Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phần Ba: Tôn Giáo (3)

§ Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello. Câu chuyện 54-108)

66.- CHÚA SẼ THA THỨ CHO AI?

Một tu sĩ Hồi giáo đạo đức đang đi hành hương ở Mê-ca (Mecca), sung sướng nhận thấy rõ ràng không có ai ở nơi đền thánh hết khi ông tới đó, nên ông có thể sùng bái bằng thích.

Sau khi đã làm xong những bổn phận tôn giáo, ông quì gối xuống, đụng trán tới đất và thưa: “Lạy Chúa Al-la (Allah)! Con chỉ có một ước vọng trong đời. Xin ban cho con ân huệ là đừng bao giờ xúc phạm đến Ngài nữa. ”

Khi Chúa Đại Từ Đại Bi nghe thế, Ngài cười lớn tiếng và nói: “Đó là điều mà mọi người ai cũng xin hết. Nhưng nếu Ta ban cho mỗi người ân huệ này, thử hỏi, Ta sẽ tha thứ cho ai đây?

* * *

Khi người ta hỏi một người tội lỗi về việc anh ta bước vào đền thờ mà không chút sợ hãi, anh đáp: “Không có một người nào mà trời không che; không có một người nào mà đất không chở – và Chúa, phải chăng Ngài chả là đất và trời cho mọi người ư?

67.- NHỮNG CHUYÊN VIÊN MỞ CÁNH CỬA TỪ BI

Một linh mục truyền lệnh cho thầy phó tế tập hợp mười người đàn ông để hát kinh cầu nguyện cho một người bệnh được hồi phục.

Khi họ đã đến đông đủ, có người nói nhỏ vào tai vị linh mục: “Có vài tên ăn trộm khét tiếng trong số những người đó.”

Vị linh mục nói: “Vậy càng hay. Khi những Cánh Cửa Từ Bi bị khép kín thì đây là những chuyên viên sẽ mở ra.”

68.- THUYẾT PHỤC NHỮNG KẺ BẤT LƯƠNG THẾ NÀO

Ngày kia một khách bộ hành đang rảo bước dọc đường, khi một người ngồi trên lưng ngựa cũng lướt qua. Cặp mắt hắn ta trông có vẻ gian ác và máu dính hai tay.

Mấy phút sau một toán kỵ mã rượt theo và muốn biết khách bộ hành có thấy người nào có máu dính tay đi ngang qua không. Họ đang săn đuổi hắn ta một cách ráo riết.

Khách bộ hành hỏi: “Hắn ta là ai?”

Người dẫn đầu toán kỵ mã đáp: “Một tên bất lương.”

“Và các ông theo đuổi hắn ta để đưa ra pháp luật?”

Người kỵ mã dẫn đầu đáp: “Không phải đâu. Chúng tôi theo đuổi hắn ta để chỉ đường cho hắn.”

* * *

Chỉ có sự hòa giải mới cứu vãn thế giới,
chứ không phải sự công lý,
thường khi công lý là một từ ngữ khác để chỉ sự báo thù.

69.- NHÌN THẲNG MẶT TRĂNG

Một đêm kia, thi sĩ A-khoa-đi Kê-man (Awhadi Kerman) đang ngồi trước cổng nhà, cúi xuống trên một chậu nước. Thình lình vị tu sĩ Hồi giáo Sam-ê Ta-bri-zi (Shams-e-Tabrizi) đi ngang qua đó. Thầy hỏi thi sĩ: “Ông đang làm gì vậy?”

Đây là câu trả lời: “Ngắm trăng trong chậu nước.”

“Trừ khi cổ ông bị cụp xuống, tại sao ông không nhìn thẳng mặt trăng ở trên trời?”

* * *

Ngôn từ không phản ảnh thích đáng thực tế.

Một người tưởng mình biết được ngôi đền Ta-jơ Ma-han (Taj Mahal)6 là gì vì được người ta cho xem một miếng đá cẩm thạch và nói ngôi đền chỉ là một tập hợp những miếng đá như thế.

Một người khác vì đã xem thấy nước của thác Nia-ga-ra ở trong một cái xô thì tin chắc là mình đã biết thác đó giống cái gì.

* * *

“Bạn có một cháu bé kháu nhỉ!”
“Chẳng ăn thua gì! Bạn phải xem ảnh của nó kìa!”
Ngôn từ (và ý niệm) là những dấu chỉ,
không phải là phản ảnh, của thực tại.
Nhưng, như những nhà thần bí Đông phương tuyên bố:
“Khi nhà Hiền Triết chỉ mặt trăng,
Những gì người khù khờ thấy là ngón tay!”

(6) Chú thích của người dịch: Đền Taj Mahal ở Agra, bắc Ấn Độ là một lăng mộ có kiến trúc nổi tiếng, đã được vua Jahan cho xây năm 1632 để quàn thi hài vị ái phi của mình.

70.- NGƯỜI SAY RƯỢU NHÌN XUỐNG MẶT TRĂNG

Một đêm kia, một người say rượu lảo đảo qua một chiếc cầu, đụng phải một anh bạn. Cả hai đứng tựa vào cầu và bắt đầu tán dóc một lúc.

Thình lình người say rượu hỏi: “Cái gì ở dưới kia kìa?

Người bạn đáp: “Đó là mặt trăng.”

Người say rượu nhìn lần nữa, lắc đầu bán tín bán nghi và nói: “Được rồi, được rồi. Nhưng quỉ thần ôi, làm sao mà tôi ở trên cao này.”

* * *

Chúng ta hầu như chả bao giờ thấy thực tế.
Điều chúng ta thấy chỉ là phản ảnh của thực tế
dưới hình dạng những ngôn từ và ý niệm,
rồi thì chúng ta tiến hành để coi đó là thực tế.
Thế giới trong đó chúng ta sống
hầu như là một cấu trúc trí tuệ.
Người ta được nuôi dưỡng bằng ngôn từ,
sống bằng ngôn từ,
không có ngôn từ, họ có thể sụp đổ.

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 09.08.2008. 07:36