Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

4. Rửa Chân: Cuộc Cách Mạng Địa Vị

§ Lm An Thanh, DCCT

Chân Dung Con Người (Suy niệm Tuần Thánh, Mùa Chay 2007-2009)

Thứ Năm Tuần Thánh

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? " Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! " Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em (Ga 13, 2-15)

Rửa Chân: Cuộc Cách Mạng Địa Vị

Việc Chúa Yêsu rửa chân cho các Tông đồ là cuộc cách mạng địa vị. Cách mạng theo một nghĩa nào đó là phá hủy, là làm biến mất thực tại cũ.

1. Thầy mà rửa chân con sao? Không đời nào con chịu !

Phêrô thấy Chúa cởi áo ngoài, khoát áo người phục vụ mang nước tới bên mình đã biết thầy Yêsu muốn gì, nên ông đã cự tuyệt. Ông phản ứng như thế vì trong lẽ tự nhiên của các nền văn hóa Đông cũng như Tây, Nam cũng như Bắc, chỉ có trò rửa chân cho thầy chứ không có chuyện thầy rửa chân trò. Nghịch đạo ! Ngay những người ngang hàng với nhau, cũng không rửa chân cho nhau, mà chỉ có những người nhận mình trong vai trò nô lệ hay tôi tớ với một người nào đó, thì mới cuối xuống rửa chân cho chủ mà thôi.

Phải chăng Chúa Yêsu muốn Phêrô và các Tông đồ làm chủ, còn chính Ngài trở nên nô lệ? Hy vọng không phải thế !

Trong đời sống thường những việc sạch sẽ, được nhiều người chú ý là những việc quan trọng, phải có những người xứng đáng lám. Còn những việc thấp hèn như dọn rác, phân chó ngoài đường thì ai làm cũng được, hoặc giả tìm người xứng hợp thì đó là những người tôi tớ, kẻ ăn người ở. Những vị đã làm cha mẹ có một kinh nghiệm khác hẳn, nhất là các bà mẹ, việc dọn vể sinh cho trẻ sơ sinh khi chúng phóng uế thường do chính người mẹ làm. Một số gia đình có gia nhân, nhưng người mẹ thường vẫn dành làm (ý tưởng này cha Micaen Hưu Phú, CSsR, hay chia sẻ). Việc này tuy là một việc không sạch sẽ, danh giá gì, nhưng lại là việc quan trọng, nếu làm không khéo, không cẩn thận thì có thể làm tổn thương con trẻ. Từ kinh nghiệm đó của các bà mẹ, chúng ta thấy việc phục vụ như thể tôi tớ, nhưng vẫn không phải là tôi tớ, và có những việc coi ra thấp hèn, nhưng chủ vẫn phải làm chứ tôi tớ không được đụng đến. Đó là tình yêu, là trách nhiệm của mẹ dành cho con, của Thầy Yêsu dành cho Phêrô và các Tông đồ.

Nhưng Phêrô cũng như chúng ta đã không thấy việc rửa chân là cách Thầy Yêsu biểu lộ tình yêu, biểu lộ trách nhiệm của Ngài với những kẻ đi theo đến cùng (x. Gioan 17).

Cách Phêrô từ chối chỉ cho chúng ta thây Phêrô không muốn đảo lộn một trật tự trên dưới đã có từ lâu, và cách nào đó, trong nhóm 12, trật tự cũng đã được Chúa Yêsu thiết định cách mặc nhiên. Nếu đồng ý để Thầy Yêsu rửa chân, có nghĩa là Phêrô phải bắt chước Thầy rửa chân cho hai anh em Giacôbê và Gioan, những tay muốn phỏng địa vị thủ lãnh của ông sao (x. Mt 10, 35-40; Mt 20, 20-23) ? Và đâu chỉ có những người ở đây - nhóm 12 - còn cả nhóm 72 và đoàn lũ dân chúng đông đúc nữa? Một chút biện minh cho Phêrô rằng không phải không muốn làm, nhưng đông quá làm sao phục vụ hết, nên tốt nhất là Chúa đừng bầy ra trò này, đừng rửa chân cho con – Phêrô !

2. Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẻ không được thông dự với Thầy !

Chúa Yêsu có vẻ không bận tâm đến lo lắng của Phêrô, nên đã nói rõ ngay giá trị của việc mình làm, và do đó, nếu không chấp nhận để Chúa rửa chân, Phêrô coi như “ra rìa”, không thuộc về Chúa nữa. Lưu ý, cho đến lúc này Phêrô cũng chưa hề nghĩ đến thuộc về một Yêsu bị đóng đinh, mà chỉ mới dừng lại ý nghĩ thuộc về một Messia giải phóng dân tộc như bao nhiêu người Do Thái khác.

Phêrô đã kịp tĩnh ý, nhưng rồi lại xin cái vượt quá nhu cầu: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13, 9).

Việc thông dự với Chúa Yêsu đối với Phêrô lúc này rất quan trọng, nên có vẻ bất cứ điều kiện gì Chúa muốn Phêrô “cũng chiều”. Nhưng như những lần trước, Phêrô vẫn cứ hành động như thể có một ơn nào đó từ trên ban (x. Mt 16, 17; Mc 9, 6) còn con người thật thì không thông hiểu hết điều mình nói, việc mình làm (x. Mt 16, 22).

3. Anh em có hiểu việc Thầy làm?

Hiểu quá đi chứ ! Nhưng có vẽ cái hiểu chỉ mới ngoài da, tức là từ nay mình - Phêrô và các Tông đồ - phải hầu hạ anh em mình như những tôi tớ hầu hạ chủ. Nói cái hiểu chỉ mới ngoài da có phần hơi xúc phạm đến các đấng bậc, nhưng thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở lời khuyên này của Thầy Yêsu thì các môn đệ chỉ làm việc phục vụ kiểu Thứ Năm Tuần Thánh và một năm một lần trước mặt giáo dân ở giữa nhà thờ mà thôi, rồi sau đóđâu lại vào đó, tức là vẫn cha-con, chủ-tớ theo một trật tự có từ ngàn đời. Một người “con” tuổi hơn gấp hai lần “cha”, đợi cả buổi sáng vẫn không được cha tiếp ban phép giải tội chỉ với hai lý do : hôm nay không phải ngày giải tội (công khai), và cha đang bận “chat – tán ngẫu trên internet” (không công khai).

Khi việc phục vụ chỉ còn được nhìn đơn giản như là một công việc thì có nguy cơ người thi hành sẽ rơi vào tình trạng công chức hóa. Hình như cũng đã có ai nói “linh mục là một nghề”, tức là một hoạt động kiếm sống ! Nghề kiếm sống thì có thể tranh thủ để làm sao có thể tạo thu nhập nhiều, nhanh và nhất là không mất giờ vào việc không tăng thu nhập. Nghe nói nhiều anh chị em Việt kiều ở Hải Ngoại vất vả, vì phải cùng làm một lúc hai ba job, để có thu nhập trang trải tại chổ, còn có tiền gởi về quê, và cũng có chút chút biếu các cha.

Khi thiết lập việc phục vụ trong Hội Thánh, Thầy Yêsu không muốn nó là công việc, không muốn nó là cơ họi kiếm sống, mà muốn nó là dấu chỉ Thiên Chúa yêu nhân loại (x. Ga 3, 16), tự hiến vì yêu (x. 1Cr 11, 23-26) và là dấu hiệu để nhận ra ai là tông đồ, ai không là tông đồ của Thầy Yêsu (x Ga 13, 35). Tiếc rằng trong tổ chức của Hội Thánh, nhất là ở Việt Nam, hiện nay, các linh mục được nuôi sống bằng bổng lễ, nên dù muốn dù không cũng rất dễ bị/được nhìn linh mục như một công việc, tế lễ như một dịch vụ, và như thế nguy cơ dần dần đánh mất đi lý tưởng là dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại rất lớn.

Nhớ những năm sau 30/04/1975, những người lãnh đạo cộng sản cũng học theo Công giáo gọi nhau hay tự nhận về mình bằng danh hiệu “đầy tớ” nhân dân, nhưng không có ơn Chúa, nên từ từ bỏ dần. Bây giờ chạy theo xu hướng kinh tế, nơi nào hoặc ai có khả năng thì đã trở thành các đại gia đỏ với đủ thứ tôi tớ phục dịch ngay trong tư gia, còn nơi nào không có cơ hội, hay chính các cán bộ ấy bất tài thì lấy lại kiểu cách quan tri huyện xưa là phụ mẫu của dân như câu chuyện Tắt đèn của nhà văn gô Tất Tố kể vậy. Có dịp tiếp xúc với nhiều chủ tịch xã, huyện ở một số vùng sâu vùng xa, nhiều lần trong những dịp đó, các cán bộ ấy nói xa gần với tôi rằng: Khi đến nhà con (giáo dân) thì khách (các linh mục không có hộ khẩu) phải biết chào hỏi cha mẹ (chính quyền) mới phải lẽ. Những bắt bẻ, gây khó khăn như thế, nhiều lúc các cán bộ đã tự vượt qua luật của quốc gia cho phép để lên án người thì hành đúng luật mà không đúng ý mình là “vi phạm pháp luật”. Làm việc với họ, nhiều lúc tôi cảm giác mình đang làm việc với “tà quyền” chứ không phải “chánh quyền”.

Nhiều giáo dân nguội lạnh tâm sự rằng họ muốn gặp Chúa trong Giáo hội, nhưng chỉ thấy những cản trở, hiện họ đang thấy dấu hiệu Chúa trong các Hội thánh Kitô khác ngoài Công giáo. Có thể đó là những người đứng núi này trông núi kia, nhưng về phía chúng ta, chúng ta có cảm thấy mình phần nào đó cũng hơi giống cán bộ, là bắt đầu tin nhiều hơn vào của cải vật chất, tranh thủ làm giàu hơn và nhất là xa dần việc cậy dựa ơn Chúa trong việc cúi xuống phục vụ không?

Một lần sau khi chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, chỉ có linh mục và tu sĩ tham dự, về đời sống khó nghèo và phục vụ, một linh mục trẻ nói với tôi:

-    Tôi đồng ý với cha rằng chúng ta phải là người phục vụ dân Chúa cách vô điều kiện, nhưng cha cũng phải nói cho giáo dân biết linh mục không chỉ là người phục vụ, mà còn là Cha !

-    Vâng, lạy cha ! Có bao giờ giáo dân dám coi cha là người tôi tớ phục vụ đâu ?

Lm An Thanh, DCCT

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2009. 14:02