Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tội Phạm Điều Răn Thứ Bẩy

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha cho biết khai gian để ăn food stamps, lãnh welfare, ly dị giả đễ lãnh trợ cấp xã hội có tội hay không?

Trả lời: Trong bản Thập Điều (Decalogue) tức Mười Điều Răn của Chúa, điều răn thứ bảy cấm “lấy hoặc giữ của cải của tha nhân cách bất công hoặc làm hại tài sản của tha nhân bất cứ cách nào” (x. SGLGHCG, số 2401).

Luật này dựa trên chính lời Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái xưa kia sau khi họ ra khỏi Ai Cập: “Ngươi không được trọm cắp.” (Xh 20:15)

Sau này, khi trả lời cho người thanh niên giầu có đến hỏi Chúa Giêsu xem anh ta phải làm gì để được sống đời đời, Chúa cũng đã nhắc lại lệnh cấm trên “Ngươi không được trộm cắp” (Mt 20:18).

Như thế đủ cho thấy giới răn thứ bảy quan trọng thế nào trong đời sống đức tin của người Kitô giáo.

Phải tuân giữ giới răn này vì những lý do sau đây:

I- Tôn trọng đức công bình (justice)

Vì Thiên Chúa là Đấng công chính và giầu tình thương (a just and merciful God). Ngài giầu lòng xót thương, nhưng không thể chấp nhận bất cứ điều gì là bất công và gian dối. Ngài phán đoán con người dựa trên hai tiêu chuẩn công bình và bác ái. Do đó, ai không yêu thương và công bình thì chắc chắn không thuộc về Thiên Chúa là tình thương và là công lý. Đức công bình đòi buộc mọi người phải tôn trọng đúng mức tài sản, danh dự và tính mạng của người khác như chính mạng sống, danh dự và tài sản của mình.

II- Quyền tư hữu chính đáng

Quyền tư hữu chính đáng mà mọi người được hưởng trong tình thương và công bình của Chúa, là Đấng đã ban phát nhưng không mọi của cải, tài nguyên thiên nhiên cho con người hưởng thụ miễn phí (gratuitous).

Về quyền này, giáo lý của Giáo Hội dạy như sau:

“... Tài sản trong vũ trụ là để dành cho tất cả loài người. Tuy nhiên, trái đất được phân chia giữa con người với nhau để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của mọi người khỏi nguy cơ đói khổ và bạo động. Sự tư hữu tài sản là điều chính đáng nhằm bảo đảm tự do và phẩm giá của mọi người và cũng để giúp nhau đáp ứng những nhu cầu căn bản của riêng mình và lo cho nhu cầu của những người thuộc trách nhiệm coi sóc của mình... Quyền tư hữu, thủ đắc cách chính đáng, không ảnh hưởng gì đến quyền sử dụng quà tặng chung là trái đất mà Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Mặc dù mục đích sử dụng của cải chung vẫn giữ ưu thế nhưng lợi ích chung vẫn đòi hỏi tôn trọng tư hữu và quyền có tư hữu” (x. Sđd, số 2402-03)

Như thế Giáo Hội nhìn nhận quyền tư hữu tài sản của con người và mọi vi phạm đến quyền này đều trái với đức công bình đòi buộc mọi người phải tôn trọng tài sản, danh dự và mạng sống của người khác.

Trong tinh thần đó, những hành vi sau đây được coi là vi phạm điều răn thứ bảy cấm lấy của người:

  1. Ăn cắp tiền bạc, và chiếm đoạt những gì thuộc quyền sở hữu của người khác như đất đai, nhà cửa, xe tầu, quần áo, đồ vật gia dụng v.v.
  2. Trả lương không đúng luật lao động và tiêu chuẩn chuyên môn của người làm công cho mình. Thí dụ, bóc lột người lao động không có giấy tờ cư trú hợp pháp (undocumented workers) để trả lương họ dưới mức qui định của luật lao động. Cũng lỗi điều răn thứ bảy, những người làm cân đo không chính xác để đong bán hàng hóa sai cân lương để kiếm nhiều lời.
  3. Cũng kể là bất chính về mặt luân lý những việc làm như đầu cơ tích trữ để thay đổi giá cả cách giả tạo để thủ lợi và làm thiệt hại người khác, hối lộ để làm sai lệch những quyết đoán của người thi hành luật pháp; lấy làm của riêng hoặc sử dụng cho riêng mình những tài sản của xã hội hoặc của xí nghiệp; hoặc làm ăn cẩu thả gây thiệt hại cho người thuê mình; gian lận thuế, giả mạo các hóa đơn hoặc các chi phiếu, chi tiêu lãng phí; cố ý gây thiệt hại cho tài sản tư hoặc công đều trái với luật luân lý và buộc phải bồi thường.” (x. Sđd, số 2409). Cũng kể là trái nghịch điều răn thứ bảy mọi hành vi lừa đảo, làm hàng gia, lừa dối người tiêu thụ để nhiều kiếm tiền hoặc khai man số giờ lao động để lãnh lương đầy đủ.
  4. Chế độ trợ giúp welfare, food stamps, housing... được đặt ra nhằm trợ giúp cho những người có nhu cầu thiếu thốn thực sự. Do đó, khai man để hưởng những trợ cấp này là làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của những người có nhu cầu thực sự đáng hưởng. Như thế chắc chắn đây là tội gian lận, nghịch điều răn thứ bảy cấm lấy của người khác. Ngoài ra, những người ly dị giả mạo để hưởng trợ cấp xã hội, kể cả những người làm hôn thú giả để lấy tiền của những người muốn xuất ngoại định cư nước ngoài đều mắc tội nghịch hai giới răn thứ bảy và thứ tám.
  5. Cũng kể là lỗi điều răn thứ bảy, mọi hình thức cờ bạc, cá độ đưa đến ăn thua tiền bạc, làm thiệt hại cho kinh tế và hạnh phúc gia đình, vì những số tiền thu được ở đây đều trái với đức công bằng.
  6. Sau hết, những việc làm như lỗi lời hứa, không thi hành những khế ước (contract) về kinh tế, thương mại, lao động... mà đôi bên đã ký kết khiến gây thiệt hại công bằng cho người khác. Thêm vào đó, đặc biệt phải kể thêm những kẻ buôn bán người dưới chiêu bài hôn nhân hay hứa cho công ăn việc làm có lương cao, nhưng thực chất chỉ là để buôn bán họ cho những nhu cầu bất chính của kẻ vô luân có tiền, đều là những việc làm bất chính lỗi điều răn thứ bảy vì đã xúc phạm nặng nề nhân phẩm của người khác để kiếm lợi cho riêng mình.

Tất cả những tội phạm điều răn thứ bảy đều phải được đền bù hay hoàn trả theo công bằng giao hoán (commutative justice) đòi buộc nghiêm ngặt “phải bảo toàn mọi quyền tư hữu, phải trả các món nợ cũng như phải chu toàn các nghĩa vụ đã tự do cam kết với nhau. Thiếu đức công bằng giao hoán sẽ không thể có bất cứ hình thức công bằng nào khác” (x. Sđd, số 2411)

Nói khác đi, không thể lấy hay làm thiệt hai tài sản, danh giá của ai mà chỉ đọc năm ba kinh hay lần chuỗi 50 để đền tội được. Trái lại, công bằng giao hoán đòi buộc phải đền bù thiệt hại gây ra cách cân xứng và trả lại cho người khác số tiền hay đồ vật đã lấy cách sai trái để được tha tội này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 03.10.2007. 10:09