Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Điều Răn Thứ Chín và Mười

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin cha giải thích điều răn thứ Chín và Mười với những nguy hại của tội nghịch hai giới răn này.

Trả lời: Trong Mười Điều Răn Thiên Chúa truyền trước hết cho dân Do Thái xưa và cho toàn thể Dân Chúa ngày nay phải tuân giữ thì hai giới răn thứ chín và thứ mười ngăm cấm con người không được ham muốn những điều bất chính sau đây:

  1. ham muốn vợ (hay chồng) của người khác (điều răn thứ chín)
  2. ham muốn những của cải và mọi vật sở hữu của người khác. (điều răn thứ mười)

Hai giới răn này tóm tắt nội dung lời Chúa truyền dạy sau đây:

“Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20: 17; Đnl 5:21).

Con người, do hậu quả của tội lỗi, vẫn còn mang nặng trong bản tính của mình những khuynh hướng nghiềng chiều về sự xấu, sự dữ. Những khuynh hướng này có tên gọi chung là “nhục dục” (concupiscence) tức động cơ thúc đẩy con người đi tìm kiếm để thỏa mãn những thèm khát bất chính mà thánh Gioan đã nói rõ hậu quả như sau :

“Vì mọi sự trong thế gian: như nhục dục của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không xuất phát từ Chúa Cha nhưng xuất phát từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.” (1 Ga 2: 16-17)

Những ham muốn trên đây chắc chắn đi ngược lại những gì Thiên Chúa tha phép và chúc phúc cho con người được thụ hưởng để làm vinh danh Ngài và cũng để mưu ích cho chính con người trong cuộc sống này trước khi được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời.

Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng con người có hồn có xác, với những nhu cầu tự nhiên về tâm sinh lý, và đặc thù, với những nhu cầu siêu nhiên thể hiện qua những khát vọng về chân thiện mỹ, khác biệt với mọi tạo vật khác. Do đó, Thiên Chúa không mong muốn con người sống như các thiên thần hay như loài vật là loài chỉ có nhu cầu sinh lý, như ăn, uống và sinh sản. Ngài chỉ mong muốn con người biết sử dụng lý trí để chọn lựa điều tốt để làm và sự dữ, sự xấu để tránh hầu được sống muôn đời. Vì thế, sự thưởng phạt chỉ đặt ra cho con người là thụ tạo có lý trí và ý chí tự do mà thôi.

Để giúp cho con người phương tiện sống trong trần thế này, Thiên Chúa đã ban tặng nhưng không (gratuitously) trái đất với biết bao hoa mầu và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú cho con người khai thác và tận hưởng. Thiên Chúa tuyệt đối không được lợi lộc gì mà phải ban phát nhưng không những phúc lợi này cho con người. Ngài ban chỉ vì yêu thương con người mà thôi.

Quan trọng hơn cả, Thiên Chúa còn quan tâm đến hạnh phúc thật, hạnh phúc đời đời của con người, nên đã ban tặng chính “Con Một để ai tin vào Con của Ngtười thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3:16). Và để bảo đảm cho hạnh phúc đời đời đó nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Thiên Chúa đả truyền cho con người những giới răn cần thiết phải tuân giữ để được sống đời đời. Đó là mục đích của Mười Điều Răn mà mọi tín hữu trong Giáo Hội đang phải tuân giữ ngày nay.

Nói khác đi, chỉ vì hạnh phúc đời đời của con người mà Thiên Chúa đã truyền dạy các giới răn đó chứ không phải vì lợi ích riêng nào của Ngài mà con người phải tuân thủ những luật lệ này.

Giới răn thứ Chín và Mười chỉ rõ cho chúng ta những điều phải tránh để sống đẹp lòng Chúa và cũng để bảo vệ hạnh phúc cho chính mình trong cuộc sống này. Lý do là nếu con người không biết tự chế, sống theo lý trí để kiềm hãm những dục vọng bất chánh về của cải vật chất và phái tính (sexuality) thì sẽ tự chuốc lấy biết bao tai họa cho chính mình, đau khổ cho người khác, tội ác cho xã hội.

Cụ thể, nếu người ta cứ tự do “ước muốn vợ, chồng” của người khác thì hậu quả tất nhiên sẽ làm gia tăng tội ngoại tình, gian dâm, giết người để cướp vợ, cướp chồng của người khác. Thực tế này đã và đang xẩy ra cho nhiều người ở khắp mọi nơi, trong mọi nền văn hóa và ở mọi thời đại.

Cách riêng, đó cũng là thực tế của một số đàn ông đã lớn tuổi nhưng mất nết, bỏ vợ già để về ViệtNam cưới vợ trẻ, đáng tuổi con cháu mình, bất chấp liêm sỉ, phong hóa, đạo đức như người ta đang chứng kiến hiện nay. Đây quả thật là sự suy thoái trầm trọng về luân lý và phong hóa khiến cho giới trẻ hết mất niềm tin và kính trọng thế hệ cha ông của mình vì gương xấu vô liêm sỉ này.

Do đó, để chế ngự những ham muốn bất chính, điều răn thứ chín dạy nhân đức tiết độ, nết na và trong sạch trong tâm hồn, vì “sự trong sạch Kitô giáo đòi hỏi thanh tẩy bầu khí xã hội, đòi hỏi các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá sự kính trọng và tự chế. Sự trong sạch của tâm hồn sẽ giải thoát con người khỏi không khí quyến rũ của dâm ô và cảnh giác ta tránh xa những phim ảnh kích động thú vui bệnh hoạn thích nhìn xem những cảnh dâm dật và khêu gơi ảo tưởng.” (x. SGLGHCG, số 2525)

Chúa Giêsu cũng đặc biệt đề cao sự trong sạch của tâm hồn như một điều kiện để được hưởng Thánh Nhan Chúa, “phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (x. Mt 5, 8). Có tâm hồn trong sạch đòi hỏi chế ngự khuynh hướng dâm loạn đưa đến thèm muốn vợ hay chồng của người khác, vi phạm giao ước hôn nhân đòi hỏi vợ chồng phải chung thủy với nhau và tôn trọng chủ quyền của người khác. Đây là nguyên nhân chính gây ra tội ngoại tình (adultery) làm tan vỡ hạnh phúc gia đình của nhiều cặp vợ chồng xưa và nay.

Không cần phải chiếm đoạt mà chỉ ước muốn thôi cũng đã có tội như Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (x. Mt 5: 28)

Mặt khác, cũng vì ham muốn của cải của người khác mà sinh ra biết bao tai họa như lưu manh, lừa đảo, trộm cướp, và giết người là những tội mà điều răn thứ năm và thứ bảy nghiêm cấm. Ham muốn của cải vật chất cũng xô đẩy các quốc gia lớn, mạnh đi mở mang thuộc địa để cướp tài nguyên của các nước khác nhỏ và gây ra chiến tranh tàn khốc từ xưa đến nay. Nó cũng là động cơ thúc đẩy một số chế độ chính trị tự ý làm luật để cướp tài sản và bất động sản của dân, của sở hữu chủ khác, bất chấp luật công bình phổ quát phải tôn trọng.

Hậu quả nhãn tiền của lòng ham muốn bất chính này là thói ghen tị, một “nết xấu hàng đầu khiến người ta buồn bực khi thấy người khác có của cải, từ đó ước muốn chiếm đạt cho mình một cách bất chính... Thánh Augustinô coi ghen tị là “tội của ma quỷ” vì ghen tị sinh ra thù ghét, nói xấu và vu khống : vui khi thấy người khác gặp hoạn nạn, buồn bực vì thấy người khác thịnh đạt.” (x. SGLGHCG, số 2539)

Nhưng nếu thấy người khác được giầu sang phú quý mà mình ham thích để từ đó cố gắng tìm kiếm cho mình những điều ấy bằng phương tiện chân chính, hợp pháp thì lại được phép, nghĩa là “không vi phạm điều răn thứ mười” (x, Sđd, số 2537). Thí dụ, thấy người khác học hành thành công, buôn bán, làm ăn có tiền từ đó mình cũng ham thích, cố gắng học hành hay làm ăn lương thiện để có danh vọng, tiền bạc như họ thì không có gì sai trái. Ngược lai, thấy người ta giầu có, danh vọng mà sinh lòng ghen nghét, dèm pha, nói xấu, vu khống hay tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác cách phi pháp thì đó mới là tội nghịch điều răn thứ mười.

Cũng được kể là lỗi giới răn này những nhà buôn cố ý tạo tình trạng khan hiếm giả tạo hàng hóa để bán giá cao sản phẩm của mình để kiếm lời nhiều, gây thiệt hại cho người tiêu thu.

Tóm lại, ham mê tính dục đến mức mù quáng thèm muốn vợ, hay chồng của người khác ; hoặc ước muốn chiếm đoạt tài sản và những vật sở hữu của người khác là những điều cực xấu phải tránh nếu con người muốn sống theo đường lối của Chúa để được hạnh phúc Nước Trời.

Trong bầu khí ô nhiễm của văn hóa sự chết đang lan tràn khắp nơi ngày này, nói đến kiềm chế những khuynh hướng xấu quả thực là chuyện khôi hài, khờ dại, không thực tế. Người khôn ngoan sống theo văn hóa sự chết là người cười nhạo lên những giá trị của nhân luân và đạo đức phổ quát để đi tìm và hưởng thụ mọi thú vui, mọi lợi lãi ở trần thế này, bất chấp mọi ngăm đe của luân lý, trật tự.

Vậy người tín hữu Chúa Kitô của thời đại hôm nay, liệu có dám sống đức tin của mình hay muốn thỏa hiệp với văn hóa sự chết?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 30.01.2008. 09:27