Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thế vận hội Bắc Kinh và tự do tôn giáo

§ Vũ Văn An

Trả tự do cho Kitô hữu Trung Hoa

Thế vận hội Bắc Kinh biểu tượng cho việc Trung Hoa bước vào hàng tiền đạo của cộng đồng quốc tế. Nếu không xẩy ra ‘sự cố’ lớn nào, thì cuộc thế vận này hẳn nhiên sẽ là chiến thắng vẻ vang về tổ chức và là một cửa hàng trưng bầy ngoạn mục các tài năng thể thao của Trung Hoa: nước này tin tưởng sẽ chiếm được nhiều huy chương hơn bất cứ quốc gia nào.

Nhưng giữa những vinh quang ấy, người ta vẫn nghiêm chỉnh dè dặt trước câu truyện thành công của Trung Hoa. Ấy là vì Nhân dân Trung Hoa thực sự chưa được hưởng tự do, cả trí thức lẫn tâm linh.

Họ chưa được hưởng tự do ngôn luận, tự do tổ chức về phương diện chính trị hay tự do nhận những thông tin mà Chính Phủ không muốn họ nghe; và tự do tín ngưỡng và thờ phượng của họ hiện đang bị luật lệ của chính phủ bao vây nặng nề. Những ai dám vượt quá hàng rào của điều được phép liền bị bắt hay tống giam. Điều đó một phần phát sinh từ nền văn hóa trong đó các quyền lợi xã hội hay tập thể, theo truyền thống, vẫn trổi vượt hơn các quyền lợi cá nhân, là các quyền lợi được Phương Tây nhấn mạnh.

80808bush.jpg

Khánh thành Tòa Đại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh, TT Bush nói về tự do tôn giáo

Nhưng phần lớn, nó nguyên tuyền phản ảnh sự kiện này là: chính phủ không tin chính nhân dân mình. Thế vận hội được hứa trao cho Trung Hoa, là vì lời chính phủ nước này hứa hẹn rằng họ sẽ tôn trọng bảo đảm nhân quyền. Nhưng theo Hội Ân Xá Quốc Tế, trong những ngày gần sát Thế Vận, nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn nhiều, rất có thể vì nhà cầm quyền nước này không muốn có bất cứ điều gì khiến quốc tế có hình ảnh quốc tế xấu về họ. Họ muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế họ là một quốc gia an bình với chính mình. Nghịch lý thay, việc ruồng bố đã khiến người ta nghĩ ngược lại.

Tuy thế, vẫn còn một cử chỉ mà chính phủ ấy có thể lợi dụng để đánh bóng ngay tức khắc hình ảnh của họ đối với quốc tế, một cử chỉ mà sớm muộn gì họ cũng phải đưa ra. Họ nên để cho Giáo Hội Công Giáo được sinh hoạt tự do trên toàn bộ xứ sở, như Giáo Hội vốn được hưởng tại Hồng Kông ngày nay.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa lục địa hiện đang bị phân rẽ thành hai: phần chính thức được nhà nước nhìn nhận mà xét theo ‘kỹ thuật’ thì thực ra không hiệp thông với Rôma, và phần kia không chính thức, không được nhà nước nhìn nhận, nhưng lại được Rôma nhìn nhận.

Gần đây, đường phân cách giữa hai bộ phận ấy đã mờ nhạt đi, và phần lớn các giám mục Công Giáo đã được cả hai thẩm quyền ấy nhìn nhận. Nhưng viễn ảnh bất chợt bị bắt giam vẫn còn treo lơ lửng trên đầu những vị tỏ lòng trung thành với Rôma, và hiện vẫn còn nhiều giám mục và linh mục Công Giáo trong các nhà tù hay bị giam tại nhà.

Người Công Giáo Trung Hoa cũng hãnh diện vì đất nước họ như bất cứ ai khác. Và quả họ có nhiều điều để tự hào. Việc giải phóng 400 triệu người Trung Hoa khỏi cảnh nghèo là một thành công được cả loài người ngưỡng mộ. Nhưng Đảng Cộng Sản cầm quyền, trong khi từ bỏ quyền kiểm soát trung ương đối với nền kinh tế, lại vẫn ráng duy trì quyền kiểm sóat ấy đối với tâm trí người dân. Phần lớn các vi phạm nhân quyền tại Trung Hoa thuộc loại này. Điều ấy cho thấy Chính Phủ Trung Hoa chưa muốn thấy một xã hội dân sự thực sự xuất hiện, chưa muốn giải phóng óc tưởng tượng của người dân Trung Hoa, chưa để cho tư tưởng được lưu chuyển tự do. Phần lớn người Trung Hoa rất có thể không biết họ đang thiếu thốn cái gì, vì họ đã quá quen thuộc với duy một quyền độc trị của Đảng Cộng Sản.

Nhưng con số những người khao khát thứ tự do đang không có ấy hiện mỗi ngày một đông hơn. Chính Kitô giáo tại Trung Hoa, dưới các dạng khác nhau, cũng đanglôi kéo một con số đáng kể nhiều người trở lại. Họ đang đi tìm một cái gì đó sâu sắc hơn của cải vật chất, giúp đời sống họ có ý nghĩa. Chính phủ Trung Hoa có thể tìm cho mình một sự hoan hô ủng hộ nồng nhiệt của toàn thế giới, nếu chịu nhìn nhận thứ tự do tối hậu ấy. Làm thế, họ sẽ tăng cường, chứ không phải phá hủy, thế đứng riêng của họ.

Lý do tham dự

Trên đây là nhận định của tờ The Tablet ngày 9 tháng 8 năm 2008, một ngày sau khi Thế Vận Hội 29 tưng bừng khai mạc tại Bắc Kinh. Xem Lễ Khai Mạc, ai cũng khó chịu mà thắc mắc thứ tự chi mà kỳ cục, chẳng còn biết đâu mà đoán, nước vần C lại đi sau nước vần F, thậm chí sau cả vần Q.

Người xướng ngôn của Đài Truyền Hình số 7 ở Sydney giải thích: đây là theo ‘mẫu tự’ Trung Hoa. Thế ra Trung Hoa cũng có một mẫu tự hay sao? Tôi vẫn cho là do cái hãnh tiến của ‘ông Tầu phù’ cộng với cái toàn trị của Cộng sản Trung hoa. Ông cứ nhất định dùng duy nhất một tiếng Trung Hoa để tuyên bố ‘Khai mac’ (Tôi chỉ nghe được câu ấy từ ông Hồ Sĩ Đào), trong khi ông Jacques Rogge, chủ tịch Thế Vận Quốc Tế, dù là người nói tiếng Pháp (và tiếng Pháp luôn được dùng là ngôn ngữ thứ nhất của bất cứ Thế Vận Hội nào), vẫn dùng tiếng Anh để thưa truyện với thế giới thưởng ngoạn thể thao. Thậm chí ‘ông Đài Loan’ cũng vì cái tính Tầu phù và Cộng sản toàn trị trên, mà đành quên cả cờ của mình, tham dự Thế Vận 29 với một lá cờ không phải là ‘thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng’! Toàn trị đến thế là cùng.

Có lẽ vì thế mà giám mục phó của Hồng Kông, Đức cha John Tong Hon đã phải lên tiếng giải thích tại sao ngài tham dự Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh “theo lời mời của Chính Phủ Trung Hoa”.

Theo vị giám mục này, việc chính phủ bách hại các Kitô hữu đã được hòa lẫn vào cái vui khi nước này đứng ra tổ chức Thế vận. Trong một bài báo trên tờ L’Osservatore Romano, ngài cho hay: ngay khi nhận được lời mời, ngài “hiểu ngay tôi phải tham khảo các bề trên của tôi. Tòa Thánh không lên tiếng phản đối chi, cả Đức Hồng Y Joseph Zen cũng khích lệ tôi lên đường. Thế là tôi nhận lời”.

Ngài nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng cho rằng Thế Vận Hội tại Trung Hoa “sẽ là một thành công vĩ đại”. “Tuy nhiên, trong khi các nhà lãnh đạo của sáu tôn giáo lớn nhất tại Hồng Kông được mời tới Bắc Kinh, thì chỉ có trường hợp Giáo Hội Công Giáo là lời mời không được gửi cho thẩm quyền cao nhất. Tôi hết sức bối rối vì chính phủ làm ngơ Đức Hồng Y Zen và đã mời tôi thay vào đó”.

Ngài cũng phát biểu điều lo âu của ngài là: “một số nhà lãnh đạo Công Giáo hiện còn đang bị giam tù hay quản thúc tại gia”, trong đó có sáu giám mục và nhiều linh mục cùng giáo dân “đang chịu đau khổ vì đức tin Công Giáo của chúng ta và vì lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha”.

Ngài hy vọng rằng một ngày kia, chính phủ Trung Hoa sẽ đặt cùng “một tầm quan trọng như nhau đối với tự do tôn giáo và tự do xã hội”, thứ tự do mà họ đã áp dụng trong việc giảm bớt nạn ô nhiễm ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho Thế Vận Hội.

Đức cha Tong Hon nhận định rằng: các nhà cầm quyền Trung Hoa vẫn còn chưa tin tưởng người Công Giáo trung Hoa và “cảm thấy bị đe dọa khi chúng tôi thực hành đức tin”. Ngài đưa ra một thí dụ: ngày 24 tháng Năm, Ngày Cầu Nguyện Cho Trung Hoa, cảnh sát đã ngăn cản không cho tín hữu vào Đền Thánh Sheshan, thuộc ngoại ô Thượng Hải.

Tuy nhiên, theo ngài, không phải điều gì cũng tiêu cực. Ngài cho thấy một số dấu hiệu cởi mở của chính phủ, ngay sau trận động đất mới đây từng làm sững sờ đất nước. Cả nước “được động viên như một gia đình duy nhất để trợ giúp các nạn nhân”.

Ngài cũng nhận xét thêm: “Năm vòng tròn Thế Vận được khắp thế giới biết đến. Tôi mong rằng Trung Hoa sẽ dành cùng một tầm quan trọng cho cả năm khía cạnh chồng kết lên nhau của dân chủ, nhân quyền, pháp trị, công lý và hòa bình”.

Ngài nói tiếp: “Thế Vận Hội cho thấy sự tiến bộ của Trung Hoa. Người Kitô hữu chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn đến tiến bộ thiêng liêng. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta muốn so sánh hành trình thiêng liêng của chúng ta với cuộc đua tới đích ‘nhằm đoạt được phần thưởng Chúa đã chuẩn bị sẵn cho ta trong Chúa Giêsu Kitô”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.08.2008. 23:02