Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sống Đạo

§ Nguyệt San Mục Vụ

Trích 'Nguyệt San Mục Vụ, tháng 4, 5 & 6/06'

Tôi là người Công giáo. Đa số tín hữu ở Giáo phận Vĩnh Long là người đạo dòng: từ cha, ông, ông cố, ông sơ, đã là người đạo. Có một số cũng khá lớn là người tân tòng.

Dòng dõi hay mới gia nhập, chúng ta đều giữ đạo. Nói được phần lớn tín hữu, ít nhiều, cũng hài lòng về cuộc sống đạo của mình. Thỉnh thoảng có mềm lòng sơ sót thì đi xưng tội là yên tâm.Có bao giờ mình nghĩ: đời sống đạo của mình còn nhiều thiếu sót, có khi tội lỗi nữa. Và trong lối sống đạo có nhiều thể cách, có nhiều hạng (cấp bực). Có khi chúng ta cũng chưa bao giờ suy nghĩ và nhận định mình vào cấp bực nào.

Dịp Năm Sống Lời Chúa, có thể hiểu là Sống Đạo, chúng ta tùng dịp để kiểm điểm chính mình: Có sống Lời Chúa không? Sống thế nào? Cấp bực nào?

Có đạo mà không đạo
Không đạo mà sống đạo.
Giữ đạo mà chưa đạo.

Sống đạo “ ba rọi ” .
Sống đạo tự nhiên.
Sống đạo siêu nhiên.

1. Có Đạo Mà Không Đạo.

Có những hạng người, vì cha mẹ là công giáo, nên cha mẹ đã liệu cho chịu Phép Rửa Tội khi còn nhỏ. Lớn lên, vì hàon cảnh hay vì cha mẹ không lo, cho nên không học đạo, không biết gì về đạo. Nếu sống giữa người lương, không ai hướng dẫn, thì đạo đối với người đó, kể như không có. Đúng là có đạo mà không đạo.

Lại có hạng người, có Rửa Tội, có học đạo. Khi đến tuổi trưởng thành, cảm thấy mình có tự do và dùng quyền tự do quá đáng, cho nên kể đạo như là những chi đàn áp tự do , bỏ đạo để được tự do.

Gặp trường hợp những nhà truyền đạo bê bối, hoặc tín hữu sống tệ hơn người lương, nên đâm ra ý nghĩ: đạo có hay ho gì đâu, đạo xấu, đạo tệ hại theo đạo làm gì; bỏ đi cho rãnh. Hoặc thấy nhà truyền đạo khắc khe, hoặc vì thù ông cha, thù nhà phước, hoặc nhận thấy theo đạo không có lợi nên dẹp đạo luôn!

Hoặc do ham muốn rượu chè, dâm đảng, đến giai đoạn nô lệ tửu sắc rồi thì không còn nghĩ đến đạo. Thực tế là bỏ đạo.

Cũng có hạng người dùng đạo để lường gạt. Anh chàng người lương, thương cô gái đạo. Nhà gái đòi phải theo đạo mới gả. Chàng ta theo học đàng hoàng, nhưng sau lễ cưới thì tuyên bố: Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi, tôi cưới được vợ tôi thôi nhà thờ. Theo đạo để lường gạt, để nhờ cậy, để tránh khó , xong việc rồi thì đâu vào đó. Đạo trả lại cho Nhà thờ.

Đúng ra trong các xứ đạo, hạng có đạo mà không đạo rất ít, 5% là cùng, ngoại trừ những năm tranh tối, tranh sáng. Dầu vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận là có. Nhìn nhận không phải để mình hãnh diện, vì mình không lọt vào hạng người như thế, mà nhìn nhận để tìm cách làm thế nào tương trợ anh em.

Hội Thánh là đại gia đình của Chúa, là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ Đạo, Xứ đạo là một chi thể. Nếu có phần nhỏ nào trong chi thể mang bịnh tật, thì các chi thể phải cùng thông cảm và phải cùng tìm cách chữa trị.

Đúng ra, chúng ta có khi không biết giáo lý hiệp thông, không lưu tâm đến hiệp thông … Cũng là một dạng có đạo mà không đạo!

2. Không Đạo Mà Giữ Đạo

Nói không đạo nghĩa là không phải là người có đạo Công giáo. Nói người đó giữ đạo thì hiểu là giữ những luật luân lý Đạo Công giáo chỉ dạy.

Chúng ta biết Đạo (kể là một Tôn giáo) đòi phải có những điều phải tin, những phận vụ phải thực hiện và những nghi lễ thực hành.

Đạo (kể là đường) dạy thể thức giữ mối giao tiếp liên kết giữa người với Trời, với xã hội, với mình, với người, với vạn vật: giao tiếp liên kết thế nào là tốt, là đúng với phẩm giá của Trời và của người, của vật.

Chúng ta nhờ Chúa mạc khải. Chúng ta đón nhận mạc khải cho nên chúng ta xác tín (tin chắc, tin mạnh) đạo chúng ta chân chính, đúng sự thật, luân lý không lệch lạc.

Nhưng vấn đề là người ngoài Đạo Chúa, nghĩa là không biết có Chúa mạc khải, nghĩa là chưa biết đạo, có sống đạo được không?

Quả quyết là được. Nói như thế, chúng ta có khi bỡ ngỡ và thường thường chúng ta không nghĩ đến vấn đề này.

Thực tế, con người có hồn, có lý trí (nhơn chi linh ư vạn vật: trong vạn vật thì con người có hồn linh). Vì có hồn, có lý trí cho nên có thể lý luận, tìm biết có Thiên Chúa, nhìn nhận có Thiên Chúa là căn nguyên là Đấng taọ dựng, thì cũng có thể tiến đến ý nghĩ tôn thờ.

Chúng ta thấy trước nhà người thôn quê, có nhiều nơi có bàn Thiên, để thờ Trời.

Tánh tự nhiên, cũng muốn cho mình là người lành, người tốt. Thiên sinh nhơn tánh bản thiện: Con người Trời sinh có tự do để tự lập. Tự tạo cho mình nên con người tốt, người lành, nếu biết dùng tự do thích đáng. Mặc dầu sau nguyên tội, con người không còn hưởng được ơn trừ nhiên (siêu nhiên tương đối): chủ trị dục vọng.

Trên nguyên tắc, con người có thể cố gắng sống theo lương tri, lương tâm thì cũng có thể có được đời sống đạo, nghĩa là giữ những quy luật của Chúa (Mười Điều Răn), mặc dầu chưa tiếp nhận mải của Chúa

Chúng ta có thể mến phục Đức khổng Tử. Đời của ông ” ngũ thập tri thiên mạng ” thất thập tùng tâm sở dục, bất du cu: Năm mươi tuổi biết mạng trời. Biết mạng Trời là biết những gì trời đưa đến cho đời mình và cũng nói được biết ý trời muốn mình sống như thế nào; rồi đến lúc bảy mươi, nhìn mình thấy được mình tự do theo sở thích; nhưng tự do đó không đi ngoài quy củ, đi sai với ý trời, luôn đi đúng với ý trời.

Trong xóm làng, xung quanh chúng ta vẫn có người lương. Trong số người lương, chúng ta cũng có thể gặp được những người rất tốt. Họ có thể, trong thực tế, thờ trời, sống trung hiếu, thương yêu, thanh bạch, công chính, chân thành, có thể ít nhiều sống đúng Điều Răn Chúa.

Họ chính là hạng không đạo mà giữ đạo. Còn chúng ta? Thử kiểm điểm xem: Mình có phải là hạng có đạo mà không đạo, không giữ đạo, vả lại còn tự phụ mình là đạo dòng! Có thể có người “ dòng ” phía sau, lôi kéo, nhưng nhiều khi lại không kéo nổi; hay đạo đi lòng dòng (vòng) ngoài nhà thờ.

Đã vậy, mà còn có khi khinh dễ người ta ngu dại, dị đoan! Tin nhảm hay không tin gì hết, cái nào hại hơn! Tin nhảm nghĩa là tin lệch lạc dầu sao cũng phát khởi từ lòng tin. Còn không tin có thể nói đó là người vô tâm vô trí, không có hồn.

Có tin mà không sống theo đúng với tin tưởng thì còn tệ hại hơn nữa: càng hạ thấp con người hơn là những hạng không tin; chắc chắn sẽ bị phạt nặng hơn. Không biết nên không làm, nhưng biết mà không chịu làm - Phúc Âm quả quyết - bị đòn nhiều hơn.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho mình tự thấy, tự biết về mình. Đừng để mình bị lùi lại, mà luôn tìm tiến bước. Sống chết tỉ thí (dux et vita duello). Đời sống là cuộc tranh đấu thường xuyên, đòi chúng phải nương tựa vào ơn Chúa để nhờ Chúa chúng ta chiến thắng

3. Giữ Đạo Mà Chưa Đạo

Chỉ giữ bề ngoài, giữ theo lệ, xưa bày, nay làm, thì đó là giữ đạo mà chưa phải là đạo. Về điểm này, có thể quả quyết: tín hữu sống trong tình trạng này, không phải là ít đâu! Mỗi người có thể trong chính mình giữ đạo mà chưa đạo.

Nguyên nhân có thể là do việc đào tạo. Khi còn bé, má dạy đọc kinh, em bé thuộc nhanh, biết đọc kinh cả lúc còn bú nữa; nhưng không ai dạy cho biết tại sau phải đọc kinh, đọc kinh thế nào mới đúng, mới tốt. Rồi khi lớn lên học Rước Lễ vở lòng, Thêm Sức, Bao Đồng, phần nhiều là dạy những câu thiệu cho biết Chúa, biết mười Điều răn, biết Bí Tích, lãnh Bí Tích (chỉ dạy những câu thiệu) còn chính ý nghĩa có khi không nói đến.

Có thể đưa ra ví dụ: học võ để múa chứ không phải để đánh; múa giỏi mà chưa phải là võ. Cũng giống như thế, học đạo, múa đạo mà chưa phải là đạo.

Do người dạy không lưu tâm giúp cho biết ý nghĩa chính xác: tại sao có đạo? Tại sao giữ đạo? Giữ đạo thế nào mới đúng mới tốt?

Phần khác, tâm não của người Á Đông chịu ảnh hưởng của nho gia. Học thì chú trọng đến từ chương nhiều hơn, nhớ nhiều, mà ít suy nghĩ. Vả lại, đạo tuy cao sâu vô cùng, ta không bao giờ biết đủ, biết hết về Chúa. Cho nên, có thể có những điểm mới lạ gây được tâm trí chúng ta tìm đến, nhưng giữ đạo thì những tác động ngay cả ý thức nữa, cũng đơn điệu, đồng điệu, ngày nào cũng như ngày nấy … dễ làm cho những tâm hồn chưa nhiệt thành đâm ra nhàm chán.

Chỉ nhờ vào tiềm thức nhận thấy mơ màng, đạo là tốt, nên cứ làm, làm theo người, làm theo lệ, làm như trẻ con, chưa trưởng thành, không ý thức.

Hiện tình, trong thực tế, chúng ta đọc kinh, xem lễ lần chuổi thế nào? Ngay trong giới nhà tu cũng khó tránh làm việc theo lệ.

Có một khía cạnh khác cũng nói được giữ đạo mà chưa đạo! Giữ đạo theo lối Pharisêu, là lối lạm dụng đạo, giữ đạo không gì là phận sự, là nhiệm vụ đối với Chúa, với người … là đường lối để mình nên là người tốt, người đáng được Chúa thương.

Làm dụng đạo là giữ đạo để lên mặt: ăn chay, giữ luật rồi tự phụ ta đâu phải như hạng thu thuế, nơi công cộng phải nhường chỗ cho ta, ngoài đường phố phải nể trọng ta … cất nhà thờ, trong thâm tâm có thể tự nhận ta đâu có thua ai. Cất nhà thờ to hơn, đẹp hơn: Ta không thua ai mà còn ngon hơn.

Giữ đạo, ăn chay, đọc kinh nhiều để moi ví tiền của bà goá. Giữ đạo làm phúc … để Chúa ban lại cho gắp trăm.

Giữ đạo như thế, có nói được là giữ đạo không? Đúng là chưa biết đạo, hoặc biết ít nhiều rồi làm dụng đạo. Như thế thì không gọi được là người có đạo, sống đạo! Chúng ta thế nào?

Xin Chúa cho chúng ta nên hạng trưởng thành biết đón nhận mặc khải Chúa, biết nhận đinh đó là luật lệ của Chúa định đặt. Mặc dầu chúng ta tự do nhưng buộc phải tuân giữ. Tuân giữ đúng với ý Chúa! Tuân giữ không như nô lệ, bị băt ép không còn tự do; Nhưng tuân giữ như là con hiếu thuận với tự do tuân phục.

Đó là phẩm giá và là hạnh phúc của con người.

4. Giữ Đạo “Ba Rọi”.

Dùng tiếng bình dân “ba rọi” để nói lên tánh cách nữa nạc, nữa mỡ, nghĩa là nữa giữ, nữa không. Bình thường thì giữ, mà có việc, có rắc rối, thì chẳng những không giữ, mà có thể thực hiện những việc nghịch đạo nữa.

Hạng người như thế, không phải là không có; không nói được là số đông, nhưng vẫn thường thấy trong nhiều họ đạo. Có người nhận định rõ thì la lên: con ếch trong bình nước thánh. Con ếch vẫn thảnh thơi, nhưng nhìn vào, chắc phải bắt nó ném đi nơi khác.

Nhà đạo, ai lại không đi lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện, bác ái, nhìn vào đó thì nói được là giáo hữu lành thánh. Nhưng gặp việc, muốn biết tương lai, thì quên mất Chúa, chạy tìm thầy bùa. Chúa thì còn tin, nhưng tạm gác lại một bên.

Vua Saolê trước đã cấm, đã hành tội mấy tay đồng bóng, nhưng đến lúc lâm trận, tìm hỏi Chúa, hỏi tiên tri không được, Vua đã tìm bà bóng, nhờ triệu hồn tiên tri Samuen về hỏi.

Mang bịnh có hơi lạ, không tìm bác sĩ mà nhờ thầy pháp trừ tà. Xây nhà, định hướng. Xuất hành, định giờ. Cưới gã, chôn cất, coi ngày. Tin những điều như thế, mong chúng đem lại may mắn, hạnh phúc!

Người ta thuật lại: Theo thầy coi định giờ, thì đám cưới phải vào ban đêm mới tốt. Thôi thì đêm! Cầm đuốc lò mò qua cầu. Cầu nhỏ, lại cũ. Chất lên đông. Cầu gãy. Dâu rễ gì đều lọt xuống sông. May quá, dâu rễ không giao bôi bên mâm tơ hồng ở nhà Hà Bá!

Xấu tệ hơn nữa là lúc bực tức, thù oán ai đó, lại nhờ mấy ông thầy bùa để họ trù ếm, bỏ bùa cho người bị hại, bị bệnh, có thể bị chết nữa (cũng có thứ bùa mê, chài gái). Họ quên rằng Chúa là Đấng quyền năng, bùa ngải làm sao lấn quyền của Chúa được. Chúa ban cho con người có tự do, nếu con người cương quyết chống đối, thì dầu ma quỉ có năng lực hơn người, cũng không làm gì được.

Đó là hạng người tin mà chưa hẳn là tin, mến mà chưa hẳn là mến. Như mê gái rồi bỏ Chúa, dù bề ngoài vẫn còn đi lễ, đọc kinh.

Vua Henri VIII, vì sa đắm sắc dục, mà bỏ Chúa, bỏ luật Chúa, thiết lập Anh giáo, thờ Chúa theo sở thích. Cũng có thể vì tiền như Giuđa nộp Chúa, dù ông vẫn còn tin tưởng Chúa cách nào đó, nhưng mê tiền nên bất đếm để rồi sau đó, buồn khổ, rồi tự treo cổ để tự trách hay để quên đi?

Hạng người vừa kể trên, không phải lợi dụng hay lạm dụng đạo, nhưng có thể do lòng tin, mến còn kém và lại tự thị, tự ái quá nhiều không nhớ quyền năng tuyệt đối của Chúa và cũng không nhớ rằng tự do của mình có giới hạn: tự do muốn điều tốt, nhưng không được tự do muốn điều xấu, điều hại (có thể tự do muốn; nhưng muốn như thế là xấu, là tội)

Trong họ đạo cũng có những người giữ đạo “ba rọi” - vừa giữ đạo, vừa chống đạo - nhưng họ vẫn tỉnh bơ lại còn mỉa mai những người giữ đạo bê bối!

Chúng ta có thể đặt vấn đề: giữ đạo như thế thì mức độ học biết đạo được tới đâu? Đức tin có lớn mạnh không? Hay theo đạo vì hiếu thuận, đạo của cha ông thì mình theo? Giữ đạo vì tình cảm, thấy đẹp đẹp, hay hay nên quý nhưng thật ra chỉ có chút ít tiềm thức (cái biết ẩn sâu trong con người) nào đó thôi.

Nhìn người, để nhìn mình và cố gắng cải tiến. Xin Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân bộ mặt trần thế (Renovabis facem terrae).

5. Giữ Đạo Cách Tự Nhiên - Cách Siêu Nhiên.

Chúng ta thường nghe nói: tự nhiên, siêu nhiên, nhưng không mấy để ý, nhưng thiết nghĩ vấn đề này cũng khá quan trọng. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu.

A. Tự Nhiên, Siêu Nhiên Là gì?

Tự nhiên cũng có thể nói là thiên nhiên, trời ban cho, tự nhiên có các yếu tố cấu thành một bản tính và có những tác động đúng hợp với tâm tình. Cây có bản tính sống lớn lên, cầm thú có bản tính biết cảm xúc và hành động theo bản năng. Thiên nhiên: Trời khiến như thế. Đó là tự nhiên.

Riêng về con người có xác, có hồn. Hồn có tài năng, lý trí và ý chí: biết được chân lý và mộ mến được thiện mỹ, đó là bản tính tự nhiên của con người.

Khi Chúa tạo dựng thì Chúa lại nâng bản tính con người lên: Chúa tạo dựng Adong và Evà trong tình trạng siêu nhiên.

Siêu nhiên có thể hiểu là những chi trên bản tính tự nhiên. Tự nhiên không có quyền đòi.

Cái sống của con người được nâng lên làm cho con người có sự sống giống như sự sống của Chúa. Nhà thần học nói là thông phần, là tham gia vào sự sống của Thiên Chúa.

Trong thực tế, nhờ mạc khải, nhờ Hội Thánh truyền, chúng ta biết được: con người được siêu nhiên hoá nghĩa là được hiểu biết như Chúa biết (đức tin), thương yêu như Chúa thương yêu (đức mến).

Không những hướng về Chúa, lệ thuộc Chúa như vật thụ tạo, mà được Chúa nâng lên cao hơn là được thân mật với Chúa, nên nghĩa tử của Chúa, và hưởng gia nghiệp, được kết hiệp với Chúa.

Thêm vào đó, Chúa còn ban cho con người được ơn thiên phú thức (những đều đáng lý ra phải học mới biết), có khả năng chủ trị dục vọng và không bệnh, không chết. Những điều trên này thì gọi được là tự nhiên hay siêu nhiên tương đối. Khổ nổi ông bà nguyên tổ đã không tuân lệnh Chúa là mất tình trạng siêu nhiên. Tình trạng này phải là cao siêu, quý trọng nên vì đó mà Chúa đặt chương trình cứu chuộc, tái tạo, Chúa giáng sinh, chịu chết để cứu độ, để ban lại tình trạng siêu nhiên thuở đầu. Con người vẫn có thể nhờ sống siêu nhiên mà thu đạt đuợc ơn chủ trị dục vọng và sống đời đời.

Chúa đã dùng mạc khải để tỏ cho chúng ta biết đạo chúng ta siêu nhiên, vượt trên bản tính, trên hiểu biết của chúng ta. Chúa cũng dùng mạc khải để dạy chúng ta biết cách thế siêu nhiên để sống đạo siêu nhiên.

B. Như Thế Nào Là Sống Đạo Cách Siêu Nhiên:

Chống đạo lạm dụng đạo thật tình chúng ta sống đạo siêu nhiên, giữ đạo cách siêu nhiên không?

Có khi chúng ta chưa nghĩ đến và trong thực tế chúng ta giữ đạo theo lệ thói, theo tình cảm không tìm hiểu chi cả. Mặc dầu là nhân linh có lý trí, mà giữ đạo không hiểu biết thì không mấy khác biệt với vật theo bản năng!

Nếu chúng ta giữ đạo vì là phận sự của vật thọ tạo phải tôn thờ Đấng Tạo Dựng, phận sự thay thế và hướng về Chúa, lệ thuộc Chúa, tôn thờ Chúa để khỏi Chúa phạt, để Chúa ban ơn, ban phúc - mặc dầu Chúa đã ban lại cho chúng ta tình trạng siêu nhiên - nhưng sống như thế là còn trong ảnh hưởng của tự nhiên (tâm trí tự nhiên có thể thấy biết).

Sống đạo siêu nhiên, sống đạo cách siêu nhiên là các tác động của chúng ta phải phát xuất từ sự sống siêu nhiên, nghĩa là sống ý thức theo đức tin soi dẫn, đức mến thúc đẩy. Không tác động như nô lệ nhưng tác động như người thân, người con của Chúa, tác động để mong kết hiệp với Chúa.

Giữ đạo cách siêu nhiên thì không phải chỉ hiểu về việc xem lễ đọc kinh thôi. Mà cũng phải nhờ đạo là kỷ luật hướng dẫn mối tương quan với Thiên Chúa, với xã hội, với người, với mình. Do đó cũng phải siêu hoá luân lý đối xử, liên hệ. Và có thể siêu hoá các tác động như ăn, uống, ngủ, nghỉ, kể cả vui chơi giải trí. Giữ được mức trung dung thì kể được là đức (virtus in medio stat). Nhưng siêu hoá nó thì giá trị nó được tăng

(Ghi chú: Chúa cho tôi thấy mình hèn kém nên cần phải giải trí, mong nhờ đó tôi làm việc tốt hơn, tôi phục vụ nhiều hơn. Ít ra tôi cũng bớt bị căng thẳng bớt cau có rầy la thiên hạ).

Còn đều này, chúng ta không ngờ, không mấy ai để ý là: chúng ta có thể siêu hoá các vật thọ tạo (các vật vô tri, vì là vật thọ tạo nên phải hướng về Chúa, con người dùng các vật thọ tạo, nhờ có lý trí do đó biết hướng về Chúa, thay cho vạn vật hướng về Chúa, làm cho vạn vật thật sự có ý nghĩa); con người là động từ của vạn vật.

Thánh giá được Chúa dùng để chịu chết đã được siêu nhiên hoá và thực tế được tín hữu sùng kính.

Kết luận: đạo chúng ta là đạo siêu nhiên. Chúa đã dùng mạc khải là việc siêu nhiên để dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta. Chúa mạc khải những chân lý vượt trên hiểu biết tự nhiên của chúng ta. Chúa cũng dạy chúng ta dùng những phương pháp siêu nhiên. Do đó chúng ta phải giữ đạo cách siêu nhiên mới đúng, mới thích hợp. Hiện thời chúng ta giữ đạo thế nào?

Nguyệt San Mục Vụ
Giáo phận Vĩnh Long

Đọc nhiều nhất Bản in 03.06.2006. 10:32