Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sự Thâm Hiểm Bên Trong Biến Cố The Da Vinci Code!

§ Trần Mỹ Duyệt

Trích Sứ Mệnh Giáo Dân, số 19 ngày 4.6.2006

Cuốn tiểu thuyết và cuốn phim mang cùng tựa đề The Da Vinci Code được coi là một hiện tượng và biến cố lớn của thời đại chúng ta, ảnh hưởng đến Đức Tin Kitô Giáo. Nó trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa, và ra mặt thách thức đối với các Kitô hữu, những người tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa. Ngoài ra, nó còn là một sự phỉ báng đối với Giáo Hội Công Giáo. Đề cập đến ảnh hưởng của nó có 2 luồng tư tưởng:

Thứ nhất, là những người cho rằng cần phải trực diện với những ảnh hưởng của nó đối với đức tin, đối với việc phỉ báng và xúc phạm đến Thiên Chúa cũng như Giáo Hội của Ngài. Việc làm cụ thể bao gồm tẩy chay và mạnh mẽ lên án những xúc phạm ấy. Ngày 28 tháng 4 năm 2006, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng Thư Ký Thánh Bộ Tính Lý Đức Tin đã mạnh mẽ kêu gọi tẩy chay cuốn tiểu thuyết và phim này vì theo Ngài, nó mang nội dung “bài xích Kitô Giáo”. Riêng đối với Hồng Y Francis Arinze, ngày 7 tháng 5 năm 2006, còn mạnh mẽ khuyến cáo Kitô hữu nếu cần có thể dùng luật pháp đối với cuốn tiểu thuyết và cuốn phim này, vì nó xúc phạm đến Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.

Ngược lại, một số cho rằng cứ làm ngơ như không biết gì, vì nhắc đến chỉ làm cho những người chưa đọc cuốn tiểu thuyết ấy, hoặc chưa xem phim ấy tò mò muốn đọc và muốn xem. Theo những người này, thì đây đâu phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu và Giáo Hội Ngài bị xỉ nhục và chống đối.

Nhưng vì là những Kitô hữu, chúng ta thật sự không thể không làm gì khi thấy Thiên Chúa của mình, Giáo Hội của mình, và niềm tin của mình bị xúc phạm và coi thường. Im lặng trong trường hợp này chưa chắc đã là một giải pháp tốt và có thể làm cho những kẻ chống phá Giáo Hội, phỉ báng và xúc phạm Thiên Chúa nghĩ lại. Nhưng không thể nói truyện bênh vực đạo Chúa, bênh vực Giáo Hội, và bênh vực cho Thiên Chúa nếu chúng ta không hiểu và không biết Thiên Chúa, Giáo Hội và Đức Tin của mình bị người khác chế nhạo, xúc phạm, và xỉ nhục như thế nào. Trong bài viết này, xin được tóm lược và nêu lên 5 điều mà Kitô hữu chúng ta cần phải lưu ý về cuốn tiểu thuyết và cuốn phim nặc mùi phạm thượng và phỉ báng Giáo Hội này:

1. Tóm lược nội dung cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code.

2. Sự xúc phạm đến Thiên Chúa qua Thiên Tính và Nhân Tính Đức Kitô.

3. Sự xúc phạm đến Đức Tin Kitô Giáo.

4. Sự xúc phạm đến Giáo Hội Công Giáo.

5. Sự xúc phạm đến những giá trị và đời sống tâm linh các Kitô hữu, cách riêng người Công Giáo.

1. Tóm lược nội dung cuốn tiểu thuyết:

The Da Vinci Code được Dan Brown viết và xuất bản vào tháng 3 năm 2003, và được xếp loại best seller với số tiêu thụ lên đến trên 40 ấn bản. Nó được dịch ra 42 thứ tiếng trong đó có bản dịch Việt ngữ. Dan Brown cho biết ông đã có ý định viết cuốn tiểu thuyết này khi nghiên cứu những bí mật ẩn dấu trong các đại danh họa trong ngành lịch sử nghệ thuật tại đại học Seville bên Tây Ban Nha. Và ông đã lấy ý tưởng trong họa phẩm danh tiếng The Last Supper (Bữa Tiệc Ly) của danh họa Leonardo Da Vinci. Theo ông, Da Vinci đã dấu bí mật của ông trong họa phẩm ấy qua vai Gioan Tông Đồ khi vẽ Gioan với dáng điệu, và thân hình một thiếu nữ. Và ông cho rằng Gioan là hiện thân của Maria Mađalêna, người mà ông cho là người tình và người yêu của Chúa Giêsu.

Từ những tư tưởng trên, ông tạo ra hình ảnh một Mađalêna bị Phêrô và các Tông Đồ rượt bắt, vì nàng đang mang thai con của Chúa Giêsu. Chính nàng được Chúa Giêsu trao quyền cho điều hành Giáo Hội. Sự thanh toán ấy của các Tông Đồ kéo theo việc xuất hiện của tu hội Opus Dei do thánh Jose Maria Escriva sáng lập ngày 2 tháng 10 năm 1928 tại Tây Ban Nha, và hội kín The Priory of Sion được thành lập năm 1099, quy tụ những người nhằm bảo vệ những sự thật về Chúa Giêsu và Maria Mađalêna. Trong những thành viên của Priory of Sion ấy sau này có Da Vinci. Chính ông đã vẽ kiệt tác phẩm Bữa Tiệc Ly năm 1498 và đã mã hóa những bí ẩn ấy trong tác phẩm của mình.

Tóm lại, Opus Dei được trao phó trách nhiệm truy lùng và tận diệt hậu duệ của Chúa Giêsu với Maria Mađalêna. Ngược lại Priory of Sion đứng về phe bảo vệ và che dấu cho Maria Mađalêna và hậu duệ của nàng với Chúa Giêsu.

Câu truyện được gán ghép một phần những tài liệu và lịch sử có thật với những hư cấu gồm những sử liệu và tài liệu ngụy tạo. Ngoài ra, Dan Brown đã bố cục câu truyện dưới dạng tiểu thuyết trinh thám khiến tạo nên một tác rất hấp dẫn và lôi cuốn với những màn dượt bắt, săn lùng, đấu trì, và giải mã. Sức cuốn hút của nó làm người đọc không thấy bị bắt buộc phải chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ niềm tin, và chối bỏ Giáo Hội. Nhưng khi gấp cuốn tiểu thuyết lại, thì lập tức những câu hỏi được đặt ra về Chúa Giêsu, về Thiên Tính của Ngài, về Giáo Hội, và về Đức Tin cần thiết để được cứu rỗi. Nhất nữa, là người đọc sẽ có cảm tưởng lẫn lộn về một Thiên Chúa uy nghi, toàn năng với một Giêsu tầm thường, và giống như mọi người. Về sự thánh thiện của Giáo Hội với những hành động giết người tàn bạo, và về Đức Tin với những ý nghĩa hoàn toàn trần tục. Đây là điều mà Giáo Hội Công Giáo và các Kitô hữu chân chính cho là điều phỉ báng, phạm thượng, và nguy hiểm đối với Thiên Chúa, Đức Tin, và Giáo Hội.

2. Sự xúc phạm đến Thiên Chúa trong Đức Kitô:

Nếu tò mò tìm đọc như ta vẫn thường đọc các cuốn tiểu thuyết khác, thì cuốn tiểu thuyết dầy 454 trang này không nói lên được gì hơn là một chuyện trinh thám pha vào những màn tình cảm, đấu trí nghẹt thở. Nó là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Dan Brown đã thành công qua việc chinh phục độc giả của ông.

Nhưng nếu đọc và suy nghĩ nó dưới cái nhìn của một Kitô hữu, và nhất là một Kitô hữu thuần thành, thì cuốn tiểu thuyết này không ngừng lại ở phần giải trí. Nó đang bước qua lãnh vực tâm linh và đang tấn công một cách trực diện, hiểm ác vào thành trì đức tin của Kitô hữu và Giáo Hội Công Giáo. Và nó thực sự xúc phạm, phỉ báng các Kitô hữu khi tin nhận một con người tầm thường như mọi người, và có thể còn tầm thường hơn nữa vì bị đóng đinh chết trần truồng trên thập giá, đang lúc vợ mang thai mà không làm gì được.

- Xúc phạm đến Thiên Tính của Chúa Cứu Thế:

Theo Dan Brown, thì mãi đến năm 325 tức là năm mở Công Đồng Nicarea, lúc ấy Giáo Hội Công Giáo mới thêm vào những điều mà ngày nay ta gọi là Kinh Tin Kính, trong đó có những điều buộc phải tin về Chúa Giêsu:

“Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

Đây là những điều cốt lõi của Đức Tin Kitô Giáo về Chúa Giêsu, những điều mà thiếu nó Ngài không phải là một Đấng Cứu Thế, một Cứu Chúa của nhân loại. Những điều này đã được lập đi, lập lại trong Thánh Kinh. Nhưng theo Dan Brown thì Giáo Hội, và các Kitô hữu trước đó đã không tin nhận như vậy.

Cuộc tình âm thầm giữa Chúa Giêsu và Maria Mađalêna, với kết quả là nàng mang thai đã được Dan Brown dùng như một sự xúc phạm nặng nề đến Chúa Cứu Thế, đến Đức Tin Kitô Giáo. Và qua hình ảnh đứa bé gái trong bụng của Maria Mađalêna, Dan Brown còn phạm thượng hơn nữa, khi cho rằng Maria Mađalêna chính là cái chén thánh mà Chúa Giêsu dùng trong Bữa Tiệc Ly, vì nàng đang mang trong dạ hạt máu của Chúa Giêsu.

- Xúc phạm đến nhân tính của Chúa Giêsu:

Dan Brown có thể không tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và nếu ông không tin là quyền của ông, nhưng gán ghép cho Chúa một cuộc tình vụng trộm là một điều xỉ nhục cho Đấng Cứu Thế không những ở cương vị một Thiên Chúa Nhập Thể, mà còn ở ngay phương diện Ngài là một người nữa.

Nếu Chúa Giêsu mà lại lén lút yêu thương thầm kín với Maria Mađalêna, thì những lời giảng dậy của Ngài còn có giá trị gì. Ngài đâu hơn gì bọn luật sỹ, Pharisiêu, tư tế, và thu thuế. Vì hành động thầm lén ấy là một hành động qua mặt các Tông Đồ, qua mặt những kẻ đang hết sức tin nhận và yêu mến Ngài. Và điều này đủ để làm sụp đổ hình ảnh của Con Người Cứu Thế của Ngài. Và nếu Chúa Giêsu không phải là Đấng Cứu Thế, không phải là Thiên Chúa nhập thể thì Ngài đâu có cứu độ được ai. Cuộc khổ hình và cái chết của Ngài trên thập giá, là do ý đồ tạo phản và khuấy động quần chúng. Dan Brown đã làm công việc bênh vực cho bản án vô lý, bất công mà Chúa Giêsu đã phải lãnh nhận khi trực tiếp xúc phạm và phỉ báng Đức Kitô. Và qua Đức Kitô, ông đã phạm đến Thiên Chúa.

3. Sự xúc phạm đến Đức Tin Kitô Giáo:

Kết quả là những người tin vào Chúa Kitô là những kẻ ngu ngốc và dốt nát. Những kẻ mà nếu không nhờ Da Vinci mã hóa qua bức vẽ của ông, và nhất là không nhờ Dan Brown giải mã, sẽ mãi mãi tin vào những điều nhảm nhí, tin vào những điều mà chính họ không biết rằng mình đang bị lường gạt.

Coi thường Đức Kitô, Dan Brown cũng khó tránh dụng chạm đến hằng bao nhiêu anh hùng tuẫn giáo, bao nhiêu những tâm hồn đạo đức, bao nhiêu những cuộc đời gương mẫu nhờ tin vào Chúa Giêsu. Ngay đến mẹ của ông cũng là một nhạc sĩ thường trình diễn thánh ca ca tụng Thiên Chúa, trong đó có Đức Kitô.

Theo Thánh Phaolô, thì “Nếu Đức Kitô không sống lại thì những lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô nghĩa, và đức anh em cũng vô ích” (1 Cor 15:13). Nhưng làm sao có sự sống lại của một con người bình thường như mọi người chúng ta đây. Làm sao con người tự nhiên ấy có khả năng thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi, và có khả năng khống chế tội lỗi? Làm sao có thể sống lại từ cõi chết nếu không phải là Thiên Chúa toàn năng. Và những lời mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Ngài với quần chúng: “Đây Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian” (Gioan 1:29) làm sao được ứng dụng.

Độc giả càng tỏ ra thích thú trước những tình tiết éo le của câu truyện bao nhiêu, thì khi gấp sách lại, đức tin càng bị giao động bấy nhiêu. Có những câu hỏi về Đức Kitô mà trí khôn con người không thể thảo mãn, khi chúng được nhìn dưới ngòi bút của Dan Brown. Và điểm thâm độc ở đây là Dan Brown đã khôn ngoan và tinh xảo khi phác họa Chúa Cứu Thế bằng những nét rất người như chúng ta. Nhưng không phải là Đấng Cứu Thế như Thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì chúng ta không phải không có một thượng tế không thông cảm được với những yếu hèn của chúng ta, nhưng là đấng đã chịu thử thách mọi mặt, nhưng không bao giờ phạm tội” (Do Thái 4:15).

Niềm tin của Kitô Giáo bị đem ra phân tích và đặt vào những dữ kiện lịch sử giả tạo. Chúa Giêsu có vợ. Maria Mađalêna là chén thánh vì mang trong dạ mình mầm sống của Chúa Giêsu. Những Tông Đồ tàn ác tìm cách trù dập và thủ tiêu miêu duệ của Chúa Giêsu và Maria Mađalêna. Tóm lại, Chúa Giêsu, Đấng mà các Kitô hữu tin nhận và tất cả Kitô hữu chúng ta đều bị cười nhạo, và phỉ báng qua tác phẩm của Dan Brown, mặc dù theo Henri Lacordaire: “Tôn giáo dù nhảm nhí đi chăng nữa, vẫn là một yếu tố cần thiết cho một dân tộc. Và vì thế, không bao giờ được nhạo báng nó”.

4. Sự xúc phạm đến Giáo Hội Công Giáo:

Nói về những sai lầm và xuyên tạc nhằm phỉ báng Giáo Hội Công Giáo qua tác phẩm The Da Vinci Code, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato nhận định: “Nếu như sự xuyên tạc và quan niệm sai lầm này mà nhắm vào Thánh Kinh của Hồi Giáo (sách Koran), hoặc cuộc tàn sát dân Do Thái thì những người theo đạo này có lý do chính đáng để khiêu khích thế giới nổi loạn”. Và ngài thêm: “Nhưng nếu họ trực tiếp đả kích Giáo Hội Công Giáo và các tín hữu thì họ vẫn không bị trừng phạt”.

Thật vậy như gán ghép của Dan Brown đối với Giáo Hội Công Giáo về cuộc trở lại của Hoàng Đế Constantine thuộc thế kỷ thứ 3 để lồng vào những tín điều do Công Đồng Nicaea tuyên tín về Thần Tính Đức Kitô. Cũng như Tu Hội Opus Dei do Thánh Jose Maria Escriva sáng lập ngày 2 tháng 10 năm 1928 tại Tây Ban Nha, và hội kín The Priory of Sion được thành lập năm 1099 do một nhóm người trung thành nhằm bảo vệ những sự thật về Chúa Giêsu và Maria Mađalêna.

Điều đáng nói ở đây là Dan Brown đã dùng và dẫn chứng tài liệu lịch sử không thật nhưng lại được dẫn giải như là có thật. Thí dụ, hội kín Priory of Sion, và Tu Hội Opus Dei. Hội kín Sion không có thật, được lồng vào hình ảnh Tu Hội Opus Dei có thật. Ngoài ra ông còn nhạo báng sự tranh quyền trong Giáo Hội khi cho rằng Phêrô đã dành quyền của Maria Mađalêna. Từ đó nẩy sinh hành động đàn áp và lấp liếm nữ quyền. Những hình ảnh này nếu đem vào lối suy luận con người thời nay là cả một điều tồi tệ không thể chấp nhận được, vì trong thế giới ngày nay vai trò phụ nữ đang được đề cao. Dan Brown có tỏ ra điếm đàng trong lối suy luận và lợi dụng tình thế ngày nay để chê bai và chia rẽ Giáo Công Giáo không? Theo Dan Brown thì Vatican là một trung tâm quyền lực đáng phải loại bỏ.

Đọc Thánh Kinh hẳn Dan Brown phải biết rằng chính Chúa Giêsu sau khi từ cõi chết sống lại, trên bờ hồ Têbêria đã trao quyền điều khiển Giáo Hội của Ngài cho Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên của thầy” (Gioan 21:15), và “Hãy chăn dắt các chiên mẹ của thầy” (Gioan 21:17). Chính nơi con người Phêrô ấy, Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài: “Phần thầy, thầy bảo anh là Phêrô nghĩa là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy mà dù các cửa Hỏa Ngục dấy lên cũng không thắng nổi”. Những lời Thánh Kinh vừa trích dẫn hoàn toàn khác với những gì mà Dan Brown đã ngụy tạo khi cho rằng Chúa Giêsu trước khi tắt thở trên thập giá đã trao quyền điều hành Giáo Hội cho Maria Mađalêna, rồi gán cho Giáo Hội cái tội săn lùng và thủ tiêu hậu duệ của Chúa Giêsu, và nhất là coi thường vai trò nữ giới.

5. Sự xúc phạm đến những giá trị và đời sống tâm linh Kitô hữu, cách riêng người Công Giáo:

Cuốn tiểu thuyết và phim The Da Vinci Code đã chuyên chở một số lượng lớn những tài liệu và trích dẫn sai lạc lịch sử nhằm triệt hạ uy tín và phỉ báng Giáo Hội Công Giáo, niềm tin Kitô Giáo, và đặc biệt, xúc phạm đến Thiên Chúa.

Mục đích của những hành động này nhằm biến đổi quan niệm và niềm tin Kitô Giáo và dẫn đến việc nhiều người sẽ coi tôn giáo, cách riêng Công Giáo như một hành động có tính cách đạo đức xã hội, lịch sử hay chính trị. Từ quan niệm này, đức tin được thay thế bằng sự hiểu biết của lý trí. Lòng đạo đức được thay thế bằng sự nhiệt thành tự nhiên, và những điều cần phải tin tưởng được thay thế bằng những hiện tượng xã hội xẩy ra chung quanh trong cuộc sống. Nó khiến nhiều người không thể tin rằng trên đời này lại có một tôn giáo và Giáo Hội như Công Giáo, một Giáo Hội “thánh thiện, Công Giáo và Tông Truyền”. Ngược lại, chỉ là một tập thể của những người có cùng một sự tin tưởng, nhưng bị khống chế do một tập đoàn những người hướng dẫn gọi là giáo phẩm, giáo sỹ mà trung tâm quyền lực đó là Vatican.

Vai trò Thiên Tính của Chúa Giêsu bị tước đoạt, khiến Ngài chỉ còn là một thanh niên tầm thường như bao người thanh niên tầm thường khác. Nhưng có lẽ qua việc gán ghép cho Chúa Giêsu mối tình thầm kín với Maria Mađalêna, rồi lại phổ biến bằng việc cho Maria Mađalêna mang thai với Chúa Giêsu, Dan Brown đã phỉ báng không những Đức Kitô mà còn cả những giá trị đạo đức của Kitô Giáo, cách riêng người Công Giáo.

Nếu Chúa Giêsu không độc thân, thì việc Ngài kêu gọi những người dấn thân theo Ngài trong ơn gọi tu hành có nghĩa lý gì? Dan Brown biết rõ câu trả lời này khi ông nhắm vào điều mà ông cho là nhức nhối của Giáo Hội Công Giáo, cách riêng Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trước hiện tượng bùng nổ về lạm dụng tình dục, về nữ giới muốn làm linh mục, và về việc linh mục muốn lập gia đình. Đây là những vấn nạn mà Giáo Hội Công Giáo phải vất vả lắm mới giữ vững được, nhưng không có nghĩa là không có những sóng gió và sự va chạm nội bộ. Và việc ông gán cho Chúa Giêsu có vợ và có con là một câu trả lời làm thích thú một số giám mục, linh mục, nữ tu cấp tiến đang muốn nghe, vì đây là điều sẽ làm cho Giáo Hội trở thành một tổ chức tôn giáo hoàn toàn tự nhiên và mang xã hội tính. Ngoài ra, nó sẽ làm mất đi sự thánh thiện của ơn gọi tu trì khi những đòi hỏi cần thiết của đời tận hiến bị loại bỏ.

Ngoài ra, nếu ơn gọi tận hiến bị xáo trộn vì việc Chúa Giêsu có vợ và có con, thì vai trò ơn gọi giáo dân thì sao? Nó có thể giải quyết bằng hình ảnh một mối tình thầm kín giữa Chúa Giêsu và Maria Mađalêna không? Tại sao không, vì “thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước”. Vì như thế, có nghĩa là những Kitô hữu cũng có thể bắt chước Chúa Giêsu, bề ngoài nghiêm trang đạo đức, mà bề trong thì “thầm lén”. Đến đây thì những người như nhóm đồng tính, hôn nhân đồng tính, những người chủ trương ly dị sẽ sung sướng vì tìm được câu trả lời nơi chính hành động của Chúa Giêsu dưới nhãn quan một con người bình thường.

Tóm lại, cái nham hiểm và tệ hại của tác phẩm và phim The Da Vinci Code không chỉ dừng lại ở những xúc phạm nặng nề đối với Thiên Chúa, đối với niềm tin Kitô Giáo, đối với Giáo Hội Công Giáo, mà hơn thế nữa nó muốn thay thế Thiên Chúa, muốn thay thế Giáo Hội bằng một tổ chức tôn giáo và lối sống hoàn toàn nhân bản, tự nhiên. Một tôn giáo tự nhiên lấy việc giải mã những bí mật chung quanh cuộc sống làm nền tảng, như việc giải mã duệ dạo và phạm thánh về bức danh họa Bữa Tiệc Ly của Da Vinci mà Dan Brown đã làm. Rất tiếc đây lại không phải là những mã số và lối giải mã dẫn con người về vĩnh hằng!

Trần Mỹ Duyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.06.2006. 23:12