Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tinh thần truyền giáo của thánh Têrêsa

§ Therese Tuyết Trinh

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897) qua đời năm 24 tuổi, vỏn vẹn có 9 năm tu dòng. Được phong thánh năm 1925. Từ đây, qua các triều đại, các ĐGH không ngớt lời ca tụng tán dương học thuyết con đường tu đức thơ ấu của vị thánh trẻ thành Lisieux. Năm 1927, ĐGH Pio XI đặt Ngài làm Quan Thầy các Xứ Truyền Giáo, như thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1944, ĐGH Pio XII đã gọi Thánh Nữ là "vị thánh có nhiều phép lạ nhất của thời đại mới này", và tôn đặt Têrêsa làm Quan Thầy thứ hai của Nước Pháp đồng hành với thánh Jeanne d’Arc. Thánh GH Pio X, trong buổi triều yết riêng với một vị thừa sai, đã tuyên bố: "Thánh Têrêsa Hài Đồng tự làm chứng thư cho lời mình viết, làm chứng cho Dòng Kín. Chính người có sẵn một tâm hồn lớn lao cao độ. Chính người là vị thánh lớn lao trong con đường nhỏ bé thơ ấu đơn sơ. Chính người là vị thánh lớn nhất thời đại mới". Lời này như tiên báo. Để đến năm 1997, nhân dịp JMJ, tại Paris, ĐGH đương kim đã tuyên bố Thánh Nữ là Tiến Sỹ Giáo Hội. Năm 1980, Đức Gioan Phaolo II, vị GH đầu tiên đến Lisieux, đã nhấn mạnh con đường thơ ấu là con đường thánh thiện của tuổi trẻ.

StThereseOfLisieux_LittleFlower.jpg

Hàng ngàn cuốn sách viết về Thánh Têrêsa. Cuốn "Một Tâm Hồn" đã được dịch ra tới 60 thứ tiếng, (có tiếng Việt). Toàn bộ "Thủ Bản Tự Thuật" là nền tảng tu đức của Thánh Nữ. Hầu như các nhà thờ trên thế giới đều có tượng để tôn kính Thánh Nữ. Từ 1997, kỷ niệm 100 năm Ngài qua đời, chương trình rước Xương Thánh Nữ đang được nhiều nơi đón tiếp trọng thể, kể cả Nga Sô.

Sống trong khung cảnh tu viện dòng Kín, nhưng tư tưởng truyền giáo của người nữ tu nhỏ bé này đã vượt ra khỏi bốn bức tường đến những nơi thật xa xôi.

Trước hết, Chị xác nhận mình có ơn gọi làm nữ tu Dòng Kín. Nhưng Chị cảm thấy có ơn gọi làm linh mục, làm tông đồ thừa sai giảng đạo, và cắm thánh giá trên khắp thế giới. Trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, Chị ao ước tử đạo dưới mọi hình thức: Bị lột trần như thánh Barthélemy, bị vất vào vào dầu sôi như thánh Gioan, bị lưỡi gươm đâm như thánh Agnès, bị thiêu sống như thánh Jeanne d’Arc.

Nhưng Chị đã tìm ra câu trả lời cho những ước vọng vô biên rằng "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,16). Chỉ có tình yêu làm cho các chi thể của Giáo Hội hoạt động. Tình yêu tắt, thì vị tông đồ không còn rao giảng Tin Mừng và kẻ tử đạo cũng không còn đổ máu.

Cuối cùng, Chị Thánh xác tín: Con tìm ra chỗ đứng của con trong Giáo Hội: ơn gọi của con là Tình Yêu. Do đó, ước mơ của Chị đã thực hiện cùng một lúc.

- Không hoạt động xa, thì cầu nguyện để cứu các linh hồn. Một hôm, Chị hay tin anh Pranzini đã giết một lúc ba người vào đêm 16 rạng 17-3-1887. Phiên xử anh kéo dài từ 9 đến 13-7. Anh sẽ bị tử hình vào 31-8-1887. Ai cũng lo sợ anh chết trong chai đá và tội lỗi. Với bất cứ giá nào, Chị muốn cứu anh khỏi xa hỏa ngục. Chị đã cầu nguyện phó thác vào Chúa và xin một lễ cầu cho anh. Chị đặt hết niềm tin vào lòng nhân từ thương xót tội nhân và ơn cứu rỗi. Chị rất mực xin cho tội nhân tỏ dấu ăn năn trước khi chết. Quả thật Chúa nhận lời, mặc dầu anh chưa xưng tội, nhưng trước khi bước lên máy chém, được ơn Thánh thúc đẩy, anh đã cầm hôn ba lần Thánh Giá, do linh mục giơ lên, với lòng thống hối ăn năn sám hối thực tình.

- Theo Chị, hy sinh trong đời sống thường ngày để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo là hữu hiệu và kết quả hơn cả. Như cư xử hài hòa, lễ độ với các chị khó tính, hoặc không nghiêm chỉnh với kỷ luật. Chăm sóc chu đáo những chị lớn tuổi hay bệnh tật. Còn chính mình, phải phấn đấu liên tục để sống bác ái, lãnh nhận các Bí tích, cầu nguyện và sống theo qui luật dòng.

- Trong một chuyến đi thăm Ý, qua một tháng tiếp xúc với nhiều linh mục thánh thiện có, khô khan có. Chị nhận thấy có ơn gọi cầu nguyện cho các linh mục. Dù chức linh mục nâng các ngài lên như thiên thần, nhưng các ngài vẫn còn yếu đuối và dòn mỏng.

- Điểm nổi trong tinh thần truyền giáo của Thánh Têrêsa là nhận các linh mục thừa sai là "anh thiêng liêng", để ít nhất cầu nguyện yểm trợ cho công tác mục vụ của các ngài. Têrêsa được phép liên lạc thư từ với một số thừa sai. Như thánh Jean Théophane Vénard Ven, tử đạo tại VN năm 1861. Thánh Nữ rất ngưỡng mộ đời sống và tư tuởng của Thánh Vénard, nên đã viết: "Tư tưởng và tâm hồn tôi giống như tâm hồn và tư tưởng của Ngài".

Năm 1992, ĐGH Gioan Phaolo II đã gửi sứ điệp cho giáo dân Pháp:

"Là quan thầy của các xứ truyền giáo, Thánh Têrêsa cũng là quan thầy của đất nước anh chị em sinh sống. Từ Lisieux, Thánh Têrêsa Hài Đồng đã sáng tỏa trên cả thế giới lòng nhiệt thành truyền giáo. Giáo huấn thiêng liêng rất đơn sơ và chân thành của Thánh Nữ còn tiềp tục đánh động tín hữu mọi tầng lớp, mọi văn hóa, và mọi hoàn cảnh.

Vì thế, tôi vững dạ cầu xin Thánh Nữ giúp người công giáo Pháp noi theo con đường thánh thiện của Người và gia tăng tinh thần liên đới vời anh em Âu châu, Phi châu và tại các phần đất khác trên thế giới, để cùng nhau chia sẻ mọi hồng ân lãnh nhận Chúa Kitô."

Thérèse Trinh
giaoxuvnparis.org

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.09.2006. 21:27