Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

The Da Vinci Code; Kitô Giáo Và Thánh Kinh

§ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.

Trích Sứ Mệnh Giáo Dân, Số 18 Ngày 27.5.2006

Dư luận báo chí Hoa kỳ và Việt Nam, công giáo cũng như không công giáo, đã nói rất nhiều về cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code của Dan Brown. Sách, có thể nói, đã làm náo loạn thế giới, thuộc loại bán chạy nhất / best seller. Cho đến nay sách đã bán được hơn 40 triệu cuốn, được dịch ra trên 40 ngôn ngữ khác nhau, đã được làm thành phim và bắt đầu trình chiếu trên khắp thế giới và tại Hoa Kỳ ngày hôm nay 19-5-2006. Sách là loại tiểu thuyết hư cấu, giả tưởng lồng trong khung cảnh một số dữ kiện có thực. Nhưng thử hỏi giá trị thực của những sự kiện lịch sử và những điều thêu dêt ngụy tạo lớn lao đến mức độ nào? Và, sách quan trọng đến đâu khiến chúng ta phải tìm hiểu.

Loại Tiểu Thuyết Giả Tưởng, Trinh Thám, Giật Gân

The Da Vinci Code là tiểu thuyết loại hư cấu giả tưởng, trinh thám giật gân, được dàn dựng như là truyện “có thật” để chống lại những dữ kiện thật lịch sử. Nhưng cái gọi là “sự thật” đó có thật không và thật đến mức độ nào?

Tiêu chuẩn toàn hảo, vượt cả không gian lẫn thời gian của lịch sử và sự thật thì chỉ có thể là Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đựng những sự kiện lịch sử có thật, nói về Chúa Kito một cách chính xác cả trong quá kứ lẫn hiện tại và tương lai.

Dan Brown, trong The Da Vinci Code, đã sửa đổi cả kinh thánh, cố gắng dàn dựng lại câu truyện về Chúa Kito, sáng chế ra một loại Kito giáo khác. Một trong những câu mà Dan Brown đã nói ở trang 235 sách của ông như sau: “…Hầu hết những điều mà cha ông chúng ta dạy chúng ta về Chúa Kitô là sai lầm” (…Almost everything our fathers taught us about Christ is false”) Chúng ta phải tin cái gì đây? The Da Vinci Code hay Kinh Thánh?

Tại Sao The Da Vinci Code Đã Làm Rúng Động Quần Chúng?

The Da Vinci code hấp dẫn, bán chạy nhất thế giới, bán được hơn 40 triệu cuốn, được dịch ra trên 40 thứ tiếng. The Da Vinci code đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng, nhiều người thuộc mọi tầng lớp muốn biết và bàn luận đến nỗi đã có cả một kỹ nghệ xuất bản: sách, web sites, internet ca tụng cũng có mà phản bác lại cũng nhiều.

Tại sao sách lại phổ quát như vậy? Bởi vì Dan Brown là tiểu thuyết gia nổi danh. Ông có tài lôi cuốn, biết cách hấp dẫn thị hiếu tất cả mọi loại người: từ trí thức đến bình dân; từ người thích truyện trinh thám giết người, tiểu thuyết tình yêu lãng mạng, lịch sử, hoài nghi tôn giáo, âm mưu, chủ nghĩa nữ quyền cho đến mật vụ tình báo lồng khung trong nghệ thuật tôn giáo khiến người đọc phân vân thắc mắc không biết họa sĩ Leonardo Da Vinci thật sự có để mật hiệu gì trong những bức danh họa của ông không?

Dan Brown đã khôn khéo biết dùng cái gọi là “Mật Mã” của Da Vinci để lèo lái trào lưu dư luận văn hóa hiện tại làm như là đã khám phá ra được những chuyện tai tiếng tày trời, bí ẩn kỳ quái trong Giáo Hội công giáo. Ông thổi phồng tính hiếu kỳ, tò mò của những người muốn biết về các bản văn ngụy tạo bí mật của nhóm duy trí cho rằng cuộc đời của Chúa Giêsu như họ miêu tả mới đúng, nhồi vào óc người đọc quan niệm “Tinh thần thì tốt mà tôn giáo thì bậy”, nữ giới hóa xã hôi Tây phưong, điên cuồng mơ về một thời đại mới. Nhưng chính lúc phê phán các tôn giáo là sai lầm, thất chính trị thì The Da Vinci Code lại làm cho Kitô giáo nổi bật thêm nhiều màu sắc hơn, gây cho nhiều Kitô hữu trở lại quan tâm tìm hiểu về tôn giáo của mình.

Ngoài ra, dĩ nhiên sách báo mà có pha đượm chuyện tình dục (sex) thì sẽ bán chạy hơn. Do đó chúng ta nên để ý đến khía cạnh dục tính của The Da Vinci Code, đặt vấn đề tại sao Dan Brown lại đưa ra hình ảnh Chúa Giêsu có liên hệ tình ái với đàn bà và kêu gọi khôi phục nữ quyền, vinh danh tôn thờ thần nữ.

Những Tình Tiết Của Câu Truyện

Những khúc mắc tình tiết của câu truyện The Da Vince Code xẩy ra rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 24 tiếng đồng hồ, nhiều nhất là ở Ba Lê, Luân Đôn và Tô Cách Lan (Scotland). Có rất nhiều mấu chốt bất ngờ phải theo dõi, tin tức bí mật phải giải thích, nhân vật phải được nhận diện.

Trong phim, Robert Langdon là giáo sư đại học Havard, chuyên viên về biểu tượng, đựoc diễn xuất bởi tài từ ngừơi Mỹ Tom Hanks, đi cặp với Sophie Neveu, thám tử chuyên viên phân tích mật mã và những tin tức bí mật, diễn xuất bởi tài tử Pháp tên Audrey Tautou, để giúp giải quyết những bí ẩn kỳ lạ như vụ giết viên quản thủ viện bảo tàng Louvre ở Paris là Jacques Saunière. Tất cả có 5 vụ giết người trong câu truyện.

Họ đã khám phá ra được Saunière bị giết vì ông là đầu não của hội kín Sion. Hội này được thành lập có mục đích bảo vệ “sự thật” là Chúa Giêsu đã lấy Mary Magdalene, chuẩn bị cho bà đứng đầu Hội Thánh sau khi Chúa chết.. Theo tiết lộ này thì Mary Magdalene đã có thai với chúa Giêsu khi Chúa bị đóng đanh trên thập giá và hiện nay giòng giống chúa Giêsu vẫn còn tồn tại và sinh sống tại Pháp. Nói về chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc ly, lúc lập phép thánh thể trước khi chúa chịu nạn, theo nghĩa đen thì được gọi là “cup” hay “chalice”, nhưng theo truyền thuyết thì gọi là “Holy Grail” lại chính là Mary Magdalene, lòng Mary là “cái bình” mang bào thai, hạt máu con của Chúa Giêsu.

Họ cho rằng hội kín Sion đã dấu hài cốt của Mary Magdalene cùng với nhiều tài liệu bí mật khác có thể một ngày nào đó thuận tiện sẽ được “mật mí” “chứng minh” cho toàn thể thế giới biết.

Trong truyện thì các hội viên hội Việc Nhà Chúa (Opus Dei / Work of God), một tu hội các linh mục công giáo có dự phần trong âm mưu ngăn chặn “sự thật”, kể cả ám sát để “sự thật” không được phơi bày trước công chúng. Bởi vì nếu sự thật được phơi bày thì không những chỉ là đại họa cho Giáo Hội La Mã là giáo hội đã “chèn ép” nữ giới mà còn làm tiêu tan cả nền tảng của Kito giáo nữa.

Vậy thì làm sao họ có thể chứng minh được rằng Chúa Kito, người thày vĩ đại lại chỉ đơn thuần là một con người phàm tục, yếu đuối, dễ chết như mọi người khác, rằng Chúa không thể sinh ra do phép lạ từ người nữ đồng trinh, không có cuộc sống toàn hảo và không sống lại sau khi chết?

Có Thể Tách Biệt Sự Kiện Thực Ra Khỏi Giả Tưởng Hư Cấu Không?

Đa phần câu truyện The Da Vinci code chỉ chú trọng đến “lịch sử” được diễn nghĩa bởi 3 nhân vật chính là Robert, Sophie và Leigh Teabing, một người suốt đời mê mẩn nghiên cứu để tìm cho ra được chén thánh Holy Grail.

Nhưng cái gọi là “lịch sử” thực ra đã được dàn dựng theo trí tưởng tượng sai lạc của tác giả Dan Brown và những cộng tác viên của ông. Một trong những nguồn tài liệu chính cho tiểu thuyết The Da Vinci Code là cuốn Holy Blood, Holy Grail của Michael Baigent, Richard Leigh và Henry Lincoln được tung ra thị trường từ năm 1982. Mấy người này vì không thành công nên đã kiện Dan Brown là dùng tư liệu của họ để viết thành truyện The Da Vinci code.

Là Kito hữu, chúng ta đã chứng minh và tin sự chân xác của Kinh Thánh, chúng ta phải xét đoán tiểu thuyết The Da Vinci code dựa trên Kinh Thánh, không thể xét đoán Kinh Thánh dựa trên tiểu thuyết The Da Vinci Code. Mặc dù có những bản dịch đôi khi có chỗ khiến ta hiểu lầm, nhưng bản Cựu ước tiếng Hebrew và Tân ước tiếng Hy Lạp thì tuyệt đối xác thực và đáng tin cậy. Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha đã nói: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời cha là sự thật”(Ga 17: 17).

Chúng ta không nên chấp nhận với đức tin mù quáng. Nếu chúng ta thành khẩn muốn biết sự thật, chúng ta có thể tìm hiểu, học hỏi rất nhiều bằng cớ chứng minh Chúa hiện hữu và có thật, và tất cả các kinh thánh đều được viết ra do sự hướng dẫn linh hứng từ Thiên Chúa. “ Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích trong việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. (2Tm:16). Hãy nghiên cứu Kinh Thánh, sách vở tài liệu do Giáo Hội cung cấp, chứng minh và tìm hiểu đâu là sự thật.

Cái gọi là lịch sử kinh thánh và lịch sử dân gian thế tục được trình bày trong The Da Vinci Code đều biểu lộ rất nhiều sai lầm hiển nhiên. Chúng ta có thể tìm thấy khá nhiều như được trình bày trong các sách: Cracking Da Vinci’s Code của James Garlow và Peter Jones, Breaking the Da Vinci Code của Darrell Bock và The Da Vinci Code: A Quest for Answers by Josh McDowell. Ngoài ra bạn có thể tìm thấy khá nhiều tài liệu hữu ích trên các Websites / internet.

Thực ra đề mục của bài viết này đưa ra không chỉ nhằm so sánh KINH THÁNH đối ngược với THE DA VINCI CODE. Cách nhìn về Kinh Thánh của các Giáo Hội Kito Giáo hiện nay thì khác với cách nhìn của những Kitô hữu nguyên thủy vì cách sống của họ khi xưa khác với cách sống của chúng ta bây giờ.

Pha Trộn Giữa Sự Thật Và Sai Lầm Là Sai Lầm

(Thật + Giả = Giả)

Lầm lẫn là đa số chúng ta, thay vì siêng năng đọc và suy ngẫm kinh thánh một cách cẩn thận thì lại coi những lời giáo huấn và sống đạo của người Kito hữu là phản ảnh khuôn mẫu trong kinh thánh. Do đó họ thường có cảm nghĩ sai lầm về những điều nói trong kinh thánh. Có người còn bi quan cho rằng tác giả kinh thánh không có thực nên không muốn đọc kinh thánh. Xin hãy nhìn vào sự thật. Hãy đọc Kinh Thánh thì sẽ biết.

Con người thường hay nhẹ dạ, dễ bị đưa vào mê hồn trận nghe theo những lời bịa đặt sai lạc. Đa số bị lừa gạt khi nghe những điều sai lầm có pha trộn ít nhiều sự thật khiến người ta nghĩ rằng nó có thể tin được. Đồ giả nhìn bề ngoài cứ tưởng là đồ thiệt. Câu truyên trong sách Sáng Thế Ký nói về Eva ăn trái cấm. Con rắn tỏ ra thân thiện, cám giỗ bà Eva với lời dụ dỗ nửa thật. “Cây biết lành biết dữ” (Genesis 2:17) làm cho bà Eva bối rối bán tin bán nghi.

Bị lừa gạt cũng tùy thuộc ở chỗ người bị lừa cho là nó vô hại. Thánh Phaolo tông đồ cảnh cáo, báo động về “….Những tông đồ giả, thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của đức Kitô” (2Cr. 11:13).

Tin hay không tin đây? Niềm tin của chúng ta thường lẫn lộn giữa giáo huấn trong Kinh Thánh và truyền thống của dân ngoại. The Da Vinci Code chứa đựng khá nhiều ngụy tạo giả tưởng về lịch sử Kitô giáo; có đoạn làm ta bị đụng chạm nặng / shocked nhưng là sự thật. Chẳng hạn ở trang 232 và 233 nói về Kito giáo đã bị nhiễm bởi truyền thống của dân ngoại mà nay ta cứ tưởng là của ta nguyên thủy do Kinh Thánh: “ Năm 325 AD Hoàng đế Constantine quyết định thống nhất Roma chỉ có một tôn giáo….Các sử gia vẫn ca ngợi sự thông minh sáng suốt của Hoàng đế khi ông cải biến đạo thờ mặt trời thành Kitô giáo. Khi kết hợp những biểu tượng, ngày tháng và nghi thức tôn giáo của người ngoại thành như những truyền thống sống động của Kitô giáo, ông đã tạo được một loại tôn giáo hỗn hợp mà mọi phía đều đồng ý chấp nhận.

Những vết tích của ngoại giáo (tôn giáo ngoài Kito giáo) còn hiện diện rõ ràng trong những biễu tượng của Kito giáo. Chẳng hạn cái đĩa Mặt Trời của ngừoi Ai cập đã trở thành vòng hào quang trên đầu các thánh (trong nghệ thuật tôn giáo)….Trước thời Chúa sinh ra,…người ta ăn mừng sinh nhật thần Mặt Trời Mithras vào ngày 25 tháng 12…Ngay cả những ngày nghỉ trong tuần của người Kitô giáo cũng vậy. Nguyên thủy, ngày nghỉ bắt buộc của người Kitô giáo là ngày thứ bảy, ngày Sabbath (Saturday) theo Do Thái giáo. Sau này Hoàng Đế Constantine đổi ra ngày Chúa nhật là ngày nghỉ của ngừoi theo đạo thờ mặt trời (SUNday). Cho đến nay tất cả chúng ta, người Kitô giáo đi lể buộc ngày Chúa nhật mà không hề có ý nghĩ rằng ta đã làm theo đạo thờ mặt trời”.

Đụng chạm nặng. Nhưng đó là sự thật. Sau này Kitô giáo được cải cách lại, đã loại bỏ nhiều tập tục cũ nhưng không phải là tất cả.

Chắc chắn The Da Vinci Code đã pha trộn rất ít sự thật với quá nhiều giả tưởng sai lầm. Trong trang đầu dẫn nhập sách, Dan Brown đã bạo gan quả quyết: “Tất cả những miêu tả về nghệ thuật, kiến trúc, tài liệu và nghi thức bí mật tôn giáo trong cuốn tiểu thuyết này đều chính xác”. Nhưng thực tế phần lớn chẳng có gì là xác thực cả. Bởi lẽ những dữ kiện lịch sử thật hiển nhiên mà ông nêu ra còn đầy dẫy sai lầm thì làm sao người ta có thể tin được ông miêu tả, cắt nghĩa những vấn đề phức tạp cao siêu về thần học.

Tuy nhiên, một vài chỗ trong số rất nhiều đoạn nói về giáo huấn Kitô giáo bắt nguồn từ ngoại giáo thì đúng. Nhưng, nên nhớ là không một bản kinh thánh nào lại bắt nguồn từ ngoại giáo, và những giáo huấn của Kitô giáo sơ khai cũng không do từ ngoại giáo mà có. Trái lại những quan niệm và tập tục của ngoại giáo đã bắt đầu xâm nhập vào Giáo Hội ngay từ những ngày đầu Giáo Hội được thành lập.

Ngoài ra, đa số những lý thuyết sai lầm đang được lưu truyền hiện nay cũng chẳng có gì là mới lạ cả. The Da Vinci Code chỉ làm sống lại và lan truyền rộng thêm hơn trong dân chúng những lạc thuyết phá đạo và rối đạo. Lịch sử tôn giáo thì có rất nhiều huyền thoại, mà huyền thoại này lại dựa vào huyền thoại kia cứ thế mà chồng chất lên nhau và nảy sinh ra huyền thoại khác….

Những Sai Lầm Chính, Quan Trọng Trong The Da Vinci Code

Trong những ngày đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, qua những ẩn dụ và huấn từ, Ngài luôn luôn nâng cao nữ quyền và linh đạo tu đức của nữ giới lên ngang hàng với nam giới hơn bất cứ ai trong lịch sử. Phúc âm luôn luôn nói về nữ giới trong số những người tận tụy hết lòng theo Người.

Ai cũng biết, vào thời xa xưa của lịch sử thì chuyện ức hiếp đè nén nữ giới rất phổ biến ở khắp mọi nơi. Nhưng Dan Brown trong The Da Vinci Code lại đưa ra một quan niệm cực đoan trái ngược: Đàn bà là trên hết bởi vì sự sống có từ trong lòng / bụng người đàn bà và được nuôi dưỡng nhờ vú của họ. Như vậy ông đã đi ngược trở lại thời mẫu hệ ngoại giáo cùng với những nghi thức sắc dục của nó. Ông đã ủng hộ cổ võ tôn thờ thần nữ, đặc biệt Mary Magdalene. Ông muốn dẫn đến vấn đề là Chúa Giêsu lấy bà Mary Magdalene làm vợ.

Trong kinh thánh, ngay cả loại “phúc âm” của phái duy trí cũng không mảy may nói là Chúa Giêsu lấy bà Mary Magdalene làm vợ. Càng đọc càng tìm hiểu kinh thánh thì càng thấy tư tưởng kỳ quái này vô lý. Nếu Chúa lấy vợ thì chắc chắn phải có ghi lại ít nhất là một trong bốn phúc âm hoặc phải nhắc đến đâu đó trong tân ước những đoạn nói vể phép hôn phối. Nhưng tuyệt nhiên không thấy có chỗ nào đả động đến chuyện này, ngay cả nói bóng gió ẩn dụ. Chúa hoàn toàn chỉ nói về sứ mệnh của Chúa, hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhân loại. Thật rất khó hiểu nếu Chúa cưới vợ để rồi sau đó ít lâu để lại vợ góa con côi. Lập gia đình sẽ tạo phân vân thắc mắc cho tương lai và hiện tại của người góa phụ. Bà ta sẽ được tôn vinh hay phụng thờ?

Thật là khôi hài khi phê phán Chúa Giêsu và các môn đệ của ngài chỉ dựa vào bức tranh của một họa sĩ mà ông này cũng chẳng bao giờ nhìn thấy họ. Chẳng hạn kinh thánh cho biết Chúa Giêsu không để tóc dài. “…Chính thiên nhiên lại không dạy anh em rằng người nam mà để tóc dài là điều ô nhục hay sao?” (1Cr 11:14). Bức tranh họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo Da Vinci có hình một người môn đệ trông giống đàn bà thì chẳng có gì là bằng cớ. Tại sao lại phải là Mary Magdalene mà không phải là một người đàn bà khác.

Chỉ một ghi nhận duy nhất là Mary Magdalene đã được nhắc đến 14 lần trong 4 phúc âm thư. Chúa Giêsu đuổi 7 tên quỉ ra khỏi bà rồi sau đó gọi bà làm một trong những môn đệ theo Chúa. Bà rất đỗi cám ơn Chúa và trở nên gương mẫu nhân đức tuyệt vời. Đặc biệt nữa bà là người đầu tiên được Chúa hiện ra sau khi Chúa sống lại. (Mc 16:9). Xã hội nghiêng về phụ hệ thời đó vẫn còn ảnh hửơng đến các môn đệ của Chúa lại là một bằng cớ nữa cho thấy Chúa chấp nhận đúng vị trí vai trò người phụ nữ.

Còn việc phụng thờ nữ giới ư? Ở trang cuối cùng của The Da Vinci Code, ông giáo sư giả tưởng cho rằng ông đã tìm thấy mộ của Mary Magdalene, “ông liền quì gối tỏ lòng kính trọng”. Và với lý tưởng đó “Việc tìm kiếm Holy Grail cũng có nghĩa là tìm kiếm sự quì gối phủ phục trước hài cốt của Mary Magdalene. Cuộc hành hương nguyện cầu dưới chân một người cô đơn bị lãng quên”. Một trong 10 điều răn Chúa dạy là không được tôn thờ bất cứ ai ngoài Thiên Chúa.

Ngoài ra The Da Vinci Code còn phạm rất nhiều sai lầm quá đáng. Chẳng hạn:

-Nhân loại đã phạm một lỗi lầm vĩ đại là chối bỏ giá trị của nữ giới để tôn thờ Chúa là nam giới..

-Kitô giáo nguyên thủy không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Họ cho Chúa chỉ là một nhà truyền giáo vĩ đại, là tiên tri mà thôi.

-Sau khi Hoàng đế Constantine (a) trở lại Kitô giáo thì ông đã nghĩ ra ý tưởng Thiên Chúa và gán cho chúa Giêsu để hoàn thành tính ưu việt của nam giới và đè ép nữ giới.

-Công đồng Nicaea do Constantine triệu tập năm 325 AD đã quyết định kinh thánh nào là tân ước.

-Công đồng này đã hủy bỏ cỡ 80 phúc âm thư của phái duy trí nói về Chúa Giêsu để dẹp bỏ tư tưởng Chúa Giêsu là ngừơi chuộng nữ giới, cũng chết và cũng có vợ.

Xin nhớ rằng Kinh Thánh dạy chúng ta chỉ có một Thiên Chúa nhưng 3 ngôi (BA ngôi nhưng cũng chỉ là MỘT Thiên Chúa), ám tàng Thiên Chúa thuộc nam giới. Không bao giờ thấy nói tới Nữ Chúa. Vậy đừng suy đoán theo phái duy trí là có Chúa Cha thì phải có Chúa Mẹ. Sai lầm. Thánh Phaolo diễn nghĩa: “Chỉ có một Thiên Chúa và một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô là con người” (1Tm. 2:5). Cả Mary Mẹ Chúa Giêsu lẫn Mary Magdalene cũng không phải là Thiên Chúa.

Chỉ Là Âm Mưu Và Âm Mưu

Nếu chúng ta quyết định đọc The Da Vinci Code hay đi coi phim thì tốt hơn hết là nên tìm hiểu cặn kẽ, đào sâu, bám chặt lấy Kinh Thánh hơn là nghe theo những lời diễn giải về kinh thánh và tư tưởng dàn dựng trong phim hoặc tiểu thuyết của Dan Brown.

Con người thường dễ bị đưa vào mê hồn trận vì những âm mưu thầm kín để rồi tự mình tưởng tượng, thêu dệt thêm và làm quan trọng hóa vấn đề đến độ mù quáng trước những mưu mô che đạy quỉ quyệt gian trá vĩ đại như câu truyện quỉ Satan bịp thế gian trong sách khải huyền. “Con rồng lớn bị tống ra, đó là con rắn xưa mà người ta gọi là quỉ Satan, tên chuyên môn mê hoặc thiên hạ. Nó bị tống cổ xuống đất và cả các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó luôn” (Kh 12:9). Chúa Giêsu gọi nó là “thủ lãnh thế gian”. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây “thủ lãnh thế gian” này sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12: 31; 14:30; 16: 11). Thánh Phaolo viết cho tín hữu Corinto: “...đối với những kẻ không tin. Họ không tin vì tên ác thần Satan, thủ lãnh thế gian đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô là hình ảnh của thiên chúa” (2Cr.4:4). Thư thánh Gioan cũng nói: “ Chúng ta biết rằng, chúng ta thuộc về Thiên Chúa và tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần” (1Ga. 5:19).

Đúng vậy, quỉ Satan không cần biết ta tin cái gì, miễn là cái đó không phải là sự thật là được. Nó còn muốn chúng ta góp nhặt mọi sự sai trái lại rồi tưởng tượng, tạo ra một hình ảnh cho riêng mình để suy tôn thờ phượng. Satan luôn luôn muốn tiêu diệt Chúa Giêsu và sự thật mà Người đã dạy chúng ta. Ma quỉ xúi dục vua Herode giết Chúa khi Chúa còn là hài nhi. (Mt.2:1-18). Nó cám dỗ, xúi dục Chúa phạm tội (Mt.4:1-11). Nhiều lần nó muốn giết Chúa và sau cùng nó đã thành công: “Chúa đã bị đóng danh chết trên thập giá bởi quân lính La Mã. Nhưng sau ba ngày ba đêm Chúa đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha vinh hiển” (1Pr.3: 21-22). Satan không bao giờ ngừng che dấu sự thật (Rm 1:18). Nó luôn luôn tung ra những tin đồn nhảm nhí bậy bạ về Kinh Thánh và Kitô giáo để tuyên truyền cổ động những tôn giáo sai lạc. Nhưng Chúa đã dạy: Chỉ có một đường duy nhất dẫn ta đến đời sống vĩnh cửu qua Chúa Giêsu mà thôi. “Chính Thày là Đường là Sự Thật và là “Sự Sống”. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thày” (Ga. 14:16; Cv 4:12).

Kết Luận:

Là người công giáo / tín hữu Kitô giáo –vì những tranh cãi chung quanh cuốn The Da Vinci Code của Dan Brown- chúng ta nên cùng nhau liên kết làm việc vì công ích, vì việc thiện cho tất cả mọi người yêu mến Chúa, những người được Chúa chọn lựa theo ý định của Ngài (Rm 8:28). Nhân có câu chuyện The Da Vinci Code này, chúng ta hãy nghiên cứu, học hỏi Kinh Thánh và những giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời khuyến khích mọi người cùng học để tự giúp mình và nâng đỡ những ai còn lấn cấn, phân vân hư-thực của phim ảnh và những sách báo trinh thám, giả tưởng loại văn chương bình dân, giật gân như tiểu thuyết The Da Vinci Code của Dan Brown (1Pr. 3:15; 2Tm 2:15, 22-26).

Đọc The Da Vinci Code đã thấy câu truyện chỉ là trinh thám, giả tưởng. Nhưng khi xem phim thì thấy hiển nhiên đúng là một phim trinh thám; cũng hồi hộp giật gân như bất cứ một phim trinh thám nào khác. Lòng Tin của tôi chẳng những không bị lung lay mà còn cảm thấy vững mạnh hơn. The Da Vinci Code không chinh phục được tôi.

Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.
Nguyễn Thị Vân, Pharm.D.
Pace Islands, Florida Ngày 21-5-2006

Phụ chú: (a)
Ảnh Hưởng Của Hoàng Đế Constantine Trên Kitô Giáo

Hoàng Đế La Mã Constantine ( 306-337 A.D.) đã thay đổi nhiều tập tục của Kitô giáo, nhưng không phải như Dan Brown trình bày trong The Da Vinci Code. Việc thay đổi này nằm trong kế hoạch ông muốn thống nhất đế quốc La Mã bằng cách tạo ra một giáo hội công giáo “Catholic” ( nghĩa là Phổ quát = Universal ), trong đó gồm nhiều thành phần, yếu tố của các tôn giáo khác kết nạp lại thành một đạo giáo duy nhất.

Ông trở lại Kitô giáo vào năm 312, nhưng ông chưa chịu phép rửa tội cho đến khi ông băng hà 25 năm sau. Trong thời gian đó, vợ ông và con trai cả bị ám sát, bề ngoài ông vẫn tiếp tục theo đạo thờ Mặt Trời. Bằng cớ là lâu sau khi trở lại Kitô giáo, ông cho đúc đồng tiền, một mặt có hình ông và mặt kia có hình Mặt Trời.

Kitô Giáo “Christianity” mà Hoàng đế Constantine gia nhập lúc bấy giờ thì khác xa với Kitô giáo mà Chúa Giêsu và các thánh tông đồ thực hành. Vì không ưa Do Thái nên ông thay đổi rất nhanh mọi tập tục không phải chỉ của Kitô giáo mà của tất cả những đạo giáo mà ông cho là có dính dáng đến Do Thái. Chẳng hạn Công Đồng Nicaea (A.D. 325) đã đổi ngày lễ Vượt Qua (Passover) thành lễ Phục Sinh (Easter), một ngày nghỉ phổ thông trong đạo cũ đề mừng lễ được mùa. Phê chuẩn sự thay đổi đó, Constantine đã tuyên bố: “Thật chẳng xứng đáng chút nào khi mừng ngày lễ cực thánh Phục Sinh (Easter) này mà chúng ta lại phải làm theo tập tục của dân Do Thái, cái dân mà bàn tay đã nhúng đầy máu tội lỗi và do đó đầu óc chúng trở thành u tối....Chúng ta chẳng có gì để mà chung đụng với cái đám đông Do Thái đáng ghét này”. (Eusebius, Life of Constantine 3, 18-19; Nicene and Post-Nicene Fathers, 1979, 2nd series, Vol.1 pp. 524-525).

Vì Hoàng Đế Constantine vẫn còn ưu ái đặc biệt với đạo Thờ Mặt Trời nên ông đã công nhận ngày Chúa Nhật (SUNday) là ngày thứ nhất trong tuần, là ngày để tôn thờ mặt trời và là ngày nghỉ trong tuần của dân La Mã. Chuyện này đã là một cực hình đối với người Do Thái và Kitô hữu đích thực lúc bấy giờ đang giữ ngày thứ bảy, tức ngày Sabbath làm ngày lễ nghỉ. Một thế kỷ sau, Công Đồng Laodicea chính thức bỏ hẳn ngày Sabbath là ngày lễ buộc phải nghỉ.

Sử gia người Anh Paul Johnson đã tóm lược việc Constantine can thiêp vào các tôn giáo bằng cách pha trộn đã khiến Kitô giáo bị hủ bại, các đạo giáo khác trở nên hỗt tạp, lẫn lộn với những dấu vết của Kitô giáo như sau: “ Những ngừơi thờ thần Isis thì thờ tượng mẹ bồng con cho bú; Ngày máu và chay tịnh là ngày lễ kính mừng thần Attis và Cybele, tiếp theo là ngày lễ mừng thần Hilaria sống lại……., những người thờ Mặt Trời mà phần đông là những sĩ quan cao cấp trong quân đội, dùng bữa tiệc thánh….

“Nhiều người Kitô hữu đã không biết phân biệt rõ ràng giữa đạo thờ Mặt Trời và đạo của mình. Họ….giữ lễ buộc ngày Chúa Nhật, quì gối quay về hướng Đông và mừng ngày Sinh nhật Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng 12 là ngày sinh nhật Mặt Trời vào đông chí…

“Làm sao mà Giáo Hội Kitô giáo lại có thể vui vẻ chấp nhận những đổi thay như vậy của một tên khùng đầu bự kỳ quái này (Constantine) được nhỉ? Phải chăng có sự mà cả nào đó? Bên nào có lợi hơn trong cuộc liên kết này? Nhà nước hay Giáo hội? Đế quốc nhân nhượng Kitô giáo hay Kitô giáo nhân nhượng Đế quốc?” (A History of Christianity, 1976, pp. 67-69).


Khi so sánh những khác biệt giữa Kitô Giáo hiện tại và Kitô giáo nguyên thủy thời Chúa Giêsu và các thánh tông đồ, người ta nhận thấy khá nhiều thay đổi mà Hoàng đế Constantine đã đưa ra để thi hành ●

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.05.2006. 11:42