Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thật Sự Có Tội Tổ Tông Hay Không?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Gần đây, có ý kiến cho rằng Tội Tổ Tông là điều không đúng và hợp lý xét về mặt tâm lý, công lý và khoa học. Xin cha cho biết ý kiến về quan điểm này.

Trả lời:

Trước hết, chúng ta cần minh định điều này : khoa hoc và tôn giáo là hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt nhau về mục đích cũng như phương pháp. Chân lý của khoa học không phải là chân lý của bất cứ tôn giáo nào, nhất là KitôGiáo. Chân lý của khoa học có thể và phải được kiểm chứng (verify) bằng phương pháp và phương tiện khoa học, trong khi chân lý của Kitôgiáo chỉ được giải thích và giữ vững bằng đức tin (faith) mà thôi. Vì thế, không thể dùng khoa học làm nền tảng hay phương pháp để kiểm chứng bất kỳ khía cạnh nào của niềm tin Kitôgiáo, đặc biệt là Kinh Thánh.

Đây là điều kiện tiên quyết phải chấp nhận và tôn trọng trước khi đi vào bất cứ vấn đề tranh cãi (controversial)) nào liên quan đến khoa học và Kitôgiáo.

Từ căn bản trên, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng vấn đề Tội Tổ Tông (Original sin) trong niềm tin của Giáo Hội Công Giáo không dính dáng gì đến chân lý hay khám phá nào của khoa học. Vây, ai nói rằng “quan niệm về tội tổ tông” không phù hợp với khám phá của khoa học là điều không công bằng và hợp lý nếu không muốn nói là ngớ ngẩn vì lý do vừa nói trên đây.

Mặt khác, đã gọi là đức tin thì không thể giải thích hợp lý bằng luận lý (logics) hay phương pháp của bất cứ khoa học nhân văn nào. Cụ thể, nếu dựa vào luận lý, thì Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi (Mystery of the Trinity) là điều nghịch lý không thể cắt nghỉa hợp lý được. Cũng vậy, sự kiện Chúa Giêsu được thụ thai ngoài kết quả phối hợp giữa người nam và người nữ cũng như sự kiện Đức Trinh Nữ Maria sinh con mà vẫn còn trọn đời đồng trinh (ever virgin) là những điều hoàn toàn trái ngược với mọi luật tư nhiên về sinh sản và là điều không khoa học nào của con người có thể hiểu và chấp nhận được.

Những đây lại là những tín điều mà người Công Giáo phải tin cho được rỗi linh hồn. Nghĩa là không ai trong Giáo Hội được phép dựa vào bất cứ khoa học hay luận lý nào của con người để phi bác hay thách đố (challenge) những tín điều này được, vì nếu làm như vậy sẽ trở thành lạc giáo (heresy) hay bội giáo (apostasy).

Vậy để sống đức tin Kitôgiáo, người Công Giáo phải tuyệt đối vâng phục và thi hành không thắc mắc những điều Giáo Hội dạy với quyền Giáo Huấn (Magisterium= Teaching Office) trong các lãnh vực tín lý (dogma), giáo lý (doctrine) luân lý (moral) và Kinh Thánh (Sacred Scripture).

Nói đến Kinh Thánh, chúng ta cần ghi nhớ rằng Kinh Thánh không phải là cuốn sách lịch sử ghi lại những sự kiện khách quan đã thực sự xẩy ra trong không gian và thời gian nào đó. Các tác giả kinh thánh không phải là những sử gia chuyên ngành, tức những học giả đã được đào tạo về khoa sử học để giải thích cách khách quan cho hậu thế những biến cố lịch sử (historical events) đã xảy ra trong quá khứ. Ngược lại, các tác giả kinh thánh chỉ là những công cụ loài người (human tools) trong khi Chúa Thánh Thần mới thực sự là tác giả Kinh Thánh. Cho nên những điều họ viết ra hoàn toàn liên quan đến những gì Chúa Thánh Thần đã linh ứng (inspired) cho họ viết để loan truyền LỜI CHÚA(DEI VERBUM) cho con người mà thôi. Do đó chúng ta không đọc kinh thánh như đọc một cuốn lịch sử để biết về một số biến cố đã thực sự xảy ra trong quá khứ theo sự giải thích của sử gia, mà đọc để tìm hiểu Lời Chúa được mặc khải qua những trình thuật hay nhân vật được đề cập trong Kinh Thánh mà thôi. Đại Công Đồng Tridentinô (1537-1563) của Giáo Hội đã đóng thư qui (canon) về Kinh Thánh với 46 tác phẩm Cựu Ước và 27 sách Tân Ước, tổng cộng là 73 sách như chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh (Bible) của Giáo Hội ngày nay. Nghĩa là chỉ có những Sách này được công nhận là có ơn linh ứng (inspiration) và do đó được gọi là Sách Thánh chứa Lời Chúa mà thôi.

Kinh Thánh đã nói rõ về tội Tổ Tông (Original Sin) nơi chương 3 trong Sách Sáng Thế ký (Genesis) qua trình thuật Eva và Adam đã ăn trái cấm và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Thánh Phaolô cũng xác nhận tội này như sau :

“Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự Chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5:12)

Mặt khác, Giáo lý hiện hành của Giáo Hội cũng dạy rằng : TỘI NGUYÊN TỔ LÀ MỘT CHÂN LÝ CHỦ YẾU CỦA ĐỨC TIN vì sự sa ngã của Adam có liên hệ mật thiết đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, mặc dù “câu truyện sa ngã (St 3) sử dụng một thứ ngôn ngữ bóng bẩy, nhưng khẳng định một biến cố hàng đầu, một sự kiện đã xẩy ra lúc khởi đầu lịch sử loài người …” (x. SGLGHCG, số 390, 37, 55, 379, 388-89)

Trên đây là những căn bản hướng dẫn đức tin mà chúng ta phải theo để hiệp thông với Giáo Hội trong mục đích sống và loan truyền đức tin Kitôgíao trong mọi hoàn cảnh của thế giới cho đến ngày nay.

Nếu không dựa vào căn bản này của Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội thì người tín hữu dựa vào đâu để tin rằng “ Nhờ phép rửa tội, tất cả mọi tội lỗi đều được tha, tội nguyên tổ và tội của bản thân mình...”? (x. Sđd, số 1263). Nói khác đi, nếu sự kiện “tội nguyên tổ” đáng nghi ngờ vì không hợp lý theo khoa học, tâm lý học, công bình học (không thể quýt làm cam chịu) thì Giáo Hội lấy lý do nào để dạy tín hữu về hậu quả của tội lỗi và sự cần thiết phải lãnh nhận bí tích rửa tội để được cứu rỗi như Chúa Giêsu đã truyền dạy ? (x. Mt 28 : 19; Mc 16:16; Ga 3:5).

Như vậy, toàn bộ căn bản tín lý thần học của Giáo Hội về nguồn gốc của tội và nhất là về công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ xụp đổ hết vì hai sự kiện này có liên hệ mặt thiết với nhau. Chúa Giêsu xuống thế và chết trên thập giá vì Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho con người nhưng cũng vì tội lỗi của con người nữa chứ ?

Vậy tội ở đâu mà ra ?

Tuy tác giả Sáng Thế Ký dùng “ngôn ngữ bóng bẩy” trong trình thuật về sự sa ngã của Adam và Eva, nhưng Giáo Hội khẳng định đó là “một biến cố hàng đầu đã xảy ra lúc khởi đầu lịch sử loài người”. Nghĩa là có sự kiện con người phạm tội, và “tội lỗi đã xâm nhập trần gian” như Thánh Phaolô đã dạy. Và cũng chính vì tội lỗi này của con người mà Chúa Giêsu đã xuống trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội như Giáo Hội tin và dạy con cái mình cho đến nay. Như thế bao lâu Giáo Hội chưa chính thức đưa ra một giáo lý nào khác về nguyên nhân và hậu quả của tội con người phạm lúc ban đầu, thì không ai trong Giáo Hội được phép đưa ra những nhận định hay giả thuyết gây hoang mang cho tín hữu về giáo lý này. Chỉ có những người không chia sẻ niềm tin của Giáo Hội mới “chế riễu” hay đả kích Giáo Hội về kinh thánh và những giáo lý đang được giảng dạy và thi hành mà thôi.

Tuy nhiên, dù cho người ta muốn cắt nghĩa cách nào về tội nguyên tổ và hậu quả di truyền của nó, thì người ta cũng không thể chối cãi được sự kiện là trong bản tính nhân loại ngày nay, vẫn hiển nhiên có khuynh hướng nghiêng chiều về sự dữ, sự tội dù có nhìn nhận đó là hậu quả của tội nguyên tổ để xin được tẩy sạch qua phép rửa hay không muốn lãnh hậu quả bất công vì quan niệm “quýt làm cam chịu”.

Đây mới là điều đáng phải quan tâm suy nghĩ hơn hết.

Thật vậy, khi nhìn nhận có tội nguyên tổ di hại đến mọi người sinh ra trong trần thế này, con người cần được tái sinh qua phép rửa để bắt đầu một cuộc sống mới trong ơn sủng cứu độ của Chúa Kitô. Nhưng phép rửa mới chỉ là bước đầu cần thiết cho một tiến trình biến đổi thiêng liêng (spiritual conversion) để cuối cùng được cứu độ nghĩa là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, Phép rửa không trả lại cho con người bản chất tốt lành nguyên thủy (original innocence) mà tội nguyên tổ đã phá hủy, cho nên “...nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống như yếu đuối về tình tình, nhất là sự hướng chiều về về tội lỗi mà truyền thống gọi là nhục dục, hay nói cách bỏng bẩy là “lò phát sinh tội lỗi” (formes percati) còn để lại cho ta phải chiến đấu với nó…”(x. SGLGHCG số 1264).

Đây là thực trạng con người phải sống dù có tin giáo lý và kinh thánh nói về tội tổ tông hay không.

Chính vì thực trạng này mà nếu con người không nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để chiến thắng khuynh hướng tội lỗi nói trên thì rửa tội rồi cũng vô ích mà thôi, dù cho người ta có nhìn nhận tội nguyên tổ hay không muốn gánh chịu luật bất công “quýt làm cam chịu” theo lý giải của người văn minh tiến bộ ngày nay. Nói rõ hơn, dù người ta có chối bỏ sự kiện về tội nguyên tổ và hậu quả di truyền bất công của tội này đi nữa, thì vẫn không giải quyết gì được về thực trạng yếu đuối muốn nghiêng chiều về sự dữ, sự tội trong bản tính con người ngày nay.

Phải chăng chính vì thực trạng này mà Chúa Giêsu đã mở đầu cho việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Người bằng lời kêu gọi sau đây:

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1:15)

Chúa kêu gọi sám hối vì biết con người không tránh được tội lỗi khi mang bản chất yếu đuối với khuynh hướng nghiêng chiều về sự xấu, sự dữ nhiều hơn là về sự thiện, sự tốt lành. Thêm vào đó là nguy cơ cám dỗ của ma quỉ “ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mối cắn xé” mà Thánh Phêrô đã cảnh cáo. (x 1 Pr 5:8). Hơn thế nữa, con người còn có ý chí tự do (free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng, nên quá nhiều người đã và đang sử dụng tự do này để chối bỏ hay làm những điều nghịch cùng Thiên Chúa là tình thương và là Chân, Thiện Mỹ tuyệt đối.

Vì thế, nếu con người không muốn tự do chọn lựa Thiên Chúa và sống theo đường lối của Ngài thì Chúa không thể cứu ai được, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu-Kitô là vô giá và cho dù người ta có nhìn nhận tội nguyên tổ và chịu phép rửa hay không.

Tóm lại, có nhìn nhận tội nguyên tổ và hậu quả di truyền của nó hay không, chưa phải là vấn đề then chốt cần tranh luận để tìm công lý và hợp lý liên quan đến ơn cứu độ. Chủ yếu phải là nhìn nhận thực trạng tội lỗi đe dọa con người có ý chí tự do sống trong bản tính yếu đuối giữa mọi nguy cơ cám dỗ của ma quỉ và gương xấu của trần gian.

Do đó, nếu con người không có thiện chí công tác với ơn cứu độ của Chúa và quyết tâm chống lại mọi nguy cơ của tội lỗi để sống theo tinh thần của Tin Mừng Cứu Độ cho đến cùng, thì phép rửa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô sẽ không sinh ích gì cho ai hết. Và đây mới là vấn đề quan trọng đáng quan tâm nhất cho mọi người tín hữu chúng ta.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2007. 17:04