói lên cái thành kiến mà mọi người có về người Galilê.

Chúng ta cũng không quên sự hiện diện của Đức Maria tại tiệc cưới. Đức Maria như một người dẫn giải bữa tiệc. Mẹ nói với Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi.” Tin mừng thánh Gioan ám chỉ xa hơn những gì trình bày cho độc giả bình thường. Độc giả quen thuộc của thánh Gioan sẽ nhận thấy nơi lời của Đức Maria nói đến nhu cầu của con người, không chỉ là nhu cầu của gia đình có đám cưới đó cần rượu, nhưng là nhu cầu cần được thỏa mãn và lý do để ăn mừng.

Chúng ta có thể tự hỏi mình: đâu là thứ rượu còn thiếu trong đời tôi? Thiếu mục đích – thiếu niềm vui – thiếu cộng đoàn – thiếu sự tha thứ - thiếu bạn hữu, … Được thúc đẩy bởi lòng tín thác của Đức Maria, chúng ta đặt những nhu cầu của mình trước Chúa, “Lạy Chúa, con thiếu…” Hãy lấp đầy những thiếu thốn. Rồi chúng ta lắng nghe trong cầu nguyện lời đáp trả của Chúa. Cái gì những cơ hội mới này tự bày tỏ cho tôi? Món quà nào tôi chưa mở ra hay chưa sử dụng mà nay tôi quan tâm đến chúng? Đâu là những nhu cầu mà tôi biết rằng tôi cần có một lời đáp trả? Chúng ta lắng nghe và làm theo hướng dẫn của Đức Maria, “Người bảo gì các anh cứ làm theo.” Chúng ta có thể đáp trả những gì chúng ta nghe được vì Thiên Chúa đã gọi tên chúng ta là “Môn đệ của Giêsu,”một cộng đoàn được làm cho mạnh mẽ bởi Thánh Thần để sống lời mời gọi của chúng ta như “hiền thê” của Thiên Chúa chúng ta.

Tên của người và nơi chốn trong sách thánh thường quan trọng. Ví dụ, Êzêkien nghĩa là “Xin Chúa làm cho trẻ này nên mạnh mẽ.” Trong Thánh kinh một số người được thay tên đổi họ. Sau khi đức Giêsu gọi Simon, tên ông được đổi thành Phêrô (nghĩa là Đá). Khi Chúa đổi tên ai đó, thường là họ được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ đặc biệt.

Isaia nói rằng Thiên Chúa sẽ đổi tên dân người. Họ được cứu thoát khỏi cảnh lưu đày Babylon, nhưng vẫn trong tình trạng tồi tệ. Họ bị gọi là “Đồ bị ruồng bỏ” và đất của họ bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn”. Thiên Chúa sẽ cho họ một cái tên mới, “Ái khanh lòng ta hỡi” xứ sở họ nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Dân không thể giúp đỡ nhưng lắng nghe niềm hy vọng và lời hứa cho tương lai của họ, vì khi Chúa đổi một cái tên thì Ngài cũng làm cho họ tương ứng với cái tên mới đó. Thiên Chúa, được gọi là “Đấng Tác Thành ngươi”, thì sẽ hoàn thành việc canh tân. Dân sẽ nên một với Thiên Chúa như cô dâu nên một với chàng rể. Sự kết hợp mới mẻ này sẽ là nguyên do cho một đất nước tầm thường, những người là đối tượng cho sự khinh bỉ, mắng nhiếc, để được hoan hỉ. Quý vị có hiểu tại sao bài đọc Isaia hôm nay được chọn để hoàn tất bài Tin mừng hôm nay không? Đó là việc Chúa khởi sự một cuộc sống mới cho một dân bị bỏ rơi, thiết lập một mối tương quan yêu thương vĩnh cửu với họ.

Lời hứa của Isaia được hoàn thành nhờ Đức Giêsu, Đấng tham dự một tiệc cưới miền quê và cho họ một lý do an mừng với những chum đầy rượu. Người bị coi là “Đồ bị ruồng bỏ” nay được nhớ tới. tại Cana, “Đấng Tác Thành” kết hôn với dân và sợi dây buộc chặt họ, chúng ta với Chúa thì không bao giờ có thể đứt lìa. Nếu ai trong chúng ta bỏ đi làm “việc riêng của mình” và cảm thấy đây là lúc trở về với Thiên Chúa, thảm đỏ trải ra, cánh cửa rộng mở và ly rượu mừng rót tới miệng đón họ về. Như ở miền Bắc chúng ta vẫn hay nói “Mời vào! Xin cứ tự nhiên như ở nhà.”

Rượu là dấu chỉ cho những người đã chịu đau khổ và chờ đợi lâu ngày biết rằng thời đại mới của Đấng Messia đã bắt đầu. Nghi lễ thanh tẩy với những chum nước nay không còn cần thiết nữa vì đức Giêsu, rượu mới và dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa, đã đến. Nhờ Người chúng ta có thể được thanh tẩy bên trong, Đấng Tạo Thành đã biến chúng ta nên mới.

Thánh Phaolô đã nói đúng: có nhiều đặc sủng của Thánh Thần. “Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi khác vì ích chung. Mỗi chúng ta nhận được đặc sủng, thường là một đặc sủng cụ thể, “biểu lộ” Thánh Thần. Những ân sủng này đến từ Thiên Chúa, “nhưng chỉ một Thần Khí duy nhất ấy làm nên tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý [của Người]”. Khi tôi đi giảng lễ ở các xứ đạo hoặc ở những cơ sở tĩnh tâm, tôi thấy ân sủng của Thần Khí hiện thân nơi mỗi người tôi gặp gỡ. Có những người: quan tâm đến người bệnh và già nua không nhà; tập hát ca đoàn và lĩnh xướng trong phụng vụ; công bố sách thánh; quản lý phòng thực phẩm cho người nghèo; tổ chức các ban hậu sự để lo an ủi những tang gia; tư vấn cho giới trẻ; hỗ trợ những người một mình nuôi con; chào đón người ta khi đến cử hành phụng vụ; làm nhân viên văn phòng giáo xứ, …

Vẫn còn nhiều nữa, nhưng quý vị có được một ý niệm như thế. Gọi họ là thừa tác viên chính thức hay không chính thức của hội thánh. Nhưng chắc chắn họ là phản chiếu công việc của Chúa Thánh Thần; dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang sống giữa chúng ta và tiếp tục biến nước thành rượu; cuộc sống bình thường thành thứ nước bổ dưỡng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Hôm nay là một ngày tốt để công nhận và chúc phúc cho những thừa tác viên chính thức và không chính thức của giáo xứ - hội đồng mục vụ - để có thể đào sâu vai trò tư tế và ngôn sứ trong phép rửa của mỗi người.

Chúng ta cần có nhiều đặc sủng trong Giáo hội. Quả là chán ngắt khi tất cả chúng ta đều có cùng một đặc sủng giống nhau. Như thế, chúng ta thật tội nghiệp, thiếu thốn biết bao! Danh sách liệt kê các ân sủng của thánh Phaolô chưa phải là đầy đủ vì ngài cũng đã nêu tên những ân sủng khác ở những nơi khác trong thư của ngài. Ngài nhắc nhở chúng ta về Thiên Chúa, Đấng thấu biết nhu cầu của chúng ta và ban những ơn ấy cho chúng ta qua nhiều thành viên khác nhau của cộng đoàn.

Vì thế, chúng ta tự hỏi, “Ân sủng nào Chúa đã ban cho tôi? Làm thế nào tôi có thể sử dụng ân sủng ấy để phục vụ người khác?” Hay có thể nói như thánh Gioan “Làm sao tôi có thể trở thành dấu chỉ của sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong thế giới này? Có gì trong lời nói và hành động của tôi có thể hướng người ta đến với Thiên Chúa?”

Lm Jude Siciliano, OP
Học viện Đaminh chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.01.2010. 13:56