Trích từ Dân Chúa

Nước Úc: Trường Công Giáo Ở Ngã Tư Đường

Vũ Văn An

(VietCatholicNews 25/08/2007)

Ngày 8 tháng 8 năm 2007, nhân dịp lễ kính Chân Phúc Mary MacKillop, các giám mục của tiểu bang New South Wales (NSW) và Lãnh Thổ Thủ Đô Úc (ACT) cho công bố một thư mục vụ nhan đề là “Trường Công Giáo Ở Ngã Tư Đường”. Mười sáu vị giám mục của 2 vùng này cùng ký chung văn kiện quan trọng trên, trong đó có đức hồng y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, đức cha Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Canberra và hai vị giám mục thuộc hai giáo hội Maronite và Melkite là các đức cha Ad Abikaram và Issam Darwish.

Nhận Định Chung

Ngã tư đường được các giám mục nhận diện trong thành phần cấu tạo và vai trò thay đổi đã và đang xẩy ra cho các trường Công Giáo mấy năm gần đây. Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các trường này được lập ra để giúp đỡ các gia đình nghèo giáo dục con em họ và chuyển giao đức tin cũng như các thực hành Công Giáo trong một hậu cảnh xã hội đôi khi rất thù nghịch. Đến tận giữa thế kỷ 20, vẫn còn mức độ cao trong thực hành đức tin nơi các gia đình Công Giáo, nền văn hóa bao quanh chủ yếu vẫn là nền văn hóa Kitô Giáo và phần lớn đức tin vẫn còn được lưu truyền bên ngoài học đường.

Đầu thế kỷ 21, sự thay đổi về dân số và kinh tế khiến các gia đình nghèo không còn hiện diện quá đông tại các trường Công Giáo nữa. Mặc dù các vị lãnh đạo các học đường Công Giáo luôn luôn cố gắng đảm bảo không ai bị từ chối ghi danh chỉ vì không có khả năng trả học phí, ta vẫn phải nhìn nhận rằng áp lực tài chính và nhiều yếu tố khác đã buộc nhiều gia đình Công Giáo phải gửi con em mình tới chỗ khác học. Cụ thể là một nửa học sinh con em các gia đình Công Giáo nay ghi danh học trường công cũng như các trường tư không phải là Công Giáo. Trong khi ấy, nhiều gia đình không phải là Công Giáo nay lại giao phó con em họ cho các học đường Công Giáo. Cụ thể là tỷ số học sinh con em các gia đình không phải là Công Giáo, trong hai thập niên qua, đã gia tăng từ 9% lên 20% và đà gia tăng này vẫn đang tiếp tục. Thành phần học sinh tại các trường Công Giáo, do đó, phức tạp hơn xưa. Cụ thể ta thấy ít nhất bốn thành phần sau: các học sinh Công Giáo không sống đạo, các học sinh Công Giáo kém giáo lý, các học sinh Công Giáo đúng nghĩa và các học sinh không phải là Công Giáo.

Văn hóa và xã hội còn ảnh hưởng tới trường Công Giáo nhiều cách hơn là các khuôn mẫu ghi danh nêu trên. Ngay trong cộng đồng Công Giáo, càng ngày càng ít người chịu tham dự Thánh Lễ hơn; sự hiện diện của các linh mục và tu sĩ, cũng thế, càng ngày càng ít hơn so với trước. Các nghiên cứu gần đây cho thấy thanh thiếu niên càng ngày càng không muốn nhận dạng mình với các giáo hội hay tôn giáo. Các khuynh hướng rộng khắp xã hội như thế tục hóa, duy tiêu thụ, gia đình đổ vỡ và sự đổi hướng các giá trị cũng tác động nhiều trên giới trẻ. Học đường vì thế cứ phải đi lượm từng mảnh vụn khi phải đối diện với quá nhiều các áp lực đến từ đủ hướng.

Dù các giám mục luôn luôn đánh giá cao các thành quả của các trường Công Giáo trong vùng, coi chúng như “Trân Châu Bảo Ngọc Trên Vành Mũ Triều Thiên”, nhưng các ngài vẫn không tự mãn trước rất nhiều thách đố do hoàn cảnh trên tạo ra: không phải mọi học sinh đều được phục dịch tốt về phương diện giáo lý và mục vụ theo như lòng mong ước; các học đường Công Giáo cũng không luôn luôn được cộng đồng giáo xứ và các gia đình hỗ trợ như lòng mong đợi…

Đứng trước ngã tư đường này, có hai phương thức được nêu lên: một là cưỡng lại áp lực đòi phải có trường Công Giáo và giảm bớt hệ thống trường ốc này xuống một mức trong đó ta có thể chọn được các học sinh và nhân viên sẵn sàng tiếp nhận sứ mệnh giáo dục Công Giáo. Hai là tái khẳng định cam kết của ta đối với các yếu tố chính yếu của học đường Công Giáo trong khi nhìn nhận, và ngay cả ôm ấp nữa, các khuôn mẫu ghi danh đang thay đổi, coi chúng như ‘những dấu chỉ thời đại’ của một sứ mệnh mới đối với nền giáo dục Công Giáo. Các giám mục New South Wales và Lãnh Thổ Thủ Đô Úc đã mạnh dạn tiếp nhận phương thức sau.

Căn Tính Học Đường Công Giáo

Về căn tính học đường Công Giáo, vì nhiều tài liệu huấn quyền đã nhắc đến đầy đủ, nên các giám mục không muốn nhắc lại ở đây, chỉ muốn nhấn mạnh rằng: học đường Công Giáo là cánh tay giáo dục chính của các gia đình, xứ đạo Công Giáo cũng như của Giáo Hội nói chung dành cho lớp tuổi dưới 18. Chúng có đó để trợ giúp các bậc phụ huynh và các giáo xứ trong sứ mệnh giáo dục, dạy phúc âm và dạy giáo lý của họ, cũng như giúp cộng đồng rộng lớn nói chung trong các dịch vụ giáo dục và công dân.

Chính vì lẽ trên, Giáo Hội chủ trương phải đảm bảo làm sao để luôn có một ‘khối lượng đáng kể’ (critical mass) các học sinh Công Giáo trong các học đường của ta, mặc dù ta vẫn hoan nghênh sự có mặt của các học sinh thuộc các tôn giáo khác. Các giám mục khuyên các nhà lãnh đạo các trường Công Giáo hãy tái duyệt xem làm cách nào họ có thể tối đa hóa việc ghi danh các học sinh Công Giáo, gồm cả các học sinh thuộc các nhóm kinh tế xã hội, sắc tộc hay thiểu số đặc thù khác hiện đang ít có mặt tại các cơ sở của mình. Đấy mới chỉ là yếu tố ghi danh để có nhiều học sinh Công Giáo hơn. Nhưng chưa phải là tất cả các yếu tố tạo nên căn tính một trường Công Giáo. Theo các ngài, điều chính yếu là:

Trung Tâm Tân Phúc Âm Hóa

Phúc âm hóa được các đức giáo hoàng hậu Vatican II như Phaolô VI (Evangelii Nunctiandi 1975) và Gioan Phaolô II (Redemptoris Missio, 1990) cổ vũ. Phúc âm hóa là việc công bố tin mừng ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu là đem người ta đến đức tin qua việc gặp gỡ Ngài trên bình diện bản thân. Nó khác với giáo lý, là việc đào sâu một đức tin đã nhận lãnh rồi. Khi đề cập đến nhiệm vụ tân phúc âm hóa của học đường Công Giáo, các giám mục muốn nhấn mạnh đến cái cảm thức ‘mạo hiểm’ (a sense of adventure) mà chính đức Gioan Phaolô II đã nói đến trong tông thư Giáo Hội Tại Đại Dương Châu năm 2001: “…Thế hệ Kitô hữu hiện nay được mời gọi và sai đi để thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa giữa các dân tộc tại Đại Dương Châu, một tuyên xưng mới mẻ chân lý trường cửu từng được biểu tượng Sao Phương Nam gợi ý. Lời mời gọi sai đi này đặt ra nhiều thách đố lớn lao, nhưng nó cũng mở ra nhiều chân trời mới lạ, đầy hy vọng và cả một cảm thức mạo hiểm nữa” (số 13).

Tinh thần mạo hiểm kia thấy rõ nơi con số mỗi ngày một đông hơn các học sinh Công Giáo không thực hành đạo, các học sinh Công Giáo thiếu học giáo lý và các học sinh không phải là Công Giáo tại các học đường Công Giáo. Mọi học sinh Kitô Giáo đều đã tiếp nhận hồng phúc đức tin trong Phép Rửa, một số khác mang trong trái tim mình ‘nhiều hạt giống đức tin’. Nhưng không thiếu các học sinh cần được công bố Tin Mừng lần đầu. Đây không hẳn là tuyên truyền đạo hay ‘cưỡng bức đức tin’. Đức tin chân chính không thể áp đặt được, nó phải được tự do tiếp nhận hay bài bác. Nếu ta biết ‘trả trước’ (up front) các mục tiêu giáo dục và giáo lý đối với bất cứ học sinh, thầy cô hay phụ huynh nào, trong lúc khuyến khích họ tham dự với một trái tim cởi mở và một tâm trí biết suy đoán, thì ta đã được biện minh đầy đủ khi dấn thân vào các sinh hoạt sống chứng nhân, đào luyện và phục vụ.

Trong chiều hướng trên, các giám mục đề nghị những điểm sau:

Chuyển Giao Đức Tin, Đời Sống và Văn Hóa Công Giáo

Phúc âm hóa là chủ yếu, nhưng chưa đủ. Đức tin, giống một hạt giống mới được gieo vào trái tim con người, cần nước và ánh sáng. Đó là lý do khiến các học đường của ta cần làm sâu và giáo dục đức tin mới nhận lãnh. Ta gọi công việc ấy là giáo lý hay giáo dục tôn giáo. Đức tin cũng cần được nâng đỡ bởi nền văn hóa tôn giáo của trường ngõ hầu đức tin ấy được thực hành qua thờ phượng, ơn gọi và hành động nơi trần gian.

Điều đáng buồn là nhiều học sinh xuất thân từ các trường Công Giáo rất thiếu kiến thức về niềm tin Công Giáo và không quan tâm chi đến việc thực hành nó. Dĩ nhiên, hạt giống đức tin một khi được gieo vãi cần một thời gian dài sau đó mới đâm hoa kết trái. Vả lại, nó không phải là trách nhiệm duy nhất của học đường: xã hội, giáo xứ và gia đình cũng như chính các em phải chia sẻ trách nhiệm này. Tuy nhiên, học đường là nơi thích hợp để hỗ trợ các em, các thầy cô và cả gia đình nữa lớn mạnh trong việc hiều biết và yêu mến truyền thống Công Giáo.

Đối với các giám mục, điều chính yếu phải làm là đem lại cho các em và gia đình các em sự trọn vẹn trong ‘đức tin đã được các tông đồ truyền lại’ (Lời Nguyện Thánh Thể 1). Cho nên những hứng khởi về công bằng xã hội, về môi sinh, về những đặc sủng này nọ của vị sáng lập hay một vài sáng kiến đặc biệt nào đó của trường phải luôn luôn được lồng vào hậu cảnh rộng lớn hơn của niềm tin và nền luân lý Công Giáo. Không bao giờ được phép để chúng che khuất mất việc xây đắp mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài. Không một học sinh nào rời trường Công Giáo mà lại không nắm vững những điều căn bản trong giáo huấn Công Giáo được trình bầy trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo…Cụ thể, các giám mục nhấn mạnh đến mấy điểm sau:

Lãnh Đạo và Nhân Sự

Căn tính một trường Công Giáo đòi hỏi ‘khối lượng đáng kể’ các học sinh Công Giáo thế nào, thì cũng đòi một ‘khối lượng đáng kể’ như thế các nhà lãnh đạo và nhân viên giảng dậy Công Giáo. Không ai chối cãi đức tin và thực hành của các vị này tác động mạnh mẽ trên các học sinh Công Giáo. Cụ thể, các giám mục đề nghị:

Muốn có những nhân viên như trên, các giám mục cam kết phát triển các viện đào tạo thầy cô, cũng như các cơ sở huấn luyện bổ túc trước khi hành nghề và tu nghiệp khi đã hành nghề.

Kết Luận

Các giám mục kêu gọi các nhà lãnh đạo giáo dục, các thầy cô và phụ huynh cũng như cộng đồng Công Giáo nói chung hãy cùng các ngài suy tư những vấn đề được nêu ra trong Thư Mục Vụ này và tái cam kết đối sự mạo hiểm của học đường Công Giáo trong thế kỷ mới. Việc phúc âm hóa, đào luyện hay giáo dục thế hệ tương lai không phải là trách vụ riêng của học đường, mà là cố gắng chung của mọi gia đình, giáo xứ và cơ quan. Tuy nhiên, các giám mục kỳ vọng nơi những người trực tiếp can dự vào việc giáo dục con em Công Giáo hãy cố gắng hết sức để biến các trường Công Giáo:

Vincent Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/nuoc-uc-truong-cong-giao-o-nga-tu-duong/