Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ông Ngô Ðình Diệm Vị Quốc Vong Thân

§ Hà Minh Thảo

Sáng mùng một Tết Quí Mão (1963), những Đại sứ thành viên Ngoại giao đoàn có nhiệm sở tại Sài gòn khi đến Dinh Tổng thống để chúc Năm Mới, đã lưu ý đến một cành đào thật lớn có đính danh thiếp ghi ‘Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ chí Minh tặng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô đình Diệm’. Cành đào này được gởi qua trung gian Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến và được nhận về bởi Đại úy Lê Châu Lộc, tùy viên quân sự Tổng thống. Tại sao Hồ chí Minh đã tỏ thiện chí như vậy ? Phải chăng đây là điềm xấu cho Người ?

I.- CƯƠNG QUYẾT BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA.

Ngày 09.05.1961, Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, khi đến Việt Nam, đã gặp Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Bắt đầu câu chuyện, ông ca tụng ông Diệm là một Churchill của Á châu : « Đối với thế đứng của Hoa kỳ tại Á châu, Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được». Vì cương quyết bảo vệ Chủ quyền Quốc gia và luôn hy sinh để tranh đấu cho sự Độc lập Dân tộc, Tổng thống Ngô đình Diệm đã trả lời rằng ‘Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ. Nhưng, việc gửi Quân đội tác chiến Hoa kỳ đến Việt Nam, ông nhất quyết từ chối : « Nếu quý Vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với đồng bào tôi? Với người Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn ghi sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện Quân đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ tin những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa ». Tháng 11.1961, Đại sứ Frederick Nolting nhận được yêu cầu từ tòa Bạch ốc phải gặp Tổng thống Diệm về vấn đề quân chiến đấu Mỹ (được xem như ‘chia sẽ trách nhiệm’). Nhưng, ông Diệm trả lời : « Chắc Đại sứ cũng hiểu, những đề nghị ấy đụng chạm tới vấn đề trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam không muốn là một nước bị bảo hộ (Vietnam does not want to be a protectorate) ».

Cùng lúc việc bổ nhiệm Henry Cabot Lodge vào chức vụ Đại sứ tại Việt Nam, đám chủ chiến* Mỹ William A. Harriman, Roger Hilsman, George W. Ball, Getsinger và James V. Forrestal đã đồng ký một công điện mang số 243 chỉ thị cho ông Lodge thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô đình Diệm. Đây là loại công điện tối mật cần hành động lập tức (top secret and operation immediate). Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng đã góp ý kiến vào việc soạn công điện này. Công điện đã được đánh đi khẩn cấp vào tối thứ bảy 24.08.1963 ghi rõ: ‘Chính phủ Mỹ không thể để cho Nhu nắm quyền. Chúng ta sẽ cho Diệm cơ hội để tách rời ra khỏi Nhu và bè đảng của Nhu và thay vào đó bằng những nhân vật có khả năng trong giới quân nhân và chính trị có thể tìm thấy. Tuy nhiên, sau khi dùng mọi nỗ lực mà Diệm vẫn khước từ và chống lại, chúng ta sẽ phải đối diện với một khả thể: chính ông Diệm cũng không thể nào được để tồn tại’.

* {Những phản đối từ Tổng thống Ngô đình Diệm không làm ông Kennedy hài lòng, nhưng đã làm bực bội các cố vấn của ông tại tòa Bạch ốc. Chúng biết bản tính Tổng thống là do dự, thiếu cương quyết và dễ thay đổi ý kiến. Các thất bại tại vịnh Con Heo (Cuba) năm 1962, vụ Lào 1962 và Việt Nam 1963 là những thí dụ. Do đó, khi một đề nghị hay quyết định của Tổng thống Mỹ bị Vị đồng nhiệm Việt Nam chống đối là họ tức tối vì chính họ là những kẻ đã soạn thảo những đề nghị hay quyết định đó. Những kẻ hung hãn nhất trong họ là Hillsman và Harriman, những tên thực dân không chấp nhận Tổng thống một nước nhận viện trợ của Mỹ lại dám hành động như Nguyên thủ một quốc gia có chủ quyền. Do đó, chúng đã tìm một lý do để đảo chính chống vị Tổng thống dân cử Việt Nam Cộng hòa và ‘cơ may’ đã đến : Đó là vụ Phật giáo}.

Để hoàn thành ‘vụ Phật giáo’, nhà cầm quyền Washington đã phải dùng ‘hung thần’ Henry C. Lodge (một ứng viên Phó Tổng thống thất cử năm 1960) vào ngôi vị Đại sứ Mỹ tại Sài gòn. Ngày 27.08.1963, khi trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Ngô đình Diệm, hắn đã lên tiếng thăm dò:

1.- Việt Nam nhường hải cảng Cam Ranh cho Hoa kỳ 99 năm ;

2.- Việt Nam chấp thuận để Hoa kỳ đưa 200.000 quân vào lãnh thổ mình ;

3.- Tổng thống Ngô đình Diệm đặt Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa dưới quyền chỉ huy của các Tướng lãnh Quân đội Hoa kỳ ;

4.- Tổng thống Diệm phải đưa ông cố vấn Ngô đình Nhu ra nước ngoài.

Tổng thống Ngô đình Diệm đã lờ đi toàn bộ.

II./ KỲ THỊ PHẬT GIÁO NĂM 1963 : CÓ THẬT hay KHÔNG ?

Ngày 06.05.1963, Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống Quách Tòng Đức theo chỉ thị của Tổng thống đã gởi công điện số 5159 yêu cầu các địa phương áp dụng quy định chỉ treo cờ tôn giáo trong khuôn viên cơ sở tôn giáo. Hôm sau, trong khi Phật tử Huế và Thừa thiên sửa soạn làm lễ Phật đản thì cảnh sát đến tận nhà buộc họ hạ cờ Phật giáo. Sau đó, Phật giáo và chính quyền đã đạt được thỏa thuận cho phép treo Phật kỳ trong ngày lễ Phật đản và những xe thông tin đi loan báo là đồng bào cứ treo cờ như thường lệ. Nhưng lúc đó, bao nhiêu dồn nén trong quần chúng được khơi dậy và họ quyết định sẽ nhân cơ hội này đấu tranh chống chính quyền, đòi quyền bình đẳng tôn giáo và dễ dàng lôi cuốn được mọi Phật tử.

Ngày 08.05.1963, đến dự lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm, Thiếu tướng Lê văn Nghiêm, Tư lịnh Quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, Đại biểu Chính phủ Hồ đắc Khương và Tỉnh trưởng Nguyễn văn Đẳng đều khăn đóng áo dài vừa với tư cách chính quyền vừa với tư cách Phật tử. Trong bài thuyết pháp, Thượng tọa Thích Trí Quang, một vị sư bị các nhà phân tích CIA (Central Intelligence Agency, Cơ quan Tình báo Trung ương) mô tả là một kẻ mị dân, chống Công Giáo (năm 1966, ông xách động đồng đạo mang bàn thờ Phật xuống đường) … lên tiếng công kích chính quyền rất nặng nề và tố cáo sự kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo và có tính cách kêu gọi Phật tử tranh đấu cho Phật Pháp. Lúc 19 giờ 30, Phật tử tụ tập thật đông tại chùa Từ Đàm. Bỗng nhiên ban tổ chức loan báo thay đổi chương trình : thay gì có đốt pháo bông như đã dự định thì mời mọi người đến tập trung tại Đài Phát thanh Huế. Nơi đây, ông Quản đốc Ngô Ganh đang sửa soạn để phát vào lúc 8 giờ 15 chương trình Lễ Phật Đản đã thu thanh trước và đã được kiểm duyệt theo thể lệ chung. Đám đông tập trung quanh Đài Phát thanh, nhiều Thượng tọa, Đại đức và thanh niên Phật tử xông thẳng văn phòng Quản đốc buộc ông phải thay đổi chương trình phát thanh bằng loan đi cuộn băng mà họ đã thu buổi lễ ban sáng với bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang. Ông Ngô Ganh từ chối vì ông chỉ được phép cho truyền thanh những cuộn băng nào đã được kiểm duyệt. Khi đám đông tràn vào sân Đài, ông gọi điện thoại cầu cứu với Thiếu tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh trưởng Nội an. Sau khi nhận lịnh giải tán từ cấp trên, Thiếu tá Sỹ tập họp các đơn vị thi hành lịnh tại sân Tiểu khu và giải thích cho quân nhân các cấp rõ về lệnh dùng súng Garant và lựu đạn MK3. Đây là lựu đạn thuộc loại huấn luyện có mục đích làm cho tân binh quen với tiếng nổ, cũng dùng khi tấn công địch nhưng không có tác dụng giết người và, nếu đứng gần chỗ nổ, có thể bị chói tai và bị thương nhẹ. Đại úy Lê nguyên Phu, Tiểu khu phó, nhắc chỉ ném MK3 nơi không có người như vào bãi cỏ hay gốc cây.

Nhận lịnh từ thượng cấp, các sĩ quan hiện diện đều đồng ý là phải hết sức thận trọng vì đây là vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo, dù có giải tán một cách êm đẹp cũng vẫn bị mang tiếng là đàn áp. Trong lúc họ bàn thảo kế hoạch đối phó thì Đài Phát thanh đang lâm nguy trầm trọng do gạch đá bị đám đông ném, bay vun vút vào. Từ Đà nẵng, Thiếu tướng Nghiêm gọi điện thoại hỏi tình hình và ra lệnh cho ông Sỹ: ‘Việc đã gấp rồi giải tán thì giải tán ngay đi’. Ông Sỹ, sau hai đợt giải tán bằng xe phun nước và Quân cảnh cùng Cảnh sát vô hiệu, đã cho 2 trung đội lính tiến theo đội hình ngang với ba xe phóng thanh kêu gọi đồng bào giải tán, gạch đá tung cùng hàng ngàn tiếng la ó, đả đảo, hoan hô. Tỉnh trưởng Đẳng yêu cầu Thượng tọa Trí Quang : « Thầy dùng micro, Thầy nói dùm như thế này nguy hiểm quá ». Thầy ngần ngại: « Bây giờ tôi phải nói với Phật tử sao đây? ». Đám đông vẫn tiến vào Đài. Thầy Trí Quang đứng ở cửa Đài và nói : « Phật tử cứ bình tĩnh, mọi việc Thầy đang tìm cách giải quyết »… Nhưng vô hiệu.

Thiếu tá Sỹ đi trên xe cơ giới đang tiến vào Đài khoảng 50 thước thì bổng có một tiếng nổ kinh hồn và tiếp theo một tiếng nổ khác. Lúc ấy lối 22 giờ 30. Một cận vệ ông la lớn ‘Nổ ! Thiếu tá coi chừng Việt cộng’. Theo các sĩ quan ở gần Đài thì tiếng nổ làm rung chuyển tất cả và ánh sáng từ phía nổ phát ra một tia sét mà họ đều chưa nghe thấy một tiếng nổ nào lạ tai như vậy. Cảnh tượng trở nên vô cùng hỗn loạn và kinh hoàng. Đồng bào xô đẩy nhau tìm đường thoát thân trong tiếng khóc kêu la… Tám người tử thương, không xác chết nào được toàn thây do sức hơi (soufflement) ép, chứ không bởi mảnh (écletements).

Dựa vào các giảo nghiệm y tế, ngày 09.06.1963, trong một công điện đánh đi tử Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn thông báo rằng phúc trình hoàn tất của Trưởng ty Y tế xác nhận là ‘những người chết hôm 8 tháng 5 là do sự chấn động hơn là do các lựu đạn có mãnh’ (May 8 deaths resulted from concussion than fragmentation grenades).

Không tìm được thủ phạm : chính quyền nghi Việt cộng; Phật giáo buộc tội chính quyền. Hoa kỳ buộc chính phủ phải thỏa mãn 5 đòi hỏi của Phật giáo. Vì Đại sứ Nolting đang nghỉ phép, nên xử lý thường vụ William Trueheart phúc trình, ngày 11.06.1963, về Bạch ốc : 1. Không có dấu hiệu là các lãnh đạo Phật giáo bị ảnh hưởng cộng sản ; 2. Họ xử dụng báo chí ngoại quốc cho cuộc đấu tranh và một số trong họ hy vọng lật đổ chính quyền ; 3. Vẫn còn cơ may Tổng thống Diệm sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề Phật giáo.

Cùng ngày phúc trình được gởi đi, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (hay ‘bị thiêu’, 52 năm sau, nghi vấn vẫn còn đặt ra), một thành công tuyệt vời để báo chí và truyền hình Mỹ, rồi dư luận và, cuối cùng, chính quyền Hoa kỳ kết luận : tại Việt Nam, Phật giáo đang bị bách hại. Lúc xảy ra vụ tự thiêu, Tổng thống Ngô đình Diệm, Chủ tịch Quốc hội và ngoại giao đoàn đang hiệp dâng Thánh Lễ cầu hồn cho Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tại Vương cung Thánh đường do Đức Cha Phao lô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn, chủ lễ. Thánh Lễ vừa xong, Bộ trưởng Nội vụ Bùi văn Lương đến bên ông Diệm để báo tin vụ tự thiêu. Tổng thống khựng lại, mặt biến sắc thương tiếc ‘có gì mà phải làm như vậy !’. Theo giới thân cận xác nhận thái độ Tổng thống lúc đó thật bàng hoàng, đau xót… Là một Kitô hữu đạo đức, Giáo lý Công Giáo không cho phép tự hủy mình, ông thấy mình có phần trách nhiệm.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1971, ông Dương văn Minh tranh cử chống Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và vấn đề ông Diệm chết được đặt ra. Khi được phỏng vấn, ông Minh tuyên bố ông Thiệu phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh em ông Diệm : « Thiệu, lúc đó là một đại tá tham gia cuộc đảo chánh, đã không đem quân vào dinh Tổng thống đúng thời điểm để ngăn chận họ trốn thoát ». Nếu 2 ông bị bắt giữ ngay trong dinh Gia Long, họ đã không bị giết. Đồng thời, một quyển sách tựa đề ‘Làm Thế nào để Giết một Tổng thống’ xuất hiện. Đọc trong đó, chúng ta có giải đáp cho những thắc mắc vụ nổ tại Đài Phát thanh Huế đêm 08.05.1963 :

1./ Thủ phạm mang tên Scott. Tại phiên tòa xử Thiếu tá Đặng Sĩ ngày 02.06.1964, các chuyên viên quân cụ đã phân tích các loại chất nổ M26 và MK3. Giả thuyết M26 đã bị loại và MK3, dù các thẩm phán đặc biệt lưu ý, nhưng rồi cũng bị loại vì, tuy có thể làm chết người do áp lực của hơi nổ, nhưng tác dụng không thể nào đạt tới con số thương vong cao như vậy nhất là ở nơi có khoảng trống.

Năm 1966, Đại úy Scott, cố vấn Tiểu đoàn 1/3 Sư đoàn I Bộ binh, cho biết sự thật. Năm 1965, miền Trung đang sôi động trong ngọn lửa Phật giáo đấu tranh. Nhân một cuộc trò chuyện tình cờ bắt qua chuyện Phật giáo lúc đó, ông Scott nói với Đại úy Bửu đại ý ‘Phật giáo miền Trung sẽ không thành công trong vụ này’ vì không tạo đủ yếu tố để thành công như năm 1963. Tuy có khí giới tinh thần, nhưng không được đồng minh ủng hộ : Hoa kỳ không giúp đỡ Phật giáo nữa. Vụ 1963 thì tôi biết rõ’. Đại úy Bửu hỏi : « Năm 1963, ông ở đâu? ». Scott nói: « Tôi hiểu rõ Phật giáo có thể còn hơn các anh. Tháng 05/63 tôi ở Đà nẵng và đến Huế một ngày trước khi xảy ra vụ nổ tại Đài Phát thanh Huế. Chỉ người ngây thơ tin Việt cộng gây ra vụ nổ đó. Tội nghiệp cho Thiếu tá Sĩ đang ở tù vì bị kết tội đã đàn áp Phật giáo và làm chết 8 Phật tử. Người ta tin đó là tiếng nổ của Plastic Việt cộng hay lựu đạn của chính quyền Việt Nam? Đó là một chất nổ đặc biệt của CIA…

2./ Vợ chồng Bác Sĩ Wuff. Trong cơn hổn loạn sau tiếng nổ kinh hồn tại Đài Phát thanh, một viên chức Mỹ đến hiện trường để lo chụp hình quay phim nhưng bị nhân viên công lực không cho. Vợ chồng Bác sĩ Wuff, người Đức thuộc Đại học Y khoa Huế, xin vào trong Đài để săn sóc nạn nhân nhưng bị từ chối. Ông này đã nhanh tay chụp được mấy tấm hình nạn nhân và vài chiếc xe cơ giới Bảo An đang đậu trước Đài. Đêm đó, họ cắt và ghép những hình này để cho thấy xe cơ giới cán người và, trong nội sáng ngày 09.05.1963, những tấm hình ghép này được gởi về Saigon và mấy ngày sau xuất hiện trên báo chí Tây Đức, Pháp, Mỹ. Một chi tiết cần lưu ý năm 1965, ba Bác sĩ Đức ở Đại học Y khoa Huế kể cả Wuff chụp hình và ráp nối hình đêm 08.05.1963 đều bị an ninh Sư đoàn I thời Tướng Nguyễn chánh Thi làm Tư lịnh, trong một cuộc hành quân tại khu Nam Đồng khánh khám phá được tài liệu mật cho biết rằng họ đều là người Đông Đức vượt qua Tây Đức và là những điệp viên cộng sản thuộc loại quốc tế.

[Mời đọc thêm. Trong khi làm Thủ tướng, Tướng Nguyễn Khánh muốn làm hài lòng Đại sứ Mỹ Henry C. Lodge và Thích Trí Quang, nên đã dùng ‘Tòa án Cách mạng’ để tuyên án tử hình ông Ngô đình Cẩn cùng Trung úy Phan Quang Đông và cả hai bị xử bắn ngày 09.05.1964. Không thể để ‘bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp Công Giáo’ đối với Thiếu tá Đặng Sĩ, ngày 07.06.1964, Khối Công dân Công Giáo đã tổ chức cuộc biểu tình lớn với khoảng cả 100.000 người tại Công trường Lam Sơn. Chiều hôm đó, ông Khánh đã phái Tướng Albert Nguyễn Cao đến gặp Đức Cha Nguyễn văn Bình, Linh mục Trần tử Nhãn, Dòng Chúa Cứu Thế, và gia đình Thiếu tá Đặng Sĩ cho biết : ‘Thiếu tá Đặng Sĩ sẽ không bị tuyên án tử hình và đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên trong ngày mai. Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo mà thôi. Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng dịu, Đặng Sĩ sẽ được trả tự do’.

Ngoài ra, ngày 24.11.1963, Thiếu tá Đặng Sĩ bị bắt, giải vào Sài gòn giam tại Nha An ninh Quân đội. Buổi chiều, ông được đưa đến gặp Thiếu tướng Đỗ Mậu để vị tướng này nói ‘Anh khai cho ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho anh đàn áp Phật giáo ở Huế thì anh sẽ được trả tự do’. Ông Sĩ từ chối vì không đúng sự thật. Hôm sau, một Trung úy đã cho ông Sĩ biết ‘nếu đồng ý khai theo ý của Thiếu tướng thì sẽ được cho vào làm việc tại Sài Gòn, vẫn mang cấp bậc cũ và còn được cho một chiếc xe Peugeot 203 mới nữa’.

Ông Sĩ đề nghị ‘Nếu Thiếu tướng đã chỉ thị rõ ràng như vậy thì xin viết tay ra lệnh cho tôi thì tôi mới thi hành’. Đỗ Mậu viết trên một mảnh giấy nhỏ ‘Lưu ý Đặng Sĩ đừng khai dài dòng, chỉ nói mục đích chính cuộc đàn áp. Hỏi Ngô đình Thục đã ra lệnh cho y khi nào?’. Sau đó, một Đại úy nhắc lại ‘Theo ý của Thiếu tướng, Thiếu tá chỉ khai một lời duy nhất: Chính ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá ngày nào, giờ nào, trực tiếp hay qua trung gian... Chỉ cần viết một trang, rồi ký tên là đủ, không cần dài dòng’. Viết xong, trở về phòng giam, ông Sỹ liên lạc nhờ một người quen ở Nha An ninh Quân đội để nhờ photocopy chỉ thị viết tay của Đỗ Mậu và đem đến trao cho bà vợ ông Sĩ để trao cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình gởi cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hầu báo cho thẩm quyền Mỹ.

Hồ sơ bị bại lộ, Tín hữu Công Giáo biểu tình, Hội đồng Quân nhân Cách Mạng bắt Tướng Mậu rời khỏi Nha An ninh Quân đội. Chiều 07.06.1964, Tướng Nguyễn Khánh đã cho Chuẩn tướng Albert Nguyễn Cao, đại diện cho Hội đồng Quân nhân Cách Mạng, đến thông báo cho gia đình Đặng Sĩ biết Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn đòi hỏi của Phật Giáo. Trong một thời gian, khi tình hình lắng dịu, Đặng Sĩ sẽ được trả tự do.]

Mời chúng ta trở lại cuộc khủng hoảng Phật giáo.

Cuộc thương nghị giữa Phái đoàn Liên phái (Phật giáo do Thượng tọa Thích Tâm Châu làm Trưởng đoàn) khởi đầu từ 14.06.1963 với Phái đoàn Liên bộ (Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và hai Bộ trưởng Nguyễn Ðình Thuần, Bùi Văn Lương). Ngày 16.06.1963, Bản Thông cáo chung được ký kết gồm 5 điểm để giải quyết 5 nguyện vọng do Tổng hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Chữ ký chưa khô mực, ngay chiều cùng ngày, hơn 100 tăng ni, trong đó có Thượng tọa Thích Tâm Châu đã biểu tình trước nhà Đại sứ Mỹ để yêu cầu chính quyền Mỹ và các nước khối Tự do phải áp lực chính quyền Việt Nam thực thi đứng đắn Bản Thông cáo chung. Sau cuộc biểu tình, một số tăng ni lại kéo nhau về Chùa Xá Lợi mở đầu cuộc tuyệt thực… Mỗi lần biểu tình, tuyệt thực và, lại thêm, tự thiêu như vậy cung cấp thêm cho báo chí ngoại quốc những đề tài mới lạ và hấp dẫn.

Do đó, để tái lập trật tự, nhất là để tránh sự ‘nổi loạn’ lan tới giới sinh viên, học sinh, chính quyền Việt Nam phải ra tay bằng tấn công các chùa Xá lợi và Aán quang, những địa điểm tổ chức tuyệt thực và xuất phát các vụ xuống đường, sáng sớm ngày 21.08.1963, do Lực lượng Đặc biệt và Cảnh sát phụ trách. Các đơn vị hành quân truy lùng, bắt giữ đám Cộng sản trà trộn vào các chùa, cũng như các thành phần bất hảo phá rối trị an. CIA đã biết trước cuộc tấn công và báo cho Thượng tọa Thích Trí Quang chạy trốn vào USAID (United States for International Development, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ) và, sau đó, đến Tòa Đại sứ Mỹ để được sự bảo vệ của Henry C. Lodge cho đến ngày 04.11.1963. Đồng thời, Tổng thống cũng ban bố lịnh Thiết Quân luật trên toàn quốc và giao cho Quân đội trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự. Tại Thủ đô, quyền hành được trao cho Thiếu tướng Tôn thất Đính, Tư lịnh Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật, Tổng trấn Sài gòn Gia định.

III./ CÁC TƯỚNG ĐẢO CHÍNH VÌ TỔ QUỐC HAY VÌ THAM LAM?

Sáng ngày 01.11.1963, Tổng thống Ngô Ðình Diệm tiếp kiến một cách thoải mái trong văn phòng của ông với Đại sứ Lodge và Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa kỳ, Đô đốc Harry Felt. Ôâng này đến Sài Gòn như là một cuộc thanh sát thường lệ về sự trợ giúp quân sự cho Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc đó, các tướng lãnh Việt đang âm mưu chống ông Diệm đã dàn cảnh để, nhờ sự có mặt của Felt, để giữ ông Diệm ở trong Dinh suốt buổi sáng. Dinh Tổng thống yên lặng vì các con của ông Nhu đã đi Đà lạt. Chúng đang nghỉ lễ Chư Thánh. Con trai trưởng ông Nhu đang học tại Trường Lason Taberd.

Trưa ngày 01.11.1963, nhân dịp nghỉ Lễ Các Thánh Nam Nữ, tôi đạp xe đ ịnh đi đến Ðất Thánh để viếng nơi an nghỉ của các Sư huynh Dòng Lasan. Nhưng tới ngả tư Cộng hòa và Nguyễn Trãi, các quân nhân buộc phải quay về… Sau đó, qua đài phát thanh Sài Gòn, người dân nghe các tướng tá kể lại các trọng tội mà nhà nước cùng báo chí Mỹ lẫn Hà nội cộng sản gắn cho Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm. Sau đó, từng người trong họ xứng danh mình. Ðược đào tạo bởi thực dân Pháp, nay được phục vụ bọn thực dân Mỹ, họ mơ thành những tướng văn võ vẹn toàn. Nhân danh Quân đội Việt Nam Cộng hòa để đảo chánh, họ làm ô nhục Tập thể Quân nhân vì ‘quân nhân chỉ phục vụ Tổ quốc, chứ không làm chính trị đảng phái. Hơn nửa, tiền của CIA (Central Intelligence Agency, Trung ương tình báo Hoa kỳ).

Ngày 01.11.1963, nhân danh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, các tướng Trần thiện Khiêm, Dương văn Minh… đã sai thuộc cấp nổ súng giết các chiến hữu theo lịnh ngoại bang, như vào các Đại tá Hồ tấn Quyền (Tư lịnh Hải quân), Lê quang Tung (Tư lịnh Lực lượng Đặc biệt) và Thiếu tá Lê quang Triệu (Lực lượng Đặc biệt)… Lối 13 giờ, tên CIA Lucien E. Conein mang vô bộ Tổng Tham mưu một bao tiền là ba triệu đồng và một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Toà Đại sứ Mỹ. Cuộc tạo phản bắt đầu lúc 13 giờ 30…

Trái hẳn với họ, nghĩa cử cao thượng của vị Tổng thống là : Ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa (một Tổ chức dân sự ủng hộ chế độ) có tường thuật : « Khi đảo chính 01.11.1963 khởi diễn, Thiếu tá Nguyễn hữu Duệ (Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ) xin phép Tổng thống đem thiết giáp lên bộ Tổng Tham mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng thống không cho. Lúc đó, tôi đang ở bên Tổng thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Tôi nghe điện thoại và trình lên Tổng thống. Ông la ‘Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ an các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả?’. Tôi thưa ‘Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?’. Ông quát lên ‘Chết thì đã sao’».

Đúng, đối với ông Diệm chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần dần của Miền Nam. Ông còn nói ‘Quân đội là để bảo vệ Tổ Quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng thống’. Tiếp đó, ông Diệm bảo ông Vỹ liên lạc với ông Trương vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triệu tập Quốc hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Ông Vỹ gọi ông Lễ 4 lần nhưng không gặp (Ngày 01.11.1963, Lễ các Thánh là ngày nghỉ). Ngoài ra, thật vậy, khi quân đội bị chia rẽ, khi chính nghĩa bị hy sinh, khi đất nước mất người lãnh đạo anh minh, tài đức, để giao tiền đồ Tổ Quốc vào tay những con người kém tài đức, phản loạn, thì trước sau gì cũng mất về tay cộng sản miền Bắc tháng 4/1975.

{Lúc đó, ngoài Lữ đoàn xin lên tấn công hành dinh phe đảo chính, còn có một đại đội biệt kích Lực lượng Đặc biệt vừa hành quân ở Tây ninh về đến Sài gòn báo cáo lực lượng phòng vệ các tướng đảo chính yếu, nên xin phối hợp với 2 tiểu đoàn Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tổng Thống không chấp thuận.}

Khoảng 19 giờ, ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa, đưa Tổng thống và ông Ngô đình Nhu cùng 2 Đại úy Đỗ Thọ và Bằng (sỹ quan tùy viên) đến nhà ông Mã Tuyên (Bang trưởng người Hoa và Trưởng Thanh niên Cộng hòa quận 5). Tại đây, hai ông Diệm, Nhu và Đại úy Thọ tạm trú qua đêm. Từ nửa đêm cho đến sáng, chuông điện thoại reo liên tiếp. Gần sáng, Tổng thống nói cho ông Mã Tuyên biết Lữ đoàn Phòng vệ đã ngưng tiếng súng rồi. Sau đó, hai ông ngồi cầu nguyện. Sau khi cám ơn ông Mã Tuyên và gia đình, tài xế của ông đưa Tổng thống, ông Nhu và Đại úy Thọ đến nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (còn có tên Cha Tam).

Tại đây, là những tín hữu kính sợ Đức Kitô, Thiên Chúa Chân Thật, Người đã hứa ‘Phúc cho ai xây dựng hòa bình’ thì ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’, nên hai người Công Giáo tốt Ngô đình Diệm và Ngô đình Nhu đã ‘xây dựng hòa bình’ qua việc tham gia vào chính trị xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’. Do đó, ngày 02.11.1963, trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, hai ‘con Thiên Chúa’ này, sau khi gặp Linh mục (là Đức Kitô thứ hai) đã lãnh nhận những Bí tích cuối cùng và Lương thực đi đường, xứng đáng được Chết Lành hầu Linh hồn Gioan Baotixita và Giacobê được Ngôi Hai Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng. Sau đó, Tổng thống nhờ Đại úy tùy viên Đỗ Thọ mượn điện thoại nhà xứ gọi về Tổng tham mưu thông báo là hiện Tổng thống đang ở nhà thờ Cha Tam Chợ lớn.

IV./ NHỮNG KẺ GIẾT NGƯỜI VÀ CHẠY TỘI.

Dù biết ‘Dinh Gia Long thất thủ được coi như chế độ sụp đổ’, nhưng vẫn có đôi ba Tướng còn sợ uy quyền Tổng thống (như Khiêm, Lễ, Oai chủ trương ‘nhổ cỏ phải nhổ tận gốc’) nên nghĩ xa hơn về hậu họa nếu ông Diệm còn sống. Do đó, kế hoạch giết ông được bàn cãi trong Hội đồng Tướng lãnh. Vì tham vọng quyền lợi mỗi người trong họ, nên cuộc thảo luận tạo nên hố chia rẽ bắt đầu đào lên giữa họ. Các tướng ít quyền, do mặc cảm cấp bực thua kém, đã tự động bỏ ra về. Cuộc bỏ phiếu được thực hiện bằng lựa chọn 1 trong 3 ký kiến:

1.- Tha cả 2 và cho đi ngoại quốc.

2.- Giết cả 2.

3.- Giết Nhu, tha Diệm.

Tướng Kim là người đi nhận phiếu, bỏ vào nón của ông. 9 phiếu đầu đòi giết cả hai. Dương văn Minh, cầm lá phiếu trên tay không bỏ phiếu và nói ‘Tôi xin được tha cho Tổng thống và ông Nhu’. Tướng Kim, im lặng một lúc, rồi đề nghị: « Ý kiến anh Chủ tịch là tha cả hai. Tôi đề nghị anh em là nên theo ý kiến của anh Chủ tịch ». Tất cả đều đồng ý tha. Tướng Minh giao cho tướng Khiêm phụ trách việc đón hai ông Diệm và Nhu cùng dặn đưa 2 ông về trình diện Hội đồng Tướng lãnh.

Tướng Khiêm kéo hai Đại tá Dương ngọc Lắm, Huỳnh văn Tồn, và Đại úy Dương hiếu Nghĩa (đều là đảng viên Đại Việt) về phòng riêng để cho biết ý kiến của Mỹ (qua CIA Conein) là phải giết ông Diệm. Sau đó, Lắm và Tồn ra trước để điều động lực lượng. Nghĩa ở lại để Khiêm bàn chi tiết hơn. Khi rời phòng Khiêm, Nghĩa gặp Đại úy Phan hoà Hiệp. Ông này hỏi Nghĩa :

- Có chuyện gì mà hồi nãy anh Lắm nói với tao ‘Ê, các cậu được lịnh vô Chợ lớn đón Tổng thống. Hễ thấy gì thì cũng yên lặng, chớ có lộn xộn coi chừng bay cái đầu đó nghen !’. Nghĩa nói nhỏ ‘Anh Tư Mắt Kiếng (tướng Khiêm) có lịnh giết ông Diệm rồi’.

Lúc 7 giờ ngày 02.11.1963, một đoàn quân xa gồm 3 chiếc Jeep, 2 thiết vận xa M113, 2 quân xa GMC chở đầy lính vũ trang cùng các quân nhân : Tướng Mai hữu Xuân, hai Đại tá Dương ngọc Lắm và Nguyễn văn Quan, bốn Đại úy Nguyễn văn Nhung, Dương hiếu Nghĩa và Phan hòa Hiệp đến nhà thờ Cha Tam để đón hai anh em Tổng thống. Đại tá Lắm chào và nói ‘ Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, chúng tôi đến đón cụ và ông cố vấn’… Đại úy Nhung sai hai lính chạy đến đẩy hai ông lên xe M113 và kéo cửa lên. Tùy viên Đỗ Thọ và Linh mục đi theo hai ông. Sĩ quan tùy viên vừa đưa chiếc cập da cho Tổng thống và Nhung chớp lấy ngay. Sau đó, Nhung đuổi Đại úy Thọ và cha Jean trở lên nhà thờ. Đoàn xe lăn bánh.

Thượng sĩ trưởng xe M113 hỏi nhỏ anh Hạ sĩ xạ thủ đại liên ‘Này mày, sao không để 2 ông ấy đi xe jeep cho tiện, đút vào đây làm chi cho cực ?’. Vị hạ sĩ ghé vào tai tao nói giọng lạnh như tiền ‘Ông ngu bỏ mẹ đi. Nếu người ta muốn ‘đón’ thì đi bằng xe jeep. Còn muốn ‘giết’ thì còn gì kín đáo hơn là hầm chiếc xe này’. Nghe xong, vị Thượng sĩ bất giác lạnh từ xương sống lên tới đầu. ‘Giết ? Sao lại giết? Có gì mà đến nỗi phải giết ? Đối phương đã đầu hàng, đã xin chịu thua, nhất là đã chỉ chỗ cho mình đến mà đưa người ta đi. Vậy thì cách chức, đuổi cổ người ra khỏi nước đã là nhục lắm rồi, cớ chi mà phải giết ?’.

Chiếc M113 rầm rộ rời nhà thờ cha Tam, chạy đến đường Đồng Khánh và tới đường Nguyễn Trãi thì đoàn xe đâu mất, chỉ còn một xe jeep chạy đầu, với ngồi đứng 5, 6 người, súng ống chỉa lên trời, lựu đạn đeo lủng lẳng xem thật hùng dũng. Hết đường Nguyễn Trãi, bước vào đường Võ Tánh và ngừng lại trước trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia, nhưng không một bóng dáng cảnh sát, chỉ toàn binh sĩ Sư đoàn 5, thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Nguyễn văn Thiệu, súng lăm lăm cầm tay canh gác rất cẩn mật. Từ trong một xe jeep khác chạy ra, trên xe có một Đại tá. Ông chỉ tay lên chiếc M113 và ra lệnh:

- Xuống! xuống hết! Tất cả ở ngoài đứng chờ lệnh, chỉ có chiếc xe này được chạy vào với một tài xế và… anh kia.

Theo tay chỉ thì anh kia là anh chàng hạ sĩ xạ thủ đại liên. 8 người trên xe M113 nhảy xuống, đồng số phận với những người trên xe jeep ở bên ngoài... ngắm cảnh. Tưởng đến đây là hết: giết hay giam hai ông ở đây. 20 phút sau, chiếc M113 lại lù lù chạy ra, tới cửa nó chạy chậm lại để lính đu lên, rồi xe rú lên vọt chạy ngược lại đường Võ Tánh rồi quẹo phải, đến đường Cộng Hòa. Mắt chàng hạ sĩ dại đi, mặt tái mét, mười ngón tay như muốn co rúm lại khi vị Thượng sĩ thì thầm bên tai :

- Ông Diệm, ông Nhu đâu ?

- Ở dưới.

- Sao rồi ?

- Ông Nhu bị tra tấn khủng khiếp rồi bị xiết cổ chết bằng dây điện.

- Còn ông Diệm ?

- Ông bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào thùng xe.

- Chết hay sống ?

- Không biết.

- Người ta là ai ?

- Không biết.

Chiếc M113 cùng xe jeep chạy qua đường Pétrus Ký thì tới ngã rẽ Hồng Thập Tự, bên kia là Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương, bên trái là Nguyễn Hoàng, thì gặp lại đoàn xe Đại tá Lắm, các Đại úy Nhung, Hiệp, Nghĩa. Như vậy, đội hình mau chóng được xếp lại. Qua ngả tư Cao Thắng, Hồng Thập Tự, khoảng bên hông bệnh viện Từ Dũ thì tạm ngừng vì bên kia chạy ngược chiều là đoàn xe nhiều chiếc của tướng Mai hữu Xuân. Lúc đó có một số đồng bào thấy lạ nên đổ xô đến. Xuân xuống xe đứng bên này đường, nhìn về xe Đại úy Nhung, ra tay trái 3 lần đưa lên 2 ngón tay, rồi đưa tay phải qua khỏi đầu, ngón tay trỏ được duỗi ra co vào đến 4 lần (giống như bóp cò súng). Nhung gật đầu rồi đưa tay lên chào. Đoàn xe Xuân chạy đi thì 3 chiếc xe bên này cũng lăn bánh. Mới chạy được một quảng ngắn thì phải ngừng vì xe lửa sắp chạy qua.

Trong giây phút chờ đợi, đột nhiên Đại úy Nhung từ trên xe jeep bên hông xe M113 nhảy sang xe này và hét : -Xuống ! Xuống !

Bảo xuống thì tất cả nhảy xuống. Tiếp theo, mọi người bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ. Âm thanh không chát chúa, vì chỉ nổ trong lòng chiếc thiết vận xa M113. Biết chuyện gì đã xảy ra, vị Thượng sĩ ngước mặt lên trời cao xanh thăm thẳm, cắn chặt môi cố ngăn những giọt nước mắt không chảy ra để thấy tâm hồn như bị chẻ đôi, để thấy cõi lòng như đang trải qua cơn giông bão tang thương thê thảm nhất cuộc đời.

Về đến bộ Tổng tham mưu, thi hài hai ông Tổng thống Ngô đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu được đưa vào bệnh xá Bộ Tổng tham mưu để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, Giám đốc bệnh xá và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm thì hai ông Diệm, Nhu bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác ông Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bị bắn. Xác ông Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu. Trước đó, phản tướng Dương Văn Minh có đến bên xác ông Diệm để mở nút quần xem có ‘chim’ hay không.

Lối 10 giờ ngày 02.11.1963, Đài phát thanh Sài gòn loan tin vắn tắt ‘Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ lớn, và đã tự tử!’ Dư luận không tin là nhị Vị tự sát vì ai cũng biết: Tổng Thống Diệm và bào đệ là những người ngoan đạo, mà đạo Thiên Chúa cấm tự sát.

Nghe tin Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, Tổng thống Đài loan Tưởng giới Thạch thương tiếc nói rằng: « Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề về vụ ám sát xấu xa nầy, Trung hoa Dân quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp... Tôi khâm phục ông Diệm, Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu ». Đồng thời, cái chết của anh em Ngô Đình Diệm cũng đã làm cho các lãnh tụ Á châu, đồng minh của Mỹ giật mình. Tổng thống Hồi quốc (Pakistan), Ayub Khan, đã nói với Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon: « Cuộc thảm sát Tổng thống Ngô đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng Minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hưu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa kỳ ».

Ðến chiều ngày 02.11.1963, Hồ Chí Minh, được tin Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát, mừng rỡ ‘Bác cháu sẽ thắng. Ông Diệm là người yêu nước theo kiểu của ông ấy. Tôi không thể nào tin người Mỹ lại ngu ngốc đến vậy’. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nói rõ hơn: ‘Hậu quả của cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 sẽ trái với những tính toán của đế quốc Mỹ... Diệm là một trong số những nhân vật mạnh nhất chống lại nhân dân và Chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những gì có thể làm nhằm cố gắng đè bẹp cách mạng đã được Diệm thực hiện. Diệm là một trong những tay sai có tài nhất của đế quốc Mỹ... Trong số những người chống cộng ở miền Nam Việt Nam hoặc đang lưu vong ở nước ngoài, không ai có đủ tài lực chính trị và khả năng làm người khác tuân phục. Do đó, chính quyền tay sai sẽ không thể vững bền. Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 sẽ không phải là cuộc đảo chính cuối cùng.

Lúc 20 giờ ngày 08.11.1963, Linh mục Claude Larre, Đại diện Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài gòn (Đức Khâm sứ đang họp Công đồng chung Vatican 2), cử hành Thánh lễ An táng cho Tổng thống Gioan Baotixita Ngô đình Diệm và ông Giacôbê Ngô đình Nhu.

Năm 1991, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ xuất bản ‘Foreign Relations of the Unitied States’ Tập IV, 1961 – 1963, về việc tổ chức đảo chánh này. Năm 1995, ‘In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam’, hồi ký của Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara được xuất bản. Năm 1998, Thư viện John F. Kennedy công bố bộ băng thu tại tòa Bạch ốc dài 37 giờ, ghi lại những phát biểu của Tổng thống Kennedy về cuộc đảo chánh. Ba tài liệu đã cho thấy sự thật lịch sử.

Ông McNamara viết sự kiện tại Tòa Bạch ốc như sau khi nghe tin ông Diệm đã bị giết : « Lúc 9 giờ 30 ngày 02.11.1963, chúng tôi gặp Tổng thống để tiếp tục cuộc họp chiều qua, thảo luận về các biến cố. Lúc bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Sau đó, Mike Forrestal từ Phòng Tình hình tông cửa chạy vào. Trạm CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được các nhân vật đối tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn ‘trên đường đến Bộ Tổng Tham mưu... Nhận được tin này, mặt ông Kennedy tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế. Cái chết của hai người ‘đã làm cho ông buồn bực về cả phương diện luân lý lẫn tôn giáo... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam». Đọc xong bản tin, ông Kennedy nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy. Ðó cũng giống như lời Mao Trạch Đông đã nói với Edgar Snow khi đến phỏng vấn năm 1965 rằng Hoa kỳ không chịu nghe lời ông Diệm. Mao cho biết ông và Hồ Chí Minh đều nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm là người có tài. Rốt cuộc, ông hỏi rằng sau khi giết ông Diệm thì chuyện giữa Thiên đàng và Địa ngục có bình yên không? Những ám chỉ trong lời nói của Mao về các biến cố tại Việt Nam chỉ được biết sau khi cả Trung cộng lẫn Việt cộng mở văn khố của họ, nhưng quan trọng hơn, câu nói đó đang tạo rất nhiều vấn đề. Sự xúc động lớn nhất là Hoa kỳ phải đối phó với một khoảng trống chính trị hoàn toàn ở Nam Việt Nam và không có căn bản nào để xúc tiến về bất cứ tiến trình nào phù hợp với các mục tiêu của Hoa kỳ.’ Chiều hôm 02.11.1963, ông Kennedy và vợ con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới ở Rattlesnake Mountain. Khi dùng cơm, bà Mary Gimbel, một người bạn, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu: - Họ đúng là những nhà độc tài.

Ông Kennedy trả lời: - Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ. (Richard Reeves, President Kennedy, Profile of Power, Touchstone, New York 1994, tr. 651).

Ngày 22.11.1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas (Texas).

Sau khi ông Diệm và Cố vấn Nhu bị sát hại, Tổng thống Kennedy nói: «Tôi cảm thấy tôi phải chịu phần trách nhiệm lớn đối với vụ việc, bắt đầu với công điện hồi đầu tháng Tám trong đó chúng tôi gợi ý đảo chính. Theo tôi, công điện đó đã được viết ẩu và lẽ ra không nên gửi nó đi vào thứ Bảy.

« Đáng ra tôi không nên đồng ý mà không có hội nghị bàn tròn để nghe ý kiến của ông McNamara và Tướng Maxwell Taylor ». Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống Kennedy đồng ý phải lật đổ người đồng nhiệm ở Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.

Hà Minh Thảo

Đọc nhiều nhất Bản in 28.10.2017 18:23