Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phản Ứng Trước Mật Mã Da Vinci

§ Louis Hồng Ân Chúa

Trích "Sứ Mệnh Giáo Dân #10, ngày 15/5/06"

A- Phản ứng Tức thời

Trước tình hình sôi động và nóng bóng của cuốn phim đang được quảng cáo rầm rộ và bán vé trước (pre-ticketed) khắp nơi, Vatican và nhiều cơ quan truyền thông Công giáo đã đưa ra những lời kêu gọi tẩy chay cuốn chuyện và cuốn phim này khá mãnh liệt. Đây là phản ứng tức thời của một số giới chức cao cấp trong Giáo hội trước chiến dịch bão tố của đối phương nhằm đánh phá Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài. Phản ứng này thật "dứt khóat và quyết liệt." Chắc chắn nhiều tín hữu hưởng ứng tích cực cuộc tẩy chay rộng lớn này. Sau đây chúng tôi xin đăng lại những lời Vatican công bố tẩy chay cuốn phim:

1- Vatican hô hào tẩy chay DVC

HÃY TẨY CHAY VÀ PHẢN ĐỐI PHIM DA VINCI CODE

Công bố mới nhất của Tòa Thánh:

Tẩy chay phim Da Vinci Code (Mật Mã của Da Vinci)

Rôma: Tòa Thánh đã lên tiếng công kích và phản đối phim "The Da Vinci Code" (tạm dịch Mật Mã của Da Vinci) trong ngày thứ Sáu khi viên chức cao cấp của Tòa Thánh - người gần gũi với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI - công phẫn về cuốn sách này, và cho rằng đây là một cuốn sách chứa đựng toàn những điều phản đạo với những điều không đúng sự thật. Ngài khuyến cáo các tín hữu Công Giáo nên tẩy chay cuốn phim này, một cuốn phim rút ra từ sách của Dan Brown, một cuốn sách “đầy thóa mạ và bài xích Kitô giáo”.

Đây là sự công kích mới nhất của Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, một viên chức hàng thứ nhì trong văn phòng thần học của Tòa Thánh. Đây là cơ quan mà Đức Giáo Hoàng Benedict là người dẫn đầu trước khi được bầu Giáo hoàng vào năm vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato đã tuyên bố trong buổi hội nghị Công Giáo tại Rôma, Ngài gọi cuốn sách này đã “công khai chống lại Thiên Chúa Giáo ... chứa đầy những lời vu khống, đả kích và đầy dẫy những sai lầm về lịch sử cũng như thần học về Chúa Giêsu, Kinh Thánh và Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato nói thêm: “Tôi hy vọng tất cả các tín hữu Công Giáo sẽ tẩy chay cuốn phim này” (không xem phim này cũng như kêu gọi người khác làm như thế).

Cuốn phim sẽ được tung ra thị trường bởi hãng Sony Pictures, do nam tài tử Tom Hanks đóng vai chính và sẽ ra mắt trong tháng 5 năm 2006, trong dịp đại hội điện ảnh Cannes ở Pháp. Hãng điện ảnh Sony chính là một chi nhánh của hãng điện tử lớn của Nhật.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato lên tiếng về cuốn sách của ông Dan Brown- được thành công cách vẻ vang trên thế giới phần lớn phát nguồn từ “kiến thức văn hóa tôn giáo nghèo nàn, mù quáng" của một số Kitô hữu.

Cuốn sách này đã bán được trên 40 triệu cuốn. Đây là cuốn tiểu thuyết quốc tế về một án mạng huyền bí mà chủ đề là lột trần những bí mật về cuộc đời của Chúa Giêsu mà xã hội đã dấu diếm và che dậy trong nhiều thế kỷ.

Trọng tâm của cuốn sách này là muốn nêu ra việc Chúa Giêsu đã lấy thánh nữ Mary Magdalene và có con chung.

Trong cuộc hội nghị này, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato đã công bố cùng các tín hữu là hãy mạnh dạn “gạt bỏ những điều xuyên tạc, trái với sự thật và vô cớ làm mất thể diện của Giáo Hội.” Ngài nói nếu như “sự xuyên tạc và quan niệm sai lầm này mà nhắm vào Thánh Kinh của người Hồi Giáo (sách Koran) hoặc cuộc tàn sát dân Do Thái thì những người theo đạo này có lý do chính đáng để khiêu khích thế giới nổi loạn.”

Ngài nói thêm: “Nhưng nếu họ trực tiếp đả kích Giáo Hội và các tín hữu thì họ vẫn không hề bị trừng phạt.”

Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato đề nghị tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn cầu phải kết hiệp chặt chẽ để cùng nhau phản kháng, chống đối cuốn phim "The Da Vinci Code" giống như cuộc phản đối chống lại cuốn phim “Sự Cám Dỗ Cuối Cùng Của Chúa Giêsu” của Martin Scorsese vào năm 1988.

Công bố mới nhất: Đây là công bố mới nhất của Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato đã phẫn nộ chống đối cuốn tiểu thuyết và phim "The Da Vinci Code".

Ngay trước lễ Phục Sinh, một viên chức Tòa Thánh đã dựa vào sự chống đối trong 1 phiên họp có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Benedict, cho rằng cuốn tiểu thuyết và cốt chuyện trong cuốn phim này giống như là một ví dụ điển hình Chúa bị bán đứng bởi làn sóng mà Ông gọi là nghệ thuật của “lịch sử giả tạo”.

Trong phiên họp trước lễ Phục Sinh, với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Benedict, một viên chức Tòa Thánh đã dựa vào sự chống đối này cho rằng cuốn tiểu thuýêt và cốt chuyện của cuốn phim này giống như là một ví dụ Chúa bị bán đứng bởi trào lưu mà Ông gọi đó là nghệ thuật “lịch sử giả tạo”.

Phong trào Opus Dei đã yêu cầu hãng phim Sony nếu họ tuyên bố trong phần giới thiệu phim rằng đây chỉ là một cấu tạo trong tưởng tượng, tiểu thuyết hóa thì có thể được chấp nhận và Giáo Hội được tôn trọng.

Opus Dei mô tả đặc điểm trong cuốn tiểu thuyết và phim như một mới nhất nối tiếp của một nhóm đã dấu diếm trong nhiều thế kỷ mờ ám sự thật về Chúa Giêsu. Phong trào Opus Dei cho rằng cuốn tiểu thuyết và phim này là một tác phẩm mới nhất của những sản phẩm khác do những nhóm hoạt động bí mật trong nhiều thế kỷ với chủ đích đánh đổ sự thật về Chúa Giêsu (nhằm xuyên tạc Giáo hội).

Với ngày khai trương cuốn phim này sắp đến, phong trào Opus Dei và những nhóm Kitô giáo khác đã thành lập những mạng lưới điện toán (Internet) cùng những cơ hội truyền thông để cảnh giác mọi người là không thể tin vào câu truyện này. Website của Hội Đồng Giám Mục Hoa Ký nhằm hóa giải và chống lại những xuyên tạc, ảnh hưởng sai lầm của phim này: http://www.jesusdecoded.com/

Đây chỉ là một câu chuyện kinh dị mà nhân vật chính phải phát hiện những mật hiệu với hy vọng sẽ giúp họ tìm được một thánh tích quan trọng. Đối thủ của họ là những thành viên của phong trào Opus Dei.

Hồng Ân Chúa chuyển dịch

2- Giáo dân mở chiến dịch tẩy chay bên cạnh sự yểm trợ của hàng giáo phẩm

Với tính cách là một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, làm sao người tín hữu không đau lòng và nhức nhối khi đối phương sử dụng tổng lực để hạ bệ Chúa Giêsu và đòi phế bỏ Giáo hội của Ngài. "Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh," đó là sứ mệnh và bổn phận của mỗi tín hữu khi Giáo hội lâm nguy. Trước trận cuồng phong như Katrina hay trận sóng thần hung bạo, tầng lớp đại đa số giáo dân trong Giáo hội sẽ phản ứng thế nào bên cạnh hàng giáo phẩm? Là một số dân đang hoạt động trên một số cơ sở truyền thông trên 'không trung,' chúng tôi chỉ là công việc nghiên cứu, soạn thảo và và xin mạo muội đưa ra một những đề nghị một số phản ứng cho chiến dịch này. Công việc chính yếu là của toàn thể dân Chúa, của Nhiệm Thể Chúa Kitô và phần đóng góp của chúng tôi quả thật ít ỏi và nhỏ bé.

- Tích cực hưởng ứng cuộc tẩy chay

Từ trước tới nay đã có nhiều cuốn sách, nhiều cuốn phim 'bôi bác,' chống đối Chúa Giêsu và Giáo hội, Vatican cũng như các Giáo hộ địa phương đã có những phản ứng khá mãnh liệt, nhưng chưa lần nào Vatican, các giới chức cao cấp trong Giáo hội hoặc một số chính trị gia lên tiếng phản đối quyết liệt trước cuốn sách và cuốn phim này. Đây chúng ta hãy theo dõi thêm một số phản ứng mới (do Linh Kỳ đúc kết):

"Còn đúng một tuần là đến 19 tháng 5, ngày mà bộ phim Da Vinci Code được chiếu trong các rạp phim. Trong khi đó, giới truyền thông và những người trong cũng như ngoài Công Giáo còn bàn tán xôn xao về việc một số lãnh tụ Công Giáo kêu gọi mọi người: Tẩy Chay Phim Da Vinci Code.

Thông thường trong giáo hội, các lời kêu gọi hay lời khuyên nên cẩn trọng một điều gì đó về tác hại của một bộ tiểu thuyết, một bộ phim, hay một câu truyện hư cấu rất ngắn gọn, sơ xài, và nhiều khi chỉ là nhắc nhở cho có lệ. Riêng ở trường hợp cuốn phim sắp phát hành, chúng ta đã thấy một số ngoại lệ:

- Ngày 28 tháng 4 năm 2006, Đức Tổng Giám mục Angelo Amato, Tổng Thư ký của Bộ Giáo lý Đức Tin, kêu gọi nên tẩy chay cuốn phim Da Vinci Code vì đó là một là một cuốn phim mang dùng bối cảnh lịch sử lồng vào một cốt truyện hư cấu để bài xích "Ki Tô Giáo".

- Ngày 7 tháng 5 năm 2006, Đức Hồng Y Francis Arinze, người Nigerian được xem như là một nhân vật có triển vọng được bầu làm Giáo hoàng năm vừa qua, đã kêu gọi những người Kitô giáo hãy phản ứng bằng pháp lý đối với cuốn sách và cuốn phim này bởi vì cả hai sách và phim xúc phạm đến Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài.

- Ngày 18 tháng 4 năm 2006, tại Phi Luật Tân, hội PAAP (Philippine Alliance Against Pornography Inc. - hội liên hiệp chống hình ảnh dâm dục) lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Phi và các giới chức nên xét đến việc tịch thu và huỷ bỏ các cuộn phim gốc của bộ phim Da Vinci Code với một số lý do chính: trái hiến pháp (unconstitutional), trái luật pháp (illegal) và phi đạo đức (immoral).

- Các Giám Mục Hoa Kỳ còn cho phép thực hiện một trang thông tin với tên gọi "Giải Mã Giê Su" (Giê Su Decoded) nhằm để truyền đạt những tín lý, những giáo lý Công Giáo căn bản về Chúa Giê Su và cũng dành riêng một số "giải thích cặn kẽ" về những sai lạc trong tác phẩm "Da Vinci Code" của tác giả Dan Browns.

- Và khắp nơi, ở mọi cơ quan truyền thông Công Giáo và Ki Tô Giáo, từ trung tâm Công Giáo là Vatican đến tận nơi mà những người Công Giáo tầm thường đang sinh sống, tôi vẫn thấy người ta bàn tán về cuốn Tiểu Thuyết Da Vinci Code và bộ phim sắp phát hành đồng tên. Có nơi, có người còn trân trọng gọi biến cố Da Vinci Code là "trận chiến thiêng liêng."

Như vậy tầm tác hại của DVC phải dữ dội lắm hơn bất cứ cuốn sách hay cuốn phim độc hại nào chống đối Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài từ trước tới nay? Tầm tác hại này không phải chỉ có bề mặt, nhưng nó còn xoáy mòn niềm tin của mọi người theo chiều sâu và chiều dài của lịch sử. Hiểu được tầm quan trọng của biến cố 'văn hóa' này, chúng ta sẽ cùng hướng ứng tích cực công việc tẩy chay này tuỳ theo khả năng, phương tiện, sức lực và nhiệt tâm của mình. Thí dụ như mỗi tín hữu đều cổ động mọi người trong gia đình, thân quyến, bạn bè, cộng đoàn, nơi chỗ làm ăn sinh kế, bằng thuyết phục, bằng phổ biến tài liệu, sách báo, điện thư, điện thoại...

- Vận động các cơ sở truyền thông trong và ngoài đời, các cộng đoàn, các đoàn thể tham gia chiến vạch trần và tẩy chay

Với các viên chức trong liên đoàn, cộng đồng, cộng đoàn, đoàn thể, cũng như với các vị thức giả và các vị có thế giá trong Giáo hội, quý vị có điều kiện, có thời cơ để vận động hình thành một chiến dịch: tẩy chay - bảo vệ đạo giáo - phát triển Giáo hội Nhiệm Thể. Làm thế nào quý vị có thể đoàn ngũ tầng lớp giáo dân bên sự yểm trợ tích cực của hàng giáo phẩm theo chiều dài, chiều rộng và nhất là chiều sâu? Làm thế nào quý vị vận động được các cơ sở truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện báo, trang nhà, không những trong giới Công giáo, nhưng quan trọng hơn là các cơ sở truyền thông 'ngoài đời' đồng loạt hưởng ứng chiến dịch này?

- Thiết lập mạng lưới cầu nguyện

Giáo hội đang lâm trận, các tín hữu đang lâm trận để bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội. Đây không phải là trận chiến bình thường, nhưng là trận chiến chống lại bè lũ của ác thần, của Satan. Trận chiến này chính yếu là trận chiến tâm linh giữa vương quốc trần gian và vuơng quốc thiên linh. Chính Chúa Giêsu và Thánh Thầnh của Ngài sẽ điều khiển và chiến thắng trận chiến này, như xưa Thiên Chúa đã giúp dân Do Thái chiến thắng các lân bang. Đây là lúc chúng ta nghiền ngẫm bài học Kinh Thánh quan trọng này nơi sách Sử Biên: "Toàn thể dân Giu-đa, kể cả đàn bà con trẻ, đều đứng trước nhan ĐỨC CHÚA. Bấy giờ, giữa cộng đoàn, thần khí ĐỨC CHÚA xuống trên ông Gia-kha-di-ên con ông Dơ-khác-gia-hu, cháu ông Bơ-na-gia, ông này là con ông Giơ-y-ên, cháu ông Mát-tan-gia; Gia-kha-di-ên là một thầy Lê-vi trong hàng con cháu ông A-xáp. Ông nói: "Toàn thể Giu-đa, dân cư Giê-ru-sa-lem và vua Giơ-hô-sa-phát, xin lắng tai nghe! ĐỨC CHÚA phán với các ngài như sau: "Các ngươi đừng sợ, đừng khiếp đảm trước đám dân đông đảo này, vì cuộc chiến này không phải của các ngươi, nhưng là của Thiên Chúa. Sớm mai hãy xuống mà đánh chúng; chúng sẽ đi lên theo triền dốc Xít và các ngươi sẽ gặp chúng ở cuối con suối đối diện với sa mạc Giơ-ru-ên. Trong trận này, các ngươi không phải chiến đấu, cứ án binh bất động mà xem ĐỨC CHÚA, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào. Sớm mai hãy ra đón chúng, và ĐỨC CHÚA sẽ ở với các ngươi."

Vua Giơ-hô-sa-phát sấp mặt xuống đất và toàn thể Giu-đa cùng dân cư Giê-ru-sa-lem phủ phục trước ĐỨC CHÚA mà thờ lạy. Các thầy Lê-vi con cháu ông Cơ-hát và con cháu ông Cô-rắc đứng lên lớn tiếng ca tụng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Họ thức dậy thật sớm và đi vào sa mạc Tơ-cô-a. Trong khi họ đi như thế, vua Giơ-hô-sa-phát đứng ra và nói: "Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem hãy nghe ta: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa các ngươi, cứ tin tưởng vào Người, các ngươi sẽ tồn tại; cứ tin lời các ngôn sứ của Người, các ngươi sẽ chiến thắng." Sau khi hội ý với dân, vua cắt đặt những người ca hát ngợi khen ĐỨC CHÚA. Họ mặc phẩm phục thánh, vừa đi trước quân binh vừa hát: "Hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA, vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương." Khi họ cất tiếng reo mừng và ca ngợi, thì ĐỨC CHÚA gây mâu thuẫn giữa hàng ngũ quân Am-mon, quân Mô-áp và dân vùng núi Xê-ia đang tiến đánh Giu-đa. Thế là chúng bị thảm bại." (2Sb 20: 13-23).

Như vậy chủ lực của trận chiến này chính là cầu nguyện. Chính cầu nguyện sẽ phá được trận đồ bát quái của địch quân. Cầu nguyện chính là vũ khí lợi hại mọi tín hữu đều có trong tầm tay. Không ai có thể châm chước cho mình không sử dụng loại vũ khí này, kể cả những bệnh nhân nằm kiệt quệ nhất trên giường bệnh. Cầu nguyện của mỗi người có thể là tâm tình với Chúa, tận hiệp với Chúa, hát thánh ca hoặc đọc kinh chúc tụng Ngài, cảm tạ Ngài. Lần các chuỗi hạt Lòng Thương Xót hoặc kinh Mân Côi, chầu Thánh Thể... là những phương thế cầu nguyện rất hiệu năng.

Làm thế nào các gia đình, các nhóm, các đoàn thể, các cộng đoàn, các cơ sở truyền thông thiết lập được các mạng lưới cầu nguyện cho chiến dịch rộng lớn chống DVC này? Đây chính là điểm chiến lược và chủ lực trong chiến dịch phản công này và không ai được phép miền trừ hoặc lơ là, hoặc tắc trách.

B- Phản ứng Trường kỳ

Chúng tôi vừa mạo muội đưa ra một số đề nghị cho các phản ứng cấp thời trong chiến dịch vạch trần và tẩy chay DVC, tuy nhiên đây là một cuộc chiến trường kỳ, tương tự như một loại chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ hai, kéo dài cả hàng nửa thế kỷ. Như vậy, nếu chúng ta chỉ chú trọng vào các phản ứng cấp thời trước mắt và không đặt trọng tâm vào các phản ứng trường kỳ, kể như chúng ta đã thua trận trong trận chiến trường kỳ này. Phải chăng chính Chúa Giêsu đã không tiên báo cho chúng ta: "Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt 10:22)? Phải chăng không là thời cơ thuận lợi để Giáo hội Chúa Kitô tiến vào những lãnh vực chủ động mà từ trước tới nay chưa khai triển hoặc phát động đúng mức? Sau đây chúng tôi xin đề đạt một số các phản ứng trường kỳ mang tính chất tích cực và chủ động trong cuộc chiến này.

* Phục hưng Giáo hội Nhiệm Thể để lôi kéo toàn thể tầng lớp giáo dân nhập cuộc

Nhìn qua lịch sử Giáo hội, các tông đồ đã huy động được toàn thể các tín hữu vào công cuộc truyền giáo và sống đạo một cách linh hoạt và sống động nhất trong thời kỳ Giáo hội sơ khai cũng như trong giai đoạn Giáo hội bị bách hại. Mọi người đều ý thức mình thuộc về Giáo hội của Chúa Kitô và là một chi thể trong Thân Thể Huyền Nhiệm của Ngài. Nhưng từ sau khi Giáo hội thoát cơn bách đạo suốt ba trăm năm và được vua hoàng đế Constantine phục hoạt và trở thành như một thứ quốc giáo, Giáo hội được cơ cấu hóa theo lối tổ chức của đế quốc Roma. Từ đây ý niệm và tổ chức theo hình thức Giáo hội Nhiệm Thể phai nhạt và loãng tan dần. Trong Giáo hội cơ chế, hàng giáo phẩm đứng ra thống lĩnh tất cả và tầng lớp giáo dân chỉ còn là tầng lớp htụ động tuân hành.

Trước tỉn hình xuống cấp trầm trọng của Giáo hội hiện nay, các nhà thần học và mới đây nhất, Giáo chủ Biển Đức đang mời gọi Giáo hội trở về sống lối sống của Giáo hội Sơ khai, Giáo hội của Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó mọi thành phần, nhất là tầng lớp giáo dân đều là chi thể năng động của Chúa Kitô. Giáo hội đang cố công phục hưng lại Giáo hội Nhiệm Thể để lôi kéo thành phần giáo dân đông đảo vào thực hiện sứ mệnh và trách vụ của Giáo hội. Giáo dân không thể bị coi là thành phần thụ động, bàng quang, mù quáng và bất lực trong Giáo hội được nữa.

Đứng trước trận tuyến mới thật rộng lớn và thâm hiểm do đối phương dàn dựng, mọi tầng lớp trong Giáo hội phải dứt khoát xuất trận và đương đầu gan dạ và kiên trì chiến đấu. Cuộc chiến đấu của chúng ta trải rộng trên nhiều phương diện. Giờ đây chúng tôi xin mạn phép được nêu lên một số các phương diện sau đây:

- Học hiểu thấu đáo về Chúa Giêsu trong Kinh Thánh

Trong trận chiến tư tưởng và văn hóa này, địch quân nhằm xóa bỏ thiên tính của Chúa Kitô và Tân Ước. Như vậy, để xông pha vào trận chiến này, các tín hữu phải được trang bị các kiến thức thâm sâu về Chúa Giêsu. Hơn ai hết, Thánh Giêrônimô đã thâm hiểu và đòi hỏi mọi tín hữu phải học hiểu thấu đáo về Chúa Giêsu trong Kinh Thánh: "Không hiểu biết Kinh Thánh là không hiểu biết Chúa Kitô." Nhìn một cách tích cực, trận chiến này là một ân huệ của Chúa khi Giáo hội khi bị đẩy vào thế phải đi vào học hiểu Chúa Giêsu thật tường tận trong Kinh Thánh. Giờ là thời điểm người tín hữu của Chúa Kitô không thể múa gậy vườn hoang được nũa, nhưng phải thể hiện sống động niềm tin vào Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Và không thể thể hiện niềm tin sống động và làm chứng ta cho Tin Mừng, khi mà những hiểu biết của chúng ta về Thánh Kinh quá nghèo nàn, quá thô thiển, quá nông cạn.

Trên cả nhiệm vụ cai quản Giáo hội và ban phát bí tích, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu và trọng yếu nhất của Giáo hội Chúa Kitô. Tuy nhiên trên thực tế, trách vụ hàng đầu lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chúng ta thử nhìn xem hàng giáo phẩm và các giới chức giáo dân đầu tư vào công việc kiến thiết thánh đường và các cơ sở vật chất hoặc đẩy mạnh các công việc từ thiện bác ái với những số tiền kếch sù, trong lúc dấn thân vào lãnh vực văn hóa và truyền thông lại quá ít ỏi, quá hà tiện và còn có thể nói là con số không. Chúng ta đã đi ngược lại hẳn con đường rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Chúa Giêsu. Tất cả trọng tâm của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng chứ không phải kiến thiết bên ngoài. Vương quốc của Chúa là vương quốc thiên linh chứ đâu phải vương quốc trần gian. Chính Chúa Giêsu đã cặn kẽ dậy dỗ các tín hữu của Ngài: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem... Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4: 21-24).

Ở đây chúng tôi không có ý phê bình hoặc chỉ trích riêng một ai, nhưng thực sự đây là cơ hội để mọi thành phần trong dân Chúa, mọi chi thể trong Thân Thể huyền nhiệm của Chúa hãy làm một cuộc kiểm điểm đời sống, tra vấn lương tâm mỗi chúng ta xem chúng ta có thẩu hiểu và sống lời Tin Mừng của Ngài một cách thiết thân chưa? Vốn liếng của mỗi chúng ta về kiến thức Chúa Giêsu và Kinh Thánh đo lường được bao nhiêu? Chúa Giêsu có hài lòng với chúng ta về số vốn liếng này? Với khí giới kiến thức thô thiển và nghèo nàn của chúng ta về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, chúng ta chiến đấu được với ai đây, chúng ta loan báo Tin Mừng cho ai đây? Như vậy học hiểu thấu đáo về Chúa Giêsu và Kinh Thánh trở thành nghĩa vụ hàng đầu, sách lược ưu tiên của chúng ta trong trận chiến này.

- Cầu nguyện và tận hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể cụ thể trong đời sống và trong các hoạt động

Như chúng tôi mới trình bầy ở trên, cầu nguyện trở thành vũ khí chiến lược và quan yếu nhất trong trận chiến này. Chnúg ta phải tổ chức được các chiến dịch cầu nguyện và các mạng lưới cầu nguyện rộng lớn khắp nơi. Nhiệm vụ trọng yếu này chúng ta không chỉ thực hiện trong trong một giai đoạn nào đó, nhưng vì đây là trận chiến trường kỳ, do đó nhiệm vụ cầu nguyện của mỗi chúng ta cũng là nhiệm vụ trường kỳ.

- Học hiểu về Giáo hội, về Công đồng, về các tài liệu giáo hoàng, nhất là về Giáo hội tiên khởi

- Đòi hỏi sự tham gia tích cực của giáo dân trong Giáo hội cơ chế

- Đề cao Giáo hội Nhiệm thể để lôi kéo tầng lớp giáo dân sống đạo và dấn thân hơn

- Tham gia tích cực vào các hoạt động truyền giáo, bác ái, văn hóa, xã hội, y tế, kinh tế, chính trị...

* Mở ra các khóa hội thảo, đào tạo giáo dân và mở rộng truyền thông để thăng tiến tầng lớp giáo dân về mọi phương diện

* Đoàn kết và đoàn ngũ hoá tầng lớp giáo dân cho chính nghĩa Giêsu, Giáo hội và đất nước.

* Mở rộng các hoạt động chứng từ

Hoàng Quý


Tài liệu tham khảo

- Jimmy Akin, Cracking The Da Vinci Code, Catholic Answers, San Diego, 2004.

- Carl E. Olson & Sandra Miesel, The Da Vinci Hoax: Explosing the errors inthe Da Vinci Code, Ignatius Press San Francisco, 2004

- Darrell L. Bock, PH.D, Breaking the Da Vinci Code, Nelson Books, 2004

- Lee Strobel & Garry Poole, Exploring Da Vinci Code, Zondervan, 2006-05-06

- Richard Abanes, The Truth behind the Da Vinci Code: A Challenging Response to the bestselling novel, Harvest House Publisshers, Oregon, 2004

Phụ chương: Sứ mệnh lịch sử của giáo dân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2006. 10:31