Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phỏng Vấn Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh

§ Ngọc Loan

Phỏng Vấn Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thường trực ban điều hành nhóm CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

VietCatholic News. (15/6/2000) SÀI GÒN: Vào tháng từ vừa qua lễ giỗ 15 năm cố Linh Mục Nhạc Sĩ Hoàng Kim là một thành viên kì cựu của nhóm phiên dịch CGKPV ( CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ). Nhóm phiên dịch CGKPV đã có một cơ sở khang trang được một năm nay trên đường Duy Tân tại số 60A nay là đường Phạm Ngọc Thạch, vào cuối năm nay nhóm sẽ mừng 30 năm thành lập. Nhân dịp này Vietcatholic Network đến thăm và phỏng vấn Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, thường trực ban điều hành của Nhóm Phiên Dịch CGKPV

Vietcatholic (H): Kính chào Cha, chúng con trong nhóm anh chị em cộng tác viên của Linh Mục Gioan Trần Công Nghị, Giám Ðốc Vietcatholic Network, có dịp về đây thăm lại quê hương xin đến thăm Cha và tham quan cơ sở mới của Nhóm

Cha Pascal Tỉnh (Đ): Thật quí hóa, mời các anh chị lên tầng lửng là phòng khách, ở dưới này xe cộ qua lại nên ồn lắm . Thôi để dẫn đi tham quan trước, ở đây có 5 lầu, nếu ở hải ngoại về có lên xuống thì cũng mệt vì có thang máy đâu mà dùng. . . . . . . Năm ngoái mình có nhận quà của Vietcatholic, nhưng thú thật khả năng điện toán của mình thì yếu lắm hơn nữa trong thời gian qua, anh em mình làm việc cật lực để cho xong các bản dịch . Ngoài những thư từ công việc đòi hỏi, hầu như mình không thư từ gì cho ai. Có thể là bạn bè nghĩ mình lạnh nhạt, thực ra chỉ vì công việc bề bộn quá. Vừa lo làm việc với anh em, ít là như anh em, vừa một mình dốc công dốc sức xây dựng ngôi nhà cho anh em có nơi làm việc, mất hơn hai kílô đến giờ này chưa lấy lại được. Ở nước ngoài có mất 10 kí cũng chẳng sao, thân ốm teo như mình qua cầu gió thổi cũng bay ……….

(H): Thật sự chúng con chỉ biết sơ qua nhómPhiên Dịch CGKPV qua những cuốn Kinh Thánh mới đây xuất bản tại California trông rất trang nhả. Một số chị có kể lại vào năm 1974, khi ghé thăm các sơ Biển Ðức tại Thủ Ðức, dùng lối tắt của Dòng Tên để đi qua, thấy các Cha trong Nhóm và cả một tủ sách để ngổn ngang đến mất trật tự, hỏi ra thì mới biết các Cha trong Nhóm mượn phòng trong một tuần, để là dịp ngồi lại với nhau mà chuyển dịch .

(Đ): Ðúng đấy, thường các Cha đều có sinh hoạt ở Giáo Xứ hay các Dòng Tu, ngồi lại với nhau rất là khó, cho nên có dịp thì phải tìm nơi yên tĩnh, coi như là tuần tĩnh tâm để quên hết mọi chuyện bên ngoài ngồi lại soạn thảûo và dịch với nhau.

(H): Xin Cha cho chúng con biết nhóm bắt đầu từ đâu và khởi hứng vào lúc nào mà đến nay đã gần được 30 năm ?

(Đ): CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ là tên một cuốn sách được phiên dịch và xuất bản lần đầu tiên tại Sàigòn vào năm 1972. Ðó là công trình của Nhóm Phiên Dịch mang cùng tên đó, được thành lập chỉ một năm trước, gồm một số linh mục và tu sĩ, nhằm mục tiêu ban đầu là phiên dịch cuốn sách nguyện được canh tân theo sắc lệnh của Công Ðồng Vaticanô 2, và mới được phát hành. Bốn tuần kinh của Phần Thường Niên được phiên dịch và xuất bản từ năm 1972 đến năm 1974. Sau biến cố 1975, nhóm vẫn tiếp tục làm việc, và xuất bản dưới dạng sách quay rô-nê-ô, phần còn lại của sách nguyện gồm: Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh ( 1975), Mùa Chay và Mùa Phục Sinh (1976) và Phần kính các Thánh (1977). Vào thời điểm này, ngoại trừ các bài đọc giờ Kinh Sách, bản dịch sách nguyện mới cũng đã xong.

(H): Như vậy thì lúc đầu tiên chỉ là phần dịch các giờ kinh Phụng Vụ, khi Cha nói tới đây thì chúng con nhớ lại Giờ Kinh Phụng Vụ như của ăn nuôi sống tinh thần trong ngày, không những chỉ dành riêng cho Tu Sĩ nhưng còn cho cả Giáo Dân. Kể ra đối với Giáo Dân như chúng con nghe đến Giờ Kinh Phụng Vụ thì cũng cảm thấy hơi lạ đấy!

Từ một bản kinh Phụng Vụ thì đến lúc nào các Cha mới nghĩ đến chuyện dịch Kinh Thánh?

(Đ): Cùng làm công việc nói trên, anh chị em nhóm phiên dịch CGKPV càng xác tín rằng phải có một bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Việt: bản dịch dĩ nhiên là phảûi đúng rồi, nhưng chỉ đúng mà thôi thì chưa đủ, còn phải xuôi tiếng Việt, và trong mức độ có thể, phải đẹp, phải hay. Và anh chị em ôm ấp hoài bão làm công việc đó. Nhưng mới dịch được 150 Thánh Vịnh đã thấy thấm mệt rồi, thì toàn bộ cuốn Kinh Thánh biết đến đời nào mới xong? Và tiếp theo các Thánh Vịnh, sẽ dịch phần nào trong Sách Thánh đây ?

(H): Như vậy thì ngao ngán quá, Nhóm bắt đầu đi từ phần nào trong Kinh Thánh trước?

(Đ): Một khuynh hướng muốn dịch cho xong phần còn lại của các GKPV, tức là các bài đọc giờ Kinh Sách. Nhưng đa số anh chị em lại nghĩ: làm việc đó thì cũng tốt thôi, tuy nhiên chỉ phục vụ được cho nhu cầu của một số nhỏ là các Linh Mục và Tu sĩ, đang khi tuyệt đại đa số trong cộng đoàn Dân Chúa chỉ có thể họp nhau ngày Chúa nhật, do đó các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng có một tầm vóc quan trọng hơn rất nhiều. Ðó là lý do khiến anh chị em không những chỉ phiên dịch các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật và Lễ trọng, nhưng còn đề nghị thêm một bản dịch mới của Nghi thức Thánh Lễ nữa.

(H): Khi nhóm đã tiến hành soạn thảo và dịch ra thì nhóm có được sự hỗ trợ hay công nhận để được coi như là động lực để tiến tới không?

(Đ): Năm 1983, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam quyết định chấp nhận bản dịch CGKPV của Nhóm như bản dịch chính thức. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chưa thuận lợi, nên mãi đến năm 1990-1991 cuốn sách về các bài đọc và nghi thức Thánh Lễ, mới được Ủy Ban Phụng Tự xuất bản.

(H): Ðể hoàn thành một cuốn Tân Ước, thì Nhóm phải mất thời gian bao lâu ?

(Đ): Trong suốt thời gian từ 1977 đến 1991, song song với việc hoàn chỉnh bản dịch CGKPV, chỉ riêng các Thánh Vịnh đã sửa đi sửa lại tới bốn lần, anh chị em đã tra tay vào việc phiên dịch Tân Ước. Ðến cuối năm 1986 đã có bản quay rô-nê-ô đầu tiên. Từ năm 1987, theo gợi ý của Ðức TGM Nguyễn Văn Bình, anh chị em đã tra tay vào công việc dẫn nhập và chú thích bản Tân Ước. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm ở giai đoạn đầu nên công việc này đã kéo dài trong nhiều năm. Mãi đến tháng 6 năm 1993 bản văn mới đã sẵn sàng. Theo lời thỉnh cầu của Nhóm, toà Tổng Giám Mục đã đứng ra xin phép, và trung tuần tháng 11 cùng năm đã nhận được giấy phép xuất bản 30 000 cuốn, và cuốn sách phát hành vào ngày 13 tháng 8 năm 1994. Tính ra thì mất thời gian 17 năm để hoàn thành cuốn Tân Ước.

(H): Như vậy ngày 13 tháng 8 phải coi là một biến cố để chúng con ghi lại trong chương trình “Nhớ ngày năm xưa” của Vietcatholic Network?

(Đ): Vào ngày 13 tháng 8 tại Toà Tổng Giám Mục đã làm lễ ra mắt cuốn Kinh Thánh Tân Ước. Dĩ nhiên đây không phải là lần đầu tiên Tân Ước được dịch ra tiếng Việt. Phía anh em Tin Lành thì có bản dịch từ những năm 1930 và đến nay còn tiếp tục sử dụng. Phía Công Giáo thì có các bản dịch của Cố Chính Linh, của Cha Gagnon, Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Trần Ðức Huân, Cha Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, Ðức Hồng Ý Trịnh Văn Căn, và gần đây nhất là của Cha An Sơn Vị.

Tuy nhiên, cho đến nay, các bản dịch đều do các cá nhân thực hiện. Nay lần đầu tiên tại Việt Nam, Tân Ước được phiên dịch không phải do cá nhân, nhưng là do một tập thể, đó là Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

(H): Xin Cha có thể cho chúng con biết thành phần của Nhóm gồm những ai ?

(Đ): Tên tất cả những người đã góp phần hình thành cuốn Tân Ước đã được ghi ở đầu sách gồm có: Trần Ngọc Thao, Nguyễn Thị Sang, Ðỗ Xuân Quế, Hoàng Ðắc Ánh, Thiện Cẩm, Trịnh Văn Thậm, Xuân Ly Băng, Nguyễn Công Ðoan, Nguyễn Hữu Phú, Trần Phúc Nhân, Cha cố Hoàng Kim, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Tất Trung và mình. Còn riêng phụ trương 3 về những chủ đề lớn trong Kinh Thánh thì là bản dịch của Nguyễn Ngọc Rao, Nguyễn Cao Siêu, Nguyễn Thịnh Phước, Ðinh Huỳnh Hoa, Nguyễn Cao Luật, Nguyễn Ðạt Tam, Hoàng Ngọc Lễ, Nguyễn Phước. Ngoài ra còn có các anh chị thư ký và sắp chữ . Một số trong số trên, vì lý do này hay lý do khác, không còn sinh hoạt với Nhóm nữa. Vào đầu năm 1994, ngoài một cảm tình viên và hai người đang thực tập, Nhóm gồm 14 thành viên chính thức. Trong số này có 1 giáo dân, 1 Nữ tu ( Dòng Ðức Bà0; các thành viên còn lại đều là nam Tu sĩ, đa số là Linh Mục, 4 thuộc dòng Ða Minh, 2 Dòng Chúa Cứu Thế, 2 Dòng Tên, 1 Dòng Thánh Thể, 1 Dòng Phanxicô, 1 tu hội Xuân Bích và 1 tu hội Jesus Caritas. Vì phải đảm nhiệm một số công việc trong các cộng đoàn tu của mình nên anh chị em làm việc chung với nhau từ 2 đến 5 ngày mỗi tuần. Về phương diện chuyên môn, hiện tại Nhóm có 9 chuyên viên Kinh Thánh, trong số này 4 người được đào tạo tại chỗ; những người còn lại làm việc trong các lãnh vực khác như phụng vụ, thánh nhạc, huấn giáo hoặc văn chương. Tất cả đều có ít nhiều kinh nghiệm mục vụ. Tại học viện liên dòng vừa mới thành lập, 4 người trong Nhóm được mời dạy Kinh Thánh, 1 người dạy Phụng Vụ, và 1 người dạy Thần Học Bí Tích.

Từ năm 1987, Nhóm đã nhận lời Ðức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Phụng Tự của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam mời một số anh em vào Ủy Ban. Hiện tại Uỷ Ban gồm 16 thành viên, trong số đó Nhóm chiếm một nửa.

(H): Chúng con vẫn thường quan niệm làm việc một mình thì sao cũng được, nhưng làm việc tập thể thì nhiều phức tạp, xin Cha cho chúng con biết phương pháp làm việc tập thể của Nhóm như thế nào ?

(Đ): Tuy không cố tình lựa chọn, nhưng Nhóm đã bắt đầu phiên dịch có lẽ phần khó nhất của Sách Thánh, đó là các Thánh Vịnh. Ngay từ đầu, anh chị em đã sớm nhận ra rằng một cá nhân sẽ không sao kham nổi một công việc vừa khó khăn, vừa phức tạp như thế.

Bản văn được phiên dịch luôn do một anh chị em chuyên viên Kinh Thánh chuẩn bị trước. Bản thảo làm xong được đưa ra trao đổi trong Nhóm. Cuộc thảo luận dựa trên bản gốc, nhưng đồng thời anh chị em cũng đối chiếu với các bản dịch hiện có như Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Anh, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa và dĩ nhiên Việt Nam. Chỉ riêng các bản dịch bàng Pháp văn, Nhóm đã tham khảo tới 10 bản dịch khác nhau.

(H): Một khi đã thỏa thuận với nhau về ý nghĩa rồi, thì chúng con lại thấy rắc rối làm sao để chuyển qua tiếng Việt. Nói tiếng Việt chỉ cần ‘hắn giọng”là đã đổåi dấu rồi! Tụi con hỏi “đi đâu?”, có người lại hỏi “đi đâu đó?”, như các Cha Dòng Phanxicô thường gốc người Trung, các Cha sẽ hỏi “Ði mô ?”. Thế thì trong Nhóm giải quyết thế nào?

(Đ): Một khi thỏa thuận với nhau về ý nghĩa rồi, vấn đề là làm sao chuyển qua tiếng Việt thế nào để khỏi chói tai người nghe. Chỉ xin đan cử một ví dụ trong Thánh Vịnh 84,11b, theo bản dịch của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ là “Công lý và hòa bình hôn nhau âu yếm ”. Thật ra thì ”hôn nhau âu yếm” đối với người Việt Nam không phải là chuyện lạ và đối với Tây Phương là chuyện thường tình, nhưng phong tục tập quán của chúng ta không cho phép hôn nhau ngoài đường phố, lại càng không hôn nhau trong nhà thờ. Thành ra Nhóm mới đề nghị một kiểu nói muốn hiểu sao thì hiểu mà vẫn lột được ý nghĩa của bản gốc: “Hòa bình công lý đã giao duyên ”

Chưa hết, tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ rất giàu nhạc tính, nên khi thực hiện một bản dịch để nghe hay đọc lớn tiếng, cần chú ý đến âm thanh và tiết điệu. Một ví dụ về âm thanh trong Thánh Vịnh 77,63a: “Lửa chinh chiến hủy diệt đời trai tráng ”. Xét về từ thì không có vấn đề. Nhưng về âm thanh, tại ba điểm nhấn chữ chiến, diệt, tráng, chúng ta có các dấu : sắc, nặng, sắc. Thế nhưng trong câu này, từ chinh chiến là một từ có thể để nguyên, mà cũng có thể đảo ngược thành chiến chinh . Trong câu trên, nếu ta đảo ngược từ này thì âm thanh sẽ khác ngay: “Lửa chiến chinh hủy diệt đời trai tráng ”, tức là bình thượng, nặng, sắc.

Cho thêm một ví dụ cuối cùng là về tiết điệu. Âm nhạc chỉ có hai loại nhịp: 2 hay 3. Ví dụ thơ lục bát, bình thường chỉ sử dụng nhịp 2, nhưng để khỏi nhàm chán, có lúc Nguyễn Du đã thay đổi tiết tấu một cách tuyệt vời:

Mai cốt cách/ tuyết tinh thần (tức là 3 + 3)
Mỗi người/ một vẻ/ mười phân/ vẹn mười (tức là 2+2+2+2)

Trong bản dịch đầu tiên Thánh Ca Danien đoạn 3 câu 57-88 được dịch vào năm 1972 gồm toàn những câu 8 chũ nhịp 2 chẳng hạn:
Chúc tụng/ Chúa đi/ đồi xanh/ núi biếc (2+2+2+2)

Nay được đổi thành
Chúc tụng/ Chúa đi/ này đồi xanh/ núi biếc (2+2+3+2)

Như vậy tóm lại để có thể tôn trọng các thể loại khác nhau của Sách Thánh, để có thể vừa giữ được ý nghĩa của Lời Chúa, vừa cố sao cho câu văn được sáng sủa, gọn gàng, dễ hiểu, và đạt tới một mức độ nghệ thuật nào đó, không có giải pháp nào bảo đảm hơn giải pháp anh chị em đã lựa chọn, đó là chấp nhận các khả năng khác biệt để bổ túc cho nhau chấp nhận cùng làm việc chung với nhau.

(H): Khi cuốn Kinh Thánh Tân Ước hoàn thành, thì Nhóm bắt đầu nghĩ ngay đến bộ Cựu Ước có đúng như vậy không?

(Đ): Trong khi cuốn Tân Ước lên khuôn thì bản dịch Cựu Ước cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên còn phải mất một thời gian nữa để hoàn chỉnh bản dịch, đồng thời soạn thảo các dẫn nhận và chú thích. Tập đầu tiên của Cựu Ước là các sách Ngôn Sứ. Và sách này hoàn thành và cho in vào năm 1995. Và ước mong của anh chị em trong nhóm với đà này thì toàn bộ Kinh Thánh với dẫn nhập và chú thích sẽ hoàn tất trước cuối thế kỷ . Nhưng đến năm 1998 thì coi như hoàn tất.

(H): Xong toàn bộ thì trong Nhóm có dự tính dịch các sách khác không ?

(Đ): Ðiều đó khó nói, nhưng cho dù có hoàn tất, thì cũng phải ngồi duyệt lại và sửa đổi. Như đã nói lúc ban đầu thì bản Thánh Vịnh cũng đã sửa đổi tới bốn lần. Còn các bản dịch khác như bộ Giáo Lý hay các hiến chương thì cũng phải để dành phần cho các Cha khác nữa chứ! Dành làm hết thì kham sao nổi . Nhưng chuyện tương lai thì không dự liệu trước được, riêng mình thì nay đã 65 tuổi rồi, đâu còn nhiều thời gian mà sinh hoạt với anh chị em trong Nhóm mãi được.

(H): Trước khi có một cơ sở khang trang như thế này, Nhóm của Cha thường sinh hoạt ở đâu?

(Đ): Ngay từ đầu Nhóm đặt trụ sở tại tu việän Mai Khôi đường Tú Xương, sau đó thì dời về tại Toà Tổng Giám Mục . Kể từ khi Ðức Cha Phạm Minh Mẫn lên làm Tổng Giám Mục thì trong tòa Giám Mục có thêm nhiều sinh hoạt .Và kể từ năm qua thì Nhóm dời ra ngoài trụ sở mới. Công việc này cũng do rất nhiều ân nhân giúp đỡ .

(H): Trong khoá Triết Thần vào cuối năm qua được tổ chức tại California Hoa Kỳ, có nhiều Cha thuyết trình với nhiều đề tà rất phong phú . Trong đó chúng con nhớ Gíáo Sư Trần Ðoàn ở Ðài Loan cũng là thuyết trình viên trong khoá, Giáo Sư nói đùa thế này “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Khi vừa bước vô cổng, chúng con thấy huy hiệu ở trên cổng mà thấy rất là quen đã in trên các sách Thánh Kinh ở Hoa Kỳ . Cha có nghĩ rằng, Cha làm việc cho Ta mà ở nhà Tây không !?

(Đ): Mình đâu dám nghĩ đến chuyện đó, huy hiệu hay gọi là biểu tượng ở ngay cổng rất có ý nghĩa và phải hiểu như thế này:

Mỗi một vòng tròn là một đầu người.
Dưới mỗi cái đầu là một cuốn sách mở ra.
Góc của bốn cuốn sách làm thành cây Thánh Giá.

Như thế biểu tượng mang ý nghĩa: Người tứ phương đọc Lời Chúa dưới ánh sáng của Chúa KiTô. Biểu tượng này mượn của một cuốn Thánh Kinh do Liên Hiệp Thánh Kinh Hội xuất bản tại Hoa Kỳ. Và sách Kinh Thánh Việt Nam xuất bản cũng do sự giúp đỡ bảo trợ của Hội này.

(H): Cha và các anh chị em trong nhóm có dịp đi ra hải ngoại chưa ?

(Đ): Nhiều anh em lúc trước đã tu học từ nước ngoài, một số trong Nhóm sau này cũng đã có dịp, nhưng thường cho công việc họp, mục vụ hay chữa bệnh. Như Cha Trần Phúc Nhân vào năm ngoái đã đến Hoa Kỳ để chữa mắét, Cha Ðỗ Xuân Quế hiện tại đang ở tại Canada, theo chương trình vào đầu tháng 7 Cha sẽ qua thăm Hoa Kỳ, có thể Cha sẽ giảng phòng tại một số nơi rồi về lại Canada đón tượng Mẹ Thánh Du ……

(H): Còn riêng Cha thì sao?

(Đ): Mình thì vào cuối năm 1994 có đi Nhật từ mùng 8 tới ngày 14 tháng 12. Người ta mời đi họp, nhưng được giấy thì đã họp xong rồi, nhưng anh em tất cả 4 người cũng quyết chí đi.

(H): Cảm tưởng của Cha thấy thế nào?

(Đ): Thấy người ta quá giầu, quá văn minh, hoàn toàn xa lạ với mình. Năm mươi năm sau chiến tranh ở Nhật, người thua đã theo kịp người thắng về nếp sống văn minh cũng như về khoa học kĩ thuật. Ðó là chuyện phải làm mình suy nghĩ. Nước Nhật mạnh vì người Nhật chịu khó làm việc, và tinh thần rất cao nếu không nói là khe khắt. Nhưng xã hội Nhật hôm nay cũng mắc phải cơn bệnh của các xã hội Tây Phương nói chung, đó là chỉ biết có vật chất. Cố sức làm để hưởng thụ, và muốn hưởng thụ thì phải làm; con người đang làm nô lệ cho tiện nghi, cho của cải vật chất. Thành ra khi đi về, anh em hỏi ý kiến, mình nói: đi thì vui, về vui hơn. Không phải chỉ vì đây mới là quê cha đất tổ của mình, nhưng còn vì ở đây mình nghèo, và có lẽ vì thế mình cần Chúa. Ở Nhật thì Phật cũng dư, Chúa cũng thừa, vì cái gì người ta cũng đã có hết rồi.

(H): Cuối năm nay thì Cha và Nhóm sẽ mừng 30 năm, nhìn lại một hành trình đã qua Cha cảm tưởng thế nào ?

(Đ): Nhìn lại cuộc hành trình đã qua với biết bao thăng trầm, anh chị em chỉ có thể cám ơn Chúa đã cho mình gặp nhau trong một chí hướng và cố gắng chung, đó là cùng nhau phục vụ Lời Chuá. Ai đã có kinh nghiệm làm việc chung thì biết phải hy sinh như thế nào. Tuy nhiên đó là cái giá phải trả để chính bản thân mỗi người được phong phú thêm. Chắc chắn không phải chuyện tình cờ nếu đa số các thành viên của Nhóm là những tu sĩ. Ðời sống cộng đoàn đã cho mỗi người thấy khả năng cũng như giới hạn của mình. Chính nhờ biết chấp nhận nhau mà anh chị em đã vượt qua được bao nhiêu khó khăn, trở ngại, và đạt tới kết quả mà một cá nhân không bao giờ đạt tới.

(H): Chúng con cám ơn Cha rất nhiều, hôm nay chúng con được cơ may học được nơi Cha, nhiều điều chỉ dạy thật phong phú và hữu ích. Chúng con xin kính chúc Cha và Nhóm Phiên Dịch CGKPV tràn nhiều Thánh Ân và dồi dào sức khoẻ, để tiêáp tục phục vụ công việc Giáo Hội ngày hôm nay. Riêng Cha thì thế nào Cha sẽ lấy lại được “hai kí lô đã mất”, xin Cha giúp lời cầu nguyện cho chúng con.

(Đ): Cho mình gởi lời thăm Cha Giám Ðốc và các Cha, riêng các anh chị thì mình cầu mong cho các anh chị và gia quyến thật nhiều ơn Chúa để nơi xứ lạ quê người, học hỏi được cái hay của người và giũ được cái hay của mình, và luôn luôn nhớ mình là con cái Chúa . Mừng gặp được các anh chị vẫn bình an, nhưng mừng hơn nữa là khi thấy các anh chị vẫn quan tâm đến công việc chung. Mình tặng cho các anh chị một bài thơ do mình chuyển dịch của Tác Giả Charles Singer, bài rất có ý nghĩa với tựa đề “TRO”, để nhớ rằng mình cũng như các anh chị khi nhắm mắt suôi tay, thân xác chỉ còn lại thành “TRO”. Nhớ cầu nguyện cho nhau.

Ngọc Loan

Đọc nhiều nhất Bản in 26.07.2006. 14:03