Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình huynh đệ

§ Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Gia đình con, trong có ba anh em, con vẫn còn là bé út. Hai anh chị con thì ngày ngày cắp sách đến trường làng, còn mỗi mình con ở nhà với thày mẹ. Những lúc ấy thật là buồn, nhưng con rất chú ý, hễ động nghe tiếng ra chơi, là con thoăn thoắt chạy ra cổng trường để đón anh chị, những lúc ấy con được rất nhiều hình, những hình ảnh voi ngựa bé bủn, tuy chẳng có gì là ý nghĩa, thế mà cũng làm con vui thú lắm. Rồi tức tốc con chạy về đem khoe mẹ những món quà kỳ khôi ấy, và hễ mẹ có cho bánh kẹo gì, con cũng chạy đem chia cho các anh chị con ngay.

Ô, hồi ấy chúng con sống có những ngày rất yêu thương, mặn nồng. Ngoài những giờ phải đi học, còn thì lúc nào con cũng được anh chị quây quần nô giỡn. "Em bé" cái tên cưng nhất con được nghe mỗi khi anh chị gọi con đi chơi, hay cho tặng một món quà.

Trong các ngày thứ Năm, ngoài giờ mẹ dậy bổn, vì con tuy bé nhưng cũng phải có chương trình học hành như hai anh chị, chỉ khác có một điều là các anh chị thì học chữ còn con thì học bổn, hay tập chào hỏi, ăn nói lễ độ.v.v. và chính mẹ làm bà giáo dậy con. Nhưng hễ hết giờ học ấy thì con lại được chị Lê đem lại bên án thư để dậy con học chữ. Nhưng đó chỉ là một lẽ để chị dành phần giữ con, thế cho cô ở mà thôi, chứ thật ra chị chỉ dậy con vài ba chữ A B C qua quýt rồi đùa nghịch với con, hay giở hình ra cho con coi. Rồi chúng con, cả ba đem nhau ra vườn rước kiệu, hoặc dựng nhà dựng cửa, xây thành đắp lũy, đào ao, tát chuôm, làm làng lập ấp, rất là vui thú.

A! con nhớ đến những cuộc rước kiệu chúng con tổ chức, thì thật là buồn cười; đôi khi có cả trẻ con hàng xóm đến dự. Những vật dụng trong cuộc rước kiệu thì rất sơ sài; kiệu nặn bằng đất sét, chuông cũng bằng đất sét, mà những thứ đó thì tuyền là do bởi bàn tay khéo léo của anh Liệt tạo ra. Tuy nhiên, không kém phần mỹ thuật. Cờ quạt thì toàn bằng lá chuối chen lẫn với những cánh hoa tươi đủ mầu, chăng trải từ đầu nọ đến đầu kia, thật không khác gì những sợi tơ màng nhện được trang điểm. Tất cả được bày giãi do trí tưởng tượng non nớt của chúng con. Duy chỉ có mẩu ảnh Ðức Mẹ là lấy ở đầu giường đem ra.

Khi việc trang hoàng đã xong, chúng con đánh trống bằng miệng, thổi kèn cũng bằng miệng, triệu tập tất cả lại chung quanh kiệu Ðức Mẹ, bé bằng nắm tay; rồi chúng con hát; hát xong thì cắt phần việc cho mỗi người; anh thì làm cha, anh thì làm đồng nhi, anh thì làm phường trống, anh thì thổi kèn; còn các cô con gái phải đóng vai học trò, và bà dòng để đọc kinh. Nhưng có nhiều lúc thiếu chân, nên một người mà đóng hai ba vai, như anh làm cha, thì một thể phải khiêng kiệu, và làm phường trống; phải chia quãng ra mà hành sự; phải đọc kinh lìu xìu một tí, rồi thỉnh thoảng phải đánh trống "tung tung" để mọi người đi theo đều. Lúc nào lần hạt thì kiệu ngừng lại một chỗ. Sau cùng đến cuộc chầu phép lành. Chúng con không có "hào quang" nên chỉ rung chuông và cúi đầu trước ảnh Ðức Mẹ mà thôi.

Ô, cái cảnh tượng hồn nhiên ấy, nếu các thiên thần trên trời có đưa mắt nhìn xem, chắc các đấng không thể khỏi nín cười được, và với cặp mắt Mẹ hiền dịu, không thể nào không theo dõi từng cử chỉ bé bủn của lũ bé chúng con. Con cảm tưởng như khi ấy Mẹ đã mỉm cười với đàn con thơ bé ấy, và biết đâu, chính Mẹ cũng đã đến dự cuộc rước ấy với chúng con.

Thưa cha, những cuộc rước ấy rất vui, không những xác, mà còn làm cho cả hồn con càng có một giây thân mật bền chặt với Mẹ trên trời nữa. Bởi thế, có bao giờ thày mẹ cấm chúng con rước kiệu đâu? Chỉ có cô ở là không bằng lòng, vì cô phải quét sân.

Sau những cuộc rước ấy, con còn được anh đưa di chơi xa. Có thể nói được là đi săn. Thưa cha thú lắm. Muốn dễ dụ con theo, anh cũng thường lấy cái mốt cho con "đi ngựa" như thày, để anh đưa đi bắn chim, hoặc săn chuột. Anh con có cái tài bắn ná cao su đặc biệt, và tìm hang chuột rất giỏi. Thường là về mùa gặt, các cánh đồng khô cạn và quang đãng, anh thường đem con vện đi ra đồng săn chuột. Các chú chuột nhắc bé tí, nhũn nhặn, hiền lành, coi rất dễ thương. Thường con rất ưa chơi với những con vật ấy, nhưng ít khi chơi được lâu, vì bà mèo thường hay ghen, nên đã cướp mất của con bao nhiêu là sự vui thú ấy. Các chú chim cũng phải trong cơ hội ngặt nghèo như thế, nên đã làm cho chúng con mất cái thú nghe chim hót trong nhà.

Nhưng những cuộc đi săn thường hay quyến dũ anh em nhà thiện xạ đi xa quá trớn. Lắm lần bị trẻ con làng bên đón đường đột kích, cùng ý của chúng chỉ là muốn bỏ bụng vài ba chiếc bánh, hay gói kẹo, mà không cần phải xin ai, nên hễ cứ thấy trẻ lạ mặt là ào ra hạch họe để thỏa sự thèm khát.

Nhưng anh em chúng con lắm lần cũng chả sợ. Cái sức mạnh đã làm cho anh hiên ngang lắm, và đã chiến thắng nhiều phen, là chiếc ná cao xu. Nhưng cũng có lần phải cấp tốc rút lui, vì lực lượng chúng đông. Khổ một nỗi, là cuộc giao tranh như vậy thường xẩy ra, nên về sau mẹ đã ra lệnh cấm anh em nhà thiện xạ không được xông pha quá trớn nữa.

Thưa cha, chắc cha cũng thừa hiểu rằng: những câu truyện đánh đấm nhau ấy, có thể đưa con trẻ đến một chỗ vô giáo dục được, vì thế mẹ đã cấm. Nhưng cũng tỏ ra tình anh em rất bền chặt.

Anh con chẳng khi nào chịu lùi bước khi chưa lấy lại được cho đứa em chiếc bánh đã bị cướp, hoặc gói kẹo đã bị xâm chiếm. Dầu nguy hiểm mấy anh cũng cứ xông pha. Có lần bị sưng cả mặt lên vì kháng chiến cho em. Mà con, cũng thấy lòng dũng cảm, tuy bé thì bé, con cũng biết nhặt đá cho anh bắn, và khi có thể, con xông vào đám chiến như con chó dữ, dùng răng để cắn, nhất là khi thấy anh đã bị thương. Và sau mỗi lần bình chiến là anh em lại thấy giây thân mật ghì kết chặt chẽ đôi lòng lại.

Song thảm thay! ngày vui đang tươi sáng, thì đột nhiên, một vòm mây đen xám vụt đến xô che ánh mặt trời. Anh con, Chúa đã sớm dắt vào con đường đau khổ. Vừa được 13 tuổi, thánh giá tàn tật đã đặt để trên vai anh.

Anh bị đau mắt một dạo, rồi không rõ, mắt anh cứ bị mờ dần đi, và cho tới ngày nay anh vẫn còn phải ở trong cảnh huống u mờ ấy. Song với sức can trường anh vẫn nói: Nếu Chúa không muốn anh lành lặn, anh xin vui lòng chịu cho đến ngày được gặp ánh thiều quang trên quê hằng sống!.

Ðời anh thế là đã chìm mờ trong bóng tối như đôi tròng ngươi mất sáng.

Ôi! Thánh ý Chúa! Thánh ý Chúa là tất cả mọi sự đẹp đẽ của lòng người yêu Chúa!

Trong lòng con từ đây khuyết hẳn một nụ cười.

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 02.08.2006. 23:04