Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

6. Đối Thoại Với Thiên Chúa Về Cái Chết Của Chúa Yêsu

§ Lm An Thanh, DCCT

Thứ bảy Tuần Thánh

Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
(Pl 2, 6-8)

Đối Thoại Với Thiên Chúa Về Cái Chết Của Chúa Yêsu

Hôm nay xác Chúa Yêsu đã được cất trong mồ, Thánh Kinh không nói gì cho ta biết về những ngày ấy, nên giờ đây, chúng ta cùng suy niệm một chút về cõi đi về của Chúa Yêsu. Cuộc đối thoại với Thiên Chúa sau đây có thể là một tưởng tượng, cũng có thể là một lời mời gọi tín thác tuyệt đối hơn vào quyền năng Thiên Chúa. Người viết đã viết những điều này trong thời kỳ tĩnh tâm đặc biệt dài 30 ngày.

Chúa Yêsu dạy con gọi Thiên Chúa là Cha, nên trong câu chuyện hôm nay, con xin được gọi Ngài là Cha để có thể nói hết mọi chuyện như thể Cha con chứ không như một tương quan có tính ngoại giao bên ngoài.

Con: Thưa Cha, con không quanh co, “vào giờ thứ chín, Đức Yêsu kêu lớn tiếng: ‘Êli, Êli, lêma xabácthani’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46; Mc 15, 34). Điều này nghĩa là sao?

Cha: Nghĩa là Yêsu cảm thấy Ngài bị bỏ rơi. Ngài nói rõ như vậy sao con không hiểu?

Con: Thế cha bỏ rơi Ngài thật à?

Cha: Con hãy nhớ lại thời khai nguyên, khi Ta trao cho con người mọi sự và chỉ bảo con người đừng ăn cây biết lành biết dữ (x. St 2, 16-17), vì không muốn con người phải chết, nhưng con người lại nghe lời con rắn mà không tin lời Ta, nên đã tự bước qua giới hạn của một loài thọ tạo (x. St 3, 1-7).

Con: Nhưng khi tạo ra con, Ngài cho con được tự do mà !?

Cha: Chính vì cho con tự do, nên Ta đã đành phải chứng kiến bao nhiêu việc ngu xuẩn con làm. Những việc con làm như thể con thiêu thân lao vào lửa, Ta muốn ngăn lại lắm, nhưng sợ con lại bảo Ta can thiệp vào “chuyện nội bộ” của con.

Con: Không được, thấy xấu thì phải cản phải cấm, chứ để như Cha thì xã hội loạn lên à?

Cha: Ta đã cấm mà các con đâu có nghe theo. Ta đã dùng Môsê để ra luật đây: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Aicập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta… Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào,... Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20. 2-17).

Con: Con biết 10 điều răn rồi, nhưng ngay tại lúc đó, lúc con phạm tội, sao Cha không ra tay?

Cha: Vi phạm nhân quyền con ơi ! Làm như thế, con lại lôi Cha ra tòa án quốc tế mất.

Con: Nhưng Yêsu thì phạm tội gì và bước qua ranh giới cấm nào của Cha mà phải chết treo trên thập tự?

Cha: Yêsu, Con yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng, sao lại phạm tội hay bước qua ranh giới cấm nào (?) Người hoàn toàn vô tội trong mọi sự.

Con: Chính Cha nói đó, Yêsu vô tội, vậy sao Cha im lặng để người Ta giết Yêsu, Cha không bảo vệ người công chính à?

Cha: Ông Pharisêu té ngựa trở lại với Yêsu sau này tên gì con? … à, Phaolô! Ông Phaolô viết và giải thích trong thư Rôma về tội rất hay rằng tội là tình trạng bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (x. Rm 3, 23). Có những lúc vinh quang Thiên Chúa bị tướt mất do tội mình phạm, và cũng có những lúc vinh quang bị tước mất do tội của nhiều người khác. Ba mẹ con rất đạo đức, nhưng con lại là thằng ăn cắp, tuy hai ông bà không bị ra tòa, thì ông bà vẫn bị mất thanh danh, thế giá. Một ông chồng say sưa, bài bạc, thiếu nợ, cầm cố nhà quá hạn không trả, chủ nợ đến xiết nhà, vợ con của ông đâu có tội gì, nhưng vẫn phải ra lề đường ở vì ông ta đó. Vinh quang bị mất hết do tội thì cái chết sẽ đến. Yêsu không tội mà phải chết là thế.

Con: Nhưng chính Cha mạc khải để Người rao giảng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Bây giờ chính Người Con ấy cũng phải chết thì số phận của những người tin kia sẽ ra sao?

Cha: Đúng vậy, ai tin vào Người Con sẽ được sống và sống muôn đời với Người Con ấy.

Con: Con không hiểu, vì chính lúc lâm tử, Người Con có vẻ cũng không còn tin vào lời hứu cứu độ nên mới thốt lên lời : “Eli Eli …” kia?

Cha: Có vẽ ngay lúc thốt lên lời đó, Người Con có chút giao động về niềm tin, nhưng không phải không tin. Điểm giao động đó có thể do Người Con nghĩ mình là khuôn mẫu mới cho nhân loại hết lòng đạo đức, thánh thiện và yêu thương, hết lòng tôn thờ Thiên Chúa. Đúng Người Con sẽ là khuôn mẫu mới cho nhân loại, nhưng sau ngày được cứu, tức được giải thoát khỏi sự chết, còn ở lúc trên thập giá thì dù có là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người thì cũng bị giới hạn hoàn toàn theo phận con người. Con người không bao giờ có thể tự cứu mình được ngay khi có đạo đức, thánh thiện, bác ái như Yêsu. Mà phải hoàn toàn cậy trông vào ơn giải thoát được ban từ Đức Chúa Trời nhờ quyền năng Thần Khí của Ngài.

Con: Thế Chúa Yêsu của con không biết như vậy sao?

Cha: Khi Người đã chấp nhận tự hủy để thành con người trọn vẹn thì Người có phần biết, có phần không và có phần hoàn toàn không biết. Điều này chính Yêsu cũng đã mạc khải, ví dụ ngày tận thế Yêsu xác nhận mình không biết: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36). Đó là giới hạn của con người. Thủy tổ loài người đã cố tình vượt qua giới hạn của mình bằng cách ăn trái cấm, nhưng ăn rồi mới thấy không những không vượt qua được giới hạn, mà còn bị rơi vào tình trạng giới hạn nhất là phải chết. Yêsu sau một chút giao động đã tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46) chấp nhận trọn vẹn thân phận làm người và an bình trong tay Thiên Chúa: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19, 30). Khi ấy Yêsu hoàn toàn không bám víu một chút gì bởi thế gian nữa, mà chỉ còn mỗi Thiên Chúa thôi. Thiên Chúa đã hoàn tất lời đã hứa (x. St 3, 15) sẽ giải thoát con người nơi chính Yêsu ngay sau cái chết thập giá, mà con và mọi người đã biết rồi.

Thủ Đức, 2009

Lm An Thanh, DCCT

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2009. 14:13