Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ai thắng ai?

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

1/. Chuyện Vua Kitô và Vương quốc nước trời.

Ngẫm chuyện ngày xưa. Khi các Đạo sĩ phương Đông vừa xong nghi lễ triều bái Tân Vương Do Thái mới “đăng quang” trong thân phận một “Em bé mới sinh nằm trong máng cỏ”, thì lập tức, vó ngựa và gươm đao của bạo vương Hêrôđê đã san bằng thị trấn Bêlem với thâm ý quyết làm cỏ mọi mầm mống ôm mộng đế vương mà nạn nhân trực tiếp chính là “những trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống”. Kể từ dạo ấy, tiếng khóc của những bà mẹ mất con vẫn còn vang vọng hoài trong lịch sử thế giới cứ mỗi độ Giáng Sinh về.

Sau biến cố chính trị đầy bạo lực dữ dằn đó, nhất là sau những tháng năm dài yên lặng, tưởng chừng cái tên “Vua Giêsu” đã vĩnh viễn đi khỏi dòng lịch sử thế giới. Thì đột nhiên, 30 năm sau “biến cố Bêlem”, danh hiệu Vua Giêsu lại đường hoàng xuất hiện trên khắp nẽo đường Palestina, ngang nhiên thách thức cả quyền lực đạo đời ngay tại đế đô Giêrusalem, nơi trị vì của “Hêrôđê con” không kém ngang tàn bạo ngược và cũng là nơi chấp chính của Tổng trấn Philatô, đại diện cho quyền lực tối cao là hoàng đế Rôma lúc bấy giờ.

Thì ra, em bé Giêsu khóc oa oa trong hang lừa máng cỏ được 3 đạo sĩ Phương Đông triều bái là “Vua nước Do Thái” đã lọt lưới trong trận tàn sát của bạo vương Hêrôđê 30 năm trước, và hôm nay, cũng chính “Em Bé ấy” đã là anh chàng thanh niên Giêsu con bác phó mộc Giuse và cô thôn nữ hiền hòa Maria nơi quê nghèo Na-da-rét đã long trọng “đăng quang vương đế” trong một nghi thức xem ra khá lạ lùng vào một buổi sáng trên triền sông Gio-đa-nô, khi chen chân giữa đám “bụi đời” lội xuống dòng sông Gio-đa-nô để ông Gioan làm phép rửa:

“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,9-11).

Và cũng khởi đi từ cuộc đăng quang với nghi lễ “phép rửa tại sông Gio-đan” ấy, Vua Giêsu lần lượt loan báo về một “Vương quốc”, một “Triều đại” do chính Ngài chấp chính, cai trị, mà Ngài gọi tên là “Nước Trời”, là “Triều đại Nước Thiên Chúa”:

- Nào: “Thời kỳ đã mãn, Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15)

- Nào: một loạt các dụ ngôn để ám chỉ thực tại Nước Trời: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình…” (Mt 13,24-30), “Nước Trời giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình” (Mt 13,31-32), “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men…” (Mt 13,33), “Nước Trời như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”… (Mt 13,44), “Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp..” (Mt 13,45-46), “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển…” (Mt 13,47-50), “Nước Trời giống như chuyện gia chủ thuê người làm vườn nho…” (Mt 20, 1-16), “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22,1-14), “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón tân lang…” (Mt 25,13).

- Nào: Ngài tuyên cáo 8 con đường phúc thật để chiếm được Nước Trời mà nhiều người đã gọi đó là “bản hiến chương Nước trời”: “Phúc cho ai khó nghèo…, hiền lành…, sầu khổ…, khát khao công chính, xót thương người…, tâm hồn trong sạch…, xây dựng hòa bình…, bị bách hại sống công chính…” (Mt 5,1-12)

- Nào: Ngài đề nghị muốn vào được Nước Trời thì phải hoán cải nên như trẻ nhỏ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 1-4); và những kẻ dễ đi vào Nước Trời nhất lại là những người nghèo: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 23-24)…

Và khung trời Palestina thuở ấy rạng rỡ hẳn lên với hàng hàng lớp người đua nhau đến với Ngài như đi trẫy hội. Mọi người bổng dưng rạo rực vui mừng và tràn trề hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Từ Capharnaum tới Giêricô, từ hoang mạc tới thị thành, từ ven biển hồ tới lưng chừng đồi núi…đâu đâu cũng nghe những tin vui xiết kể: những kẻ què đi được, những người mù sáng mắt, người điếc nghe, người câm nói, bao nhiêu người phung cùi được lành sạch, những kẻ bại tay, những người loạn huyết, cả những người bị quỷ ma ám hại lâu năm…cũng được chữa lành.

Làm sao mà chẳng tin “Nước của Vua Giêsu đang đến gần”, làm sao mà chẳng muốn tôn Ngài lên làm Minh Chủ để đem về một triều đại thái bình thịnh trị, no cơm ấm áo, như lời loan báo từ nghìn xưa của các sứ ngôn. Dự định đó suýt nữa đã trở thành hiện thực sau biến cố “Năm chiếc bánh và hai con cá”. “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,5-15).

Quả thật, với những thành công vang dội như thế, ai mà chẳng tin rằng: giấc mộng đế vương của Rabbi Giêsu đến từ Na-da-rét sắm trở thành hiện thực nay mai, khi Ngài cùng đoàn môn đệ lên đường trở về Giêrusalem, thành đô muôn đời của các bậc đế vương trong lịch sử Dân Chúa. Hèn chi, hai môn đệ Giacôbê và Gioan con của ông bà Giêbêđê đã thụt thò nhờ mẹ đến để định chơi trò hối lộ: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,20-23)

Thế nhưng oái ăm thay, càng tiến gần về Giêrusalem, Vị Tiên tri đến từ Nadarét càng tung ra những lời rao giảng sao mà khó nghe, sao mà lạ đời: Nào “ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống đời đời”, nào “Con Người sẽ bị nộp vào tay kẻ dữ, bị kết án chết và ngày thứ ba sẽ sống lại…”, nào “Ta là mục tử tốt lành sẽ chết cho đoàn chiên…”, nào “hạt lúa mì có chết thối đi mới sinh hoa kết trái…”.

Cho dù có những dự báo ảm đạm ấy thì cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem của Ngài vẫn tạo một ấn tượng bất ngờ cho các cấp lãnh đạo đương quyền tại thủ đô bởi những tiếng hò reo vang dội: “Hoan hô Con Vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21, 9)

Nhưng rồi, chính trong “Bữa tiệc Vượt Qua đến sớm” vào ngày Thứ Năm, Ngài lại làm và nói những điều khiến các môn sinh gần như bị sốc: đích thân rửa chân cho các môn sinh kèm theo huấn dụ: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14); và nhất là những lời tiên báo thê lương như một lời di chúc, như một tạ từ vĩnh biệt: “Mình Thày sẽ bị nộp vì anh em…Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em…”. (Mt 26,26-28).

Và sau đó: BIẾN CỐ “Ngày Thứ Sáu khổ nạn quả thật đã lật nhào tất cả ! Tin Giêsu bị bắt, bị hành hạ, bị kết án đã mau chóng lan ra khắp hang cùng ngỏ hẻm Giêrusalem. Niềm hy vọng về một Minh quân Giêsu và một Triều đại vinh quang do Ngài đem đến đã mau chóng sụp đổ trong cõi lòng của đại đa số cư dân thủ đô lúc ấy. Từ thiện cảm, tin yêu, hy vọng đã vội đổi sang chán chường thất vọng đến ghét bỏ rẽ khinh. Trước một “Ecce Homo” Giêsu hình hài tan nát, thân tàn ma dại, dân chúng đã chọn tha tên cướp Baraba và đồng thanh hô lớn: “Đóng đinh nó vào thập giá”.

Câu chuyện Vua Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa như một chuyện lừa đảo sắp đến hồi kết thúc.

Cho dù “bản án trên thập giá có được viêt bằng 3 thứ tiếng Hy lạp, Do Thái, La Tinh với hàng chữ lớn “GIÊ-SU NA-DA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI”, thì cũng chẳng thuyết phục được đám đông dám đặt hy vọng và tin tưởng vào một ông Vua Giêsu đang bị đóng đinh vào thập giá. Hầu hết các môn đệ lũi trốn. May ra chỉ còn mỗi môn đệ Gioan đứng bên cạnh thập giá với Đức Maria để lãnh nhận những lời trăn trối sau cùng.

Trong cái không gian ảm đạm của một buổi chiều lênh láng máu, ồn ào bụi bặm của xúc phạm và sĩ nhục, “hồ sơ Vua Giêsu” tưởng đâu đã khép lại với thất bại và buồn tênh, với nãn lòng và chưng hửng, thì đã chợt sáng lên, cho dầu như một ngọn đèn le lóa. Một chuyện chẳng ai ngờ: Người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa đã nhận ra một “hình hài tan nát, một “Ecce Homo” dở sống dở chết kia chính là một Vị Vua với một vương Quốc đang mở ra tràn trề hy vọng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Khi thân thưa những lời như thế, chắc chắn anh ta đã cảm nhận cách xác tín rằng: Giêsu đây chính là Vua, không phải là “loại vua trong thế giới trần tục”, mà là “Vua thật đến từ Thiên Chúa”; và cũng thế, “Nước của Ngài” không phải là bờ cõi thế gian nhưng là một triều đại của thiêng liêng vĩnh cửu. Và anh đã không thất vọng khi Đức Kitô đã hồi đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Động lực nào, nhân tố nào đã mở mắt tâm hồn của người kẻ trộm để có được niềm tin như thế ? Chúng ta chỉ có thể trả lời được rằng: ngoài lý do ân sủng là yếu tố quyết định, phải nói rằng, sự sám hối, trở về trong khiêm hạ đã làm cho đôi mắt tâm hồn của tên trộm mở ra.

2/. Con đường tiến vào vương quốc của Đức Kitô

Tin Đức Kitô-Tử nạn-phục sinh là Vua và chấp nhận “tiến vào vương quốc của Ngài” trên những nẻo đường của Tin Mừng muôn đời và muôn nơi vẫn là chuyện của tình yêu và ân sủng. Bởi vì đó chính là cách thế mà Thiên Chúa, Đức Kitô đã dùng để trao gởi đức tin, để ban niềm hy vọng cho bao con người như Maria Mađalêna, Giakê, Matthêô, như Augustinô, như Charles de Foucauld…

Kể từ lúc Vua Giêsu đăng quang khai mạc triều đại nước Thiên Chúa cho đến mãi hôm nay, đã có không biết bao nhiêu tâm hồn, bao nhiêu cuộc sống đã quyết trao thân gởi phận cho Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng sẵn sàng đi tìm con chiên lạc, sẵn sàng cúi xuống để rửa chân, sẵn sàng chết để yêu thương và tha thứ, sẵn sàng chấp nhận đồng hình đồng dạng với những kẻ bé mọn khiêm hèn, khổ đau bệnh tật.

Vì thế, để dấn thân vào Vương quốc đó, để thuộc về thần dân của Vua Kitô, nhân loại phải mang một “căn cước khác”, một hộ chiếu khác, không dựa trên tiền tài hay sắc đẹp, quyền lực hay ma mánh, dối trá hay thủ đoạn…Phải có con mắt mới tinh, trong sáng, phải có cõi lòng thanh thản bao dung, phải có con tim hiền lành và khiêm hạ, phải xây cuộc sống sao cho đong đầy hy sinh và sám hối…mới có thể nhìn ra Đức Kitô, Vị Vua quyền năng đang hiện diện ở đó trong những người nghèo, trong những người anh em chung quanh, trong một xã hội nhầy nhụa và phức tạp, trong mọi cơ chế tưởng chừng như đã vắng bóng Thiên Chúa tự thuở nào. Vì đã không có “con mắt như thế, cái nhìn như thế, niềm tin như thế” nên những kẻ dữ trong dụ ngôn “Ngày Phán xử” đã ngạc nhiên: “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?”.

Mà không chỉ những “kẻ dữ đàng kia” đã không nhận ra hình hài Thiên Chúa đang hiện diện; chắc chắn không ít lần, chính chúng ta, những Kitô hữu, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng đã mù tịt hay, ít nhất cũng nghi ngờ sự nhập thể của Ngài trong những biến cố đời thường hôm nay. Mới đây thôi, khi đứng trước lực lượng công an với dùi cui và súng ống, với chó dữ và thép gai, có không ít người đã lo sợ rằng đám dân Công giáo ô hợp không tất sắt trong tay thế nào cũng bị đè bẹp và dánh cho tan tác. Thánh giá kia, tượng Mẹ nọ rồi cũng phải bị bứng đi để nhường chỗ cho sức mạnh của Đảng, của Nhà ước. Mà quả thật, Tòa Khâm Sứ, khu đất của giáo xứ Thái Hà đã bị dọn sạch, như Hêrôđê dọn sách thành Bêlem thuở trước. và còn hơn thế nữa: hệ thống truyền thông mở hết công suất để bôi nhọ và kết án, để cả vú lấp miệng em. Chẳng khác nào chiến dịch tuyên truyền và kết án của tập đoàn tư tế Do Thái dành cho Vua Kitô cách đây 2000 năm trước tại thủ đô Giêrusalem. Nhưng câu ngạn ngữ của Trung Hoa chưa bao giờ sai nghĩa: “Một cây đỗ thì ồn ào hơn cả cánh rừng đang mọc”. Vâng, cũng chính trong những thời khắc hổn tạp của bạo lực và dối trá ập xuống trên Giáo Hội tại thủ đô Hà Nội hay những bách hại, hận thù giáng xuống trên các cộng đoàn Công Giáo khác ở Phi Châu, Ấn Độ…, thì ngoài kia nơi những họ đạo xa xôi của các buôn làng dân tộc, nơi những nhà thờ của những vùng quê hẻo lánh, hay nơi những thánh đường sầm uất đông vui, đang dâng lên những thánh lễ, đang âm vang những lời kinh hạt Mân Côi, đang lấp lánh những ánh nến nguyện cầu, chẳng khác nào hàng vạn bông hoa đang rực rỡ khoe sắc, từng vạn cánh chim đang nhảy múa hát ca, hay hàng triệu triệu mầm cây đang âm thầm vở đất đâm chồi vươn lên sức sống.

Cũng thế, trong cái thế giới đang bị bao phủ bởi bóng tối âm u màu tử địa của nạn phá thai, nạo thai, của ly dị và buông thả tính dục, của tự do phóng túng và hưởng thụ trụy lạc, của bạo lực khủng bố và hận thù sắc tộc, tôn giáo… thì cũng trong thế giới ấy đang có hàng triệu mái nhà ấm cúng thân thương đã vang lên bao tiếng khóc oa oa chào đời của bao nhiêu em bé, đang chất chứa tiếng cười hạnh phúc bình an của những đôi vợ chồng chung thủy, tín trung, giọng nói thân thương của những người cha, người mẹ trách nhiệm và đạo đức…và cũng trong thế giới đó, có bao nhiêu tiếng hát thánh thiện, trong sáng vang lên tự đáy lòng của những thanh niên nam nữ quảng đại hy sinh sống đời thánh hiến, linh mục, vang vọng tiếng cười vui lý tưởng của những bạn trẻ chọn lối sống anh hùng và phục vụ…

Vua Kitô đã chỗi dậy cùng với triều đại cứu độ của Ngài đang từng ngày chinh phục thế giới. Vương quốc của tình yêu và sự sống, của ân sủng và bình an vẫn đang từng ngày lớn lên như “hạt cải”, như mầm non giữa lòng đất để chờ ngày kết trái đâm bông.

Trong niềm tin của người Kitô hữu muôn nơi và muôn thuở, trong cuộc chiến “Ai thắng ai” giữa “ma vương” và vương quốc của bóng tối, sự dữ với Vua Kitô và vương quốc của chân lý và tình yêu, thì kết cuộc không phải đợi đến ngày tận thế, những chắc chắn đã hiện thực rồi, đã hiện thực ngay từ hang đá Bêlem, hay mái nhà Na-da-rét, nơi tòa án Philatô hay đỉnh đồi Núi Sọ. Điều quan trọng còn lại hôm nay dành cho chị cho anh cho tôi, cho tất cả những ai cháp nhận làm thần dân của Vua Kitô trong Vương quốc của Ngài đó chính là không ngừng:

- Hoán cải để từng ngày trở nên bé nhỏ khiêm hạ.
- Quảng đại để không ngừng yêu thương tha thứ.
- Quên mình để hy sinh, phục vụ
- Trung tín để từng ngày bước đi trong Lời Chúa và thực thi những giá trị của Tin Mừng.

Được như thế hôm nay, để
Ngày nao đạt tới Nước trời
Ngàn thu hưởng phúc Vua tôi chẳng cùng.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.11.2008. 11:45