Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhà Trường

§ Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Ðang lúc đợi thời lớn lên, con bắt đầu phải đi học. Nhưng chỉ trong vòng hai tháng, con ngã bệnh, và phải bỏ trễ việc học.

Con mắc bệnh chỉ vì một lẽ phải đi học, có thế thôi.

Ðể cho cha rõ căn do cơn bệnh, con xin thành thật kể hầu cha rành mạch từng chi tiết.

Thưa cha, dầu đây là ý Chúa, nhưng trước hết con phải buộc tội cho nhà trường đã làm cho con sinh bệnh. Bệnh con mắc phải đây, không phải là một thứ bệnh ngoài thân xác, nhưng là thứ bệnh tinh thần, và do đó nó đã làm cho thân xác con cũng phải ra hao mòn kiệt quệ.

Con muốn nói: Chính vì cái mốt giáo dục quá khắt khe của nhà trường, làm cho con bị đè nén như quả dưa trong vại muối; và theo chính sách hành động của nó, con không có thể gọi nó là một nhà trường, mà phải nói là một trại tập trung của các con trẻ, và trong đó, chính ông thày là một tên lý hình độc ác.

Hồi ấy, nghĩ đến nhà trường, con không có cảm tình gì hết. Trái lại chỉ làm cho con thêm ghét. Con không muốn đến, và chỉ ao ước người ta phá đổ nó đi.

Ở trong lớp cũng như ngoài sân chơi, ông thày là một chướng ngại vật, không cho phép chúng con được tự do. Con có ý nói tự do trong khuôn khổ tốt đẹp của tuổi trẻ. Trong lớp, luôn luôn mặt ông vểnh lên trời; cặp mắt soi mói của ông không hề rời khỏi từ góc nọ đến góc kia; ông thường đi đi lại lại, hai tay bẻ quặt lại sau lưng với chiếc roi mây chấp tư, đó là chiếc roi hạng nhẹ, ông thường cầm để đi lại cho dễ, còn một cái nữa chấp tám, nặng và dài hơn, đầu có quấn thép, ông thường dùng vào việc để tra tấn những anh học sinh nào dám biếu thày những món quà "không ngon".

Những món quà "không ngon" đây cha nên hiểu là những hòn đá nện vào lưng thày trong những buổi tối chập choạng; hay những gói "bẩn thỉu" nhét vào hộc bàn của thày. Mà những món quà ấy phần nhiều chỉ có các anh học sinh lớn mới dám chơi.

Khổ một cái, là mỗi lần ông đi lại, thì thế nào cũng phải có một vài anh chịu để cho ông thử vài roi. Anh này ngồi viết không ngay ngắn, ông lôi ra sửa lưng cho mấy vọt. Anh kia ngồi đọc sách chống cằm, ông cũng gọi ra dậy dỗ cho mấy roi. Chỉ có những cái lặt vặt thế thôi, mà ông đánh cũng mỏi tay. Thế rồi ông la, ông quát, ông đập bàn giậm chân, ông rủa, ông riếc, tụi chúng bay đầu hoi như chó cún, dậy dỗ thêm mệt cả người ra.

Bởi thế, trong chúng con, anh nào cũng nem nép, sợ ông như sợ quỉ. Trong giờ chơi, nếu có mặt ông ở sân trường, đố có anh nào dám ho he; hễ thấy ông đâu là anh em bảo nhau lẩn đi như cắt. Chơi ở chỗ khác, chứ chả thèm chơi ở trước con hùm xám ấy.

Ðối với tụi bé như con, còn thảm hại hơn thế nữa. Nhiều khi chỉ vì thấy ông đánh các anh lớn thôi, mà cũng chết khiếp đi, la khóc om xòm, có anh tính bậy cả ra vì sợ. Cha sẽ cười vì nghe con tả. Nhưng đó là những câu truyện thường xẩy ra. Mà thật là tội nghiệp! Nhiều khi chỉ vì sợ cái vẻ oai của ông thày, mà có nhiều em bé không dám đứng lên xin phép đi ra ngoài một tí, đành nín yên, cứ cố đợi cho đến lúc tan học, nhưng nhiều khi nhịn không thấu, phải để "tự do" ra quần áo. Thật đáng mỉa mai cho cái oai của ông thày. Rồi nhân những cơ hội ấy, các anh lớn lại có dịp biếu thày những món quà "không ngon". Thế mà thày giáo của chúng con vẫn cứ cho cái cách oai của mình là có giá trị.

Nhưng mà nào đã hết. Ông còn bày ra lắm cách phạt đến oái oăm, vừa dã man vừa tồi tệ. Chẳng hạn: Ông bắt những anh không thuộc bài phải chui qua háng các chị; đối lại, các chị cũng phải chui qua háng các anh; đang lúc chui, anh hoặc chị phải giạng chân ra, tay cầm chiếc roi mây, vụt lấy vụt để vào mông người bị chui, để cho người bị chui vừa sỉ nhục, vừa bị đau. Còn thày giáo của chúng con thì đứng cười khanh khách, như xem một vai hí kịch đặc biệt.

Nhưng cách phạt ấy chỉ tổ làm cho các chị con gái thêm xấu hổ, chứ đối với các anh con trai thì chẳng lấy gì làm khó. Các chị thường lấy việc bị chui làm dễ hơn việc để cho các anh chui dưới chân mình. Có nhiều chị vì mắc cỡ quá phát khóc lên, nhưng cũng phải chịu, vì nếu không thì thày giáo lại ra kiểu mẫu cho, thì càng khốn hơn nữa.

Thưa cha, đó là một trong những cách phạt mà con thường thấy diễn đi diễn lại hằng ngày trong nhà trường. Mà con chỉ có thể tả ra một cách mờ mờ vậy, nhưng con tưởng nó cũng đã quá tục tĩu mất rồi.

Thật là mỉa mai cho cách giáo dục của một nhà trường. Mà còn mỉa mai hơn thế nữa cho một nhà trường đã được gọi là hoàn toàn Công Giáo!

Nếu cha đem so sánh hai cử chỉ vô giáo dục như con đã kể ông thày và học trò. Học trò thì lấy phân để làm quà cho thày, và thày, thì ra cho học trò những cách phạt vô luân ấy, thì cử chỉ nào vô giáo dục hơn? Mà nếu ông thầy đã vô giáo dục, thì học trò còn có giáo dục làm sao được?

Cho nên, theo lời Chúa phán: Ngươi gieo giống nào, thì sẽ gặt giống ấy.

Vậy phải kết luận: Ông thày vô giáo dục thì phải chịu đựng những tư cách vô giáo dục của học trò.

Ðối với một ông thày như thế, một đứa học trò dù dễ tính đến đâu, cũng không hề có một chút cảm tình gì. Quả thế, sau ba năm đè lưng hà hiếp lũ đầu non, đang là một thày giảng bệ vệ, ông sa ngã một cách nặng nề, rồi cuốn gói đi theo một cô bắt ốc. Cho đến nay, mỗi lần nhắc đến là môn sinh của ông lại bĩu môi:

- Giáo với giếc gì cái thằng quỉ sứ ấy!

Ðó là câu ân nghĩa, do sự giáo dục của ông.

Phần con, ơn Chúa thương, may mà sớm được thoát khỏi cái ách giáo dục vô luân ấy, bằng không, nếu cứ tiếp tục ở đấy ba năm, không biết rồi con sẽ ra làm sao?

Nhưng may mắn, con đã bị bệnh. Do sự tai ác và vô luân ấy, con phải cầm cự với biết bao là cái khổ. Ðàng khác, con không thể làm một việc gì trái với lương tâm con được. Con cứ phải chịu cho sự đè nén ấy chất nặng trên trái tim non nớt của con.

Luôn luôn con nghĩ đến nhà trường mà nhà trường lại là cái hình khổ nặng nề cho con. Cho nên hễ nghĩ đến là con sợ. Rồi cái sợ ấy làm con ra thất đảm, không còn nghị lực để hoạt động. Con tự dưng trở nên một đứa trẻ lười nhác, con lười bất cứ trong một việc gì, cả đến việc ăn việc ngủ, con cũng biếng làm. Hễ cứ trưa về, con nghĩ đến chiều lại phải đi học, rồi chiều về con lại nghĩ đến mai phải đi học, và cái nghĩ ấy làm cho con sợ hãi không sức nào ăn hoặc ngủ cho yên. Người con ngày một trở nên gầy còm xanh xao, thẩn thờ, ít nô chơi, dễ tủi thầm, có những câu truyện chẳng đáng gì, cũng làm cho con sụt sùi một cách không hổ thẹn.

Tự nhiên hằng ngày con vẫn lên bàn thánh để đón của ăn sức mạnh. Và sáng nào con cũng chỉ xin Chúa Giêsu cho con được lên trời với em con, để con khỏi phải đi học. Vì ít tháng trước đây con mới được một em trai, nhưng em chỉ phải sống trong sũng khốc khốn nạn này có vài ba tháng, rồi được Ðức Mẹ đón lên trời ngay. Em chết cách yên lặng như một cánh hoa rơi, và sau khi chết mặt em tươi tốt hồng hào đẹp không khác gì những giấc ngủ ngon lành của em khi còn sống.

Ngày nay con cũng chỉ khao khát được hạnh phúc chết như em, để về trời cùng Ðức Mẹ, nô chơi với các thánh Anh Hài, và nhất là để được Chúa Giêsu thơ bé ôm ghì vào lòng mà yêu dấu. Rồi từ đây, mỗi khi con nghĩ tưởng đến nhà trường, thì con lại nhớ đến thiên đàng, và ao ước cho lý hình thể xác mau mau làm cho hồn con đoạn tuyệt với cái sống khổ não ở trần đời để được về cùng Chúa trên cõi sống vô biên!

Nhưng cái chết còn xa con quá! Chúa Giêsu còn muốn con chịu nhiều đau khổ nữa ở thế gian này, mà đây mới là một cơn gió đầu mùa, báo trước cho những ngày giông tố sẽ tới sau. Người còn muốn dùng thân xác con để chịu đau đớn, nhục nhã, và hao mòn, để làm cho ngọn lửa ái tình đang bốc cháy mạnh mẽ trong Trái Tim Người được lan tỏa trong tâm hồn mọi người trên thế giới. Nên con có thể nói: Bệnh con không có thể chết, mà chỉ để làm cho Ái Tình Chúa được rạng chói.

Thày mẹ thấy sức con tiêu hao mau chóng quá, lại giở những chứng khó tính lạ. Một hôm mẹ đem con đến nhà cụ lang để thăm mạch. Thăm rồi cụ bảo con yếu thần kinh hệ.

Nhưng con thì con cãi rằng:

- Bẩm cụ, cháu chả thấy đau gì cả, cháu chỉ có cái là sợ phải đi học thôi, vì thày giáo ác lắm.

Nhưng cụ lang dường như không chú ý đến câu con nói. Cụ nhìn con qua đôi mục kính, rồi gọi mẹ con ra một chỗ riêng để nói những gì con không biết.

Sau đấy, về nhà, mẹ lại đem con vào hầu cha xứ, và xin cho con thôi học, vì lẽ thày lang bảo con yếu thần kinh hệ, phải cho thôi học tạm ít lâu.

Ha! được nghe nói không phải đi học nữa, con thích quá, tự nghĩ: bây giờ con tha hồ mà lần hạt, mà đi viếng Thánh Thể, tha hồ nô chơi với em Tế, và nhất là không còn cái khổ phải thấy cái bộ mặt dữ tợn của ông thày nữa.

Không những thế, mẹ còn hứa với con: Nhân dịp này mẹ sẽ cho em đi hầu cha xứ Nhã ở Hữu Bằng.

Cha Yoseph Nhã là thày dậy mẹ con khi xưa, hiện đang làm chính xứ Hữu Bằng. Theo mẹ thuật thì cha là một linh mục nhu mì hiền hậu, và rất sốt sắng. Mẹ cũng đã hứa sẽ dâng con cho người để giúp đáp việc tông đồ, và cũng có ý nhờ người làm quan thày chỉ giáo cho, để một mai, nếu đẹp ý Chúa, con sẽ có thể trở nên một vị tông đồ hữu ích.

Theo ý mẹ thì mong dịp nầy mẹ chỉ có ý cho con đi thăm cho biết người mà thôi, chứ chưa có ý định để con ở lại với người. Nhưng con thì con ao ước, giá được mẹ cho ở liền thì vui thú biết bao! Vì con chỉ thích được đi tu ngay, chứ đợi cho đến lớn thì sợ uổng mất.

Vậy khoảng độ trung tuần tháng năm 1935, mẹ con cùng với người mợ họ, đưa con đi hầu cha Nhã. Nhân tiện mẹ cũng có ý đem con đi chơi cho khuây khỏa. Nên mẹ đã đưa con lên tỉnh Bắc Ninh trước, cho con biết nhận xét cái thành thị nó ra làm sao.

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 02.08.2006. 23:22