Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trái Tim Yêu Thương

§ Lm Giuse Trần Thanh Giang

Vào tháng Giêng năm nay (2006) tôi đã về Việt Nam để thăm những người Thượng Cùi và các em Cô Nhi tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Đặc biệt, tôi có ghé thăm trại cùi Di Linh, Lâm Đồng. Đây là trại cùi của anh em dân tộc thiểu số do Đức Cha Jean Cassaigne thành lập. Tôi hân hạnh được gặp Sơ Mai Thị Mậu, thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Sơ đã kể cho tôi nghe về trại phong Di Linh. Được biết Sơ đã phục vụ cho người Thượng cùi tại làng này từ năm 1973.

Cũng dịp này Sơ đã tặng tôi một cuốn sách nhỏ "Phong Giữa Người Phong" do Linh Mục Nguyễn Tự Do viết về cuộc đời của Đức Cha Jean Cassaigne. Sau đây, tôi xin mạn phép tóm lược ngắn gọn cuộc đời của Đức Cha để mọi người cùng biết một tấm lòng yêu thương bao la mà Ngài đã dành cho những người bất hạnh tại quê hương thân yêu của chúng ta.

Bishop-JeanCassaigne.jpg

Đức Cha Jean Cassaigne

Cậu Jean Cassaigne (Người Việt gọi là Gioan Sanh) sinh ngày 31 tháng 01 năm 1895, tại Pháp. Cậu mồ côi mẹ lúc mười hai tuổi, sống với cha mình là Joseph Cassaigne.

Trong thời niên thiếu, Gioan Sanh đọc rất nhiều sách báo đặt biệt là cuốn sách Hành Trình và Truyền Giáo của Cha Đắc Lộ cũng như cuốn tiểu sử của Cha Damien Veuster, vị thừa sai đã mắc bệnh cùi và chết giữa người cùi. Những hình ảnh của Cha Đắc Lộ và Cha Damien Veuster đã thúc đẩy Gioan Sanh để trở thành một vị Linh Mục Thừa Sai.

Năm lên 18 tuổi, Chàng Gioan Sanh nhập chủng Viện Thừa Sai Paris. Nhưng không may là vào năm 1914, chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Đức Ngài phải gia nhập quân đội.

Nhưng sau 5 năm phục vụ trong quân ngũ và ước nguyện làm Linh Mục Thừa Sai vẫn còn, nên chàng đã xin nhập vào Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris và được đào tạo tại đó. Ngày 6-6-1925, Thầy lãnh nhận chức Phó Tế và được thụ phong Linh Mục ngày 19-12-1925.

Sau khi nhận chức Linh Mục, Cha Bề Trên chính thức sai Cha Gioan đến Sàigòn để truyền giáo và Cha đã đặt chân lên mảnh đất Sàigòn ngày 5-5-1926.

Việc đầu tiên khi đến Việt Nam là Cha rất chịu khó học tiếng Việt và phong tục tập quán của người địa phương. Sau đó không lâu Ngài nhận được bài sai về truyền giáo vùng đất Di Linh, Lâm Đồng. Tại đây, Cha Gioan Sanh đã phải đương đầu với nhiều thử thách và thiếu thốn. Nhưng với tấm lòng yêu thương và hy sinh của một vị Cha chung nên rất nhiều người mến mộ, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Có rất nhiều người nghèo, bệnh nhân, cùng những người phong cùi đến với Ngài. Ngài luôn luôn an ủi và giúp đỡ cho những người phong cùi như những người thân yêu nhất của Ngài.

Vào năm 1929, Cha Gioan Sanh đã thành lập một làng phong tại Di Linh. Có rất nhiều bệnh nhân cùi đã được đưa về chăm sóc và nuôi dưỡng. Với công việc đầy tình yêu thương của Ngài nên dần dần nhiều người biết đến và rất mến mộ.

Vào ngày 24-6-1941, Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Sàigòn. Khẩu hiệu Giám Mục của Ngài là: AMOR ET CARITAS (Tình Yêu và Bác Ái). Ngài phải rời khỏi ngôi làng thân thương mà Ngài đã gắn bó để vào Sàigòn nhận nhiệm vụ chủ chăn.

Năm 1955, chứng bệnh phong cùi đã được phát hiện trong thân thể Ngài. Với chứng bệnh đau nhức ấy, Ngài không thể tiếp tục cai quản Giáo Phận Sàigòn nên đã đệ đơn xin phép từ chức để trở về làng phong Di Linh và đã được Tòa Thánh chấp nhận. Ngài đã quay lại làng phong Di Linh để sống với những ngày còn lại với anh em cùi. Ngài đã qua đời vào ngày 31-10-1973 và được chôn cất tại làng phong này.

Cuộc đời của Đức Cha Gioan Sanh luôn hướng về người nghèo nhất, đau khổ nhất, không những chỉ đói khát về phần thiêng liêng mà còn tàn tệ cả tâm trí và thể xác. Ngài luôn luôn yêu thương, tận tình chăm sóc và xoa dịu nỗi bất hạnh của những người mắc bệnh cùi. Bất chấp những khó khăn và thử thách, Ngài vẫn sống một cuộc đời yêu thương của một vị Cha chung. Ngài đã mang trong mình một trái tim đầy yêu thương và trao tặng tất cả cho những người bất hạnh.

Tuy Đức Cha Gioan Sanh đã vĩnh viễn ra đi, nhưng những hình ảnh của Ngài vẫn mãi mãi sống trong lòng người Việt Nam, đặc biệt là những người phong cùi.

Lm Giuse Trần Thanh Giang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.05.2006. 23:05